Cái bẫy cuối cùng của khủng hoảng tài chính châu Á 1997?

Trước năm 1997, kinh tế ở các nước Đông Á có thể nói là rất ổn, vẫn tiếp tục phát triển sau một thời gian dài tăng trưởng ngoạn mục. Ngoại trừ một số vướng mắc nho nhỏ, như sự gắn chặt đồng nội tệ với đồng USD, chính sách tự do tài khoản vốn, lỏng lẻo trong kiểm soát tài chính... Thế mà, đùng một cái – khủng hoảng tiền tệ. Trước hết, đồng Baht mất giá thê thảm ở Thái Lan, sau đó nhanh chóng lan tỏa sang Hàn Quốc, Indonesia, rồi tới Hồng Kông, Malaysia, Philippines. Không dừng lại, chỉ mấy tháng sau, cuộc khủng hoảng đã mang tính toàn cầu khi lôi kéo Nga, Brasil vào vòng xoáy. Rất may, cùng với Trung Quốc, Đài Loan, Singapore, Việt Nam nằm trong nhóm các nước ở châu Á ít bị ảnh hưởng nhất.1 Vì sao khủng hoảng lại xảy ra nhanh như vậy? Đây là hiện tượng mang tính qui luật tất yếu hay có một bàn tay tàng hình nào đó giật dây? Thực tế diễn biến khủng hoảng tiền tệ tại các nước Đông Á luôn cho chúng ta cảm giác, có một thỏa thuận ngầm nào đó, khiến người ta đang hợp sức để phá giá đồng tiền của các quốc gia ASEAN. Có thật vậy không? Và nếu có thì để làm gì? Hơn 10 năm trôi qua, đã có hàng nghìn trang sách về sự kiện này, nhưng các nhà kinh tế vẫn tiếp tục đi tìm câu trả lời thỏa đáng.

Nguy cơ tiềm ẩn
Mùa hè năm 1997, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippines, Singapore và Hàn Quốc, các con rồng con hổ châu Á, đang là điểm đến lý tưởng của giới đầu tư trên khắp thế giới. Tăng trưởng kinh tế cao, ổn định (trung bình 8-10%), lãi suất đầu tư hấp dẫn, thị trường chứng khoán và nhu cầu tiêu dùng cao cấp phát triển vượt bậc. Bấy nhiêu thôi cũng đủ thu hút dòng tiền đầu tư trên toàn thế giới đổ dồn về đây, đặc biệt là dòng đầu cơ tài chính ngắn hạn.
Mô hình kinh tế của các nước Đông Á lúc này cơ bản là theo mô hình của chủ nghĩa vị tiền hiện đại (monetarism).2 Chính sách tài chính tiền tệ vĩ mô sẽ quyết định hiệu quả sản xuất. Lạm phát, tỷ giá, thu hút đầu tư là những vấn đề quan tâm hàng đầu của chính phủ. Cũng không có gì lạ, vì lý thuyết này đến thời nay vẫn rất thịnh hành ở các nước phương Tây. Duy chỉ có hai điểm đặc biệt đáng lưu ý. Thứ nhất, sản xuất tập trung vào xuất khẩu và quan tâm đặc biệt để đáp ứng nhu cầu trên thị trường Mỹ. Thứ hai, gắn chặt đồng tiền quốc gia vào đồng USD. Làm như vậy rõ ràng có nhiều cái lợi, nhưng cũng không ít cái hại. Tự nhiên nền sản xuất trong nước lại phụ thuộc quá nhiều vào nhu cầu trên thị trường Mỹ, cơ sở hạ tầng cũng thế. Trong khi đó, nhu cầu của thị trường nội địa gần như bị lãng quên. Về lâu dài, nền kinh tế quốc gia sẽ mất dần tính chủ động. Đó là cái hại thứ nhất. Gắn chặt đồng tiền quốc gia vào đồng USD, cảm giác an toàn sẽ tăng lên. Chỉ có điều khi chính sách tiền tệ của USD thay đổi, đồng tiền quốc gia bắt buộc cũng phải thay đổi theo, bất chấp tình hình thực tế trong nước như thế nào. Đơn cử, bắt đầu từ giữa những năm 1990, Cục dự trữ Liên bang Mỹ, dưới dự lãnh đạo của Alan Greenspan bắt đầu thực hiện chính sách tăng lãi suất tín dụng của đồng USD để giảm thiểu nguy cơ lạm phát. Lãi suất tăng, tiền từ các khu vực vốn có lợi nhuận cao bắt đầu đổ ngược về Mỹ. Phản ứng của các thành viên Đông Á, không có gì ngạc nhiên, là đồng loạt tăng lãi suất (vốn đã quá cao) hòng giữ chân các nhà đầu tư. Đồng tiền quốc gia tăng giá, dĩ nhiên là năng lực cạnh tranh, đặc biệt lợi thế xuất khẩu sẽ giảm đi rất nhiều. Trong khi, tại Mỹ, uy tín của đồng USD ngày càng tăng, mà sản phẩm nội quốc cũng được đà phát triển.


