Cần lập quỹ học bổng nghiên cứu sinh quốc gia

Thật không may, một trong những nguyên nhân chính khiến chất lượng đào tạo nghiên cứu sinh trong nước rất thấp là do phần đông những người đi làm nghiên cứu sinh phải bỏ kinh phí tự túc theo học (hiện nay cũng có nhiều đề tài nghiên cứu chi trả lương cho nghiên cứu sinh, nhưng việc này chưa phổ biến), nên nhiều nghiên cứu sinh dù làm theo hình thức học toàn thời gian (full time) nhưng lại không dành toàn thời gian cho công việc nghiên cứu mà vẫn chạy “sô” làm việc kiếm sống hoặc làm các công việc chính tại cơ quan mình đang làm, và chỉ tham gia nghiên cứu như việc bán thời gian…

Do vậy việc thành lập quỹ học bổng nghiên cứu sinh quốc gia để giải quyết vấn đề tài chính cho nghiên cứu sinh trong nước chắc chắn sẽ là một bước tiến đáng kể trong việc nâng cao chất lượng đào tạo nghiên cứu sinh cũng như nghiên cứu khoa học trong nước.

Các ước tính cụ thể

Giả thiết việc thành lập một quỹ học bổng nghiên cứu sinh quốc gia (tạm gọi là QNCS), cấp học bổng toàn phần cho đối tượng theo học các chương trình nghiên cứu sinh tại các trường đại học trong nước, bao gồm: (1) tiền lương tháng (chi trả 12 tháng/ năm), (2) bảo hiểm y tế, (3) tiền học phí, (4) chi phí hỗ trợ nghiên cứu cho, (5) trợ cấp cho giáo viên hướng dẫn. Bảng dưới đây đề xuất một số con số cụ thể bảng dưới.

Mục

Tháng (VNĐ)

Năm (triệu VNĐ)

Ghi chú

(1) Lương cho NCS

6.000.000

72.000.000

 

(2) Bảo hiểm y tế

180.000

2.160.000

3% lương

(3) Học phí

1.200.000

14.400.000

1

(4) Hỗ trợ nghiên cứu

1.000.000

12.000.000

2

(5) Giáo viên hướng dẫn

2.000.000

24.000.000

2 giáo viên3

Thành tiền

10.380.000

124.560.000

 

Theo bảng trên, chi phí lớn nhất chi trả cho nghiên cứu sinh là lương hằng tháng, giả sử được trả theo mức trên mức lương bình quân của người lao động hiện nay (là 5,04 triệu)4, và trợ cấp cho giáo viên hướng dẫn nghiên cứu sinh (1 triệu đồng/giáo viên/tháng), thì chi phí mỗi năm cho một nghiên cứu sinh vào khoảng hơn 124 triệu VNĐ, tương đương với hơn 5500 USD. Nếu quy định thời gian cấp học bổng là bốn năm học, thì tổng trị giá của một học bổng sẽ là chưa tới 500 triệu VNĐ (chính xác theo ước tính trên là 498.240.000 VNĐ – tương đương hơn 22 ngàn USD). Con số này chưa bằng học phí theo học tại một trường đại học trong top 50 ở Mỹ, hay một trường trong top 30 ở Anh. Nếu mỗi năm quỹ học bổng cấp khoảng 1000 suất học bổng, thì tổng chi phí sẽ chi trả cho nghiên cứu sinh sẽ là gần 500 tỉ đồng, và nếu giả sử xây dựng một quỹ trong thời gian hoạt động ban đầu là 10 năm, thì chi phí vào khoảng 5,000 tỉ đồng, chỉ bằng khoảng 1/3 so với đề án 9115.

Một số giải pháp

Tất nhiên, học bổng không nên được cấp một cách tùy tiện mà cần có những quy định và tiêu chuẩn cụ thể, cũng như các chính sách nhằm quản lý hiệu quả công tác nghiên cứu của nghiên cứu sinh. Học bổng có thể được cấp theo cách thi tuyển của Đề án 911 hiện nay, nhưng nên được cải tiến giống với các quy trình chuẩn mực trên thế giới nhằm nâng tính cạnh tranh và chuyên nghiệp của học bổng. Quy trình nên vừa giảm bớt các thủ tục hành chính mà vẫn đảm bảo tính chặt chẽ và chuyên nghiệp. Học bổng có thể được cấp mỗi năm 1-2 đợt định kỳ và theo hình thức nộp hồ sơ cạnh tranh. Các ứng viên là những người thỏa mãn điều kiện chung về nền tảng và bằng cấp chuẩn quốc gia: ví dụ như có bằng thạc sĩ phù hợp với ngành (hoặc có bằng đại học với mức tốt nghiệp xuất sắc cộng với kinh nghiệm làm nghiên cứu), có bằng tiếng Anh (hay ngoại ngữ phù hợp với đòi hỏi của lĩnh vực) theo tiêu chuẩn quốc tế (IELTS, TOEFL, TOEIC,…), có lý lịch khoa học (academic CV) với kinh nghiệm nghiên cứu và đầu ra nghiên cứu tốt cộng với một dự thảo kế hoạch nghiên cứu (research proposal) hợp lý, và thư giới thiệu của ít nhất hai nhà khoa học uy tín hiểu rõ về ứng viên, cùng với thư xác nhận bảo trợ và đảm bảo điều kiện nghiên cứu tại cơ sở đào tạo mà thí sinh đăng ký theo học. Tiêu chuẩn đầu vào ngoại ngữ chặt chẽ nhằm nâng cao chất lượng từ đầu vào, và chỉ miễn cho ứng viên được đào tạo tại nước có chương trình đào tạo bằng ngôn ngữ đó. Hồ sơ có thể được nộp trực tuyến và được chấm theo hình thức phản biện của các chuyên gia trong ngành được mời bởi hội đồng trong vòng chấm thứ nhất, và thông qua phỏng vấn ở vòng cuối cùng. Để đẩy mạnh nghiên cứu, các kết quả về nghiên cứu, cũng như kinh nghiệm nghiên cứu và kế hoạch nghiên cứu nên được xem xét và đặt trọng số cao khi chấm điểm hồ sơ ứng viên.

