An ninh kinh tế quốc gia rồi sẽ đi về đâu?

1. Gần đây, xảy ra nhiều chuyện khiến dư luận hết sức quan tâm. Khởi đầu là cuộc tranh luận có nên cổ phần hóa trường đại học và bệnh viện hay không? Tiếp theo là thông tin về việc Chính phủ lên kế hoạch tháng 9-2007 sẽ tiếp tục phát hành trái phiếu vay thêm 1 tỷ USD từ nước ngoài để hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp Nhà nước (DNNN). Rồi đến tin ở nhiều địa phương người nông dân bỏ ruộng không canh tác. Tin các doanh nghiệp dệt may, ngành xuất khẩu chủ lực của chúng ta, đang phải phụ thuộc quá nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu. Và nhiều chuyện lẻ tẻ khác: chuyện nước tương có chứa chất 3-MCDP; chuyện người dân “khai thác” cáp quang ngầm dưới biển; chuyện khoảng cách giàu nghèo ngày càng rộng; chuyện môi trường ô nhiễm nghiêm trọng.

2. Gom góp các sự kiện này, đặt chúng trong cùng một dòng chảy, chúng ta thấy nổi cộm lên một vấn đề rất đáng lưu tâm: vấn đề an ninh kinh tế quốc gia. Nguy cơ đất nước bị mất quyền tự chủ, lệ thuộc hoàn toàn vào sự điều khiển bên ngoài về kinh tế. Có mấy kịch bản chính mô phỏng sự phụ thuộc này. Thứ nhất, nền kinh tế quốc gia có thể bị bên ngoài lũng đoạn, làm rối loạn dẫn đến thảm kịch phá sản. Chính phủ trở thành con nợ, không đủ khả năng thanh toán. Chính phủ tuyên bố phá sản, toàn bộ tài sản quốc gia ở nước ngoài sẽ bị phong tỏa, tài khoản cũng bị đóng băng… Hoàn cảnh nước Nga thời điểm 14.08.1998 là một ví dụ điển hình. Thứ hai, đất nước bị phong tỏa về kinh tế. Phong tỏa cũng có nhiều kiểu. Có thể mạnh mẽ và toàn diện như người ta đang áp dụng với Bắc Triều Tiên hiện nay và Iran tới đây, nhưng cũng có thể nhẹ nhàng, cấm vận dưới vỏ bọc “cạnh tranh thị trường”. Chiêu sách này đặc biệt hiệu quả với những quốc gia phụ thuộc quá nhiều vào nhập khẩu, đặc biệt là nhập khẩu nguyên nhiên liệu. Thứ ba, quốc gia bị lệ thuộc về lương thực, có nghĩa là sản xuất nông nghiệp không đủ cung cấp cho nhu cầu nội quốc – làm không đủ ăn. Kịch bản này đặc biệt nguy hiểm đối với những nước đông dân và nền nông nghiệp thô sơ kém phát triển. Thứ tư, quốc gia bị lệ thuộc về công nghệ. Rõ ràng, trong nền kinh tế hậu công nghiệp, khi tri thức trở thành một trong những nguồn lực cơ bản để phát triển, ai nắm giữ được tri thức (mà biểu hiện cụ thể là thị trường công nghệ cao) người đó sẽ chiếm ưu thế tuyệt đối. Lệ thuộc nước ngoài về công nghệ, đồng nghĩa với việc chúng ta đang tự nguyện làm “nô lệ kiểu mới” – nô lệ tri thức. Muốn thoát ra khỏi tình trạng này, không có cách nào khác là phải đầu tư đúng hướng vào giáo dục và y tế.
3. Có thể thấy, chúng ta huy động vốn để hỗ trợ doanh nghiệp (DN) phát triển là việc làm cần thiết. Nhưng khi Chính phủ đứng tên vay tiền nước ngoài thay cho DN – có nghĩa chúng ta đang tạo tiền đề để phát triển kịch bản thứ nhất. Các ngành công nghiệp của chúng ta phụ thuộc quá nhiều vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu, có ngành tỉ lệ phụ thuộc lên tới 80-90%. Nếu tình hình tới đây không có gì cải thiện, có nghĩa chúng ta đang tiến vững chắc theo kịch bản thứ hai. Khoảng cách nông thôn – thành thị, giàu – nghèo ngày càng cách biệt; người nông dân không còn mặn mà với đồng ruộng; chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn chưa hợp lý, thiếu cân đối –  đây là đường mòn quen thuộc dẫn đến kịch bản thứ ba. Nếu mê mải với cổ phần hóa trường đại học và bệnh viện, lấy chuyển đổi sở hữu làm mục đích thay cho hiệu quả làm việc, lãng quên nhiệm vụ phục vụ cộng đồng và trách nhiệm đảm bảo an ninh quốc gia, chúng ta sẽ tạo thêm một điểm nhấn trên con đường tụt hậu về giáo dục và y tế – đồng thời tiến thêm một bước theo kịch bản thứ tư.
4. Vậy xác suất xảy ra của những kịch bản này hiện nay là bao nhiêu? Chắc chắn sẽ có bạn cho rằng chúng tôi đã lo lắng hơi quá. Kinh tế Việt Nam đang tăng trưởng tốt, dự kiến vượt ngưỡng 8,5% trong năm nay. Chúng ta vẫn tiếp tục là nước xuất khẩu gạo nhất nhì thế giới. Bà con nông dân, đôi nơi, đôi lúc có chán nản với việc đồng áng, nhưng chỉ là thiểu số. Khoảng cách giàu nghèo có tăng thật nhưng là hệ quả tất yếu của sự phát triển. Chuyện nguyên nhiên liệu cũng thế. Bao lần giá xăng, giá điện, giá đầu vào biến động – thị trường vẫn hết sức ổn định. Trình độ công nghệ của ta tuy có tụt hậu thật, nhưng khả năng nắm bắt công nghệ thì chúng ta đâu có thua kém ai. Giáo dục cũng vậy, từ khi thực hiện “hai không”, toàn ngành đang có nhiều chuyển biến tích cực. Còn y tế, thực ra việc cổ phần hóa bệnh viện hay không, về cơ bản sẽ không làm thay đổi nhiều chất lượng phục vụ đang có như hiện nay. Trên trường quốc tế, thế và lực của đất nước ngày một gia tăng. Chúng ta đang là bạn, là đối tác tin cậy của bạn bè năm châu, bốn biển. Ngày càng nhiều các tập đoàn đa quốc gia đến Việt Nam tìm kiếm cơ hội đầu tư. Vậy, cơ sở nào để hồ nghi về an ninh kinh tế quốc gia?… Thú thực, chúng tôi rất muốn tin xác suất xảy ra của bốn kịch bản nêu trên là bằng 0. Rất muốn tin, rằng Việt Nam sẽ không bao giờ có tên trong bất kỳ kịch bản xâm phạm an ninh quốc gia nào có thể trong tương lai. Nhưng không hiểu, chỉ niềm tin không thôi thì đã đủ chưa?

