Mô hình tự chủ đại học của Trung Quốc

Tự chủ đại học giờ đây được xem là một ưu tiên trong tiến trình cải cách giáo dục đại học ở Trung Quốc. Tuy nhiên đây là một quá trình tự chủ trong khuôn khổ, các cơ quan quản lý vẫn giữ lại một số quyền quyết định quan trọng về nhân sự và tài chính.


Đại học Thanh Hoa, Đại học Bắc Kinh là hai đại học tự chủ ở Trung Quốc và cũng là những trường được đầu tư nhiều nhất trong Đề án 985 (mỗi trường nhận 1,8 tỷ NDT). Ảnh: Nhóm nghiên cứu của GS Kang Feiyu (ĐH Thanh Hoa) đã giành được Giải thưởng Shenzhen 2019 nhờ nghiên cứu liên quan đến pin lithium ion, thúc đẩy sự phát triển của công nghệ chế biến sâu than chì tự nhiên của Trung Quốc.  Nguồn: Tsinghua University

Cho đến những năm 1950, mô hình giáo dục đại học Trung Quốc chịu sự kiểm soát chặt chẽ và toàn diện của Nhà nước, trong đó mối quan hệ giữa chính phủ và trường đại học mang tính một chiều “từ trên xuống”. Chính quyền trung ương chịu trách nhiệm hoạch định chính sách giáo dục đại học, phân bổ nguồn lực, kiểm soát việc quản lý, điều động cán bộ giảng dạy và nghiên cứu, phát triển chương trình dạy học, lựa chọn giáo trình, tuyển sinh và phân công công việc cho sinh viên tốt nghiệp. Trong những năm 1960, Bộ Giáo dục trực tiếp quản lý hoạt động của các trường đại học, bao gồm cả thiết kế và phê duyệt giáo trình. Việc thành lập, thay đổi và hủy bỏ các chương trình giảng dạy đều phải được sự chấp nhận của Bộ.

Bước sang thập kỷ 1980, cùng với sự chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch sang nền kinh tế thị trường, mối quan hệ giữa chính phủ và trường đại học Trung Quốc cũng chuyển biến đáng kể. Năm 1985, Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đã thông qua Quyết định Cải cách hệ thống Giáo dục tại Hội nghị Giáo dục Quốc gia, trong đó tự chủ đại học được xem là một ưu tiên.

 

Chính phủ nới lỏng kiểm soát

 

Năm 1993, Chương trình Cải cách và Phát triển Giáo dục ở Trung Quốc được ban hành để tái khẳng định thông điệp của Quyết định năm 1985, rằng chính phủ sẽ không trực tiếp kiểm soát hoạt động giáo dục, thay vào đó, sẽ trao quyền tự chủ nhiều hơn cho tất cả các trường đại học và đóng vai trò là người hỗ trợ.

Do đó, trong hai thập kỷ qua, các trường đại học và chính phủ Trung Quốc tiếp tục đổi mới để trao cho các trường đại học có sự tự chủ nhiều hơn, đồng thời bắt đầu từ bỏ vai trò độc quyền và tạo điều kiện cho các khu vực ngoài nhà nước tham gia nhiều hơn vào giáo dục đại học. Trách nhiệm xây dựng chính sách và kế hoạch phát triển dài hạn cho từng trường đại học được giao vào tay hiệu trưởng, bao gồm thiết kế kế hoạch dạy học, tổ chức các khoa, bộ môn, lựa chọn giáo trình và tổ chức các hoạt động dạy học. Tương tự, các phòng ban cũng có quyền chủ động hơn trong giảng dạy, nghiên cứu, nhân sự và phân bổ nguồn lực.

Thay đổi này đã nhanh chóng mang lại kết quả giúp các trường tạo ra các chương trình giảng dạy, thành lập các ngành học phù hợp với thực tiễn, qua đó kịp thời đáp ứng nhu cầu của người học với số lượng sinh viên gia tăng nhanh chóng. Một minh chứng là ở Đại học Sư phạm Hoa Đông (ECNU), một trong 36 đại học được xếp hạng A trong kế hoạch hạng nhất kép (Double First-class) ở Trung Quốc, từ tổng số 7.233 sinh viên năm 1995 lên 12.348 sinh viên năm 2000, 19.424 sinh viên năm 2005 và 25.548 sinh viên năm 2011. Số lượng sinh viên sau đại học tăng nhanh hơn so với sinh viên đại học kể từ năm 2000.

