John Doney mê thuyền Việt

Cuối năm 2011 là vừa đúng hai năm, John Doney, một “ông Tây mê thuyền Việt “ đã mãi mãi đi xa!

Con đường ngoằn nghoèo đầy những cua, những dốc  dọc theo bờ biển Thái Bình Dương vùng Townsend nước Mỹ với những hàng cây thẳng tắp lại trở thành một mối nguy hiểm với anh, một người vào tuổi gần 70 mang một cặp kính cận dày hết cỡ. Tối ngày 29 tháng Chạp năm 2009, trên đường về nhà, xe của anh đã mất lái và đâm thẳng vào hàng cây ven đường, mà phải vài giờ sau người ta mới phát hiện được. Tang lễ được cử hành trọng thể, bên quan tài của anh là chiếc thuyền mà anh mất rất nhiều công sức để chế tạo theo đúng phong cách cổ truyền tại Quảng Trị Việt Nam. Hội những người yêu mến và gìn giữ di sản thuyền Việt Nam do anh sáng lập mất đi người thuyền trưởng lèo lái. Trước đó vài tháng, chúng tôi còn có dịp tới thăm gia đình anh, ngủ đêm trong căn phòng giữa rừng cây, trong một khu đặc biệt dành cho những người nhiều đời theo nghiệp hải quân của nước này. Trong căn phòng như một bảo tàng mini đầy ắp những hình ảnh thuyền bè Việt Nam, những dự án đóng lại những con thuyền cổ truyền cho khỏi mai một, và không thiếu một cuốn sách màu xanh, cuốn “Thanh thư về tàu thuyền cận duyên miền nam Việt Nam”, một cuốn kim chỉ nam hành động cho hải quân Mỹ mà anh đã phải đọc, phải dùng… và rồi nó trở thành niềm yêu thích lôi cuốn anh trong suốt cuộc đời!

Thuyền Việt và các bạn quốc tế

Vẻ độc đáo, thiết thực, đầy sáng tạo của các phương tiện dùng để vận chuyển, đánh bắt cá của các cư dân suốt dọc ven biển Nam – Bắc đã là đề tài ghi nhận, bình luận của nhiều nhà thám hiểm, hàng hải thuộc nhiều nước như Pháp, Bồ Đào Nha, Anh, Trung Hoa, Mỹ từ những thế kỷ xa xưa. Còn nhớ, trong cuộc gặp nhà văn chuyên viết về biển người Nga Lev Skriaghin tại Moskva mùa xuân năm 1991, ông già gốc Do Thái có đưa tôi xem bài viết của mình giới thiệu các con thuyền độc đáo của cư dân Đông Nam Á trên tạp chí Kỹ thuật cho Thanh niên. Hình chiếc gai-bao (tiếng Nga гай баy) nổi bật với chiếc đòn ngang giữ cân bằng! Tôi nói với Lev, gai-bao của ông chính là chiếc ghe bầu miền Trung Việt Nam, được phiên âm trong “Từ điển Tàu thuyền toàn thế giới” của tác giả người Anh Rene-de-Kerchove mà hầu hết các nhà nghiên cứu đều sử dụng, trong đó có Lev. Bản thân Rene lại dựa trên những công trình nghiên cứu của các tác giả Pháp, đặc biệt là Pierre Paris và J.B.Pietri. Và Lev cũng rất phấn khích khi thấy chiếc ghe bầu của chúng ta được Paris dùng làm hình bìa cho cuốn sách khảo cứu độc đáo của mình “Esquisse d’une ethnographie navale des peuples annamites – Phác thảo nghiên cứu dân tộc học về hàng hải của dân Việt Nam”. Có thể kể ra cả một “trường phái Pháp” nghiên cứu về thuyền bè và sinh hoạt sông nước của dân tộc ta bắt đầu từ J.M.Dayot,Chaigneau… những người đã giúp đỡ về thủy quân cho Gia Long, những P.Paris, J.B.Pietri, kiến trúc sư J.Y. Claeys trong những năm 30,40 của thế kỷ 20 cho tới bà Francoise Aubaile với cuốn “Bois et Bateaux du Vietnam” do Sallenave xuất bản năm 1987 tại Paris và biết bao các luận văn nghiên cứu sinh còn đang được làm dở dang!

