Cải cách giáo dục đòi hỏi sự kiên nhẫn
TS Nguyễn Thụy Phương và Nguyễn Thúy Uyên Phương đã thực hiện dự án nghiên cứu về lịch sử Giáo dục mới tại Việt Nam và tái hiện chân dung của những người tiên phong thể nghiệm Giáo dục mới cũng như bối cảnh giáo dục Việt Nam giai đoạn những năm 1940. Chúng tôi đã có dịp trao đổi với hai chị xung quanh hành trình và những trăn trở đã thôi thúc những người tiên phong đó tìm kiếm một triết lý giáo dục khai phóng, tự do.
Tia Sáng: Cơ duyên nào khiến các chị tiến hành làm dự án nghiên cứu lại về lịch sử của Giáo dục Mới ở Việt Nam này?
Nguyễn Thúy Uyên Phương: Chúng tôi vẫn thường nói với nhau rằng dự án này là một “hành trình không định trước”, vì nó xảy ra hết sức tình cờ. Trong một lần nói chuyện với Nguyễn Thụy Phương, chị kể cho tôi nghe về một nhân vật mà chị đang nghiên cứu – giáo sư Nguyễn Phước Vĩnh Bang, từng là cộng sự đắc lực của Jean Piaget ở Đại học Geneva và là người mở trường mẫu giáo đầu tiên theo Giáo dục Mới của người Việt. Khi nghe câu chuyện ấy, tôi cảm thấy hết sức hứng thú vì là người thực hành và mở trường theo Giáo dục Mới đã nhiều năm mà tôi hoàn toàn chưa được nghe về nhân vật này. Và càng khám phá nhiều hơn về ông, cả hai chúng tôi lại càng cảm thấy vô cùng ngạc nhiên lẫn bối rối vì nếu như nhân vật người Việt này nổi tiếng ở Geneva bao nhiêu thì chính cộng đồng giáo dục Việt Nam lại không một ai biết gì về ông.
Động cơ lớn nhất khiến chúng tôi bắt đầu hành trình “khai quật” này, có lẽ là từ cảm giác đơn độc của chính mình khi theo đuổi các triết lý giáo dục mới. Nên khi biết được trên con đường này đã có dấu chân của các bậc tiền nhân đi trước, tôi cảm thấy mừng lắm, rằng mình không lẻ loi đơn độc nữa. Tôi nghĩ rằng nhiều người làm giáo dục khác cũng đang có cảm giác ấy, nên nếu câu chuyện này được kể một cách rộng rãi, nó sẽ là một nguồn cảm hứng, một sự động viên rất lớn để cộng đồng giáo dục tiến bộ vững tin hơn với sự chọn của mình.
Từ phải qua: Chị Nguyễn Thụy Phương, Nguyễn Thúy Uyên Phương Phỏng vấn GS Pascal Zesiger – Hiệu trưởng trường Tâm lý giáo dục, ĐH Geneva. Ảnh: NVCC.
Các chị có thể cho biết những kết quả, sản phẩm cụ thể của dự án ?
Nguyễn Thúy Uyên Phương: Chúng tôi đã mất gần hai năm để lần dò lại vết chân của những người tiên phong từ Pháp, Thụy Sỹ sang đến Hà Nội, Hải Phòng, Sài Gòn; xoay đủ mọi cách để tìm lại những nhân chứng còn lưu giữ ký ức về giai đoạn đó. Nhưng trong suốt quá trình thực hiện dự án, chúng tôi luôn cảm thấy một sự may mắn kỳ lạ, như thể là có “các cụ” đi theo phù hộ, bởi gõ đến đâu là cửa mở đến đó. Và một dự án nghiên cứu thế này không dễ xin được tài trợ, vậy mà chúng tôi cũng lại có được sự ủng hộ một cách vô vị lợi, nhiệt thành từ các mạnh thường quân.
Điều chúng tôi trăn trở nhất, là làm sao để những nghiên cứu từ dự án không chỉ là một công trình học thuật nằm trong “tháp ngà” mà phải chạm được đến công chúng, đặc biệt là tới các bậc cha mẹ trẻ, các giáo viên trẻ. Nên chúng tôi quyết định chọn những cách thức mới mẻ, hiện đại, dễ tiếp thu để phổ biến các kết quả của dự án ra cộng đồng. Sẽ có 2 cuốn sách được xuất bản, một cuốn viết dưới dạng du khảo kể về trường Bách Thảo cũng như các mô hình trường lớp nuôi dạy trẻ vào những năm 1940; cuốn còn lại có sự cộng tác viết của giáo sư Đại học Geneva để tóm tắt về triết lý chính và các nhà tư tưởng thuộc phong trào Giáo dục Mới cho những ai muốn bắt đầu tìm hiểu sâu hơn về phong trào này. Bên cạnh đó, chúng tôi còn sản xuất một bộ phim ngắn có tựa đề “Giáo dục Mới và Các nhà tiên phong tại VN” cho những ai…lười đọc, và còn tổ chức một chuỗi hội thảo, chương trình học dành cho các bậc cha mẹ để giúp họ hiểu Giáo dục Mới là gì và làm sao để nhận biết đâu là trường có phương pháp tiến bộ, phù hợp với con mình.