 

Tự chủ tài chính: vẫn được Nhà nước tài trợ mạnh tay

 

Nhờ tăng số lượng sinh viên và được chủ động trong việc tìm kiếm các đề tài nên các trường như ECNU đã có thể chủ động tăng thêm nguồn kinh phí hoạt động, tuy nhiên không vì thế mà đầu tư và hỗ trợ của Nhà nước giảm xuống. Đến nay, ngân sách của chính phủ trực tiếp rót vào ECNU vẫn chiếm khoảng một nửa chi phí hoạt động thường xuyên (khoảng 1.520 triệu NDT), trong đó tài trợ của chính quyền trung ương và chính quyền thành phố lần lượt chiếm 32,1% và 18,6% trong năm 2008. Còn lại, khoản thu khác đến từ nhiều nguồn khác nhau: Học phí, đào tạo và các dự án tư vấn mang lại khoảng 345 triệu NDT (học phí của sinh viên và thu nhập tạo ra từ các chương trình đào tạo chiếm khoảng 24% tổng nguồn vốn – với mỗi sinh viên phải nộp khoản học phí hàng năm khoảng 5.000 NDT); Các hợp đồng nghiên cứu lên tới khoảng 279 triệu NDT; Văn hóa gây quỹ và quyên góp chỉ mới bắt đầu hình thành nên với tổng số tiền quyên góp cho nhà trường mới chỉ đạt khoảng 10 triệu Nhân dân tệ vào năm 2006, một con số không đáng kể.


Đại học Sư phạm Hoa Đông (ECNU) hiện có hai Phòng thí nghiệm Trọng điểm quốc gia, một Trạm Nghiên cứu và Quan sát Thực địa Quốc gia, sáu phòng thí nghiệm – trung tâm kỹ thuật trọng điểm, và sáu cơ sở nghiên cứu chính về khoa học xã hội và nhân văn của Bộ Giáo dục. Ảnh: Nhóm nghiên cứu do GS Wu Peng và PGS Xu Hao (trường Hóa học và Kỹ thuật Phân tử, ECNU) đứng đầu đã phát triển thành công vật liệu sàng phân tử ECNU-21 với cấu trúc hoàn toàn mới. Nguồn: ECNU

Tuy nhiên, các nguồn tài trợ “gián tiếp” của nhà nước thông qua các chương trình, đề án vẫn rất lớn. Kể từ năm 2009, Bộ đã chủ trương quyên góp cho các cơ sở giáo dục đại học thuộc sở hữu nhà nước thông qua các khoản tài trợ phù hợp, phù hợp với phương pháp quản lý của địa phương. Nhờ đó, số tiền cho ECNU đã tăng từ 4 triệu NDT vào năm 2008 lên 40 triệu NDT vào năm 2009 và 80 triệu NDT vào năm 2010. Đáng chú ý, chính quyền trung ương và thành phố đã ký một thỏa thuận chung đầu tư 800 triệu NDT vào ECNU thông qua Đề án 9851 về “Thúc đẩy các trường đại học đẳng cấp thế giới của Trung Quốc” trong giai đoạn 2010-2013. Ngoài ra, ECNU cũng là trường được lựa chọn tài trợ trong Dự án 211, một dự án trọng điểm nhằm nâng cao chất lượng nghiên cứu của các trường đại học ở Trung Quốc2.

 

Tự chủ về cơ cấu tổ chức: cải tổ nhưng trong khuôn khổ

 

Luật Giáo dục Đại học năm 1998 cho phép các trường đại học công lập quyền thay đổi cơ cấu tổ chức của họ, chính vì vậy mà các trường đã tiến hành cải tổ, nhằm huy động các nguồn lực từ cả chính phủ và thị trường. Nhờ đó, các trường đã có thể cho thành lập các quỹ phát triển và các trung tâm hợp tác giáo dục với quốc tế, bên cạnh đó là sự ra đời của các bộ phận quan hệ công chúng, các hiệp hội cựu sinh viên, nhằm ghi nhận tầm quan trọng của các nguồn lực ngoài nhà nước, bao gồm các khoản đóng góp từ những cựu sinh viên và toàn xã hội. Các văn phòng giáo dục quốc tế được thành lập với mục đích quản lý các sinh viên quốc tế, tăng cường giao lưu và hợp tác quốc tế.

Các trường cũng chủ động xây dựng các ủy ban chuyên môn nhằm thể chế hóa hệ thống quản lý nội bộ, như hội đồng đại học, ủy ban học thuật, ủy ban bằng cấp, ủy ban giảng dạy, ủy ban giáo sư, tạo ra sự cân bằng giữa quyền lực và trách nhiệm giữa các giảng viên, cũng như bảo vệ quyền tự chủ của các chương trình học thuật trong tương lai.

