Công nghệ có làm con người cô đơn hơn?

Liên lạc qua công nghệ số ngày nay đã phổ biến tới mức đa số chúng ta không bận lòng đặt câu hỏi về vai trò của nó trong xã hội. Nhưng với Sherry Turkle thì khác. Bà là người nghiên cứu về sự tương tác của con người với máy tính và trí tuệ nhân tạo kể từ thập kỷ 1970. Sherry Turkle là người thành lập và điều hành Tổ chức Xúc tiến Nghiên cứu về Công nghệ và Bản ngã của học viện MIT. Turkle gần đây viết một cuốn sách mới, Cùng nhau Cô độc: Vì sao chúng ta trông cậy nhiều hơn ở công nghệ và ít hơn ở đồng loại, trong đó đặt ra một câu hỏi đơn giản: liệu phương pháp liên lạc qua kỹ thuật số có kết nối chúng ta giống như những tương tác thông thường trong đời sống thực? Trong cuộc phỏng vấn cuối tháng 12 với tạp chí TIME, Turkle bàn về những con cún robot, hoạt động gửi tin nhắn của giới thiếu niên, và như thế nào là “quan tâm chu đáo” trong thời đại điện thoại smart phones.

Cùng nhau Cô độc là cuốn sách cuối trong loạt sách được bắt đầu khi bà tìm hiểu về các chương trình máy tính. Ngày nay, sau 26 năm, con người có một hệ thống liên lạc khổng lồ. Điều này đã thay đổi quan hệ của chúng ta với công nghệ ra sao?
Thường thì phải mất một khoảng thời gian nhất định để mọi chuyện phát triển tới một ngưỡng nơi chúng ta nhận ra điểm yếu nơi chúng ta dễ bị thương tổn. Nhưng với liên lạc qua điện thoại di động thì khác. Trước đây liệu ai có thể hình dung một cái nhấp nháy đỏ trên chiếc máy BlackBerry – thể hiện rằng bạn có một tin nhắn, dù chẳng biết là ai nhắn tin – lại có thể khiến người ta tò mò phát điên đến thế? Tò mò phát điên tới mức cho dù đang có con nhỏ ngồi trong ô tô, và dù biết rõ là không được phép vừa lái xe vừa nhắn tin, nhưng người ta vẫn cứ tìm cách xoay xở để biết ai nhắn tin trong khi đang cầm vô lăng với tốc độ 100 km/h.

Bà bắt đầu cuốn sách với những quan sát về cách thức con người tương tác với các sản phẩm trí tuệ nhân tạo ngày nay vẫn chưa phổ biến lắm: robot làm osin, robot vật nuôi, hay thậm chí robot làm công cụ tình dục. Liệu robot có liên quan gì tới sự liên lạc công nghệ số mà bà đã minh họa ẩn dụ qua cái nhấp nháy của chiếc BlackBerry?
Lý do tôi đưa nội dung về robot lên đầu tiên trong cuốn sách, tuy rằng chúng còn chưa phổ biến, là vì trong xã hội nảy sinh cách nhìn mới về như thế nào là “đủ sống động”. Thế hệ thanh thiếu niên hôm nay có một quan niệm rất rõ khi chúng nói về sự sống động của các vật thể: [robot đó] đủ sống động để làm một người bạn – đủ sống động để tôi có thể X cùng”. Chúng sẵn sàng bỏ qua những suy nghĩ mang tính triết lý về sự sống động, và chỉ hướng tới phạm trù thực dụng, nơi mọi vật trở nên sống động do các chức năng của chúng.

Tôi đã quan sát trẻ em [tương tác với robot] qua 30 năm, và thấy rằng đây là một sự chuyển đổi rất lớn, và chúng ta cần thật sự xem xét điều này. Khi chúng ta nói rằng một vật nào đó đủ sống động để làm một thày/cô giáo, thì điều đó có nghĩa là gì? Như thế nào là đủ sống động để bầu bạn với những người cao tuổi? Tôi tin tưởng rất mạnh mẽ rằng có những giá trị nhân văn nhất định phải đến từ trải nghiệm thực sự trong đời sống mà chẳng có robot nào đủ sống động để có.

Vậy chúng ta sẽ có quan hệ như thế nào với những cỗ máy đủ sống động này?
Người ta thường bắt đầu với tư duy mà tôi gọi là “nếu có thì vẫn tốt hơn là không”: cứ nghĩ rằng có robot thì vẫn tốt hơn là không, và tư duy này càng ngày càng đi xa khỏi điểm xuất phát ban đầu. Để rồi tới một lúc nào đó người ta nghĩ robot tốt hơn mọi thứ khác. Câu chuyện vẫn thường bắt đầu theo kiểu, “Ồ, một con cún robot. Thật là hay vì tôi bị dị ứng với chó. Thôi thì thà có cún robot còn hơn không”. Rồi rất nhanh người ta lại nghĩ “Ồ, một con cún robot, nó sẽ luôn dễ thương vì nó là cún robot, sẽ chẳng bao giờ nó chết và bỏ ta một mình”. Bất thình lình cún robot trở nên tốt hơn bất cứ một con cún tự nhiên nào, vì nó cho bạn những gì mà vật sống thực không thể cho: cảm giác kiểm soát tuyệt đối, không có gì bất ngờ, một vật thể được tạo ra để bạn làm chủ mối quan hệ theo đúng cách bạn muốn.