Qua hai chị, chúng tôi được biết về những thể nghiệm của GS Vĩnh Bang và các cộng sự về Giáo dục mới ở trường Bách Thảo. Về triết lý giáo dục của Bách Thảo – hẳn là mang nội hàm của mô hình Giáo dục Mới, nhưng có những tư tưởng riêng mà Bách Thảo muốn nhắm tới cho những học sinh người Việt trong bối cảnh thời Pháp thuộc đó không?
Nguyễn Thụy Phương: Điểm duy nhất trong lập thuyết sư phạm mầm non của Vĩnh Bang gắn với Việt Nam, đó là việc ông lưu tâm đến những điều kiện khách quan (như thời tiết) mà ông gọi là “Trẻ em Việt Nam – đặc điểm và đặc tính – quê chợ và thôn quê”, đến điều kiện và hoàn cảnh của gia đình. Còn nhà thể nghiệm sư phạm giáo dục Vĩnh Bang không phân biệt trẻ Việt với trẻ Tây ở phương Tây, nơi được thụ hưởng trực tiếp Giáo dục Mới, trên phương diện trí tuệ, nhân cách hay thể chất. Theo chúng tôi, đây thực sự là một quan điểm cấp tiến ở thời điểm đó. Bởi lẽ, trẻ em là nguồn gốc trong sáng và là bản thể sơ khai của nhân loại, không nên phân biệt trẻ bằng “thước đo” văn hóa, chủng tộc, đặc trưng xã hội của người lớn. Một cách lý tưởng, vai trò và trách nhiệm của nhà giáo dục là hướng trẻ đến những giá trị phổ quát của nhân loại.
Thật đáng tiếc là trường Bách Thảo chỉ tồn tại được trong một thời gian rất ngắn, chỉ trong 2 năm. Vậy đâu là nguyên nhân khiến Bách Thảo cũng như Giáo dục Mới ở Việt Nam bị “lãng quên”?
Nguyễn Thụy Phương: Trước hết, phong trào sư phạm Giáo dục mới phải chịu một cú đòn giáng ngăn cản sự phát triển và lan tỏa là cuộc đại chiến thế giới thứ hai. Bách Thảo cũng chịu cảnh tương tự ở Việt Nam. Chúng ta thừa hiểu rằng mọi cải cách hay thể nghiệm giáo dục hay sư phạm đều cần thời gian đầu tư và tiến hành, thời gian đó thậm chí tối thiểu phải là 12 năm, đủ dài như đời đi học, thì chúng ta mới có thể đánh giá kết quả của cả quá trình đó. Mọi biến động từ đời sống xã hội như chiến tranh, bao loạn đều tác động tiêu cực đến giáo dục. Cuốn sách tôi viết ra trong khuôn khổ dự án này hé mở cho bạn đọc rằng thực ra vẫn có những nỗ lực của những người khác, từ cả cá nhân lẫn chính thể, tiếp thu trực tiếp hoặc gián tiếp giáo dục mầm non theo phương pháp Giáo dục mới, nhưng quả là chiến tranh đảo chiều mong muốn.
Nguyễn Thúy Uyên Phương: Thực ra thì cũng không hẳn là Giáo dục Mới bị mất hẳn ở Việt Nam kể từ sau Bách Thảo mà đây đó vẫn có những người thực hành và những ngôi trường mang hơi hướng này, tuy nhiên phần nhiều là tự phát hơn là dựa trên một nền tảng, chủ trương rõ ràng. Có thể sau chiến tranh, xã hội tập trung vào chuyện vực dậy đời sống kinh tế nhiều hơn đầu tư cho giáo dục. Đặc biệt là giáo dục tuổi đầu đời lại càng bị “bỏ lơ” vì phần lớn mọi người vẫn cho rằng trẻ nhỏ dưới 6 tuổi chưa có mấy năng lực nhận thức, chỉ cần cho ăn cho ngủ, chăm giữ tốt là đủ. Phần lớn cha mẹ gửi con đến trường mẫu giáo cũng chỉ quan tâm đến chuyện con ăn gì, cân nặng ra sao hơn là phương pháp, triết lý giáo dục của ngôi trường đó thế nào. Thành ra, rất nhiều người thực hành Giáo dục Mới trong giai đoạn sau này là xuất phát từ đam mê cá nhân rồi tự mình mày mò, thể nghiệm và còn phải đi thuyết phục ngược lại cộng đồng về tầm quan trọng của giáo dục cho trẻ ở tuổi đầu đời.
