VCIC trao giải cho 21 ý tưởng ứng phó với biến đổi khí hậu

Cuộc thi Chứng minh ý tưởng do Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Ứng phó với Biến đổi khí hậu (VCIC) tổ chức không chỉ dừng lại ở việc trao giải cho các ý tưởng tiềm năng mà còn ươm tạo chúng thành sản phẩm, mô hình kinh doanh hoàn chỉnh hoặc có quy mô thị trường rộng hơn.

Ngày 20/9 vừa qua Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Ứng phó với Biến đổi khí hậu Việt Nam (VCIC) đã tổ chức lễ trao giải cuộc thi Chứng minh ý tưởng (Proof of Concept – PoC) lần thứ hai với 21 ý tưởng được chọn ra từ hơn 300 đơn đăng ký. Phần lớn các ý tưởng được trao giải năm nay đều thiên về ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất nông nghiệp và xử lý môi trường. Trong đó, có hai ý tưởng xuất phát từ nghiên cứu trong trường Đại học là nhóm nghiên cứu FIMO, ĐHQG Hà Nội với công nghệ giám sát ô nhiễm không khí; nhóm nghiên cứu của TS. Nguyễn Thế Nghĩa, đại học KHTN, ĐHQGHN với turbine gió cho vùng sâu, vùng xa. Còn lại là các dự án mới của những công ty lớn, từng có nhiều kinh nghiệm trên thị trường và các startup. 

17 trong tổng số 21 ý tưởng này sẽ được  VCIC tài trợ tối đa 75.000 USD cho mỗi ý tưởng  và bước vào giai đoạn ươm tạo kéo dài trong vòng một năm. Được biết, kết thúc PoC lần thứ nhất chỉ có 7 trong tổng số 18 doanh nghiệp được nhận tài trợ, tốt nghiệp.

Cuộc thi PoC của VCIC được tổ chức nhằm tìm kiếm những doanh nghiệp khởi nghiệp góp phần giảm thiểu tác động hoặc thích ứng với biến đổi khí hậu hiệu quả, trong đó năm lĩnh vực ưu tiên bao gồm: (i) tiết kiệm năng lượng; (ii) nông nghiệp bền vững; (iii) quản lý và lọc nước; (iv) công nghệ năng lượng tái tạo; (v) công nghệ thông tin và các công nghệ khác phục vụ ứng phó với biến đổi khí hậu.

Các ý tưởng dự thi phải trải qua ba vòng: (1) Nộp hồ sơ: Các ý tưởng khởi nghiệp, vẫn chưa có sản phẩm hoàn thiện đều có thể đăng ký tham dự PoC, ba tiêu chí quan trọng nhất để được chọn là dung lượng thị trường, tác động xã hội, và năng lực của đội ngũ sáng lập; (2) Tiền ươm tạo: Những hồ sơ được lựa chọn sẽ tham dự một khóa đào tạo hai tuần do các chuyên gia của VCIC tổ chức để hoàn thiện hồ sơ của mình. Sau đó họ sẽ được đánh giá và lựa chọn bởi một hội đồng gồm các nhà khoa học, nhà quản lý của Bộ KH&CN và các nhà đầu tư tư nhân để nhận đầu tư và đi tiếp vào giai đoạn sau. (3) Ươm tạo: Các doanh nghiệp sẽ được ươm tạo tối đa là một năm bởi các chuyên gia VCIC. Theo đó, doanh nghiệp phải có kế hoạch và kì vọng cụ thể trong việc sử dụng tài trợ để phát triển ý tưởng lên giai đoạn mới  (có thể là hoàn thiện sản phẩm, hoàn thiện mô hình kinh doanh, mở rộng quy mô thị trường lên một mức nhất định). Đây là cơ sở để VCIC đánh giá xem doanh nghiệp có thể được tốt nghiệp hay không. Sau đó, các doanh nghiệp vẫn có thể nhận được hỗ trợ tư vấn miễn phí của VCIC.


Một buổi đào tạo của VCIC

Trả lời phóng viên Tia Sáng, ông Nguyễn Đình Tiến, chuyên viên thương mại hóa của VCIC, chia sẻ, các chuyên gia của VCIC được lựa chọn từ khối tư nhân, có hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tư vấn doanh nghiệp. Họ phân chia doanh nghiệp tham dự thành hai loại: cần hoàn thiện mô hình kinh doanh và cần mở rộng thị trường để thiết kế chương trình đào tạo phù hợp. VCIC đặt mục tiêu hỗ trợ 48 doanh nghiệp công nghệ sạch trong vòng ba năm đầu hoạt động của trung tâm, qua đó cung cấp các sản phẩm và dịch vụ thích ứng với biến đổi khí hậu cho hơn 1.700 hộ gia đình. 

