Tự động hóa doanh nghiệp trong CMCN 4.0: Khó nhất là thay đổi tư duy người đứng đầu

Tại diễn đàn Công nghiệp lần thứ nhất “Nhu cầu công nghệ trong quá trình sản xuất tự động hóa của các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam” do Viện VKIST kết hợp với Hội Tự động hóa Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam và Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam tổ chức vào ngày 29/8/2018, nhiều chuyên gia cho rằng khó khăn nhất trong tự động hóa doanh nghiệp hiện nay là thay đổi tư duy người đứng đầu.


Dây chuyền sản xuất hiện đại đạt tiêu chuẩn quốc tế GMP –WHO tại công ty cổ phần Dược Trung ương Mediplantex. Nguồn: anvitra.vn

Dựa trên các tiêu chí về công nghệ và sản phẩm của các cuộc cách mạng công nghệ (CMCN), TS. Nguyễn Quân – Chủ tịch Hội Tự động hóa Việt Nam, nhận xét, Việt Nam đang đứng trước ngưỡng cửa CMCN 4.0 nhưng vẫn còn tồn tại một số vấn đề từ các CMCN trước, đặc biệt các yếu tố căn bản của CMCN 2, 3 còn ở trình độ thấp. Do đó, ông cho rằng, “với cơ cấu kinh tế của Việt Nam hiện tại, chắc chắn đến 2020 chúng ta không thể đạt được những tiêu chí của một nước công nghiệp”. Theo báo cáo năm 2017 của Ngân hàng Thế giới, phải đến năm 2035 Việt Nam mới có thể đạt được các tiêu chí này. Mặt khác nền công nghiệp Việt Nam còn tồn tại một vấn đề khác: một số ngành quan trọng như chế biến và chế tạo còn giữ tỉ trọng rất thấp trong cơ cấu (dưới 15%).

Khi Việt Nam ký rất nhiều các hiệp định thương mại tự do, sản phẩm sẽ phải chịu sự cạnh tranh lớn và nếu không ứng dụng công nghệ và tự động hóa để chuẩn hóa và nâng cao chất lượng thì có khả năng thua cuộc cả sản phẩm của các quốc gia cùng khu vực. Vì thế, Việt Nam rất cần các thay đổi về công nghệ. Tuy nhiên khúc mắc lớn nhất trong quá trình này lại là làm thế nào để thay đổi tư duy người đứng đầu doanh nghiệp về tự động hóa, theo ý kiến chung của các doanh nghiệp cung cấp giải pháp công nghệ và tự động hóa. “Mỗi lần thay đổi để đưa một sản phẩm mới vào các doanh nghiệp, cái khó khăn nhất là thay đổi quan điểm của người đứng đầu”, ông Đinh Văn Hiến, tổng giám đốc DKNEC – công ty chuyên sản xuất dây chuyền công nghiệp chế biến thực phẩm, nêu. Đại diện Autotech – công ty chế tạo máy và nâng cấp dây chuyền sản xuất, bà Phạm Thị Hương nói, “họ mới chỉ nhìn thấy là nhân công đang rất rẻ còn chi phí một hệ thống tự động hóa lại rất đắt”.

Cùng chung quan điểm này, bà Đỗ Thị Thúy Hường, Ủy viên BCH Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam, cho biết thêm, các doanh nghiệp FDI đều coi tư tưởng muốn thay đổi của người đứng đầu doanh nghiệp là yếu tố quan trọng nhất chứ không phải là vốn hay công nghệ, chỉ khi người đứng đầu quyết tâm thì mới tìm nguồn vốn để đổi mới công nghệ, đổi mới sản xuất. Đây là tiêu chuẩn quan trọng để các hãng lớn như Samsung, Canon đánh giá lựa chọn doanh nghiệp nội tham gia vào chuỗi cung cấp của họ.

Để góp phần giải quyết vấn đề này, TS. Nguyễn Quân nhiều lần đề xuất các doanh nghiệp vừa và nhỏ khi chưa có khả năng tự thực hiện R&D về tự động hóa thì có thể đặt hàng nghiên cứu từ các viện, các trường đại học. Cách này có thể tận dụng được khoa học công nghệ để giải quyết các vấn đề của bản thân doanh nghiệp trong sản xuất và tạo đầu ra cho nghiên cứu. Viện trưởng Viện VKIST, TS. Kum Dongwha cũng cho rằng với các nước đang phát triển như Việt Nam không cần phải chạy đua theo “chiều dọc” về các công nghệ của CMCN 4.0, mà chỉ cần tận dụng các công nghệ sẵn có trên thế giới và áp dụng vào các sản phẩm thế mạnh của mình.

Tác giả