Để thi cử có ích hơn

Hiện nay chúng ta vẫn phải đối mặt với một thực tế không thay đổi được, đó là kỳ thi tuyển sinh vào đại học. Vấn đề là chúng ta cần làm là sao cho kỳ thi đó có chất lượng hơn, có ích hơn cho học sinh, cho xã hội. Và việc này nằm trong tầm tay của Bộ GD&ĐT.

Thi cử vốn là một truyền thống  của người Việt. Khoa thi Đình chọn ra các tiến sĩ đầu tiên được tổ chức từ gần 1000 năm trước (1075). Con đường của hầu hết các sỹ tử ngày xưa rất rõ ràng: thi đỗ để ra làm quan. Sự học ngày xưa lấy thi làm mục đích. Học có giỏi mấy mà thi không đỗ thì cũng chỉ làm được nghề ”gõ đầu trẻ” và chỉ biết than thân trách phận mình không may mắn.
Như lời Trần Tế Xương, “thi không ngậm ớt thế mà cay”.
Với sự du nhập của nền văn minh phương Tây, thực tài dần dần được coi trọng. Ngày nay các tiến sĩ ra lò thực ra mới chỉ là những anh ”tập sự”, mới xong giai đoạn nghiên cứu sinh tức là học cách nghiên cứu.
Về bằng cấp, tiến sĩ là cao nhất. Tuy nhiên các tiến sĩ còn phải chứng minh thực lực của mình trong công việc và chỉ có thực tài mới đảm bảo chỗ đứng của họ trong xã hội.
Trong khoảng mười năm lại đây tại nước ta có một xu thế ngược lại. Với tinh thần ”chuẩn hóa bằng cấp” người ta đổ xô đi học cao học, nghiên cứu sinh để có được những tấm bằng thạc sỹ, tiến sĩ, nhằm mục đích lên lương, lên chức, lên (quân) hàm,…, chống về hưu sớm. Cũng khác với thời xưa, bằng tiến sĩ ngày nay kiếm cũng dễ. Không phải là một kỳ thi Đình do đích thân Thiên tử ra đề mà chỉ là một hội đồng, ít nhất hai phần ba trong đó có chuyên môn chẳng mấy liên quan tới chuyên môn vị tiến sĩ tương lai. Tại hầu hết các hội đồng người ta đã biết trước kết quả là ”thành công tốt đẹp”.
Ngày nay chỉ có một kỳ thi sánh ngang được với kỳ thì Đình ngày xưa, đó là kỳ thi vào đại học. Nói như thế thì tiến sĩ ngày xưa hóa ra chỉ ”ngang” với sinh viên đại học ngày nay?
Cũng gần như thế.
Nghĩ về kỳ thi đại học tôi thấy hệ thống giáo dục của ta giống như một chiếc đồng hồ cát, với kỳ thi đại học là điểm thắt nút của nó. Thật thương cho các em học sinh, phải đổi 12 năm tuổi thơ lấy một chỗ trong trường đại học.
Nhưng cũng như những hạt cát trong chiếc đồng hồ cát, qua khỏi chỗ thắt nút là rơi tự do, kỳ thi vào đại học là kỳ thi thực sự cuối cùng của mỗi học sinh Việt Nam. Trong khi tỷ lệ đỗ đại học trên tỷ lệ tốt nghiệp phổ thông chỉ khoảng 10% thì tỷ lệ tốt nghiệp đại học gần như 100%, tốt nghiệp cao học hay tiến sĩ càng dễ… Không dừng lại ở đó, đối với nhiều gia đình thế lực, việc “ấn” được con vào đại học là gần như đảm bảo được sự nghiệp cho con mình sau này, những tấm bằng thạc sỹ, tiến sĩ chỉ là chuyện vặt.
