Bài toán kinh tế Trung Quốc từ chiếc máy iPhone

Tháng trước, trong khi người tiêu dùng đang háo hức làm quen với chiếc Iphone 4 của Apple thì một nhóm các nhà nghiên cứu ở thung lũng Silicon lại đang tiến hành một công việc hoàn toàn nghiêm túc.

Họ tháo tung vỏ điện thoại ra và phân tích từng thành phần bên trong của mẫu điện thoại mới này nhằm xác định danh tính của các nhà cung cấp linh kiện chính của hãng Apple. Những báo cáo này đã cung cấp một cái nhìn tổng quát về phương thức sản xuất của công ty.

Phân tích mới nhất chỉ ra rằng phần chi phí nhỏ nhất của Apple là ở Thâm Quyến, nơi những người công nhân lắp ráp theo dây chuyền các bộ phận như mạch vi xử lý từ Đức và Hàn Quốc, bộ xử lý bắt tín hiệu Wifi và sóng điện thoại làm từ Mỹ, màn hình cảm ứng từ Đài Loan, cùng với hơn 100 linh kiện khác.

Nhưng điều kết quả nghiên cứu không nói đến là công nghiệp sản xuất ở Trung Quốc dự kiến sẽ đòi hỏi chi phí cao hơn. Chi phí nhân công tăng mạnh do sự thiếu hụt nhân công cùng tình trạng bất ổn do người lao động đòi hỏi lương cao, kèm theo đồng Nhân dân tệ lớn mạnh không ngừng khiến xuất khẩu trở nên đắt hơn, chưa kể lạm phát và chi phí nhà đất cũng tăng mạnh. Tất cả những điều này đang là mối đe doạ đối với sự tăng lên nhanh chóng về giá cả của các thiết bị đang được gia công như máy tính xách tay, máy ảnh kỹ thuật số và điện thoại smartphone.

Nhiều chủ nhà máy đã bắt đầu chuyển cơ sở sản xuất khỏi trung tâm sản xuất hàng điện tử ở Thâm Quyến, dời về những vùng ở phía Tây có mức chi phí thấp hơn, hoặc thậm chí sâu trong các khu vực miền núi của Trung Quốc.

Vào cuối tháng sáu, một nhà quản lý của Foxconn Technology- một trong những xưởng sản xuất chính của hãng Apple đã nói công ty dự định giảm chi phí bằng cách di chuyển hàng trăm ngàn công nhân từ Thâm Quyến tới một số khu vực khác của Trung Quốc, trong đó có tỉnh Hà Nam.


Bảng phân tích chi phí sản xuất iPhone, trong đó chi phí lắp ráp chiếm một phần rất nhỏ

Tuy công lao động trong dây chuyền lắp ráp sau cùng của chiếc máy iPhone chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng chi phí – khoảng 7% theo một số đánh giá – nhưng các nhà phân tích cho biết rằng hầu hết các công ty trong chuỗi cung ứng của Apple bao gồm các nhà sản xuất chip, sản xuất pin và những khuôn đúc bằng nhựa và cả những bảng mạch in đều trông chờ vào chi phí rẻ từ các nhà máy Trung Quốc để duy trì mức giá thấp. Và có lẽ hiện tại, các nhà máy đó sẽ phải nâng cao giá bán để bù đắp cho phần chi phí tăng thêm của họ.
“Những công ty hàng điện tử đang cố gắng tìm lời giải cho trước vấn đề gia tăng chi phí” nhận định từ bà Jenny Lai, chuyên gia phân tích công nghệ ở Ngân hàng Đầu tư CLSA tại Hồng Kông. “Họ vốn đã cố gắng xiết chặt chi tiêu, nên nếu phải tăng chi phí hơn nữa thì không phải là điều dễ dàng”.

Apple có khả năng trang trải các khoản chi phí tăng thêm tốt hơn đa số các hãng khác do biên lợi nhuận lên đến 60% cùng với quyền định giá,  Nhưng theo một số phân tích thì nhìn chung các hãng chế tạo máy tính cá nhân, điện thoại di động và các sản phẩm điện tử khác – bao gồm Dell, Hewlett-Packard và LG – phải đối mặt với biên lợi nhuận mỏng hơn nhiều. Bà Lai cho biết: “Thách thức sẽ đến với họ ngày một nhiều hơn”. Hầu hết các ngành công nghiệp khác, từ may mặc, đồ chơi, đến các vật dụng gia đình, đều đang chịu những áp lực đáng kể.

