Lên men bột mì bằng vỏ táo và mật ong

 Tháng 7-2013, Doanh nghiệp tư nhân Bánh kẹo Á châu (ABC) đã chính thức ra mắt người tiêu dùng tại TPHCM 10 sản phẩm mới cùng công nghệ làm bánh ngọt mới với tên gọi là Pre – Poolish. Sự kiện này đánh dấu một bước ngoặt lớn của ABC khi họ trở thành doanh nghiệp sản xuất bánh đầu tiên tại Việt Nam tự chế tạo ra công thức mới sử dụng dinh dưỡng của vỏ táo và mật ong để lên men bột mì và đưa ra công nghệ làm bánh hoàn toàn “Made in Vietnam”.

Người đưa vỏ táo đến với mật ong…

“Khi người ta ăn táo, họ gọt vỏ. Tôi thấy tiếc vì vỏ táo mới chứa hàm lượng dinh dưỡng nhiều nhất. Một ý nghĩ hiện rõ trong đầu tôi – “Tại sao chúng ta không sử dụng nguồn thực phẩm chất lượng này vào trong công thức lên men bột mì?”, ông Kao Siêu Lực – giám đốc ABC kể lại ý tưởng ban đầu của ông.

Ý tưởng tuy đơn giản là thế nhưng dù đã mất rất nhiều công lao tìm tòi và nhiều lần thử nghiệm với thức ăn của men là đường và dinh dưỡng của vỏ táo nhưng vẫn không thấy hiệu quả. Không chấp nhận thất bại, ông lại dùng nước đường và cho thêm mật ong thì đã mang lại một hiệu quả bất ngờ. Ông nhận ra mình đã đi đúng hướng và tiếp tục nghiên cứu trong suốt một quá trình dài gần cả năm trời để đưa ra phương pháp lên men mới này.

Kết hợp giữa Phương pháp lên men táo – mật ong và Công nghệ làm bánh Pre – Poolish đã cho ra lò những sản phẩm đầu tiên với mùi thơm thiên nhiên trái cây hấp dẫn và hàm lượng chất dinh dưỡng cao hơn. Bánh mới có thể để lâu hơn loại bánh cũ hai ngày và có độ mềm hơn. Công nghệ làm bánh Pre – Poolish là phương thức ủ bột thời gian dài để tạo hương thơm tự nhiên. Thời gian ủ lên men càng lâu thì bánh càng thơm ngon. Trong công nghệ làm bánh này thứ quan trọng nhất là người làm bánh phải cân bằng được bột và nước. Phương pháp này rất ít được sử dụng ở Việt Nam vì nó rất khó làm và tốn nhiều thời gian.

Rồi ông Lực lại tiếp tục nghiên cứu để phát triển phương pháp làm bánh mới này. Đằng đẵng một thời gian dài, đến nay đã có 10 loại bánh có nhân khác nhau lần lượt ra đời. Để làm ra một chiếc bánh phải mất 30 giờ, trong đó công đoạn ủ lên men mất tới 24 giờ cộng với 6 giờ làm bánh.

Hiện nay ABC đã có hệ thống 29 cửa hàng tại Việt Nam và năm cửa hàng tại Campuchia cùng với hai nhà máy làm việc hết công suất. Dự kiến đến cuối năm nay, ABC sẽ đưa nhà máy thứ ba, trị giá 4 triệu USD vào hoạt động.

“Có người nói với tôi rằng cần gì phải hao công tổn sức để nghiên cứu ra một loại bánh trong khi doanh nghiệp vẫn làm ăn phát đạt. Hơn nữa, khi đã nghiên cứu thành công rồi, thì việc biến thành thành phẩm cũng tốn thời gian hơn mà giá thành thì tương đương. Tuy nhiên, tôi lại có tư tưởng khác, trên cả việc kinh doanh tôi muốn bản thân tôi, các cộng sự và toàn thể nhân viên của ABC phải không ngừng sáng tạo để luôn có những loại bánh mới cho người tiêu dùng” – ông Lực tâm sự. “Khi bạn nhận ra được giá trị to lớn của mục đích bạn muốn thay đổi và làm việc bằng cả sự nhiệt huyết, sự kiên trì và tấm lòng thì có khó mấy cũng có thể vượt qua. Tôi xin nhấn mạnh một điểm về nguyên liệu mà ABC sử dụng hoàn toàn là của những người nông dân Việt trồng trọt, sản xuất. Đã đến lúc chúng ta nên tôn vinh những con người, những sản phẩm được nuôi trồng do chính người Việt đang ngày ngày lao động.”

… và tạo ra dây chuyền máy làm bánh “Made in Vietnam”

Tất cả các dây chuyền làm bánh của ABC đều dán tem “Made in Vietnam” và đều đồng bộ hóa công nghệ Pre – Poolish. Và chuyện những chiếc máy mang thương hiệu Việt này cũng có gốc tích ý nghĩa lắm.

Là Chủ tịch Hiệp hội bánh mì Châu Á nên ông Lực có từng đi tham quan nhiều xưởng bánh nổi tiếng trên thế giới. Mỗi lần ông nhìn thấy những chiếc máy làm bánh bị lỗi không được sử dụng đều nhập về Việt Nam để chế tạo lại. Và rồi, từ sự kết hợp giữa bộ óc tìm tòi và bàn tay khéo léo của người thợ đầy kinh nghiệm, những chiếc máy tưởng như bỏ đi đó đã biến thành những dây chuyền hữu ích. Cộng với việc sử dụng công nghệ Pre – Poolish đã làm cho chiếc bánh không chỉ đẹp về kiểu dáng mà còn đầy hương vị.

Rồi những chiếc máy làm bánh mang thương hiệu “made in VietNam” này được xuất ra các nước như Singapore, Đài Loan, Philippines … Điều đáng nói là không chỉ nhận tiền trao vật mà ABC còn cử chuyên viên của mình sang đó để hướng dẫn các khâu làm bánh để đối tác có thể sử dụng những chiếc máy này có hiệu quả nhất. Trong vòng một tuần, khi bên khách hàng chắc chắn về sản phẩm của mình chạy tốt và có thể hoạt động bình thường thì mới cho nhân viên về. “Có như vậy họ mới tâm phục khẩu phục về sản phẩm và đánh giá cao sự chuyên nghiệp của nhân viên ABC” – ông Lực nói.

Cho tới thời điểm này, từ nguyên liệu, máy móc, sản phẩm của ABC đều mang thương hiệu của Việt Nam. Sự sáng tạo trong việc tạo ra công thức làm bánh, công nghệ làm bánh và cả việc đẩy mạnh thương hiệu Việt đã khiến cho người tiêu dùng tin ở tiệm bánh này. Giữa lúc các thương hiệu bánh ngọt nước ngoài đang đổ xô đến Việt Nam, thì việc giữ được khách hàng và không ngừng mở rộng kinh doanh như ABC là điều không phải ai cũng làm được.

 “Chúng ta phải tự hào là những doanh nghiệp Việt có những sản phẩm tốt nhất, chất lượng nhất, không ngừng sáng tạo ra những sản phẩm mới có lợi cho người tiêu dùng và luôn luôn làm vì cái tâm”, ông Lực chia sẻ

Tác giả