Tận dụng hợp tác quốc tế trong giáo dục đại học Việt Nam (kỳ 1)

Mới đây, hai trường Đại học Việt-Đức(VGU) và Việt-Pháp (Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội – USTH) lần lượt kỷ niệm 10 năm thành lập. Đây là một dịp để nhìn lại những gì đã đạt được, và quan trọng hơn, để tự đánh giá xem chúng ta đã tận dụng được tối đa những quan hệ hợp tác ấy hay chưa.


Sinh viên và giảng viên đại học Việt – Đức. Ảnh: ĐH Việt – Đức.

Nghị quyết 14 về đổi mới giáo dục đại học Việt Nam

 

Hai trường VGU và USTH được thành lập trong giai đoạn Việt Nam thực hiện Nghị quyết 14/2005/NQ-CP về đổi mới toàn diện và cơ bản giáo dục đại học Việt Nam 2006-2020 (sau đây gọi tắt là Nghị quyết 14). Tôi đọc lại văn bản quan trọng đó trước khi viết bài này và, như thường lệ, có ấn tượng sâu sắc với sự sáng suốt và tầm nhìn của những người soạn ra nó. Nghị quyết 14 đã kêu gọi một sự thay đổi phong cách thực sự, tách khỏi cách tiếp cận từng bước truyền thống và dè dặt.

Tuy nhiên, thực tế triển khai Nghị quyết 14 mang lại những kết quả không như kỳ vọng, thể hiện trong đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB) qua các năm 2010 và 2018. Tôi xin không đi vào chi tiết, chỉ tóm tắt lại một số nhận định:

i. Mặc dù học sinh 15 tuổi ở Việt Nam có kiến thức và kỹ năng tương đương hoặc cao hơn so với các nước phát triển, nhưng các em không có nhiều lựa chọn giàu chất lượng và phù hợp đối với giáo dục sau phổ thông.

ii. Dù mở rộng nhanh chóng, khả năng tiếp cận giáo dục đại học ở Việt Nam thuộc loại thấp nhất so với các quốc gia trong khu vực. Số sinh viên đại học được tuyển tăng mạnh từ 0,13 triệu năm 1987 lên 1,77 triệu năm 2017. Thế nhưng, tỷ lệ tuyển sinh 28% của giáo dục sau phổ thông của năm 2016 vẫn là một trong những tỷ lệ thấp nhất trong khu vực Đông Á. Khối công lập chiếm phần lớn (85%) giáo dục đại học. Năm 2017, có 235 trường đại học, trong đó có 170 trường công lập và 65 trường ngoài công lập.

Mười hai năm trước, tôi có vinh hạnh được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp, một người rất quan tâm đến giáo dục đại học. Ông nhấn mạnh thông điệp: “Các trường đại học Việt Nam cần có một cuộc cách mạng, phải tiếp tục đấu tranh!”.

iii. Hệ thống giáo dục đại học Việt Nam vận hành không tốt nếu xét về chất lượng và tính phù hợp của sinh viên tốt nghiệp và sản phẩm nghiên cứu. Hệ thống không cung cấp các kỹ năng kỹ thuật, kỹ năng máy tính và kỹ năng chung (giải quyết vấn đề, giao tiếp, làm việc nhóm) cần thiết cho sự tăng trưởng của các ngành xuất khẩu có hàm lượng tri thức cao, các ngành dịch vụ, và tự động hóa. Các trường đại học có quá ít kết quả nghiên cứu, và những kết quả ít ỏi có được phần lớn không đủ chất lượng và không phù hợp với các yêu cầu của nền kinh tế. Chất lượng nghiên cứu thấp gắn liền với sự quản lý manh mún của các chương trình nghiên cứu và phát triển, các quỹ nghiên cứu hầu hết được cấp cho các viện nghiên cứu riêng lẻ thay vì cho các trường đại học, sự đãi ngộ chưa thỏa đáng cho các nhà khoa học; các trường đại học công bị cản trở bởi thiếu sự tự chủ và thiếu tài chính.

iv. Đầu tư công của Việt Nam vào giáo dục đại học chưa thỏa đáng và chưa hiệu quả. Năm 2015, Việt Nam chỉ dành 5% chi tiêu giáo dục của chính phủ cho giáo dục đại học, tương đương với chỉ 0,25% GDP và 0,8% tổng chi tiêu của chính phủ. Đây là một trong những mức thấp nhất so với các nước cùng trình độ phát triển và là rất thấp đối với một nước có mục tiêu trở thành một nền kinh tế tri thức trong tương lai gần. Các trường đại học công lập của Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào học phí, mà học phí lại là một thách thức cho nhiều sinh viên vì học bổng và hệ thống vay cho sinh viên chưa đủ phát triển. Việt Nam vẫn cấp ngân sách mang tính định kỳ thay vì những cơ chế khách quan và minh bạch hơn ngày càng phổ biến trên thế giới như dựa theo công thức hoặc dựa theo thành tích.

