Lạm phát, mục tiêu lạm phát và tăng trưởng kinh tế

Thực chất của quan hệ giữa lạm phát với năng suất và tăng trưởng là thế nào? Mục tiêu lạm phát (MTLP) có phải là điều kiện cần trong chính sách tiền tệ không? Bài viết này sẽ cung cấp những cơ sở lý luận và kết quả thực chứng cho những vấn đề này và liên hệ với Việt Nam.

Trong quan niệm của nhiều người, lạm phát có ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế vì làm giảm năng suất lao động. Lạm phát bóp méo mức độ khan hiếm tương đối (phản ánh qua giá cả) của các nguồn lực sản xuất và do đó bóp méo các quyết định đầu tư và sự phân bổ các nguồn lực khan hiếm này. Lạm phát còn làm giảm mức khấu trừ thực tế cho phép trong thuế doanh nghiệp đối với khấu hao tài sản cố định và làm tăng giá thuê tư bản, do đó làm giảm tích lũy vốn, dẫn đến giảm năng suất. Hàm lượng thông tin liên quan đến biến động giá cả giảm đi kể cả trong thời kỳ lạm phát ổn định. Như vậy, các nhà đầu tư thường có xu hướng mắc lỗi trong quyết định của mình và chọn những “gói” yếu tố sản xuất không phải là tối ưu, làm giảm hiệu quả kinh tế và, do đó, giảm năng suất.
Tuy nhiên, không ít người lại lập luận rằng lạm phát ở một mức nhẹ lại có tác dụng tích cực đến tăng trưởng kinh tế. Chẳng hạn, nhà kinh tế học nổi tiếng Tobin cho rằng lạm phát làm cho nhà đầu tư tái phân bổ danh mục đầu tư của mình từ tiền sang chứng khoán, làm giảm lãi suất thực tế và do đó làm tăng đầu tư và nâng cao năng suất lao động. Ông lập luận thêm rằng “một chút lạm phát giúp bôi trơn nền kinh tế” vì nó giúp thị trường lao động điều chỉnh cho phù hợp. Một số khác cũng chỉ ra rằng nhu cầu tăng lên ổn định sẽ gây ra lạm phát ở mức nhẹ, là cái mà thực ra lại làm tăng, chứ không phải giảm, năng suất lao động và, do đó, tăng tốc độ tăng trưởng. Vì thế, động thái nhằm đạt mức lạm phát bằng 0 chẳng qua là chính sách trả trước ngay bây giờ cho nhiều thiệt hại hơn sau này.
Từ một khía cạnh khác, một số người cho rằng lạm phát có ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế nếu xét đến mối quan hệ giữa tính bất trắc của lạm phát trong tương lai với tăng trưởng sản lượng. Họ cho rằng tính bất trắc của lạm phát càng cao thì tăng trưởng sản lượng càng thấp. Sở dĩ có điều này bởi vì nhà sản xuất khai thác triệt để tính bất đối xứng về thông tin trên thị trường – thông tin có được của người tiêu dùng bị hạn chế so với nhà sản xuất – để tăng biên độ lợi nhuận, do đó làm tăng doanh thu kể cả cho những nhà sản xuất không thật sự hiệu quả. Việc phân bổ các nguồn lực sản xuất tới những nhà sản xuất không hiệu quả như vậy sẽ làm giảm tốc độ tăng trưởng. Nhưng ngược lại với dòng lập luận này, một số nhà kinh tế chỉ ra rằng tính bất trắc của lạm phát lại có tác động tích cực đến tăng trưởng, nhờ vào động thái tăng tiết kiệm để phòng ngừa lạm phát. Họ cũng chỉ ra thêm rằng trên thực tế, quan hệ nhân quả giữa hai biến số này là không nhất quán ở từng trường hợp nghiên cứu quốc gia.
Như vậy có thể nói rằng về lý luận, quan hệ nhân quả giữa lạm phát với năng suất lao động và/hoặc tăng trưởng chưa hoàn toàn sáng tỏ. Thực tế, kết quả nghiên cứu thực chứng trong nhiều nghiên cứu cấp quốc gia và nhóm quốc gia cũng chỉ ra một quan hệ phức tạp giữa 2 nhóm biến số này. Các nghiên cứu thực chứng ban đầu chỉ tập trung vào nhóm G7, hoặc các nước trong tổ chức OECD, và kết quả nghiên cứu không chỉ ra được một kết luận rõ ràng về quan hệ này. Tùy theo dữ liệu sử dụng là chuỗi thời gian (cho trường hợp nghiên cứu từng quốc gia cụ thể), hay dữ liệu cho nhóm quốc gia sẽ có các kết quả đối ngược nhau. Về sau này, một số tác giả bắt đầu nghiên cứu thêm nhóm các nước ở châu Á. Kết quả nghiên cứu cũng không khác mấy so với kết quả từ các nghiên cứu trước đó đối với nhóm OECD hay G7. Cụ thể, ở một số nước như Nhật, Thái Lan, Sri Lanca, Philippines, và Indonesia, lạm phát và năng suất không hề có quan hệ gì với nhau. Ở một số nước khác như Malaysia, lạm phát có tác động tiêu cực đến năng suất. Ở những nước như Hàn Quốc, Ấn Độ, và Singapore, 2 biến số này tác động lẫn nhau.