Bị phá sản sau cuộc khủng hoảng tài chính 1997, nhà tài phiệt địa ốc Thái Lan Sirivat Voravetvuthikun phải bán sandwich để kiếm sống.

Bàn về vấn đề này, ngay từ năm 1994, nhà kinh tế Mỹ Paul Krugman (MIT) đã lên tiếng cảnh báo về sự thật của các “thần kỳ kinh tế Đông Á”. Ông cho rằng tăng trưởng kinh tế nhờ “bơm” nguồn vốn đầu tư không mệt mỏi từ bên ngoài mà không tạo được những bước tiến thực chất trong sản xuất cũng như nâng cao năng suất sản xuất tổng hợp thì khó có thể mang lại sự thịnh vượng lâu dài.3 Các nước Đông Á có nghe nhưng không mấy để tâm tới lời cảnh báo này. Đơn giản là vì trong thâm tâm họ vẫn nghĩ, sẽ không thể có chuyện gì xảy ra, bởi bên cạnh họ đã có một người bạn lớn, như bức thành trì vững chãi – Hoa Kỳ.

Diễn biến
Thế rồi, chuyện gì phải đến đã đến.
Thái Lan. Đầu năm 1997, một số quỹ đầu cơ tài chính sừng sỏ như Quantum (George Soros) hay Tiger Management Corp. (Julian Robertson) đã ký hàng loạt các hợp đồng mua bán ngoại tệ có thời hạn (bán đồng Baht Thái, với thời hạn thanh toán chậm từ 6 tháng đến 1 năm) với tổng trị giá lên tới 15 tỷ USD. Người ta đang đánh cược là trong tương lai đồng Baht sẽ phá giá. Trong bối cảnh nền kinh tế khan hiếm USD tiền mặt, những kiểu hợp đồng mua bán ngoại tệ có kỳ hạn như thế này rất thông dụng. Do đó đến Ngân hàng Nhà nước Thái Lan cũng cảm thấy không có chuyện gì đáng ngại, thậm chí còn xem đây là một trong những phương pháp hữu hiệu đảm bảo vốn lưu thông cho nền kinh tế. Mãi phải đến giữa tháng 5, khi những dấu hiệu tiền khủng hoảng xuất hiện, Ngân hàng Thái Lan mới ra quyết định tạm ngừng những kiểu hợp đồng như thế, nhưng đã quá muộn. Ngày 14-15 tháng 6 năm 1997, thị trường tiền tệ ở Thái tràn ngập lệnh bán đồng Baht. Ngân hàng Nhà nước cố sức giữ giá, trong suốt 2 tuần đã chi ra gần 10 tỷ USD để mua đồng Baht và giữ tỷ giá hối đoái ở mức bình thường 25 baht 1 USD. Nhưng không ăn nhằm gì với làn sóng “rũ bỏ” đồng Baht loang ngày càng rộng trên khắp thế giới. Chính phủ Thái đã vùng vẫy bằng mọi cách: từ dụ dỗ, dọa nạt, răn đe giới tài chính cũng như giới báo. Thậm chí cả làm động tác giả. Ngày 30 tháng 6, Thủ tướng Thái Lan Chavalit Yongchaiyudh vẫn cố sống cố chết “sẽ không phá giá baht”, thế mà chỉ 2 ngày sau, 2 tháng 7, baht lập tức mất giá gần 50%. Vào tháng 1 năm 1998, nó đã xuống đến mức 56 baht/1USD. Chỉ số thị trường chứng khoán Thái Lan tụt từ mức 1.280 cuối năm 1995 xuống còn 372 cuối năm 1997. Đồng thời, mức vốn hóa thị trường vốn giảm từ 141,5 tỷ USD xuống còn 23,5 tỷ USD. Finance One, công ty tài chính lớn nhất của Thái Lan bị phá sản.