Sinh trưởng tại Seattle trong một gia đình nhiều đời là hải quân, John thường xuyên di chuyển nơi cư trú theo cha mẹ. Sau khi tốt nghiệp trung học tại Puerto Rico, John quay về Seattle tiếp tục học tại Đại học Washington và bước vào cuộc đời quân ngũ với những con tàu.

Những năm cuối thập kỷ 60, tại Cục Cơ khí Bộ Giao thông, lúc này tôi được biết toàn cơ quan đang quan tâm tới việc đóng thuyền. Các đề án cụ thể được giữ tuyệt mật, sau này tôi mới biết con thuyền Gò Công được phân tích và một tổ kỹ sư do Trịnh Xương đứng đầu cùng với Lương Văn Triết, Đào Vũ Hùng, Cao Bút đã thiết kế chiếc thuyền “100 tấn” bằng vỏ thép phục vụ vận chuyển Bắc – Nam giả danh như những chiếc thuyền đánh cá. Công việc được Cục trưởng Ngô Văn Năm chỉ đạo trực tiếp và làm việc thẳng với các lãnh đạo cấp cao như Phạm Hùng, Phan Trọng Tuệ… Từ chiếc thuyền “100 tấn”, thiết kế được cải tiến nhiều lần và được đóng hàng loạt tại các nhà máy như Xưởng 1, Xưởng 3, Bạch Đằng và cả tại Quảng Châu Trung Quốc bổ sung vào đội tàu không số trên đường mòn…

Đầu thập kỷ 60, chàng sĩ quan hải quân John đóng quân tại Đà Nẵng với một nhiệm vụ cụ thể: Chống cuộc xâm nhập của Bắc Việt trong chiến dịch mà người Mỹ gọi tên là “Market Time”, tức chống Đường mòn Hồ Chí Minh trên Biển. Ngoài tàu bè, vũ khí, radar tối tân trải dọc ven biển, hệ Loran-C, tức hệ hàng hải tốt nhất thời bấy giờ, người Mỹ còn soạn thảo một bộ sách dày, bìa cứng bằng ba thứ tiếng Anh, Việt, Thái có cái tên là “Thanh thư về Tàu thuyền Cận duyên miền Nam Việt Nam” (tên tiếng Anh Blue Book of Coastal Vessels, South Vietnam). Để soạn thảo cuốn sách, Trung tâm Thông tin về Các cuộc Xung đột tại các Vùng xa xôi (Remote Area Conflict Information Center) tại Columbus, bang Ohio đã không tiếc tiền bạc công sức, chụp hàng vạn bức ảnh về các loại thuyền, trong đó có nhiều bức ảnh chụp từ máy bay khá tốn kém, đo đạc thực địa, ghi chép hỏi han, tức là thực hiện một cuộc nghiên cứu “dân tộc học phục vụ chiến tranh” nhưng ngay trong lời nói đầu bộ sách, những người soạn thảo công trình này phải thừa nhận là chủ yếu dựa và công trình “Thuyền buồm ở Đông Dương –Voiliers d’Indochine” của Pietri. Và coi cuốn sách của ông Giám đốc Nha Ngư nghiệp Đông Dương thuộc Pháp này là cuốn “Kinh Thánh” (Bible) của những ai muốn nghiên cứu về thuyền bè Việt Nam.

Khác với “Thanh thư”, cuốn “Thuyền buồm” được Pietri viết lên với tấm lòng say đắm vẻ đẹp của ghe bầu, ghe nang, dọc bờ biển nước ta. Và đặc sắc nhất là tất cả các hình minh họa, hình kỹ thuật các chi tiết của thuyền như bánh lái, buồm… đều được ông vẽ bằng tay chứ không viện tới kỹ thuật chụp ảnh đắt tiền như người Mỹ! Và chính trong những ngày đầu những năm 60 đó, một chiếc thuyền Gò Công trong cuốn của Pietri đã được đưa ra để nghiên cứu chế tạo những con tàu không số trên biển!

