Máy phát siêu cao tần đầu tiên ở Việt Nam

Với đề tài cấp nhà nước “Chế tạo máy phát tín hiệu mã nhận biết chủ quyền quốc gia”, nhóm nghiên cứu của PGS.TS Bạch Gia Dương, ĐH Công nghệ (ĐH Quốc gia Hà Nội), đã chế tạo thành công máy phát 3KW ở dải siêu cao tần đầu tiên ở Việt Nam.

Làm chủ công nghệ lõi

Hẹn gặp PGS.TS Bạch Gia Dương trong căn phòng làm việc của ông với ngổn ngang các thiết bị điện tử. Đập vào mắt tôi là “cỗ máy” có kích thước bằng cái tủ lạnh đặt giữa gian phòng hẹp. Như đoán được tôi đang tò mò, ông cho biết ngay đó là máy phát siêu cao tần – sản phẩm của đề tài cấp nhà nước “Chế tạo máy phát tín hiệu mã nhận biết chủ quyền quốc gia”. PGS.TS Bạch Gia Dương giải thích, với thiết bị này, khi phát đi các thông tin trao đổi được mã hóa theo chuẩn không lưu sẽ giúp chúng ta nhận biết được các hoạt động của máy bay, từ đó xác định máy bay đó có vi phạm chủ quyền hay không.

Ngoài ứng dụng trong lĩnh vực quốc phòng, nhóm nghiên cứu của PGS.TS Bạch Gia Dương đang có ý định triển khai công nghệ này cho các tàu đánh cá. Lâu nay, tàu đánh cá được gắn mạng thông tin GPS để xác định vị trí của tàu, nhưng việc truyền thông tin từ tàu về các trung tâm cứu hộ có những lúc bị gián đoạn do tác động của mặt biển. “Nếu thiết bị này được ứng dụng vào việc truyền sóng ở khu vực biển thì có thể giải quyết được khó khăn trên, nâng cao hiệu quả việc quản lý các tàu đánh cá cũng như hoạt động trên biển khác”, PGS.TS Bạch Gia Dương khẳng định.

Khi phát đi các thông tin trao đổi được mã hóa theo chuẩn không lưu, máy phát 3KW ở dải siêu cao tần đầu tiên ở Việt Nam giúp nhận biết các hoạt động của máy bay, từ đó xác định máy bay đó có vi phạm chủ quyền hay không.

Máy phát siêu cao tần, hiện đã được đăng ký sáng chế tại Cục Sở hữu trí tuệ, có chất lượng tương đương thiết bị nhập ngoại trong khi giá thành chỉ bằng một phần ba. Nhưng điều quan trọng hơn cả, theo PGS.TS Bạch Gia Dương, là chúng ta đã làm chủ được công nghệ lõi để từ đó tiếp tục phát triển chế tạo các thiết bị trong lĩnh vực siêu cao tần khác mà từ trước đến nay chúng ta đều phải phụ thuộc vào nước ngoài như: thiết bị chuyển tiếp truyền hình, chuyển tiếp các thông tin mang tính bảo mật cao; hoặc phát triển các hệ thống thu phát vệ tinh, chế tạo máy thu tìm kiếm, trinh sát vị trí của vệ tinh VINASAT đối với các trạm mặt đất. Đồng thời, chúng ta sẽ hoàn toàn chủ động trong việc tự sửa chữa, bảo hành hoặc thay thế.

Một hướng nghiên cứu khác cũng được nhóm quan tâm là ứng dụng cho việc truyền năng lượng vũ trụ để giải quyết bài toán năng lượng sạch phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Nghiên cứu cơ bản gắn với định hướng sản phẩm

“Khởi nghiệp” từ trăm bề thiếu thốn, lại tự thân vận động nhưng dám nghĩ, dám làm, không sợ thất bại, đến nay, lĩnh vực nghiên cứu của nhóm đã khẳng định được danh tiếng của mình. “Được đầu tư chậm hơn nhưng chúng tôi đã kiên trì theo đuổi hướng nghiên cứu của mình. Bên cạnh đó, với việc đẩy mạnh nghiên cứu cơ bản để phát triển công nghệ ứng dụng, chúng tôi đã trở thành đơn vị tiên phong ở Việt Nam chế tạo ra thiết bị phát sóng siêu cao tần với tiềm năng ứng dụng cao”, PGS.TS Bạch Gia Dương cho biết.