 
G. Soros – người “giật dây” cuộc khủng hoảng tài chính châu Á 1997?

Tại Phippines sự kiện cũng phát triển theo một kịch bản tương tự. Duy có khác là chính phủ nơi đây đã kịp thời ngăn chặn được các đợt tấn công trực tiếp của giới đầu cơ tài chính toàn cầu. Thay vì trực tiếp ra mặt mua peso để giữ giá, chính phủ Philippines đã cho tăng lãi suất ngắn hạn (cho vay qua đêm) từ 15% lên tới 24% (03.07.1997). Cách này có hiệu quả, tuy không ngăn chặn được xu hướng mất giá đồng peso, nhưng giảm thiểu tối đa thiệt hại. Đồng peso mất giá từ: 26peso/1 USD trước khủng hoảng, xuống 38 peso/1 USD vào năm 2000. Đây được xem là một thành công lớn.
Kịch bản khủng hoảng ở các nước khác như Malaysia, Indonesia, Hàn Quốc, Hồng Kông đều diễn ra với những nét tương đồng. Tuy nhiên, hậu quả thì mỗi nơi mỗi khác, phụ thuộc vào khả năng ứng phó trong điều kiện khủng hoảng của chính phủ và năng lực cũng như cơ cấu của nền kinh tế. Duy chỉ có điều ai cũng biết, thiệt hại mà khủng hoảng đưa lại cho các nước châu Á là quá lớn, dư âm của nó vẫn còn tồn tại cho đến tận ngày hôm nay.4

Thực chất đã xảy ra chuyện gì?

