Worldbank: Đông Á và Thái Bình Dương vẫn duy trì tăng trưởng dù bất ổn toàn cầu tăng lên

Dù môi trường bên ngoài kém thuận lợi, triển vọng tăng trưởng ở các quốc gia đang phát triển khu vực Đông Á và Thái Bình Dương (EAP) vẫn tích cực, theo báo cáo kinh tế khu vực vừa ban hành của Ngân hàng Thế giới. Tăng trưởng ở khu vực Đông Á và Thái Bình Dương (EAP) dự kiến đạt 6,3% trong năm 2018, thấp hơn so với 2017 do tăng trưởng của Trung Quốc tiếp tục chững lại vì nền kinh tế tiếp tục tái cân bằng.

Thành phố Thượng Hải, Trung Quốc.

Chèo lái qua bất ổn, ấn bản tháng 10/2018 của Báo cáo Cập Nhật Kinh tế Khu vực Đông Á và Thái Dương do Ngân hàng Thế giới ban hành hôm nay nhấn mạnh rằng các yếu tố kết hợp như tình trạng căng thẳng thương mại, Hoa Kỳ tăng lãi suất, thị trường tài chính biến động ở nhiều nền kinh tế mới nổi trong những tháng qua đã làm tăng tình trạng bất định về triển vọng tăng trưởng của khu vực. Đồng thời, lạm phát bắt đầu tăng lại trên toàn khu vực, nhất là ở Miến Điện, Phi-líp-pin và Việt Nam.

“Tăng trưởng vững đã, đang và sẽ tiếp tục là yếu tố chính để giảm nghèo và tình trạng dễ tổn thương trong khu vực” theo lời bà Victoria Kwakwa, Phó chủ tịch Ngân hàng Thế giới phụ trách Đông Á và Thái Bình Dương. “Chủ nghĩa bảo hộ và biến động trên thị trường tài chính có thể gây tổn hại đến viễn cảnh tăng trưởng trong trung hạn, trong đó người nghèo và những người dễ tổn thương nhất phải chịu những hệ quả bất lợi nhất. Đây là lúc các nhà hoạch định chính sách trong khu vực phải cảnh giác và chủ động tăng cường khả năng chống chịu và đương đầu của quốc gia.”

Tăng trưởng của Trung Quốc dự kiến sẽ chậm lại còn 6,5% trong năm 2018, sau khi đạt mức tăng trưởng cao hơn dự kiến trong năm 2017. Tăng trưởng ở các quốc gia đang phát triển khu vực Đông Á và Thái Bình Dương (EAP), ngoại trừ Trung Quốc, dự kiến vẫn ổn định ở mức trung bình 5,3% từ năm 2018 đến năm 2020, chủ yếu nhờ cầu trong nước. Tăng trưởng của Thái Lan và Việt Nam dự kiến sẽ đứng vững trong năm 2018 trước khi chững lại trong năm 2019 và 2020 do cầu trong nước mạnh hơn, nhưng cũng chỉ bù đắp được một phần tăng trưởng xuất khẩu ròng chững lại. In-đô-nê-xia giữ được tăng trưởng ổn định nhờ triển vọng về đầu tư và tiêu dùng tư nhân được cải thiện. Tăng trưởng của Phi-líp-pin trong năm 2018 sẽ chậm lại, nhưng đầu tư công tăng lên theo dự kiến sẽ đẩy mạnh tăng trưởng trong trung hạn. Tăng trưởng của Ma-lay-xia dự kiến sẽ chững lại do tăng trưởng xuất khẩu giảm và đầu tư công cũng đang giảm xuống do hủy bỏ hai dự án hạ tầng lớn.

Triển vọng tăng trưởng ở các nền kinh tế nhỏ hơn trong khu vực Đông Á và Thái Bình Dương (EAP) vẫn vững, ở mức bình quân trên 6% mỗi năm tại Cam-pu-chia, CHDCND Lào, Mông Cổ và Miến Điện trong giai đoạn từ 2018 đến 2020. Tăng trưởng Đông Ti-mo dự kiến sẽ khôi phục sau khi bế tắc chính trị được giải quyết còn Pa-pua Niu Ghi-nê dự kiến sẽ phục hồi trong năm 2019 sau trận động đất lớn hồi đầu năm. Tăng trưởng ở các quốc đảo Thái Bình Dương được cho là vẫn tương đối ổn định, dù rất dễ bị tổn thương bởi những cú sốc thiên tai.