Căn cứ vào kinh nghiệm của những quốc gia như nêu trên, có thể rút ra một số bài học cho Việt Nam liên quan đến MTLP ở ta như hiện nay:
Ảnh hưởng của lạm phát là không rõ ràng lên tăng trưởng kinh tế. Ở một nước/nhóm nước nào đó lạm phát (và tính bất trắc lạm phát) có thể làm giảm năng suất (và giảm tăng trưởng), nhưng ở một nước/nhóm nước khác điều này là không đúng. Vì vậy, trước khi đưa ra một MTLP để kiềm chế lạm phát ở nước ta (mà chủ yếu dựa vào chính sách tiền tệ), cần phải có những nghiên cứu thực chứng công phu để có một đánh giá đúng về quan hệ giữa lạm phát và năng suất (và tăng trưởng) ở nước ta. Khi chưa có những nghiên cứu này thì không thể loại trừ khả năng lạm phát ở ta tuy cao nhưng tác động của nó lên tăng trưởng là không đáng kể, và do đó chính sách thắt chặt tiền tệ để kiềm chế lạm phát là không cần thiết và chỉ dẫn đến suy giảm tăng trưởng.
Cũng giống như nhiều quốc gia, lạm phát ở ta cũng do một nguyên nhân quan trọng là ngân sách nhà nước liên tục ở mức thâm hụt. Hầu như từ khi thống nhất đất nước đến nay chưa bao giờ ngân sách đạt được cân bằng thu chi, đặc biệt trong những thời kỳ khủng hoảng kinh tế vĩ mô trước thập kỷ 90. Sau cuộc khủng hoảng kinh tế trong khu vực, thâm hụt ngân sách tăng dần, từ mức 0.13% GDP năm 1998 lên đến 3.23% năm 2001, sau đó giảm xuống, nhưng vẫn còn đứng ở mức khá cao, trên 2% trong vòng 2, 3 năm gần đây. Như vậy, kiềm chế thâm hụt tài khóa sẽ góp phần đáng kể vào việc kiềm chế lạm phát và do đó làm giảm bớt tầm quan trọng của chính sách thắt chặt tiền tệ. Dường như lâu nay ở ta có một quan niệm sai lầm và nguy hại rằng lạm phát chủ yếu bắt nguồn từ các cơn sốt giá nguyên nhiên liệu chiến lược đầu vào. Một số ít người thì tỉnh táo hơn đã nhắc đến sự tăng trưởng tín dụng mạnh để kích cầu trong những năm trước là một nguyên nhân khác của xu hướng lạm phát tăng cao trong những năm gần đây. Thế nhưng hầu như không ai đả động đến một nguyên nhân cũng rất quan trọng là thâm hụt tài khóa đã và đang ở mức khá cao như hiện nay. Từ nhận thức đầy đủ về nguồn gốc lạm phát này, có thể thấy chính sách kiềm chế lạm phát nhờ thắt chặt tín dụng và kiềm chế giá của các nguyên nhiên liệu đầu vào không cho tăng lên là chưa đủ, chưa thật thích hợp, thậm chí là có hại (vì, ví dụ, giá các loại yếu tố đầu vào này sớm hay muộn cũng phải tăng lên cho phù hợp với giá cả thực tế của chúng).
Để có cơ sở áp dụng chính sách thắt chặt tiền tệ nhằm kiềm chế lạm phát như hiện nay, cần phải có thêm một nghiên cứu thực chứng đầy đủ về quan hệ giữa cung tiền và lạm phát trong bối cảnh cụ thể Việt Nam. Điều này là cần thiết vì tăng cung tiền không nhất thiết sẽ gây ra lạm phát. Và nghiên cứu thực chứng ở một số nước (chẳng hạn Ấn Độ và Hàn Quốc) cũng khẳng định rằng tăng cung tiền không phải là nguyên nhân của lạm phát ở những nước này.
Để cho chính sách tiền tệ có hiệu lực trong việc kiềm chế lạm phát, có một số điều kiện tiên quyết. Đó là một thị trường tài chính được tự do hóa, một ngân hàng trung ương độc lập với chính phủ, và một cơ chế tỷ giá linh hoạt hơn, tiến gần đến cơ chế thả nổi hoàn toàn. Ở Việt Nam, 3 điều kiện này chưa (hoàn toàn) được xác lập. Chúng ta mới bắt đầu tự do hóa thị trường tài chính qua một số động thái, trong đó có việc xóa bỏ trần lãi suất, nhưng hoạt động trong các ngành tài chính và ngân hàng chưa hoàn toàn dựa trên các nguyên tắc thị trường. Ngân hàng Nhà nước, với tư cách là một ngân hàng trung ương, vẫn là một thành viên của chính phủ và chịu nhiều chi phối từ đây. Cơ chế tỷ giá vẫn rất cứng nhắc, hầu như là gắn chặt giá đồng nội tệ với đôla Mỹ.
———–
*Tiến sĩ Khoa kinh tế, Đại học Kyushu, Nhật Bản

—————
CHÚ THÍCH:
-lamphat: Quan hệ nhân quả giữa lạm phát với năng suất lao động và tăng trưởng chưa hoàn toàn sáng tỏ.

Phan Minh Ngọc

Tác giả