Ba đóng góp mang đến giải Nobel cho Deaton

Vài thập kỷ trở lại đây, những nghiên cứu về phân phối tiêu dùng giữa các cá nhân – chủ đề có ảnh hưởng lớn tới nhiều vấn đề chính trị - kinh tế - xã hội quan trọng, trong đó có nghèo đói và bất bình đẳng – đã đạt nhiều tiến bộ do sự đóng góp đáng kể của các nhà kinh tế, mà nổi bật nhất là Angus Deaton. Ba cống hiến quan trọng nhất sau đây đã mang về cho ông giải Nobel Kinh tế năm nay.  

Tạo công cụ nền tảng để phân tích nhu cầu tiêu dùng

Trước tiên là cống hiến của Deaton trong việc đưa ra phương pháp nghiên cứu định lượng về các lựa chọn tiêu dùng của con người đối với các hàng hóa khác nhau, giúp cải thiện năng lực ước tính của kinh tế học về nhu cầu của người tiêu dùng. Từ lâu, một vấn đề cơ bản vẫn luôn thu hút sự quan tâm của các nhà kinh tế là mức ảnh hưởng từ những biến động của các loại giá cả, thu nhập, đối với nhu cầu tiêu dùng – những mức độ ảnh hưởng này nếu được dự đoán chính xác sẽ vô cùng hữu ích cho những người xây dựng các chính sách liên quan tới giá cả, thu nhập, thuế, v.v.

Với bài toán cho một cá nhân/gia đình thì việc xây dựng mô hình phân tích sẽ khá đơn giản, nhưng với tổng cầu của tất cả người tiêu dùng thì câu chuyện trở nên phức tạp hơn nhiều. Do đó, để thuận tiện tính toán và phân tích, trước Deaton, người ta thường mặc định rằng tất cả các cá nhân đều có khẩu vị, sở thích tương tự nhau, theo đó bài toán về tổng cầu của tất cả người tiêu dùng thực chất là bài toán về nhu cầu một cá nhân “đại diện”. Nhưng tới thập kỷ 1970 người ta nhận thấy mô hình giản lược này không phản ánh đúng thực tế những dữ liệu tổng thể tiêu dùng: nó cho thấy người tiêu dùng hành xử một cách phi lý, hoặc là mô hình có sai sót đâu đó chưa ai lý giải được.

Đứng trước vấn đề này, cùng với John Muellbauer, năm 1980 Deaton đã đưa ra mô hình Hệ thống Nhu cầu Hầu như Hoàn hảo (Almost Ideal Demand System, viết tắt là AIDS), với một hệ phương trình có tính linh động cao hơn các mô hình trước đây. Đến nay, nó trở thành công cụ nền tảng để đa số các chính phủ phân tích đánh giá tác động kinh tế từ các chính sách, với lợi thế cơ bản là cho phép tính đến những dị biệt đa dạng giữa các cá nhân, mặt khác vẫn đảm bảo được tính căn bản và khái quát cao, cho phép ứng dụng rộng rãi ở các nền kinh tế khác nhau.

Khởi phát một cuộc cách mạng kinh tế lượng

Đóng góp quan trọng thứ hai của Deaton là những nghiên cứu của ông về tổng tiêu dùng (aggregate consumption), đã giúp mở đường cho cuộc cách mạng kinh tế lượng vi mô trong nghiên cứu về tiêu dùng và tiết kiệm qua chuỗi thời gian. Trước đây, người ta cho rằng theo thời gian, tiêu dùng không dao động mạnh như thu nhập, bởi người tiêu dùng luôn kỳ vọng thu nhập về lâu dài của mình sẽ bình ổn, và rằng người tiêu dùng luôn có khả năng vay mượn theo cùng một lãi suất để duy trì tiêu dùng ở mức ổn định mong muốn. Nhưng Deaton đã chỉ ra thực tế là dữ liệu về mức biến thiên của tổng tiêu dùng không ủng hộ cho quan điểm này, qua đó cho thấy để nghiên cứu về tổng tiêu dùng, người ta cần tiếp cận theo cách khác, phải thay đổi giả định về thu nhập tự bình ổn trong lâu dài, cũng như giả định rằng mọi người đều có thể vay mượn với lãi suất cố định như nhau.

Deaton đưa ra mô hình mới trong thống kê và phân tích kinh tế, giúp phản ánh sự điều chỉnh trong hành vi tiêu dùng của các nhóm người khác nhau khi các điều kiện kinh tế thay đổi, cho thấy nếu chỉ phân tích dựa trên dữ liệu vĩ mô thì sẽ không thể nhận ra tác động riêng đối với từng nhóm cụ thể, nhất là khi những tác động này bù trừ lẫn nhau nên không thể hiện ra trên bình diện tổng thể. Như vậy, việc quá mức dựa dẫm vào bộ dữ liệu thống kê vĩ mô ở tầm quốc gia, dù rất phổ biến và thuận tiện, sẽ dẫn tới những phân tích sai lệch, trong đó có việc không thấy được tình hình bất bình đẳng giữa các nhóm trong xã hội.