Tôi tin Bộ Giáo dục và Đào tạo không phải không biết điều này, và đã đưa ra nhiều giải pháp để giải quyết. Chẳng hạn tăng cường quản lý chất lượng đại học, cao học, tiến sĩ. Ngày nay hiếm thấy thạc sỹ nào mà điểm bảo vệ tốt nghiệp dưới 9/10. Nhưng đáng nói hơn cả là những giải pháp theo nguyên lý của kinh tế thị trường (KTTT), ”có cầu thì phải có cung”. Trong mấy năm lại đây trường đại học mọc ra như nấm sau mưa. Có những trường công lập không có lấy một giáo sư, vài ba tiến sĩ, đội ngũ giảng viên chủ yếu ”hợp tác”, ”phối hợp”, ”thỉnh giảng”. Chưa nói tới trường tư… Để giải quyết vấn đề chất lượng của các trường mới lập ra, Bộ lại tiếp tục, giải pháp ”Hai mươi ngàn tiến sĩ”. Không chừng giải pháp tiếp theo sẽ là ”Dăm ngàn giáo sư”? Không giáo sư lấy đâu ra tiến sĩ.
Tuy thế, dẫu có mọc ra như nấm sau mưa thì số các trường đại học ở Việt Nam vẫn quá ít tính theo bình quân đầu người. Và vì thế kỳ thi đại học vẫn khốc liệt. Mỗi năm đến hè sỹ tử vẫn lao đao. Nhìn ra các nước xung quanh như Trung Quốc, Hàn Quốc và Đài Loan…, ta cũng thấy tình trạng tương tự. Hằng năm vẫn có những học sinh tự tử vì áp lực học tập. Có lẽ nhu cầu bằng cấp là một thuộc tính chung của các nước Đông Á?
Như vậy hiện nay chúng ta vẫn phải đối mặt với một thực tế không thay đổi được, đó là kỳ thi tuyển sinh vào đại học. Vấn đề là chúng ta cần làm là sao cho kỳ thi đó có chất lượng hơn, có ích hơn cho học sinh, cho xã hội. Và việc này nằm trong tầm tay của Bộ GD&ĐT.
Cách ra đề thi ảnh hưởng rất mạnh tới cách học của học sinh. Bởi học sinh học cốt để thi. Nếu đề thi đòi hỏi học thuộc lòng  – học sinh sẽ học thuộc lòng, nếu đề thi ra theo bộ đề – học sinh sẽ học theo bộ đề, nếu đề thi khó – học sinh sẽ đi luyện các bài khó, nếu đề thi không có phần lý thuyết – học sinh sẽ không quan tâm tới lý thuyết v.v… Cách đây mấy năm, cứ tới mùa thi là sỹ tử các tỉnh lại “khăn gói quả mướp” về thủ đô để luyện thi, đặc biệt cho các môn khối A, B. Lò luyện thi được mở khắp hang cùng ngõ hẻm. Nếu so sánh số học sinh đỗ trên tổng số học sinh thì tỷ lệ đỗ của học sinh Hà Nội hay TP.HCM cao hơn nhiều so với các địa phương khác. Đó chính là lý do lôi các học sinh địa phương về Hà Nội hay TP.HCM luyện thi.
Nhờ một thay đổi, mà về mặt chuyên môn có thể nói là rất nhỏ, của Bộ, đó là ra đề cơ bản hơn, ít bài đánh đố hơn, mọi việc thay đổi hẳn. Tỷ lệ học sinh địa phương đỗ đại học tăng vọt so với học sinh Hà Nội, hệ quả là các lò luyện thi ở Hà Nội trở nên ế ẩm. Tôi cho rằng đó là một trong số rất ít những việc làm có giá trị của Bộ trong thời gian gần đây.
Đáng tiếc là dường như Bộ (hay Cục Kiểm định và Khảo thí của Bộ) không ý thức được việc tốt mà mình đã làm. Với những lý do về tiết kiệm, bảo mật, v.v…, Bộ đang tiến tới một kỳ thi tốt nghiệp phổ thông và thậm chí thi vào đại học bằng phương pháp trắc nghiệm. Tốt nghiệp phổ thông là một kỳ thi mang tính thẩm định chất lượng, việc dùng phương pháp trắc nghiệm là có thể chấp nhận được, tuy vậy nó vẫn có nhiều nhược điểm đặc biệt là đối với những môn mang nặng tính tư duy như Toán, Lý. Ngược lại, thi vào đại học là kỳ thi công-cua, mang tính cạnh tranh cao, trong thực tế Việt Nam là rất cao, thì không ai dùng phương pháp trắc nghiệm cả.