v. Theo xu hướng toàn cầu về đại học tự chủ, Việt Nam đã bắt đầu cải cách tự chủ đại học, dù mới ở quy mô hạn chế. Từ năm 2005, và đặc biệt là sau khi Luật Giáo dục đại học được thông qua vào năm 2012, Việt Nam bắt đầu hướng đến trao cho các trường đại học công nhiều quyền tự chủ hơn. Tuy nhiên, các trường đại học không có quyền tự chủ giống nhau, và đến nay chỉ có 23 trong 235 trường đại học công (chiếm chưa đến 7% số sinh viên) được trao quyền tự chủ.

vi. Chính phủ đã bắt đầu thúc đẩy những điều kiện mạnh hơn về chất lượng giảng dạy, tính liêm chính trong quản lý và trách nhiệm tài chính, đặc biệt với Luật giáo dục đại học 2012. Đến nay, 75% các trường đại học đã thành lập bộ phận quản lý chất lượng riêng. Tuy nhiên, mục tiêu về thực hiện đánh giá độc lập vẫn chưa đạt được bởi các vấn đề năng lực và thiếu tuân thủ.

vii. Chính phủ đang giải quyết những thách thức trên bằng nhiều cách: đang sửa đổi Luật Giáo dục đại học; chuẩn bị một chiến lược dài hạn cho giáo dục đại học giai đoạn 2021-2030; và thực hiện những cải cách cấp thiết về tăng cường chất lượng, nghiên cứu xuất sắc, cải thiện quản lý ở cấp cơ sở và trên toàn hệ thống, và sự bền vững về tài chính. Một trong những ưu tiên là phát triển một số trường đại học thành những trung tâm xuất sắc.

Có thể thấy, khoảng cách giữa nội dung Nghị quyết 14 và việc thực hiện trên thực tế là đáng thất vọng. Phải chăng vì Nghị quyết 14 đặt ra kỳ vọng quá nhiều và vượt khả năng thực hiện trong thực tế? Hay vì những người có trách nhiệm thực hiện chúng không đủ năng lực và không đủ táo bạo? Tôi cho là cả hai, mỗi thứ một chút. Giáo dục đại học đến nay vẫn chỉ chiếm một phần nhỏ trong nguồn lực của chính phủ, những giải pháp cho hầu hết các vấn đề cấp bách chỉ mang tính ngắn hạn, dường như vẫn đang thiếu một tầm nhìn dài hạn để chèo lái đúng hướng.

Để Nghị quyết 14 được thực hiện hiệu quả, cần có một người phụ trách và chịu trách nhiệm cuối cùng; nhưng đáng tiếc là trách nhiệm thực hiện Nghị quyết 14 lại được phân chia cho nhiều bộ và cơ quan, trong đó có Đại học Quốc gia (VNU) và Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VAST)…, mà kết quả là sự rời rạc và kém hiệu quả.


 Trong phòng thí nghiệm của Đại học Việt – Pháp. Ảnh: ĐH Việt – Pháp.

Bên cạnh đó, các học giả cần được tham gia ý kiến rộng rãi trên các diễn đàn, chẳng hạn trong các hội chuyên ngành như Hội Vật lý Việt Nam, và hình thành các nhóm nghiên cứu để vạch ra các giải pháp thiết thực nhất để triển khai Nghị quyết 14. Nhưng đáng tiếc, những sáng kiến như vậy không được thúc đẩy ở Việt Nam. Tất nhiên là có những phân tích bởi các tác giả Việt Nam hoặc bởi những hội thảo có nhiều người Việt Nam tham dự, hoặc thậm chí bởi các cán bộ của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhưng không một ai trong số họ có đủ vai trò để vạch ra một lộ trình rõ ràng.

 

VGU và USTH: Những chậm trễ trong triển khai đại học kiểu mới

 

Quyết định 69 của Thủ tướng Chính phủ hồi tháng 1 năm 2019 đã vạch ra một kế hoạch với mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục đại học trong giai đoạn 2019-2025. Những diễn giải của nó vẫn nằm trong định hướng chung của Nghị quyết 14 trước đây. Mục tiêu là tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, thực chất về chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ của hệ thống giáo dục đại học đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực; góp phần nâng cao chất lượng và năng suất lao động, thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo, tăng cường năng lực cạnh tranh của quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Đây là những mục tiêu đầy tham vọng, nhưng điều cần lưu ý là trong đó không đề cập đến cả đại học xuất sắc lẫn đại học kiểu mới.