10 năm là một khoảng thời gian đủ dài để chúng ta nhìn nhận những gì đã qua. Rõ ràng khủng hoảng tài chính châu Á 1997 hoàn toàn không ngẫu nhiên. Đó là một cuộc tấn công các nền kinh tế mới nổi, những con rồng con hổ châu Á, một cách có tổ chức. Vấn đề là ai tấn công và tấn công để làm gì? Thủ tướng Malaysia, Mahathir Mohamad, ngay sau khủng hoảng, đã chỉ mặt gọi tên thủ phạm gây ra mọi chuyện chính là các tập đoàn đầu cơ tài chính với đầu chòm là tỷ phú quốc tịch Mỹ, người Hungary gốc Do Thái George Soros. Quả thật, G. Soros và đồng đội đã kiếm được hàng tỷ USD lợi nhuận sau vụ đầu cơ này. Bản thân G. Soros không phủ nhận việc mình đã kiếm bạc tỷ trong đợt khủng hoảng tiền tệ, Nhưng lại phủ nhận hoàn toàn động cơ của nó. Ông và các đồng nghiệp đơn gian chỉ là những nhà tài chính nhạy cảm, dám mạo hiểm và gặp may. Khủng hoảng kinh tế châu Á, theo G. Soros đó là hệ quả tất yếu báo hiệu một cuộc khủng hoảng lớn hơn nhiều – khủng hoảng tư bản toàn cầu.5
Một luồng ý kiến thứ 2 cho rằng, G. Soros nhận nhiệm vụ của các nước phương Tây, đứng đầu là Mỹ, tạo khủng hoảng để ra đòn cảnh báo ASEAN. Còn nhớ, tháng 5-1997, có nghĩa chỉ 2 tháng trước cuộc khủng hoảng, ASEAN đã phớt lờ sự phản đối của Mỹ và EU khi chính thức kết nạp Myanma làm thành viên. Cũng có thể, nhưng chưa thuyết phục. Đơn giản là vì chế độ quân sự ở Myanma đã được thiết lập từ năm 1962. Biết bao nhiêu chuyện đã xảy ra trong chừng ấy năm, biết bao nhiêu cơ hội, đâu cần chờ đến 35 năm mới ra tay.
Vậy thì ai? Ai là chủ nhân đích thực của khủng khoảng?
Kể ra cũng không khó lắm để nhìn thấy. Ai là người được hưởng lợi nhiều nhất từ khủng hoảng tiền tệ châu Á 1997 – người đó là chủ nhân.
G. Soros – dĩ nhiên, nhưng không phải mình ông ta. Chỉ xin liệt kê dưới đây một danh sách ngắn những công ty đã kịp thời “chiếm hữu” tài sản của các tập đoàn châu Á với giá bèo bọt:
– BNP Paribas thôn tính Peregrine, một trong những tập đoàn tài chính hàng đầu châu Á. Đây là kết quả của đồng rupee Indonesia bị phá giá;
– Procter & Gamble nuốt chửng Ssanyong Paper của Hàn Quốc;
– General Motors mua với giá gần như cho không Daewoo Motor;
– Prudential Securities nắm quyền kiểm soát Nava Finance & Securities;
– First Pacific vươn tay tới San Miguel, công ty bia hàng đầu của Philippines;
– Citibank định thôn tính First Bangkok City Bank nhưng chưa thành công.
Danh sách này vẫn còn có thể kéo dài nữa, nhưng thôi. Rõ ràng, các chú hổ mới lớn châu Á, đang bị nhóm thợ săn dày dạn kinh nghiệm phương Tây săn đuổi với vai trò dẫn đường là các tay đầu cơ tài chính G. Soros và đồng đội. Yểm trợ phía sau chính là hai đại xạ thủ IMF và WB, với những khoản vay kèm điều kiện khắc nghiệt, mà nếu thực thi thì chỉ làm khủng hoảng ngày một trầm trọng thêm. Tài sản “săn” được cuối cùng sẽ được phân chia cho số đông theo danh sách kể trên, có tính đến sở thích và tích cách từng người.
Dĩ nhiên, để tổ chức một cuộc săn bắn qui mô như vậy không thể thiếu được người cầm chịch. Người đó là ai? Chẳng nhẽ lại là Mỹ – siêu cường số một thế giới? Hồ đồ, hãy học cách loại bỏ thói quen, buôn bán thua lỗ –  đổ lỗi cho số phận. Thất thế trong cạnh tranh quốc tế – đổ lỗi cho nước giàu. Nước Mỹ thì được lợi lộc gì trong vụ đi săn này?
Bị khủng hoảng tài chính “quần” cho một trận nên thân, các nước Đông Nam Á, sau đó là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Nga, Brasil, rồi loang rộng ra tất cả các nước thuộc thế giới thứ ba, ngậm ngùi nhận ra một chân lý bất di bất dịch: muốn phòng chống được khủng hoảng tài chính phải tích trữ thật nhiều ngoại tệ. Càng nhiều càng tốt. Càng nhiều càng yên tâm. Và dĩ nhiên, đã là ngoại tệ thì không có loại nào chắc chắn bằng USD. Thế là các nước đua nhau tích trữ USD, mà không hề nghĩ rằng mình đang tự nguyện tài trợ vốn, không lãi hoặc lãi suất rất thấp cho nền kinh tế Mỹ phát triển.
 Cái bẫy cuối cùng của khủng hoảng tiền tệ châu Á 1997 có phải là ở đây?