Quyền tự chủ về nhân sự được thể hiện ở việc các trường tự quyết định hợp đồng với các giảng viên, được chuyển từ hợp đồng dài hạn sang hợp đồng có thời hạn nhằm đòi hỏi các giảng viên và nhà nghiên cứu trong trường luôn cố gắng đảm bảo các chỉ tiêu đề ra chứ không phải “an phận” với tiêu chuẩn vị trí việc làm trọn đời như trước. 

Tuy nhiên, năm 2000, một cuộc khảo sát với sự tham gia của các giáo sư và phó giáo sư từ hơn 200 trường đại học đã cho thấy, chỉ 55% người được hỏi cho rằng các cơ sở của họ được chủ động hơn trong việc tuyển dụng giảng viên. Đa số người được hỏi tin rằng họ thiếu quyền tự chủ trong thăng chức hoặc bổ nhiệm vào các chức vụ chủ chốt (55%), tuyển dụng chuyên viên cấp cao, trưởng bộ phận (52%).


Đại học Thiên Tân là một trường tự chủ và tham gia Đề án 211 rất sớm, nhằm thực hiện “Kế hoạch hành động đổi mới nền giáo dục thế kỷ 21”. Cuối năm 2000, Bộ Giáo dục và thành phố Thiên Tân đã ký một thỏa thuận nhằm xây dựng Đại học Thiên Tân trở thành trường đại học hàng top trên thế giới. Ảnh: Các sinh viên quốc tế của Đại học Thiên Tân. Sinh viên trường này đã nhận được Học bổng Chính phủ Trung Quốc 2020 mang tên “Chương trình con đường tơ lụa”. Ảnh: Tianjin University.     

Đến nay, tình trạng nêu trên có thể đã được cải thiện phần nào, với việc các trường có thể dễ dàng thiết lập các chương trình tiến sĩ, đánh giá học giả và nhà quản lý, bổ nhiệm trưởng khoa và trưởng phòng, điều chỉnh các phòng ban. Nhưng nhìn chung, việc sa thải một giảng viên vẫn cực kỳ hiếm gặp ở các trường đại học Trung Quốc. Đặc biệt, các trường vẫn chịu sự kiểm soát trực tiếp từ Bộ giáo dục và các cơ quan chức năng trong việc bổ nhiệm những vị trí chủ chốt như Bí thư và Phó Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng và Phó Hiệu trưởng.

 

Vai trò giám sát sát của Đảng và các cấp chính quyền

 

Chính phủ cho rằng kinh nghiệm từ các trường đại học phương Tây cho thấy, đa dạng hóa các nguồn tài trợ có thể gia tăng quyền tự chủ, nhưng nó cũng có thể kéo theo các rủi ro tiềm ẩn, đặc biệt là với nguồn tài trợ từ doanh nghiệp hoặc tư nhân nên vẫn cần có sự giám sát, điều chỉnh, bao gồm từ cả chính quyền trung ương và địa phương. Ví dụ, ECNU từng trực thuộc Bộ Giáo dục (từ năm 1951 đến năm 2005) và chịu sự quản lý của chính quyền trung ương nhưng kể từ năm 2006, sự kiểm soát độc tôn này đã được thay thế bằng một thỏa thuận quản lý chung giữa chính quyền trung ương và thành phố Thượng Hải – nghĩa là thay vì chỉ chịu sự quản lý của chính quyền trung ương, nay nhà trường phải đặt dưới sự giám sát của cả chính quyền trung ương và thành phố.  Chính quyền Thượng Hải gánh một phần gánh nặng tài chính cho ECNU. Đổi lại, trường đại học phải đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế và xã hội của Thượng Hải.

Thị trường đã trở thành yếu tố thứ ba chen vào giữa mối quan hệ giữa trường đại học và chính phủ. Tuy nhiên, thị trường đôi lúc có thể điếc và mù và làm mất đi tính công bằng trong giáo dục nên nhà nước vẫn phải đóng vai trò đảm bảo công bằng. Vì vậy chính quyền trung ương trở thành một “nhà quản lý thị trường” và chuyển vai trò từ kiểm soát sang giám sát thị trường. Để đảm bảo trách nhiệm giải trình, Bộ Giáo dục đã thành lập các cơ quan hỗ trợ nhằm đảm bảo chất lượng của các cơ sở giáo dục đại học (Bộ Giáo dục thành lập Trung tâm Đánh giá Giáo dục Đại học HEEC vào tháng 8 năm 2004, đánh dấu giai đoạn mới của một hệ thống đánh giá chuyên nghiệp về giáo dục đại học ở Trung Quốc).

Về mặt cơ cấu tổ chức, Hiệu trưởng có quyền quản lý độc lập, nhưng dưới sự giám sát của Đảng. Các lãnh đạo bao gồm Hiệu trưởng, Bí thư Đảng ủy do Bộ Giáo dục bổ nhiệm. Các Hiệu phó và Phó bí thư Đảng ủy cũng do Bộ bổ nhiệm theo đề xuất của Hiệu trưởng và Bí thư Đảng ủy.