Trong khi đó, Đại học kiểu mới là một giải pháp quan trọng để thực hiện Nghị quyết 14, theo khuyến nghị của WB trong báo cáo năm 2010: Dự án Đại học kiểu mới (ở đây liên quan đến VGU) là một phần không thể thiếu trong sự hỗ trợ liên tục của WB cho giáo dục đại học và là một ưu tiên chính của Chính phủ Việt Nam trong việc thúc đẩy những cải cách tiếp theo. Nó không chỉ tạo ra một trường đại học khoa học và công nghệ mới đào tạo được những sinh viên ra trường có trình độ cao mà thị trường lao động đòi hỏi; nó cũng sẽ kiểm nghiệm những cải cách đang diễn ra trong giáo dục đại học và đưa ra những bài học và chỉ dẫn cho các trường đại học khác khi chúng có nhiều tự chủ hơn trong các lĩnh vực quản trị, tài chính, và chất lượng. Dự án cũng cần được nhìn trong bối cảnh yêu cầu của chính phủ về việc thành lập, với sự hợp tác chặt chẽ với các đối tác quốc tế, những trường đại học công lập mới, mỗi trường sẽ thí điểm và phát triển một kiểu mô hình khác nhau, tùy theo đối tác cụ thể, nhưng tất cả được đặc trưng và liên kết bởi một mức độ tự chủ lớn hơn so với các trường đại học Việt Nam điển hình hiện nay.

Có thể nói cả VGU và USTH đều lấy cảm hứng từ những hướng dẫn của Nghị quyết 14, nuôi dưỡng tư duy kinh doanh, và quyết tâm đem đến cho giáo dục đại học Việt Nam những giá trị nó còn thiếu – VGU đưa ra những tiêu chí cụ thể: tự do và toàn vẹn học thuật, tính trung thực và minh bạch, cam kết chất lượng, trách nhiệm với người khác và với các thế hệ tương lai, hợp tác quốc tế và tôn trọng lẫn nhau. Họ coi trường và giáo viên là người hướng dẫn chứ không phải người giám sát quá trình học tập của sinh viên; họ cho rằng tinh thần ham hiểu biết và các cơ hội hợp tác học tập dựa trên nghiên cứu tạo ra một môi trường học tập hứng thú.

Cả hai trường đều dạy bằng tiếng Anh và có hệ thống quản lý tương tự nhau. Các Hội đồng trường gồm 20 người, đại diện cho các bộ, các trường đại học, các viện nghiên cứu và các công ty của Việt Nam (10 người) và Đức hoặc Pháp (10 người). Họ thường họp mỗi năm một lần để quyết định các vấn đề quan trọng liên quan đến sự phát triển chiến lược của trường. Chủ tịch Hội đồng là Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đối với VGU và chủ tịch VAST đối với USTH, cả hai đều là Ủy viên Trung ương Đảng. Để minh họa cho vai trò của họ, Hội đồng trường USTH họp lần gần nhất vào tháng 4/2019 để bổ nhiệm hiệu trưởng mới, ký một thỏa thuận khung giữa USTH và USTH Consortium [liên minh gồm hơn 40 trường đại học và viện nghiên cứu của Pháp – ND] và thông báo về việc gia hạn 5 năm dự án xây dựng khuôn viên mới ở Hòa Lạc, khi đó đã chậm tiến độ và được dự kiến khởi công vào tháng 3/2020.


 Mô hình giáo dục Bologna rất phổ biến và hiệu quả ở châu Âu. Nguồn ảnh minh họa: bmbf.de

Đứng đầu mỗi trường là một nhà khoa học của nước đối tác, Đức và Pháp, được hỗ trợ bởi một phó hiệu trưởng người Việt Nam. Vị trí này ở VGU được gọi là chủ tịch, còn với USTH là hiệu trưởng. Cả hai trường đại học đều được hỗ trợ bởi một liên minh gồm nhiều trường đại học và viện nghiên cứu của nước đối tác, các đơn vị này tham gia vào xây dựng chương trình đào tạo và phụ trách các vấn đề liên quan đến hợp tác giữa trường đại học và các đối tác ở Đức và ở Pháp.

Một khác biệt lớn giữa VGU và USTH là số năm của chương trình học. Ở VGU, chương trình cử nhân kéo dài 4 năm, chương trình thạc sỹ từ 2 đến 2,5 năm, và tiến sỹ từ 3 đến 5 năm. Trong khi đó, USTH áp dụng quy trình Bologna “3 + 2 + 3”, tức là tổng cộng 8 năm thay vì từ 9 đến 11,5 năm như VGU. Để so sánh, chương trình cử nhân của các trường đại học lớn của Việt Nam kéo dài 4 năm (Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội) hoặc 5 năm (Đại học Bách khoa Hà Nội). Tôi không hiểu logic của những sự chênh lệch này. Theo USTH, quy trình Bologna được áp dụng gần như thống nhất ở châu Âu, trong khi VGU khẳng định rằng chương trình của mình theo sát chương trình của các trường đại học ở Đức (mặc dù Đức cũng là một nước châu Âu thực hiện theo quy trình Bologna?). Độ dài chương trình học đại học là một tham số rất quan trọng; tôi ngạc nhiên vì nó không được xem xét một cách nghiêm túc hơn.