Bất luận thi bằng phương pháp nào thì cũng sẽ có khoảng 90% học sinh trượt. Nhiệm vụ của đề thi là phân loại được học sinh. Nhưng đó mới chỉ là một khía cạnh của vấn đề, khía cạnh mà chúng ta quan tâm nhưng lại là khía cạnh ít quan trọng. Phần quan trọng hơn chính là 90% học sinh thi trượt được gì sau kỳ thi.
Người Việt Nam ta có câu “chữ thầy trả thầy”. Một câu nói đùa nhưng lại phản ánh thực tế. Kiến thức có thể ví như một dòng suối chảy qua bộ não con người, nếu việc truyền đạt – thu nhận kiến thức được thực hiện hợp lý thì một phần nào đó sẽ đọng lại trong trí nhớ thường trực, phần khác dưới dạng trí nhớ tiềm ẩn, có thể được đánh thức lúc cần thiết. Việc truyền đạt kiến thức một cách nhồi nhét không những không để lại một dấu vết gì trong bộ não người học mà còn có thể có ảnh hưởng tiêu cực bộ não của họ. Những điều dễ thấy trong giáo dục phổ thông Việt Nam đó là: học thuộc lòng quá nhiều, trả lời theo mẫu đã có sẵn, thậm chí làm văn theo mẫu đã có sẵn, trong các môn khoa học tự nhiên thì quá chú trọng vào bài tập, bỏ qua lý thuyết (mới chính là phần kiến thức cần truyền đạt), trong các môn khoa học xã hội thì kiến thức truyền đạt ít nhưng lại bắt học thuộc lòng – học sinh ai cũng cùng biết một vài câu thơ Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Nguyễn Khuyến, Nguyễn Bính,… nhưng ít được đọc cả bài (vì không có thời gian – ngày xưa có người không biết chữ nhưng thuộc toàn bộ Truyện Kiều).
Có nhiều lý do để giải thích cho những bất cập này, trình độ giáo viên, chương trình chưa hoàn thiện, điều kiện khách quan, cơ sở vật chất chưa cho phép… Đối với đa số những lý do này Bộ chưa có cách nào giải quyết được, ít nhất là trong tương lai gần. Tuy nhiên có một lý do, có thể nói là một trong những lý do quan trọng nhất gây ra những hệ lụy nói trên, đó là cách ra đề thi thì nằm hoàn toàn trong tầm tay của Bộ. Như đã nói ở trên, học sinh của ta học cốt để thi nên đề thế nào thì học thế ấy. Bởi thế nên mới có chuyện Bộ định chuyển sang thi trắc nghiệm nhưng vì quyết định gấp quá, học sinh chưa chuyển kịp nên lại thôi…
Môn Toán là môn hao giấy tốn tiền nhất của học sinh và gia đình. Hằng năm có không biết bao nhiêu đầu sách tham khảo, bao nhiêu ngàn bài tập phải qua tay, qua đầu mỗi học sinh. Đối với các đề thi tốt nghiệp phổ thông và các đề thi vào đại học thì có thể đưa ra đánh giá ngắn gọn là: khô khan và vô bổ. Tác hại hơn, chính cách ra đề thi này có ảnh hưởng tới việc ra đề thi, kiểm tra, bài tập cho học sinh ngược từ lớp 12 cho tới lớp 1.
Tại bất cứ lớp nào ta cũng thấy các đề toán nặng tính lý thuyết, thiếu hoặc hoàn toàn không có tính thực tế.
Bởi suốt 12 năm học phổ thông phần đông học sinh giỏi chỉ làm duy nhất một việc: chuẩn bị cho kỳ thi đại học.
Để minh hoạ tôi xin so sánh một bài thi trong kỳ thi tốt nghiệp phổ thông của ta vừa qua và một bài thi trong kỳ thi tốt nghiệp phổ thông trung học của Đức năm 2007.
Đề thi tốt nghiệp THPT Việt Nam 2008, câu 5 (trên tổng số 5 câu – 1 điểm, thời gian làm bài 180 phút):
Giải bất phương trình