Cơ chế quản lý ở các trường đại học công lập Trung Quốc có thể hình dung ngắn gọn qua câu “Hiệu trưởng chịu trách nhiệm điều hành nhà trường, dưới sự lãnh đạo của Đảng”. Như đánh giá của UNESCO trong Báo cáo “Cải cách giáo dục đại học: trường hợp của Trung Quốc”, có thể hiểu, tổ chức đảng chính là hội đồng quản trị của trường đại học công lập ở Trung Quốc. Hiệu trưởng chịu trách nhiệm hoàn toàn về việc điều hành. Cơ cấu tổ chức trong trường chia làm các ủy ban khác nhau, nhưng tách thành hai hệ thống riêng rẽ: dưới sự quản lý của Hiệu trưởng và dưới sự quản lý của Đảng. Dù hai bên đã đưa ra những quy tắc đảm bảo sự hợp tác giữa hai hệ thống, nhưng đã có một số báo cáo cho thấy giữa hai thiết chế này vẫn chưa hoàn toàn khớp nối trơn tru.

***

Như vậy, với quyền tự chủ trên một số phương diện, đặc biệt có sự hỗ trợ mạnh mẽ từ khu vực Nhà nước, các trường đại học Trung Quốc đã đạt được những kết quả ấn tượng nhất định, thể hiện qua số lượng đào tạo đại học và sau đại học, các kết quả nghiên cứu và hợp tác quốc tế về chuyên môn, cùng một số nền tảng cho quyền tự chủ về học thuật. Tuy nhiên, mô hình tự chủ của các trường đại học này vẫn nằm trong khuôn khổ và có sự giám sát chặt chẽ từ bên trên đối với các nhân sự quản lý cấp cao nhất. Chúng ta vẫn cần thêm thời gian để đánh giá liệu những thành công trong tự chủ đại học ở Trung Quốc có thực sự bền vững hay không.□

 

Anh Thư  tổng hợp

Nguồn tham khảo:

Báo cáo “Cải cách giáo dục đại học: trường hợp của Trung Quốc” của UNESCO, năm 2014. Nguồn: https://unesdoc.unesco.org/ark:/48223/pf0000231858

Báo cáo “Trao quyền tự chủ cho các các đại học ở châu Á” của UNESCO, năm 2014. Nguồn: https://unesdoc.unesco.org/ark:/48223/pf0000229831

Ratanawijitrasin S. (2015) The Evolving Landscape of South-East Asian Higher Education and the Challenges of Governance. In: Curaj A., Matei L., Pricopie R., Salmi J., Scott P. (eds) The European Higher Education Area. Springer, Cham. https://doi.org/10.1007/978-3-319-20877-0_15

Li Lixu Shandong Normal, China’s Higher Education Reform 1998-2003: A Summary University, Asia Pacific Education Review, 2004, Vol. 5, No. 1, 14-22. https://web.archive.org/web/20100623215250/http://eri.snu.ac.kr/aper/pdf/Vol%205%20No%201%20July%202004%20PDF/02.Li%20Lixu.pdf

——

1 Ra đời vào năm 1998 theo quyết định của Chủ tịch kiêm Tổng bí thư Giang Trạch Dân, Đề án quyết định cả chính phủ và các chính quyền địa phương tập trung phân bổ số tiền lớn một số trường đại học trọng điểm để xây dựng các trung tâm nghiên cứu mới, cải thiện cơ sở vật chất, tổ chức các hội nghị quốc tế, thu hút các giảng viên nổi tiếng thế giới và các học giả tham quan, đồng thời giúp các giảng viên Trung Quốc tham dự các hội nghị ở nước ngoài . Theo Academic Ranking of World Universities 2018/19 và Times Higher Education 2019/20, hầu hết trong số 39 trường đại học trong Đề án 985 đều thuộc top 500 trường đại học hàng đầu thế giới. Nguồn: https://en.wikipedia.org/wiki/Project_985

2 Đây là một dự án dành cho 116 trường đại học đạt tiêu chuẩn, với khoản đầu tư trong giai đoạn 1996 đến 2000 vào khoảng 2,2 tỉ USD. Tuy nhiên trong báo cáo “Cải cách giáo dục đại học: trường hợp của Trung Quốc” của UNESCO không cho biết số tiền tài trợ mà ECNU nhận được là bao nhiêu. Nguồn: https://www.timeshighereducation.com/world-university-rankings/east-china-normal-university ; https://www.chinaeducenter.com/en/cedu/ceduproject211.php

https://en.wikipedia.org/wiki/Project_211

Tác giả