Tuy nhiên, việc liên tục điều tra và dõi theo lựa chọn của một nhóm lớn các hộ gia đình trong khoảng thời gian vài thập kỷ là điều hết sức khó khăn và tốn kém. Bởi vậy, Deaton đã tạo một bước đột phá về thống kê, khi chỉ cần tiến hành những cuộc điều tra ngẫu nhiên, với mức độ thường xuyên vừa phải. Ông đã thiết kế phương pháp lập bảng cho dữ liệu chéo (cross-section data), cho phép tiến hành nghiên cứu hành vi cá nhân qua chuỗi thời gian ngay cả khi không có dữ liệu bảng đầy đủ.

Thay đổi cách tiếp cận trong nghiên cứu về nghèo đói và phát triển

Đóng góp thứ ba của Deaton là tiên phong trong việc sử dụng dữ liệu khảo sát các hộ gia đình ở các nước đang phát triển, đặc biệt là dữ liệu về tiêu dùng, nhằm đo lường mức sống và đói nghèo. Theo nhận xét của Ủy ban trao giải Nobel Kinh tế 2015, Deaton đã giúp thay đổi diện mạo kinh tế phát triển, từ một ngành thiên về lý thuyết chuyên sử dụng dữ liệu vĩ mô, trở thành một ngành thiên về thực nghiệm dựa trên dữ liệu kinh tế vi mô chất lượng cao1. Ông cho thấy giá trị của việc sử dụng dữ liệu về mức tiêu dùng để phân tích tình trạng phúc lợi xã hội của người nghèo, đồng thời chỉ ra những khiếm khuyết của các nhà kinh tế khi so sánh mức sống ở những bối cảnh thời gian, địa điểm khác nhau.

Đơn cử như trong thập kỷ 1990, Deaton hợp tác với Shankar Subramanian cùng thẩm định kết quả các cuộc khảo sát thực đơn thường ngày của các hộ gia đình Ấn Độ. Nghiên cứu của hai ông đã chứng minh rằng những gia đình nghèo khổ nhất ở Ấn Độ vẫn hoàn toàn có khả năng kiếm đủ lương thực-thực phẩm cần thiết hằng ngày. Kết quả nghiên cứu này đã bác bỏ giả thuyết bấy lâu nay trong kinh tế học, rằng suy dinh dưỡng là một trong những nguyên nhân chính gây ra sự nghèo khổ. Kết quả trên cũng mở ra một xu hướng nghiên cứu mới để trả lời câu hỏi: vì sao vẫn có nhiều gia đình nghèo ở trong tình trạng suy dinh dưỡng.

Những công trình công phu của Deaton, cách tiếp cận nghiêm khắc, kỹ lưỡng của ông trong khảo sát và sử dụng dữ liệu giành được sự ngưỡng mộ đặc biệt từ các nhà kinh tế khác. Christina Paxson, từng là đồng tác giả với Deaton trong nhiều nghiên cứu, hiện là Chủ tịch Đại học Brown, nhận xét, các nghiên cứu của Deaton góp phần xác lập “quan điểm rằng nghiên cứu về kinh tế phát triển là công việc có thể được tiến hành một cách nghiêm khắc, ở chuẩn mực rất, rất cao.” 2 Từ MIT, Abhijit Banerjee, nhà tiên phong mới trên lĩnh vực nghiên cứu về đói nghèo, ca ngợi công lao của Deaton trong việc vận dụng sức mạnh của dữ liệu: “Ông đã cho chúng ta thấy rằng những bằng chứng đầy chi tiết, được tập hợp công phu, và trình bày một cách thuyết phục, có thể là liều thuốc mạnh mẽ giúp chống lại những tư duy duy ý chí, định kiến, và lười biếng“3

Những năm gần đây, với tư duy sắc sảo và tâm tư trăn trở dành cho chủ đề chống đói nghèo, Deaton thường xuyên lên tiếng phản đối trợ cấp nước ngoài dành cho các nước đang phát triển. Ông cho rằng trợ cấp nước ngoài làm méo mó các thị trường bản địa, tạo môi trường tham nhũng, và kéo dài sự trì trệ, chậm cải tổ ở các chính quyền.

Các nghiên cứu của Deaton trải trên một diện rộng, giải quyết nhiều vấn đề có ý nghĩa thực tiễn quan trọng, với nhiều đóng góp ảnh hưởng tới các nhà hoạch định chính sách phát triển ở các nước đã phát triển cũng như đang phát triển. Thành tựu nghiên cứu của ông bao gồm từ những lý thuyết sâu sắc, cho tới những đo lường chi tiết tỉ mỉ nhất. Tinh thần chung là sự kết nối giữa lý thuyết và đo lường, kết nối dữ liệu vi mô với vĩ mô bằng những phương pháp thống kê thích hợp. (Trích đánh giá của Ủy ban trao giải Nobel kinh tế 2015)

Chú thích:

1: http://www.nobelprize.org/nobel_prizes/economic-sciences/laureates/2015/advanced-economicsciences2015.pdf

2, 3: http://www.washingtonpost.com/news/wonkblog/wp/2015/10/12/princeton-professor-angus-deaton-wins-nobel-prize-in-economics/

 

 

Tác giả