“Hội nhập khu vực và toàn cầu khiến cho nhiều nền kinh tế trong khu vực dễ bị tổn thương hơn với những cú sốc bên ngoài. Những rủi ro chính đối với duy trì tăng trưởng vững bao gồm chủ nghĩa bảo hộ leo thang, biến động trên thị trường tài chính tăng lên, kết hợp với tình trạng tài chính và ngân sách trong nước dễ tổn thương,” theo lời của Sudhir Shetty, Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới, phụ trách khu vực Đông Á và Thái Bình Dương. Ông bổ sung thêm “Trong bối cảnh rủi ro tăng lên, các nền kinh tế đang phát triển ở khu vực Đông Á và Thái Bình Dương cần vận dụng đầy đủ các chính sách tái cơ cấu, cẩn trọng kinh tế vĩ mô sẵn có để bình ổn các cú sốc bên ngoài và nâng cao tốc độ tăng trưởng tiềm năng”.

Báo cáo chỉ ra cách tiếp cận theo bốn hướng để các quốc gia đang phát triển khu vực Đông Á xử lý những rủi ro phát sinh nêu trên:

·         Giảm nguy cơ tổn thương trong ngắn hạn và tạo dư địa chính sách. Chủ động theo đuổi các chính sách cẩn trọng vĩ mô để giúp xử lý tình trạng dễ tổn thương ở khu vực tài chính, giảm biến động trên thị trường vốn và quản lý các lĩnh vực gặp nguy cơ biến động tỷ giá. Tỷ giá linh hoạt hơn có thể giúp quốc gia hấp thụ và điều chỉnh theo những cú sốc bên ngoài. Chính sách tài khóa thắt chặt là điều kiện để duy trì và tái tạo dư địa nhằm đối phó với diễn biến xấu trong tương lai mà không gây đe dọa đến bền vững nợ. 

·         Nhân đôi cam kết mở cửa hệ thống đầu tư và thương mại quốc tế dựa trên quy tắc, bao gồm tăng cường chiều sâu hội nhập kinh tế khu vực. Các nền kinh tế trong khu vực có thể được hưởng lợi thông qua tăng cường chiều sâu cảu những hiệp định thương mại ưu đãi hiện có và giảm các hàng rào phi thuế quan. Căng thẳng thương mại tiếp tục leo thang có thể tránh được bằng cách quay sang đàm phán song phương hoặc qua Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).  

·         Tăng cường chiều sâu cải cách cơ cấu, bao gồm tự do hóa một số lĩnh vực quan trọng, cải thiện môi trường kinh doanh và đẩy mạnh năng lực cạnh tra. Tạo sân chơi công bằng giữa DNNN và các doanh nghiệp lớn, giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, qua đó giúp giảm phân bổ nguồn lực không đúng chỗ và tạo việc làm.

·         Tăng cường an ninh kinh tế và đẩy mạnh khả năng lưu chuyển trong nền kinh tế thông qua các chương trình như trợ cấp tiền mặt có mục tiêu, các hệ thống bảo hiểm xã hội bền vững về tài khóa, đồng thời nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ trước khi sinh và phát triển trẻ sơ sinh, tăng nguồn lực cho trường học ở các địa bàn khó khăn để giảm khoảng cách về tiếp cận và chất lượng giáo dục.

Đối với các quốc đảo Thái Bình Dương, báo cáo nhấn mạnh về nhu cầu chú trọng duy trì bền vững tài khóa và bền vững nợ đồng thời tiếp tục tăng cường khả năng chống chịu thiên tai. Điều kiện cần để cải thiện bền vững nợ là duy trì các nỗ lực nhằm tăng cường chính sách nợ và quản lý nợ, cải thiện về quản lý tài nguyên và nâng cao chất lượng chi tiêu. Các bước để giảm thiểu tác động thiên tai trong thời gian tớ bao gồm tạo thêm dư địa tài khóa, cải thiện khả năng ứng phó, quản lý và giảm thiểu tác động khủng hoảng, đồng thời mở rộng các cơ chế đảm bảo xã hội có mục tiêu.

Nguồn tin: Worldbank Việt Nam

Tác giả