Nhằm giảm thiểu tiêu cực, các quá trình chấm cũng như điểm chấm ứng viên nên được công khai minh bạch. Bên cạnh đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo có thể lập một danh sách các trường đại học với các ngành đào tạo nghiên cứu sinh đủ chất lượng để có thể cấp học bổng. Các trường hoặc đơn vị không đủ chất lượng sẽ không lọt vào danh sách và không đủ điều kiện làm bảo trợ cho ứng viên nhận học bổng. Tất nhiên, danh sách này có thể cập nhật hằng năm khi các đơn vị nâng cao chất lượng nghiên cứu và đào tạo. Ngoài ra, việc cấp học bổng cũng xem xét cả hồ sơ khoa học của giáo viên hướng dẫn. Nếu giáo viên hướng dẫn không tham gia nghiên cứu, không có đầu ra khoa học tốt cũng sẽ không đủ điều kiện để nhận hướng dẫn và bảo trợ cho ứng viên nhận học bổng. Việc này tạo sức ép buộc cả ứng viên và người hướng dẫn khoa học đều phải tham gia nghiên cứu khoa học thật sự nhằm đạt được chuẩn ngay từ đầu vào. Khi được cấp học bổng, ứng viên nghiên cứu sinh sẽ phải ký hợp đồng làm nghiên cứu toàn thời gian tại đơn vị đăng ký (thời hạn của hợp đồng là thời hạn của học bổng – ví dụ bốn năm), và đơn vị này phải chịu trách nhiệm đảm bảo việc học tập và nghiên cứu của nghiên cứu sinh như cam kết trong thư giới thiệu ở quá trình xin học bổng. Đơn vị cũng có trách nhiệm cập nhật tình hình học tập và nghiên cứu của nghiên cứu sinh định kỳ, ví dụ 1-2 lần hằng năm, với cơ quan chủ quản cấp học bổng. Có thể tăng tính ràng buộc bằng cam kết nếu nghiên cứu sinh bỏ dở công việc giữa chừng không có lý do và bị đơn vị hướng dẫn tố cáo, nghiên cứu sinh sẽ phải bồi hoàn lại khoản kinh phí đã sử dụng kể từ ngày bắt đầu nhận học bổng.
***
Những con số ước tính và giải pháp kể trên cho thấy việc xây dựng một quỹ học bổng như vậy là tiết kiệm hơn so với các đề án đào tạo ở nước ngoài mà vẫn đẩy mạnh đào tạo sau đại học và nghiên cứu khoa học bằng chính nội lực.
——-
1. Tham chiếu theo một mức học phí đào tạo nghiên cứu sinh tại Đại học Quốc gia Hà Nội năm học 2015 là 13.750.000 VNĐ (http://ussh.vnu.edu.vn/ke-hoach-thu-hoc-phi-nam-hoc-2014-2015/16618)
2. Chi phí này nên được trả trực tiếp cho nhóm nghiên cứu hoặc khoa chủ quản của đào tạo NCS.
3. Trợ cấp cho giáo viên hướng dẫn NCS, 1 triệu VNĐ/tháng/giảng viên (mỗi NCS có trung bình 2 giáo viên hướng dẫn).
4. Theo thống kê chính thức, lương trung bình của người lao động Việt Nam vào quý 1 năm 2016 là 5,04 triệu VNĐ (http://vnexpress.net/infographics/thoi-su/nguoi-co-trinh-do-dai-hoc-that-nghiep-nhieu-nhat-3389265.html )
5. Đề án 911 thực hiện trong 10 năm, tổng kinh phí là 14 ngàn tỉ đồng: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/145332/bat-nhat-hoc-phi-dao-tao-tien-si-bang-ngan-sach.html

Tác giả