Xác nhận bí mật của cây đàn Stradivari

Nghiên cứu mới của các nhà khoa học trường đại học A&M Texas và các đồng nghiệp quốc tế đã xác nhận nghệ nhân làm đàn cự phách Antonio Stradivari và những người khác đã xử lý nhạc cụ của mình bằng nhiều loại hóa chất. Điều đó khiến cho âm thanh của các nhạc cụ này trở nên độc đáo và phần lớn các loại hóa chất đó đều là lần đầu tiên được nhận biết.

Joseph Nagyvary, giáo sư sinh hóa hồi hưu tại A&M Texas, là người đầu tiên đề xuất thuyết các hoạt chất được dùng trong quá trình làm đàn. Đây là nguyên nhân khiến cho các cây đàn Stradivari và những loại khác như Guarneri del Gesu, trở thành các nhạc cụ có âm thanh khác biệt trong suốt hơn 200 năm qua. Nhóm nghiên cứu quốc tế này do giáo sư hóa học tại trường ĐH Đài Loan Hwan-Ching Tai dẫn dắt xuất bản trên tạp chí Angewandte Chemie International Edition”Materials Engineering of Violin Soundboards by Stradivari and Guarneri” 1.

Trong 40 năm làm việc tại A&M Texas, Nagyvary đã chứng minh lý thuyết ông dành nhiều năm tìm kiếm: có một nguyên nhân ban đầu nào đó đã tạo ra âm thanh nguyên sơ, vượt qua khỏi khả năng của người thợ làm đàn xuất sắc nhất, đó là các hóa chất mà Stradivari và những người khác đã sử dụng để xử lý nhạc cụ do tránh bị sâu mọt hại phá hủy vào thời gian đó.

“Mọi nghiên cứu của tôi trong ngần ấy năm đều dựa trên cơ sở giả định là gỗ mà các bậc thầy sử dụng đều trải qua một cuộc xử lý bằng hóa chất cực mạnh, và nó có vai trò trực tiếp trong việc tạo ra được âm thanh tuyệt hay của Stradivari và Guarneri”, Nagyvary giải thích.

Phát hiện của ông đã được xác nhận trong một bài bình luận của Hội Hóa học Mỹ, một tổ chức khoa học lớn bậc nhất thế giới.

Kết quả nghiên cứu của nhóm chứng tỏ các nghệ nhân dùng borax, kẽm, đồng và nhôm – cùng với nước vôi – để xử lý loại gỗ làm đàn.

“Borax có một lịch sử dài được coi như chất bảo quản, nếu chúng ta quay trở lại thời Ai cập cổ đại. Người Ai Cập đã dùng nó trong nghệ thuật ướp xác và sau đó như một chất trừ sâu”, Nagyvary nói.

“Sự hiện diện của các hóa chất này đều cho thấy sự hợp tác giữa các nghệ nhân làm đàn và các cửa hàng bán đàn ở địa phương với người làm thuốc thời đó. Cả Stradivari và Guarneri có thể đều muốn xử lý cây đàn của mình để tránh mối mọt khỏi gặm gỗ bởi vì sự quấy phá của mối mọi lan tràn rất ghê”.

Ông cũng cho biết mỗi người thợ làm đàn đều có thể sử dụng một số phương pháp gia truyền khi thực hiện công đoạn đó trên gỗ.

“Nghiên cứu mới tiết lộ Stradivari và Guarneri đều có phương pháp độc quyền của chính họ trong việc xử lý gỗ”, ông nói. “Họ có thể đã đi đến việc nhận ra là những loại muối đặc biệt mà họ sử dụng để ngâm tẩm gỗ đã làm tăng sức mạnh cơ học đặc biệt và những thăng tiến về mặt âm học. Những phương pháp đó đều được giữ kín. Không có bằng phát minh, sáng chế vào thời điểm đó. Không thể kiểm tra trực quan thành phẩm cuối cùng để suy ra cách gỗ đã được các hóa chất “nhào nặn” như thế nào.

Ông cũng giải thích các công thức làm véc ni không mang bí mật về âm thanh bởi bản thân véc ni không phải là yếu tố quan trọng dẫn đến sự tuyể hảo về âm sắc. Ngược lại, quá trình xử lý các tấm ván gỗ vân sam tươi với những loại hóa chất ngâm trong nước lại tối quan trọng cho âm thanh của cây đàn thành phẩm.

Rất nhiều hiểu biết đóng vai trò là một “thứ lợi thế cạnh tranh” giữa những người thợ làm đàn, ông nói.

Nagyvary cũng cho biết thêm là nhóm nghiên cứu đã tìm thấy các hóa chất thường dùng ở bên ngoài và bên trong các tấm gỗ, không chỉ ở bề mặt của chúng, mà còn tạo ra ảnh hưởng đến chất lượng âm thanh của đàn.

Antonio Stradivari (1644 –1737) đã làm tất cả 1.200 cây đàn trong cuộc đời mình và chỉ bán chúng cho những người hết sức giàu có, bao gồm cả hoàng gia. Ngày nay, còn lại khoảng 600 cây đàn violin Stradivari.

Ít nổi tiếng hơn một chút so với người cùng thời của mình, Guarneri del Gesu lúc sinh thời gặp rắc rối trong việc bán đàn nhưng nhạc cụ của ông hiện cũng được coi là có chất lượng âm thanh và giá cả tương đương với đàn của Stradivari.

“Các cây đàn violin của họ đều không có đối thủ về âm thanh và chất lượng trong suốt 220 năm”, Nagyvary nói và nêu là một cây đàn Stradivari ngày nay có thể được định giá 10 triệu đô la và một cây Guarneri có thể thậm chí còn đắt hơn.

Theo quan điểm của ông, cần có nghiên cứu sâu hơn để xác định thêm các chi tiết khác của việc các hóa chất và gỗ đã cùng tạo ra chất lượng âm thanh nguyên sơ như thế nào. “Đầu tiên, cần có hàng chục mẫu, không chỉ đàn của Stradivari and Guarneri mà của cả những người thợ làm đàn khác của Thời đại vàng (1660-1750) của Cremona, Italy”, ông nói. “Sẽ phải có sự hợp tác hiệu quả giữa những người phục chế bậc thầy về đàn cổ, những thợ làm đàn xuất sắc nhất của thời đại chúng ta, và các nhà khoa học sẵn sàng làm các thí nghiệm trong thời gian rảnh của mình”.

Nagyvary đã tham gia nghiên cứu về đàn violin trong 87 năm cuộc đời mình. Tất cả bắt đầu từ giây phút ông học đàn ở Thụy Sĩ trên một nhạc cụ được cho là từng thuộc về Albert Einstein – giây phút định đoạt việc ông tìm hiểu nhạc cụ trong suốt sự nghiệp nghiên cứu.

Tô Vân tổng hợp

Nguồn: https://phys.org/news/2021-08-secret-stradivari-violin.html

https://www.pennlive.com/nation-world/2021/08/new-research-reveals-the-secret-behind-the-unique-sound-of-a-stradivari-violin.html

—————————————–

1. https://onlinelibrary.wiley.com/doi/10.1002/anie.202105252

Tác giả