(trong đó    là số tổ hợp chập k của n phần tử và    A là số chỉnh hợp chập k của n phần tử).
Là một người làm toán, tôi tự hỏi không biết một học sinh phổ thông sẽ học được gì sau khi làm bài toán này, ngoài việc nhớ được định nghĩa khái niệm tổ hợp và chỉnh hợp, khái niệm mà chắc chắn ít nhất 99% số học sinh sẽ không bao giờ dùng đến trong phần đời còn lại của họ. Ngay cả đối với một học sinh dự định sẽ theo học ngành toán ở đại học thì đối với họ bài toán trên cũng “vô vị”.

Đề thi tốt nghiệp THPT (Abitur) của bang Hamburg, Đức, câu I.2 (trên tổng số 3 câu – 1/3 tổng số điểm, thời gian làm bài 240 phút).

 

Cầu treo

Hình trên là bản vẽ một chiếc cầu treo. Về chiếc cầu chúng ta biết những thông tin sau: Các điểm B và D đều nằm 152 trên thân cầu và cách nhau 1280 m. Độ dài toàn bộ của thân cầu, giữa hai điểm A và E là 1850 m.
a) Hãy tính khoảng cách giữa các điểm A và B cũng như D và E (đường đứt đoạn). Dây treo của cầu, như mô tả trên bản vẽ, có thể được tính theo nhiều mô hình toán học khác nhau. Để làm điều nay trước tiên chúng ta cố định một thệ tọa độ Đề Các với đơn vị độ dài là 1 m.
Các điểm A, C và E của thân cầu nằm trên trục Ox.
Dây treo giữa B và D cần được xấp xỉ bởi đồ thị chạy qua cả hai điểm này và tiếp xúc với thân cầu tại C.
{ Chú ý: trong tính toán không nhất thiết phải viết cả đơn vị đo.}
b) Trong mô hình tính toán thứ nhất, dây treo giữa B và D được xấp xỉ nhờ đồ thị một hàm bậc hai f. Hãy xác định phương trình của hàm này.
c) Trong mô hình thứ hai, độ dài dây treo giữa B và D được mô tả thông qua đồ thị của hàm k:
 
– Hãy kiểm tra rằng đồ thị của hàm số này đối với mỗi giá trị của a là đối xứng theo trục Oy và chạy qua điểm C.

 – Hãy kiểm tra rằng đồ thị này cũng chạy qua các điểm B và ,khi a nhận một giá trị nằm giữa 0,00072 và 0,00073.
Trong các phần tiếp theo a sẽ nhận giá trị 0,00073.
d) Để kiểm tra người ta sẽ cho một chiếc máy chạy trên dây treo, có khả năng chuyển động với độ dốc không quá 20,10 chạy trên dây treo của cầu.
Hãy kiểm tra xem liệu chiếc máy có thể chuyển động dọc theo dây treo tới mỗi điểm giữa A và E hay không.
e) Độ dài L của dây treo giữa B và D có thể được tính theo công thức
 
Hãy xác định độ dài L và làm tròn tới số nguyên.

f) Hãy chứng tỏ thông qua một xấp xỉ thô rằng kết quả tính toán của bạn trong mục e) là hợp lý.
Trong trường hợp bạn không tìm được giá trị cần tìm trong mục e), hãy đưa ra một đánh giá thô về độ dài của đoạn L.
Có lẽ không mấy người đọc kiên nhẫn đọc hết toàn bộ đề thi này. Tuy nhiên không cần phải đọc hết thì người đọc cũng thấy được sự khác nhau, đặc biệt là về tính thực tế trong đề thi của Đức so với đề thi của ta.
Đó chính là cái mà  học sinh của chúng ta chưa có: được học những cái có ích cho tương lai của họ.

Tác giả