Và những cạm bẫy nào còn chờ ta phía trước?
Dù cái bẫy trên có có thật hay không, suy diễn của chúng tôi có đúng hay không, thì ta cũng hết sức cảm ơn cuộc khủng hoảng tài chính cách đây mười năm. Cuộc khủng hoảng đã cho chúng ta những bài học quí giá. Mà nhờ đó biết đâu, chúng ta có thể tránh được nhiều cạm bẫy khác trong tương lai. Bài học thứ nhất, phải chủ động trong mọi tình huống, đừng quá phụ thuộc và hy vọng vào một thứ, cho dù là thứ ta tưởng như chắc chắn nhất (ví như sức mạnh của nền kinh tế Mỹ và độ bền vững của đồng USD). Thứ hai, tự do hóa thị trường vốn là một việc làm nguy hiểm, hãy cảnh giác. Hãy lượng sức mình để cởi và mở hệ thống tài chính, bởi đó là huyết mạch của nền kinh tế quốc gia. Nếu để người ngoài dễ dàng kiểm soát và điều khiển ví tiền của nhà mình thì ôi thôi, còn gì để nói nữa. Thứ ba, đừng quá tin tưởng vào các đơn thuốc của các tổ chức tài chính quốc tế (như IMF hay WB), bởi nhiều khi chính họ cũng là đồng tác giả của các trò chơi toàn cầu. Thứ tư, kêu gọi đầu tư, vay mượn tín dụng, làm gì cũng phải hết sức thận trọng. Mục tiêu tăng trưởng cao là tốt. Nhưng không tăng trưởng bằng vay mượn, bằng thu hút đầu tư thiếu thanh lọc. Nếu đảm bảo được mức tăng trưởng ổn định nhờ tăng hiệu suất và sức mạnh sản xuất thực tế là quí nhất. Thứ năm, sống trong thế giới đa cực hôm nay, mỗi quốc gia cũng như mỗi con người đều phải hết sức tỉnh táo, minh mẫn để nhìn rõ bản chất của vấn đề, thấu hiểu sự vận động xung quanh mình. Quyền lực thực sự hiện nay, nếu không thuộc về các cường quốc thì cũng đang nằm trong tay các công ty đa quốc gia và các tập đoàn tài chính khổng lồ. Thế giới luôn thuộc về kẻ mạnh. Những kẻ cùng mạnh sẽ dễ dàng liên kết, điều khiển cuộc chơi toàn cầu để cùng hưởng lợi. Những nền kinh tế nhỏ như chúng ta, nếu không thể lớn mạnh lên được như họ thì không có cách nào khác là phải học được cách ứng xử thông minh. Chí ít cũng phải như Singapore, Hồng Kông, Philippines, hay Trung Quốc 10 năm trước đây.
Thật khó nói, những gì đang chờ đợi chúng ta ở phía trước. Chỉ có điều này là chắc chắn. Kinh tế Mỹ đang đứng trước những thử thách lớn. Đồng đô la đang mất giá cả về giá trị thực và giá trị niềm tin trong cộng đồng thế giới. Với sự xuất hiện của đồng Euro và sự hồi phục của kinh tế Nhật Bản, sự lớn mạnh của kinh tế Trung Quốc, đại đa số các nước đang tái cấu trúc lại nguồn dự trữ quốc gia. Và dĩ nhiên, thị phần của đồng USD đang ngày một thu hẹp. Đó là tín hiệu bất an cho nền kinh tế Mỹ và cũng là nỗi lo của chúng ta, có thể một cuộc khủng hoảng tiền tệ mới đang chờ nhân loại ở phía trước.
Tài liệu tham khảo
1. Geogre Soros. The Crisis of Global Capitalism. N.Y.: PuplicAffairs, 1999. M.: INFRA-M, 1999. pp. 149-190.
2. Margaret Thatcher. Statecraft. London. Harper Collins Publishers. 2003. pp.141-146.
3. Deliagin M. World Crisis: General Theory of Globalization. M.: INFRA-M, 2003. pp.304-323.
——–
1 Công đầu thuộc về chính phủ và ngành tài chính Việt Nam. Tuy nhiên, cũng cần nói thêm, 10 năm trước, nền kinh tế của chúng ta vẫn chưa được xem là một nền kinh tế mở. Chính “khiếm khuyết” này đã giúp chúng ta “né” được nhiều đòn tấn công của của khủng hoảng tiền tệ toàn cầu.
2  Mô hình này khác với mô hình của Hàn Quốc. Hàn Quốc phát triển dựa chủ yếu các gia đình đại gia (chaebol), chính sách tín dụng nội quốc và mối quan hệ trên mức mật thiết giữa chính phủ và chaebol.
3 http://web.mit.edu/krugman/www/myth.html
4 Chi tiết diễn biến của cuộc khủng hoảng có thể xem thêm tại: Bách khoa toàn thư mở Wikipedia. //vi.wikipedia.org
5 Xem thêm Geogre Soros. The Crisis of Global Capitalism. N.Y.: PuplicAffairs, 1999.

Nguyễn Văn Minh

Tác giả