Quỹ Thuyền Gỗ Việt Nam

Sau chiến tranh Việt Nam, John còn đóng quân tại châu Âu. Trở về với đời thường, cùng với vợ và các bạn vùng Đông Bắc lập ra chương trình “Kid-First-Vì Trẻ em” nhằm giúp đỡ các trẻ em khuyết tật và nạn nhân chiến tranh vùng Đông Hà, Quảng Trị. Hành trình trở lại chiến trường xưa làm cho John trở lại với những chiếc thuyền Việt, nhưng trước kia là việc anh phải đọc Thanh thư để “tìm và diệt”, thì ngày nay, đó là cuốn Thuyền buồm ở Đông Dương mà anh đã biết từ hàng chục năm về trước. John quyết định nghiên cứu thuyền Việt Nam có bài bản, và anh đã cùng Stephanie Dumont người Pháp chuyển ngữ cuốn sách sang tiếng Anh, cho phát hành rộng rãi. Tất cả tiền thu được đều cho vào Quỹ Thuyền gỗ Việt Nam “Vietnam Wooden Boat Foundation” mà anh là người sáng lập nhằm “gìn giữ quá khứ hàng hải của Việt Nam” (preserve Vietnam’s maritime past). Trong văn phòng của vợ chồng John và Donna, chúng tôi ngồi ngắm nhìn những bức tranh thuyền bè Việt Nam mà John đã sưu tập từ nhiều nguồn khác nhau, trong đó có những bức chụp từ cuối thế kỷ 19. John cho biết vùng Tây Bắc nước Mỹ trước đây có những bộ lạc ngưới da đỏ rất thiện nghệ trong săn bắn và chèo thuyền với các loại kayak, canoe, những loại thuyền hiện phổ biến trong du lịch, có mặt tại tất cả các bến bãi, kể cả vịnh Hạ Long lẫn Nha Trang, Phan Thiết… Một số cư dân trong vùng Townsend này làm công tác nghiên cứu, đề xuất lễ hội kayak… và dẫn tới một loạt hệ quả: các trung tâm dạy đóng thuyền theo đủ cách, từ kiểu truyền thống khâu bằng da thú tới cả cách pha cắt vải theo chương trình máy tính, các cửa hàng buôn bán, các cuộc thi đấu…Và từ kayak người ta mở rộng thành một trung tâm nghiên cứu các loại thuyền dân gian của các dân tộc khác trên thế giới. Chính vì thế mà John mới cất công sang Việt Nam “bê” cả chiếc thuyền Quảng Trị và dự định đưa về bảo  tàng vài cái thuyền thúng, kể cả một chiếc ghe bầu. Về trường dạy đóng thuyền có tên là “Trường Đóng thuyền vùng Đông Bắc” mà John cũng có tên trong Ban điều hành để người dân ở đây có thể so sánh cách đóng thuyền của họ với của người Việt, tìm ra cái hay, cái dở, tức là có một cuộc khảo sát “dân tộc học so sánh” trong đóng thuyền! Chúng tôi bàn về việc chuyển ngữ cuốn Thuyền buồm sang tiếng Việt cho một đối tượng cần đọc nhất cuốn sách này. Nếu bản tiếng Anh đã khó thì bản tiếng Việt lại càng khó hơn, vì nhiều thuật ngữ Việt cũ xưa về thuyền buồm đã biến mất cùng với các hiện vật, vì những thuật ngữ như “xiếm mũi, chạy pha chằng, chạy cánh cào… của hàng hải dân gian lại khá xa lạ với nhiều nhà kỹ thuật hiện nay, chỉ quen với sách vở “Tây học”!