Điều gì là nguy hiểm ở một mối quan hệ được tạo ra theo cách người ta chủ định từ trước?
Con người sẽ thích nhắn tin hơn là nói chuyện, vì người ta có thể làm chủ lượng thời gian được sử dụng đến. Họ có thể làm chủ theo cách phù hợp với lịch trình của mình. Nơi bạn có thể điều chỉnh tốc độ và khối lượng. Chúng ta được tăng quyền kiểm soát lên đáng kể. Những mối quan hệ trong vòng kiểm soát là tinh thần cơ bản của việc liên lạc qua công nghệ số. Và chính điều này khiến có lúc con người cảm thấy cùng nhau cô độc – vì những mối quan hệ trong vòng kiểm soát không nhất thiết là những mối quan hệ khiến người ta cảm thấy gần gũi.

Con người bắt đầu có những mối quan hệ mà họ dùng lẫn nhau để tự yên tâm về bản thân. Đây là tôi nói về những nhóm thanh thiếu niên, chúng không còn nói “tôi cảm thấy – hay tôi muốn gọi điện”, mà thường nói “tôi muốn có một cảm giác – tôi cần gửi một tin nhắn”. Con người bắt đầu sử dụng nhau để tự yên tâm về bản thân thay vì cho những mối quan hệ. Và khi ta sử dụng nhau để tự yên tâm về bản thân, chúng ta thực sự chỉ nhặt nhạnh và lựa chọn ở trong nhau những điểm ta thấy là dùng được, tương tác được. Đó không phải là một sự khám phá toàn diện về một con người, mà chỉ là những phần ta thấy là phù hợp của đối tượng. 


Sherry Turkle, giáo sư trường MIT, nhà nghiên cứu xã hội về khoa học và công nghệ

Đa phần nghiên cứu của bà tập trung vào phản ứng của trẻ em và thiếu niên đối với công nghệ. Vậy công nghệ có những ảnh hưởng tiềm tàng gì đối với sự hòa nhập xã hội của giới trẻ?
Sau bữa tối, giả sử như bố mẹ rút điện thoại di động ra, hoặc có khi trong bữa tối họ rút điện thoại ra đặt trên bàn ăn, là điều mà tôi được biết khi phỏng vấn qua nhiều đứa trẻ. Hoặc khi một bà mẹ trong khi đọc truyện Harry Potter cho con nghe, rút chiếc iPhone đặt trên bàn cạnh giường để phòng trường hợp có cuộc gọi quan trọng. Đứa trẻ sẽ cảm thấy việc tận hưởng thời gian mà cha mẹ dành riêng cho mình là không thực sự quan trọng. Vậy nên tôi nghĩ trẻ em ngày nay nghĩ rằng chúng không bao giờ được “quan tâm chu đáo”. Quan tâm chu đáo giống như viên ngọc bạn không bao giờ tìm thấy được.

Vậy là bọn trẻ mong muốn được quan tâm, nhưng như bà nói, mặt khác là bọn trẻ không thích gọi điện vì như vậy là quá thân mật – chúng thích gửi tin nhắn và chat hơn.
Chúng cảm thấy ngơ ngác. Đó là vì sao tôi gọi cuốn sách của mình là Cùng nhau Cô độc. Một mặt, bọn trẻ cảm thấy đồng điệu với nhau khi tất cả đều chỉ cần nhắn tin. Và tôi cũng giống như chúng, vì đó là cách chúng ta đang sống cuộc sống này hôm nay: bạn tỉnh dậy vào buổi sáng, có 500 email hay 100 tin nhắn, và bạn nói “làm sao tôi có thời gian làm gì khác ngoài việc hồi đáp”. Vậy là cuộc sống của bạn trở nên hoàn toàn thụ động – bạn không cảm thấy cô độc, nhưng cũng chẳng cảm thấy mình được kết nối.

Điều chắc chắn bạn không có là thời gian để chiêm nghiệm sự cô đơn. Một trong những điều quan trọng mà chúng ta đang mất là khả năng cảm thấy sự cô đơn theo cách được hồi sinh. Nếu bạn không biết cách cô đơn, bạn sẽ mãi cô đơn. Nếu bạn không dạy con mình cách cô đơn, chúng sẽ mãi cô đơn.

Vậy giải pháp là gì? Liệu chúng ta có phản ứng ngược lại đối với các sản phẩm công nghệ?
Con người sẽ không hất đi chậu nước trong đó có đứa bé, và chúng ta cũng không nói mọi chuyện hoàn toàn xấu hay tiêu cực. Cuốn sách của tôi đơn giản chỉ nói rằng, “O.K., chúng ta đang có cơ hội được nhìn thấy cách thức mọi chuyện đang diễn ra, vậy chúng ta sẽ nghĩ sao”. Tôi không gọi đây là phản ứng ngược lại. Tôi gọi đây là sự điều chỉnh, vì tôi không nghĩ là chúng ta sẽ tự vứt bỏ công nghệ. Con người sẽ chẳng muốn mình có ít điện thoại hơn. Nhưng ngày nay, con người phát triển trưởng thành bên cạnh Internet, và họ nghĩ rằng có Internet đã đủ trưởng thành. Tôi nghĩ đã tới lúc phải nói: “Không! Internet chưa đủ trưởng thành – Internet chỉ mới bắt đầu, và đây là trách nhiệm của chúng ta”. Chúng ta càng cho rằng nó vẫn còn sơ khai, thì lại càng hay, vì như thế chúng ta sẽ sẵn sàng để biến đổi nó theo cách tốt hơn cho chúng ta.

Trần Lê dịch (Meredith Melnick, Time)

Tác giả