Sau giai đoạn hội nhập, đời sống kinh tế khá lên nhiều thì lại bắt đầu xuất hiện một khao khát đầu tư cho con những gì được cho là tốt nhất, đẳng cấp nhất, đặc biệt là trong tầng lớp trung thượng lưu. Đấy là lúc mà những cái tên của Giáo dục Mới bắt đầu quay lại Việt Nam và những ngôi trường treo bảng giáo dục mới như Montessori, Steiner, Reggio Emilia… bắt đầu nở rộ. Nói là “treo bảng”, vì bên cạnh những trường thực sự theo đuổi Giáo dục Mới thì vẫn có những trường chỉ xem đó như một cái tên lấp lánh để phụ huynh chịu đóng học phí cao hơn là chính. Cũng nhiều cha mẹ chỉ biết tin rằng mình bỏ nhiều tiền hơn thì con sẽ được thụ hưởng sự giáo dục tốt hơn mà không hiểu bản chất hay biết cách kiểm chứng chất lượng thực sự như thế nào.
GS Vĩnh Bang (giữa) và người thầy GS Jean Piaget. Ảnh: Lưu trữ gia đình GS Vĩnh Bang.
Việc Bách Thảo và GS Vĩnh Bang bị chìm đi trong dòng lịch sử giáo dục và lịch sử Việt Nam cho thấy sự đứt gãy trong việc theo đuổi triết lý giáo dục tân tiến một cách liên tục, và dường như số phận của những tư tưởng cải cách, canh tân thật sự … khó có chỗ đứng.
Nguyễn Thụy Phương: Quả thật chúng ta không thể kiểm soát được ngoại cảnh. Có thể nó quá cấp tiến, cần đầu tư cơ sở vật chất tốn kém, cần phải có đội ngũ giáo viên được đào tạo chuyên biệt… nên khó áp dụng ở diện rộng, đại trà?! Mà phải chăng các thể nghiệm này ở Việt Nam hay ngoại quốc đều dành cho con cái giới trung lưu, tinh hoa hơn là cho đại chúng?!
Nhưng điều quan trọng, theo tôi đó là làm trong giáo dục, dù ở bất kỳ vai trò hay cương vị gì, thì phải có mục đích nhân văn, một quyết tâm và tầm nhìn dài hạn và quy tụ những người cùng chính hướng để thực thi. GS Vĩnh Bang và các cộng sự thể nghiệm giáo dục trong bối cảnh đất nước bị trị, tức là ngoại cảnh không hề thuận lợi. Nhưng ông và thế hệ đó vẫn ao ước và quyết tâm sự nghiệp “trồng người”. Hoàng Đạo Thúy, một người anh cả của đại diện nhóm trí thức hướng đạo sinh đó, còn xác định vị trí và vai trò của trí thức trẻ, đó là “làm thầy” như cách ông lập ngôn trong cuốn sách “Người thầy”, ra mắt độc giả năm 1944.
Nguyễn Thúy Uyên Phương: Tôi nghĩ rằng, làm những việc chưa ai từng làm, đi những con đường chưa ai từng đi thì bao giờ cũng khó. Nhất là trong bối cảnh một xã hội có quá nhiều xáo trộn như ở Việt Nam thì những việc mang tính chất cải cách lại càng khó và đòi hỏi sự kiên nhẫn vô cùng lớn, có khi là để thành toàn thì phải mất vài ba thế hệ. Nhưng nếu ai cũng thấy khó mà không bắt tay vào thì vĩnh viễn không có điểm bắt đầu, không có gì để lại cho người sau nối tiếp. Dù chỉ tồn tại trong một giai đoạn ngắn ngủi, nhưng không phải vì thế mà trường Bách Thảo hay những gì mà các nhà tiên phong như Giáo sư Vĩnh Bang đã làm là vô ích. Trong lịch sử cũng có một ngôi trường khác chỉ tồn tại có 9 tháng là trường Đông Kinh Nghĩa Thục mà dấu ấn nó để lại cũng hết sức to lớn đấy thôi. Và đến hôm nay, những thế hệ đi sau như chúng ta lại nhắc về Bách Thảo, về Vĩnh Bang và tiếp tục viết tiếp câu chuyện của những nhà tiên phong ấy, càng chứng tỏ là mỗi nỗ lực cải cách đều có giá trị đóng góp riêng của nó trong dòng chảy lịch sử.