…Trò chuyện tới khuya, chúng tôi trở về căn nhà của John trong khu rừng ven biển. Trong phòng khách của  “sói biển”, câu chuyện vẫn không dứt ra được quanh vấn đề làm sao có thể lưu giữ những gì còn sót lại của quá khứ thuyền bè. Cơ giới hóa mau chóng đã làm thay đổi diện mạo của tàu thuyền, một điều mà Pietri cũng đã thấy ngay từ những năm 40 của thế kỷ trước trong khi viết cuốn “Thuyền buồm ở Đông Dương”. Những bí quyết may buồm cánh dơi của nghệ nhân đảo Hà Nam, Phong Cốc, Yên Hưng, Quảng Ninh, bó mảng luồng tre tại Sầm Sơn, Thanh Hóa, làm ghe bầu tại Quảng Nam, Bình Định… sẽ ngày một mất đi nếu không có biện pháp ghi chép lưu giữ. Tại Seattle, niềm say mê thuyền Việt của John đã lôi cuốn được nhiều bạn bè: John giới thiệu với tôi cuốn sách ảnh “Thuyền gỗ Việt Nam” của một tác giả nhiếp ảnh nghiệp dư, anh Ken Preston đã dành hai năm 2005-2006 dùng xe mô tô Minsk rong ruổi suốt từ Bắc vào Nam để chụp hàng nghìn bức ảnh. Những việc làm cụ thể của các bạn đã làm chúng tôi day dứt, hình như công việc lưu giữ di sản tàu thuyền của chúng ta thực hiện chưa được là bao, mà tàu thuyền là cái cốt lõi của công cuộc chinh phục biển, giữ vững chủ quyền của dân tộc ta trên một lãnh thổ mà hai phần ba là biển!

Vượt đại dương bằng mảng Sầm Sơn

Chính bằng những phương tiện tưởng chừng như rất thô sơ đó, người Việt cổ xưa cũng như một số dân tộc ven biển khác đã từng vượt đại dương, trước những chuyến đi của Colombus, của Magellan hàng thế kỷ.  Nhiều người đã dấn thân làm lại các thí nghiệm đó, trong đó có cả một thì nghiệm thực tế đối với bè mảng Sầm Sơn  một trong hai sản phẩm độc đáo mà nhiều nhà nghiên cứu từ đô đốc Paris tới Pietri đều thống nhất nhận định: ”Mảng và ghe bầu là hai phương tiện duy nhất của Việt Nam, không thể có ở bất cứ nước nào trên Trái đất này”.

Thật đáng tiếc, có lẽ do ám ảnh bởi các nền văn hóa lớn, do những thông tin bị thổi phồng về những chuyến đi của quan lại đời nhà Minh Trung Quốc trong đó có Trịnh Hòa nên  nhà nghiên cứu Tim Sverin người Anh, khi dùng cái mảng Sầm Sơn trong chuyến thám hiểm vượt đại dương của mình đã gán cho nó một cái tên Tàu, đó là Hsu Fu –Từ Phúc – một ông quan theo truyền thuyết là đã dùng thuyền đi khắp thế giới để tìm thuốc trường sinh bất tử  cho Tần Thủy Hoàng vào những năm 200 trước Công nguyên và kể lại chuyến vượt biển sang châu Mỹ trong cuốn sách “Chinese Voyage” .
Vào năm 2006, tôi đã trở lại Sầm Sơn gặp những người đã ghép bè bằng lạt mây  gần 300 cây bương cũng như ra xã Phong Cốc trên đảo Hà Nam huyện Yên Hưng, Quảng Ninh, nơi tôi đã từng đóng quân vào những năm 60, để tìm gặp một số lão nghệ nhân đã may và nhuộm hơn 70 mét vuông buồm cho chiếc mảng  độc đáo này. Công việc này xảy ra vào những năm  đầu thời kỳ “đổi mới” ở nước ta, nên việc Tim Sverin vào Việt Nam có lẽ chỉ có một số cơ quan an ninh văn hóa được biết. Sau khi đã vượt qua 5.500 hải lý trong 105 ngày, giữa Thái Bình Dương mênh mông ,thủy thủ đoàn trên mảng Sầm Sơn đã vượt qua nhiều cơn bão cũng như những lần va chạm với hải tặc và như Tim kể lại trong cuốn hồi ký “Chinese Voyage: “Kinh khủng nhất là khi chiếc mảng rơi vào giữa những đỉnh và đáy các con sóng khổng lồ. Như khi một tên lửa chạm đất, hàng tấn nước ụp đổ ngay trên chiếc lều bằng tranh tre nứa khiến nó rên rỉ và như muốn bung ra …“, cuối cùng họ đã phải bỏ chiếc mảng để được cứu vớt, khi còn cách bờ châu Mỹ gần 1.000 hải lý.

Mặc dù mới thực hiện được hơn 2/3 hành trình nhưng nhà thám hiểm Tim Sverin đã khẳng định sức sống mãnh liệt của chiếc mảng Sầm Sơn trong việc đưa những con người cổ xưa vượt đại dương.

Tác giả