VGU gồm hai khoa, khoa Kỹ thuật và khoa Kinh tế và Quản lý. USTH được tổ chức thành chín khoa: khoa Đào tạo đại cương, khoa Khoa học sự sống, khoa Công nghệ thông tin và truyền thông, khoa Năng lượng, khoa Hàng không, khoa Khoa học cơ bản ứng dụng, khoa Vật liệu tiên tiến và công nghệ nano, khoa Nước – môi trường – hải dương học, và khoa Vũ trụ và ứng dụng.

Năm học 2016-2017, VGU có 1200 sinh viên và đặt mục tiêu 5000 sinh viên vào năm 2020. Tuy nhiên, trường vẫn chỉ có khoảng 1300 sinh viên. Năm học 2019-2020, USTH có 750 sinh viên hệ cử nhân và chỉ 35 học viên thạc sỹ năm thứ nhất so với 78 học viên năm học 2016-2017. Cả hai trường đều gặp khó khăn lớn trong tuyển sinh.

Sự phát triển của cả VGU lẫn USTH đều chậm hơn dự kiến, đặc biệt là việc xây dựng các khuôn viên mới. Hệ quả là tháng 8/2015, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng quyết định hoãn mở thêm đại học hợp tác với quốc tế, ít nhất đến 2020. Trong trường hợp của VGU, dự án được khởi công vào tháng 10/2016, với tổng đầu tư hơn 200 triệu USD, trong đó 180 triệu là các khoản vay lãi suất thấp từ Hiệp hội Phát triển Quốc tế (IDA) và 20 triệu là từ Chính phủ Việt Nam. Tuy nhiên, tiến độ bị chậm do các vấn đề trong quản lý dự án. Dưới sức ép của WB, ngày 12/12/2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo tuyên bố quyết tâm xây dựng trên đà đang có của dự án hoàn thành cuối tháng 11/2020 và đạt đến mục tiêu biến VGU thành một trường đại học nghiên cứu tự chủ. Bộ Giáo dục và Đào tạo cam kết cấp đủ vốn đối ứng và vốn IDA để tạo điều kiện cho các hoạt động của dự án được hoàn thành đúng hạn, và đồng ý với WB về mười tám hành động có thời hạn.

Trong trường hợp của USTH, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) soạn một báo cáo sơ bộ vào năm 2010, sau đó là một báo cáo chi tiết vào năm 2012, trong đó mô tả dự án cùng với các mục tiêu và điều kiện thực hiện. Tháng 11/2018, Việt Nam và Pháp ký một thỏa thuận liên chính phủ về việc phát triển USTH trong giai đoạn 5 năm 2019-2023, theo đó Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Pháp khẳng định lại quyết tâm và cam kết phát triển USTH thành một đại học xuất sắc và một trong những đại học hàng đầu khu vực Đông Nam Á. Một hội thảo chiến lược về việc phát triển USTH diễn ra ở Hà Nội vào tháng 12/2019 với mục đích rút ra các bài học từ mười năm vừa qua và đổi mới với những mô hình và quan hệ đối tác mới. Tháng 11/2019, ADB đưa ra dự án cập nhật, trong đó việc xây dựng khuôn viên mới được dự kiến hoàn thành năm 2023.

***

Nếu VGU và USTH thất bại, đó trước hết sẽ là thất bại của Việt Nam chứ không phải thất bại của các nước đối tác. Giúp hai trường thành công là vì lợi ích của Việt Nam hơn là lợi ích của các nước đối tác. Quả bóng đang ở trong chân chúng ta. Các nước đối tác đã dành nhiều thời gian và công sức cho sự phát triển của VGU và USTH, chúng ta thì chưa. Có thể họ đi chệch đường vì thiếu một nhận thức chính xác về tình hình Việt Nam, chúng ta có trách nhiệm giúp họ quay lại con đường đúng. Chúng ta phải thực hiện trách nhiệm của mình. Thiếu chỉ đạo từ trên xuống không phải lý do để cứ mãi thụ động. Những khởi xướng từ dưới lên sẽ giúp thúc đẩy tiến bộ và cần được khuyến khích. Chúng ta không được phép quản lý giáo dục đại học như dự án đường sắt đô thị Hà Nội; ở đây chúng ta không chỉ xử lý hàng trăm triệu USD, mà quan trọng hơn, còn tác động tới tương lai của trẻ em cả nước, tài sản lớn nhất của quốc gia.

 

Nguyễn Hoàng Thạch dịch

(Còn tiếp)

Tác giả