Xin quay lại một chút về dự án nghiên cứu này của các chị. Sau dự án này, dự định của các chị là gì?
Nguyễn Thúy Uyên Phương: Chúng tôi mong muốn sẽ tìm được cách bền vững, dài hơi để phổ biến những sản phẩm của dự án rộng rãi hơn nữa đến với cộng đồng, không chỉ những giới nghiên cứu hay giới thực hành giáo dục như chị Thụy Phương và tôi, mà cả những người làm gia mẹ hay bất kỳ ai quan tâm đến giáo dục con trẻ. Tôi vẫn thường có cảm giác chạnh lòng mỗi khi thấy những cuốn sách, những tác phẩm rất hay và rất quan trọng cho người làm giáo dục chỉ được biết đến trong một nhóm ít ỏi. Chúng tôi hy vọng rằng dự án này sẽ vượt qua được giới hạn đó.
Cảm ơn hai chị về cuộc trò chuyện!
Bảo Như thực hiện
Giáo dục mới là một quan điểm đặt trẻ em vào trung tâm của hệ thống giáo dục và coi trẻ em như một chủ thể vận động trong sự phát triển tự nhiên của chúng trên bình diện thể chất, tinh thần và trí tuệ. Quan điểm này đã được nhen nhóm vào thế kỷ 18, đặc biệt thông qua ngòi bút của Jean-Jacques Rousseau trong cuốn Emile hay là về giáo dục (1762), thể hiện một tinh thần tiên phong và khai phóng vì ông cho rằng cần phải có phương pháp giáo dục tôn trọng trẻ em và bản chất của trẻ. Tư tưởng này của Rousseau chỉ thực sự thiết lập và phát triển thành một tư tưởng giáo dục, một phong trào canh tân sư phạm mang tầm quốc tế từ cuối thế kỷ 19 trở đi và để đến đầu thế kỷ 20, người ta bắt đầu định danh đó là “thế kỷ của trẻ em”, như tiêu đề cuốn sách của Ellen Key (1899), một thế kỷ hướng đến sự am hiểu và bảo vệ trẻ em. Trên phương diện thực hành sư phạm, chúng ta chứng kiến một loạt mô hình trường học kiểu mới, mang tên trường học chủ động, được đưa vào hoạt động tại châu Âu và Mỹ: tại Pháp, Edmond Demolins lập Ecole des Roches (1899), Cecil Reddie mở Abbotsholme School (1889) tại Anh, Gustav Wyneken mở trường Wikerdorf (1906) ở Đức, tại Ý Maria Montessori mở Casa dei Bambini (1904), ở Thụy Sĩ, Édouard Claparède lập Maison des Petits (1913),… Phương pháp dạy ở những trường học kiểu mới này hướng đến việc học thông qua thực hành và khả năng tự quản (self-government). Thời kỳ vàng son của phong trào canh tân sư phạm này diễn ra vào giai đoạn giữa hai cuộc Thế chiến thông qua sự thiết chế hóa phong trào ở tầm quốc tế với sự ra đời của Văn phòng Quốc tế Trường học Mới (Bureau international des Ecoles nouvelles, 1899), Liên minh Quốc tế vì nền Giáo dục Mới (Ligue internationale pour l’Education Nouvelle, 1921) nơi hội tụ những nhà giáo dục, nhà khoa học và giới trí thức.
Giáo dục mới thực sự là một thuyết nhật tâm của Kopernik trong ngành sư phạm vì nó “dám” đảo ngược và đổi chiều tư duy giáo dục truyền thống. Trường học phải thích ứng trước nhu cầu và mối quan tâm, sở thích, hứng thú của học sinh, nhà trường phải là nơi vừa học vừa hành và môi trường hợp tác và tương tác giữa học sinh với nhau và giữa giáo viên với học sinh. Giáo dục phải tự nhiên, gắn với đời thực, chuẩn bị hành trang vào đời, giáo dục phải dạy lòng vị tha và tôn trọng sự khác biệt. Đồng thời, phong trào này là một cuộc tái tư duy và tái định nghĩa về mục tiêu của giáo dục, về quan niệm về trẻ em, về chức năng của nhà trường, vai trò của người dạy và về phương pháp và giáo cụ sư phạm.
TS Nguyễn Thụy Phương