Những biện pháp để bảo đảm an ninh kinh tế của Trung Quốc

1. Quán triệt và nâng cao ý thức an ninh kinh tế ngay từ khâu hoạch định chiến lược và chính sách.
2. Xây dựng và hoàn thiện công tác dự báo an ninh kinh tế.
3. Duy trì nguồn dự trữ chiến lược thích hợp về vàng, ngoại tệ, lương thực, uranium, một số kim loại hiếm, hóa chất…
4. Tạo mọi điều kiện để cho các xí nghiệp, đặc biệt là các xí nghiệp quốc doanh cỡ lớn và vừa tham gia cạnh tranh quốc tế, bằng cách tăng cường đầu tư vào giáo dục và bồi dưỡng nhân tài, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và công nghệ.
5. Phát huy tác dụng của hoạt động ngoại giao nhằm bảo vệ an ninh kinh tế quốc gia, giải quyết các mâu thuẫn và xung đột lợi ích thông qua đối thoại và hiệp thương.
6. Tích cực khai thác thị trường quốc tế, tăng cường khả năng dự phòng rủi ro kinh tế cho các xí nghiệp của Trung Quốc.
7. Kịp thời chuẩn bị các số liệu kinh tế quan trọng, để đưa ra các quyết sách đầu tư đúng.
8. Đẩy mạnh phát triển khoa học kỹ thuật và công nghệ cao. 9. Tích cực nghiên cứu vận dụng các hiệp nghị và pháp luật quốc tế.
 (Theo Thời Báo Kinh tế Việt Nam)

Nguyễn Văn Minh

Tác giả