PoC là một hoạt động của VCIC – nằm trong khuôn khổ Chương trình Công nghệ Ứng phó với Biến đổi Khí hậu của Nhóm Ngân hàng Thế giới. Ra đời vào năm 2015, VCIC hoạt động dưới sự quản lý của Bộ Khoa học và Công nghệ, được Ngân hàng Thế giới tài trợ từ nguồn vốn lên tới 3,8 triệu USD của Chính phủ Úc và Bộ Phát triển Quốc tế Anh (DFID) và hơn 300 nghìn USD từ Chính phủ Việt Nam, kéo dài đến năm 2018.

DANH SÁCH 17 Ý TƯỞNG ĐƯỢC NHẬN TÀI TRỢ

         1

Ứng dụng IoT vào thủy canh hồi lưu trong sản xuất rau sạch theo tiêu chuẩn VietGap – Công ty Cổ phần công nghệ Hachi

2

FIMO Air Pollution monitoring Network – Nhóm nghiên cứu phát triển công nghệ giám sát tài nguyên môi trường

3

Nền tảng cơ sở dữ liệu địa lý không gian dùng chung – MAPDAS

4

Ứng dụng công nghệ thông minh và trí tuệ nhân tạo nhằm tối ưu hóa chuỗi cung ứng tôm – SeA Square

5

Ứng dụng trí tuệ nhân tạo cho các giải pháp giám sát, phân tích và xử lý ô nhiễm cho hầm đường bộ – CTCP Đầu tư và Phát triển công nghệ Trí Nam

6

Hệ thống đèn đường thông minh – CTCP Công nghệ S3

7

Cung cấp trọn gói dịch vụ bếp từ công nghiệp theo mô hình ESCO – CTCP Hà Yến

8

Nghiên cứu chế tạo Turbine gió cho vùng không tiếp cận được lưới điện quốc gia – Nhóm nghiên cứu với đại diện ông Nguyễn Thế Nghĩa

9

Sản xuất đạm tôm, chiết suất tôm làm thực phẩm cho người – CTCP Việt Nam Food Hậu Giang

10

Trông sake trên đất nhiễm phèn, nhiễm mặn ở Bình Thuận – CT TNHH Công nghệ cao Chữ Tâm

11

Quy trình canh tác lúa thông minh – Công ty cổ phần Rynan Technologies Vietnam

12

Ứng dụng công nghệ cao trong bảo quản  rau sau thu hoạch quy mô vừa và nhỏ – TS. Đào Thị Nhung

13

Phát triển vật liệu nano trong nông nghiệp nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu – Hợp tác xã Nông nghiệp Trường Xuân-Evergreen Agricoop Giao Thủy-Nam Định

14

Sản xuất giống lúa chịu mặn thích ứng với biến đổi khí hậu – Nông nghiệp bền vững SHPDU

15

Kỹ thuật nuôi trồng nấm bào ngư trên rơm rạ giảm đốt rơm rạ tại ĐB sông Hồng – Công ty TNHH tư vấn dịch vụ quản lý hành chính và Thương mại quốc tế

16

Phát triển vật liệu nano tổ hợp dùng làm sạch nguồn nước, phòng và trị bệnh cho tôm – Trường Đại học Nông Lâm Huế/ Công ty cổ phần phát triển NTTS Thừa Thiên Huế

17

Hệ thống bơm, lọc nước tự làm sạch trong nuôi trồng thủy sản – Công ty TNHH MTV Dịch vụ và CN Nuôi trồng Thủy sản

DANH SÁCH 4 Ý TƯỞNG CHỈ NHẬN HỖ TRỢ TƯ VẤN

1

Va ly thăm khám tích hợp bệnh án điện tử trên nền tảng đám mây của Công ty Cổ phần Viễn thông NewTelecom

2

Giải pháp tổng đài cloud và chăm sóc khách hàng đa kênh AntBuddy – Tối ưu hoá nguồn lực, giảm tác động đến môi trường thông qua việc tăng cường giao tiếp điện tử, giảm thiểu điện năng tiêu thụ của Công ty Cổ phần AntBuddy

3

Tăm thân thiện môi trường của nhóm tác giả TS. Đỗ Ngọc Chung, PGS. TS. Phạm Hồng Dương, Phạm Thị Hường, CN. Đào Văn Đương, CN. Phạm Thị Ánh Mây

4

Tái sử dụng phế phẩm của nhà máy chế biến thủy sản để sản xuất các chế phẩm sinh học phục vụ nông nghiệp hữu cơ bền vững – Công ty TNHH Sinh học Phương Nam

Tác giả