Một trong những điều quyết định thành công nhóm nghiên cứu của PGS.TS Bạch Gia Dương, ngoài việc bằng mọi giá phải làm chủ được công nghệ lõi, là đầu tư mạnh cho nghiên cứu cơ bản – điều mà ít cơ sở đào tạo và nghiên cứu khác, nhất là trong lĩnh vực siêu cao tần, làm được. Phương châm đẩy mạnh nghiên cứu cơ bản gắn với định hướng tạo ra sản phẩm công nghệ cao, đã giúp nhóm có được thành công khác biệt so với các cơ sở nghiên cứu được đầu tư trọng điểm nhưng lại chỉ chuyên tâm nghiên cứu ứng dụng.

Một trong những điều quyết định thành công nhóm nghiên cứu của PGS.TS Bạch Gia Dương, ngoài việc bằng mọi giá phải làm chủ được công nghệ lõi, là đầu tư mạnh cho nghiên cứu cơ bản – điều mà ít cơ sở đào tạo và nghiên cứu khác, nhất là trong lĩnh vực siêu cao tần, làm được. Phương châm đẩy mạnh nghiên cứu cơ bản gắn với định hướng tạo ra sản phẩm công nghệ cao, đã giúp nhóm có được thành công khác biệt so với các cơ sở nghiên cứu được đầu tư trọng điểm nhưng lại chỉ chuyên tâm nghiên cứu ứng dụng.

Những sản phẩm công nghệ đỉnh cao chỉ là tức thời, điều kiến PGS.TS Bạch Gia Dương nghĩ đến nhiều chính là tạo sự phát triển bền vững, hình thành một đội ngũ nghiên cứu mạnh. Phát triển đào tạo, do đó, là điều ông đặc biệt chú trọng. Từ nền tảng công nghệ siêu cao tần, nhóm nghiên cứu tiếp tục phát triển thiết kế những chip (IC) siêu cao tần – đây là hướng nghiên cứu đã góp phần đào tạo được nhiều nghiên cứu sinh, học viên cao học và sinh viên. Ban đầu chỉ có hai thành viên nhưng dần dần PGS.TS Bạch Gia Dương đã đào tạo được thế hệ kế cận để hình thành nên một nhóm nghiên cứu mạnh.

Chúng tôi có được sản phẩm công nghệ cao, nhưng quan trọng hơn chính là hình thành được một nhóm nghiên cứu mạnh có kiến thức cơ bản vững chắc, giàu kinh nghiệm thực tế để từ đó làm chủ được những công nghệ mới khác”, PGS.TS Bạch Gia Dương nói.

Cũng như nhiều đồng nghiệp, tâm nguyện của nhà khoa học gắn bó cả đời mình cho lĩnh vực siêu cao tần này là nhìn thấy sản phẩm của mình “sống” được trên thị trường, và cũng để chứng tỏ một điều rằng, những sản phẩm công nghệ trong nước hoàn toàn có thể cạnh tranh với sản phẩm cùng loại của nước ngoài. “Có đầu ra của sản phẩm, có thị trường để quay vòng vốn phát triển công nghệ sâu hơn, lấy sản phẩm nuôi nghiên cứu” là định hướng phát triển nhóm nghiên cứu của PGS.TS Bạch Gia Dương.

Những thành công ban đầu của nhóm nghiên cứu thuộc ĐH Công nghệ là minh chứng cho thấy, không chỉ có các viện nghiên cứu lớn, các trường đại học cũng đang gia nhập mạnh mẽ vào dòng chảy khoa học nước nhà.

 

Tác giả