Đi tìm một mô hình vườn ươm mới

Hiện nay, Việt Nam có 47 cơ sở ươm tạo doanh nghiệp KHCN nhưng vẫn cần một mô hình mới thực thể công – tư theo hình thức doanh nghiệp để hỗ trợ các Startups   

Phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) thời gian qua đã trở thành một trong những chiến lược phát triển kinh tế quan trọng đối với nhiều quốc gia, trong đó “ươm tạo doanh nghiệp” là một trong số các công cụ quan trọng để hỗ trợ phát triển các SME, đặc biệt là khuyến khích các doanh nghiệp mới khởi sự, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khoa học và công nghệ (KH&CN).Trong đó, các cơ sở ươm tạo doanh nghiệp (Business Incubator) được coi là một công cụ rất hữu hiệu để hỗ trợ và phát triển các SME.

Theo số liệu của Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN, hiện nay Việt Nam có 47 cơ sở ươm tạo doanh nghiệp công nghệ, trong đó 10 cơ sở mang tên ươm tạo doanh nghiệp công nghệ, 40 đơn vị có chức năng ươm tạo doanh nghiệp KH&CN. Nhìn chung, các cơ sở ươm tạo doanh nghiệp này vẫn còn đang trong giai đoạn đầu phát triển, nhưng cũng đã có một số cơ sở bắt đầu hoạt động có hiệu quả.

Hiện tại, các vườn ươm doanh nghiệp của Việt Nam có thể kể đến như:

–    Có hai vườn ươm là doanh nghiệp tư nhân: Vườn ươm FPT và Vườn ươm SBI ( Công ty TNHH ươm tạo DN phần mềm Quang Trung-HCM)

–    Có 3 Vườn ươm là các cơ quan, đơn vị sự nghiệp nhà nước:, Khu CNC Hòa lạc, Khu CNC HCM, khu Nông nghiệp Công nghệ cao TP.HCM

–    Có 4 Vườn ươm thuộc trường đại học kỹ thuật: CRC-TOPIC (ĐH Bách khoa HN, đã giải thể), Vườn ươm DNCN ĐH Bách khoa TP.HCM, Vườn ươm DNCN ĐH Nông Lâm TP.HCM; Vườn ươm Đại học Cần Thơ vừa thành lập

–    Một vườn ươm dưới hình thức hợp tác công-tư: Vườn ươm DN chế biến thực phẩm Hà nội (HBI)

Hiện tại, các doanh nghiệp được ươm tạo tại hầu hết các vườn ươm ở Việt Nam được hưởng mọi dịch vụ ươm tạo, chưa phải đóng bất cứ khoản phí nào khi tham gia vườn ươm…Mặc dù nhiều ưu đãi, nhưng thực tế cho thấy mô hình này chưa đưa lại nhiều hiệu quả như mong muốn vì những khó khăn còn tồn tại như sau:

Về mặt pháp lý Nhà nước chưa có văn bản nào điều chỉnh hoạt động nói trên. Chính vì thế, mỗi vườn ươm hoạt động theo một cách riêng, chủ yếu dựa vào tài liệu nước ngoài mà họ tích lũy được.

Về tiêu chí tuyển chọn đối tượng ươm tạo chưa rõ ràng vì vậy bất kỳ công ty khởi sự nào cũng muốn được hoạt động trong vườn ươm để hưởng những dịch vụ ưu đãi và không bị sức ép về tài chính thúc đẩy cho phát triển.

Về vấn đề sở hữu trí tuệ thuộc về ai: người nghiên cứu, người hướng dẫn, hay các đơn vị hợp tác nghiên cứu, phân quyền khi các dự án phát triển thành côngđang được đặt ra. Điều này cũng hoàn toàn dễ hiểu vì nhà nghiên cứu luôn muốn giữ bí quyết, trong khi nhà đầu tư cần biết chi tiết nghiên cứu để quyết định lựa chọn đầu tư.

Vườn ươm doanh nghiệp được coi là công cụ phát triển hiệu quả, được thiết kế để thúc đẩy sự phát triển và thành công của doanh nghiệp thông qua việc cung cấp các dịch vụ và các nguồn lực hỗ trợ. Mục tiêu chính này nhằm tạo ra các doanh nghiệp hoạt động thành công trên thị trường sau khi rời khỏi vườn ươm. Trong đa số trường hợp, mục đích này gắn liền với chiến lược phát triển kinh tế – xã hội, khoa học và công nghệ của các quốc gia, hoặc chiến lược phát triển kinh doanh của các tập đoàn, doanh nghiệp lớn, đặc biệt trong trường hợp phát triển các doanh nghiệp tiềm năng, doanh nghiệp công nghệ, thương mại hóa công nghệ, hiện thực hóa ý tưởng kinh doanh…, cho nên các vườn ươm thường nhận được sự phối hợp, hỗ trợ, tài trợ… từ phía các tập đoàn, doanh nghiệp, quỹ đầu tư, ngân sách gắn với mục tiêu ươm tạo cụ thể. Theo đó, phần lớn các vườn ươm hoạt động phi lợi nhuận, nhằm tạo ra các điều kiện ưu đãi thuận lợi nhất cho doanh nghiệp được ươm tạo. Như vậy,vườn ươm không phải là đơn vị kinh doanh, không bị sức ép của sự tồn tại và phát triển, nên đây cũng là một trong các lý do dẫn đến không có nhiều “bậc thầy kinh doanh giỏi” và vì thế chất lượng ươm tạo còn hạn chế.

Nhưng cũng có mô hình ươm tạo thuộc sở hữu tư nhân (Vườn ươm công nghệ FPT, Vườn ươm doanh nghiệp công nghệ Tinh Vân), tuy nhiên do nhiều lý do mô hình tư này hiện nay ở Việt Nam đều thất bại.

Qua thực tế hoạt động và trong điều kiện đang phát triển của Việt Nam hiện nay, mô hình lý tưởng để điều hành vườn ươm doanh nghiệp trong tương lai là mô hình thực thể công – tư theo hình thức doanh nghiệp. Ðiều này là hợp lý và cần thiết để nhận được sự hỗ trợ của Chính phủ về mặt chính sách, bảo đảm sự phát triển bền vững của vườn ươm và cung cấp những ưu đãi cho vườn ươm. Đó là lí do hình thành  Đề án Thương mại hoá công nghệ – Thung lũng Silicon Việt Nam, được xây dựng theo mô hình Business Accelerator – Tổ chức thúc đẩy doanh nghiệp, với ba chức năng chính: tạo vốn mồi (seed money) cho các doanh nghiệp khởi nghiệp; truyền đạt bí quyết kinh doanh cho doanh nhân trong giai đoạn tập trung (boot camp); tổ chức diễn đàn để doanh nghiệp khởi nghiệp có cơ hội trình bày và tiếp xúc với các nhà đầu tư (Demo Day).

 

Tác giả