Có thể hiểu được những thay đổi sâu sắc đang diễn ra ở miền Nam Trung Quốc bằng cách lần theo chuỗi cung ứng của iPhone 4, chiếc điện thoại được thiết kế bởi các kỹ sư của hãng Apple ở Mỹ, đặt hàng các linh kiện công nghệ cao trên khắp thế giới và lắp ráp ở Trung Quốc. Khi được vận chuyển về Mỹ, iPhone có giá bán 600 USD, tuy nhiên giá bán sẽ thấp hơn nếu người mua iPhone ký hợp đồng sử dụng dịch vụ di động với hãng AT&T.

“Trung Quốc không hưởng lợi bao nhiêu từ quy trình này”, nhận xét từ Jason Dedrich, giáo sư Đại học Syracuse và tác giả của nhiều nghiên cứu về chuỗi cung ứng của Apple . Phần lớn giá bán của một sản phẩm cao cấp sẽ chạy vào túi các công ty nằm ở khâu đầu và cuối quy trình, bao gồm kẻ giữ thương hiệu, các nhà phân phối và bán lẻ.

Theo bản phân tích chi phí do công ty nghiên cứu thị trường iSuppli ở El Segundo, Caliornia (Mỹ) thực hiện, phần lớn khoản tiền Apple phải trả cho chiếc Iphone 4 chảy về các công ty cung cấp các loại vi mạch như Samsung và Broadcom, là các đơn vị cung cấp các thành phần quan trọng như bộ vi xử lý và  chip bộ nhớ flash của thiết bị.

Theo Isuppli, trong chiếc điện thoại Iphone 4 này có hơn một tá thẻ vi mạch tích hợp, chiếm đến 2/3 chi phí sản xuất của thiết bị.

Ví dụ như, Apple phải trả Samsung khoảng 27 USD cho một thẻ nhớ flash và 10.75 USD cho bộ xử lý các ứng dụng (theo thiết kế của Apple); Đồng thời một nhà sản xuất bộ vi xử lý của Đức mang tên Infineon kiếm được 14.05 USD cho một bộ vi xử lý gửi và nhận các cuộc gọi điện thoại và dữ liệu. Hầu hết các bộ phận điện tử có chi phí ít hơn nhiều. Gyroscope, thiết bị cảm biến định vị mới có ở iPhone 4, được chế tạo bởi STmicroelectronics, có trụ sở tại Geneva, chỉ góp 2.60 USD vào tổng chi phí.

Theo iSuppi, tổng chi phí cho các vật liệu trên chiếc iPhone với giá 600 USD – những vật dụng được gửi tới dây chuyền lắp ráp cuối cùng – là 187.51 USD.

Phần chi phí ít tốn kém nhất của cả quá trình là khâu gia công và lắp ráp. Quá trình này thường được thực hiện ở miền Nam Trung Quốc, nơi công nhân được chưa đến 1 USD mỗi giờ để lắp ráp và đóng gói sản phẩm cho những thương hiệu nổi tiếng nhất thế giới.

Và không có công ty nào làm việc này tốt hơn Foxconn, một nhánh con thuộc tập đoàn Hon Hai Group của Đài Loan, công ty chuyên gia công hàng điện tử lớn nhất thế giới.

Với 800.000 công nhân chỉ riêng ở Trung Quốc và nhiều hợp đồng cung ứng cho Apple, Dell và H.P., Foxconn là một hãng điện tử khổng lồ chuyên cung ứng và thiết kế các bộ phận, và đặc biệt là áp dụng quy mô lớn với tính hiệu quả theo kiểu kỷ luật quân đội để lắp ráp và nhanh chóng đưa nhiều chủng loại sản phẩm ra thị trường.

Giáo sư Dedrick nhận xét rằng: “Họ giống như các cửa hàng Wal- Mart. Lợi nhuận biên thấp và khối lượng gia công lớn, họ tồn tại nhờ tính hiệu quả”.

Những người tiêu dùng hầu như không biết đến các công ty gia công theo hợp đồng. Nhưng đây là ngành kinh doanh trị giá 250 tỷ USD, bao gồm chỉ một số lượng ít công ty như Foxconn, Flextronics và Jabil Circuit  đang gia công và lắp ráp cho hầu như tất cả mọi hãng điện tử trên toàn cầu.

Các nhà phân tích nghiên cứu cho biết các công ty gia công cạnh tranh về giá một cách dữ dội để kiếm được những biên lợi nhuận nhỏ về mình. Và họ tìm cách tăng lợi nhuận từ những điều chỉnh chi ly trong các quy trình hoạt động.

Khi công ty đang hoạt động với biên lợi nhuận mỏng giống như những công ty gia công theo hợp đồng như vậy thì chi phí nhân công tăng vọt là một khó khăn lớn. Tiền lương ở Trung Quốc đã tăng hơn 50% từ năm 2005 tới nay, các nhà phân tích cho biết, và năm nay dưới sức ép từ chính quyền địa phương và những công nhân cảm thấy đã bị trả lương thấp từ quá lâu, các nhà máy đã phải nâng lương thêm 20-30% nữa.

Kể từ năm 2005, đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc đã tăng giá đáng kể so với đồng USD, và sau 2 năm trì hoãn của Bắc Kinh, các nhà kinh tế học dự kiến đồng Nhân dân tệ sẽ tăng giá trị khoảng 3-5% mỗi năm trong vài năm tới.

“Để lắp ráp một máy tính H.P. cần tới 3.000 quy trình công đoạn, theo Isaac Wang, nhà phân tích của iSuppli tại Trung Quốc. Nếu những công ty gia công theo hợp đồng có thể tìm cách để tiết kiệm 10% số quy trình, thì cũng đã tiết kiệm được một khoản đáng kể.”

Những công ty gia công theo hợp đồng như Foxconn đang tìm cách để giảm chi phí. Foxconn đang xem xét việc tiến vào lục địa, nơi mức lương thấp hơn 20-30%. Công ty cũng chi nhiều vào việc tự gia công nhiều bộ phận, kim loại và khuôn được dùng trong thiết bị cầm tay và máy tính, thậm chí cố gắng tìm những nguồn vật liệu thô lớn và rẻ hơn.

“Chúng tôi hoặc là thuê lại các công ty khác gia công một số linh kiện hoặc là tự nghiên cứu và tự sản xuất linh kiện của mình”, khẳng định từ Arthur Huang, người phát ngôn của Foxconn . “Chúng tôi cũng ký hợp đồng với các mỏ nằm gần nhà máy của mình”

Nhiều nhà phân tích lạc quan cho rằng các thương hiệu lớn sẽ tìm ra những cải tiến mới để cải thiện lợi nhuận. Nhưng ngày càng nhiều ý kiến tỏ ra hoài nghi đối với mô hình gia công ở Trung Quốc, nơi công nhân phải làm việc 10-12 giờ mỗi ngày, 6-7 ngày mỗi tuần. 

“Chúng tôi đã kết luận rằng mô hình sử dụng nhiều nhân công của Hon Hai là không bền vững” khẳng định từ ông Wang từ iSuppli. “Cho dù nó có thể tiếp tục thuê từ 800.000 đến một triệu công nhân, nhưng vấn đề là những công nhân này không thể cứ tiếp tục làm việc theo kiểu bị vắt kiệt sức trong một hệ thống thiếu nhân đạo như vậy”.

Trung Quốc không còn ủng hộ mô hình gia công rẻ tiền, theo các nhà phân tích, vì nó không mang lại lợi nhuận lớn cho các doanh nghiệp và quốc gia”. “Trung Quốc không còn muốn làm công xưởng của thế giới nữa”, nhận định từ Pietra Rivoli, giáo sư ngành kinh doanh quốc tế của Đại học Georgetown và là tác giả của cuốn “Những hành trình của một chiếc áo không cổ trong nền kinh tế toàn cầu”, “Thù lao cao nhất luôn dành cho tri thức”.   
   

Tác giả