Tận dụng hợp tác quốc tế trong giáo dục đại học Việt Nam (kỳ 2)

Tôi đã có nhiều cơ hội để bàn về chủ đề đổi mới giáo dục đại học trên Tia Sáng và cả ở những nơi khác1, đến nỗi những gì tôi sẽ nói chỉ là nhắc lại những gì đã từng nói trước đó. Tôi không đặc biệt thông thái, không có chuyên môn đặc biệt, không có tầm nhìn đặc biệt, không có tài năng đặt biệt; tôi chỉ viết ra những điều hợp lẽ thường; nhiều đồng nghiệp Việt Nam có tư cách hơn tôi để dẫn dắt chúng ta trên con đường cách mạng mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã kêu gọi khoảng mười hai năm trước, với thông điệp cơ bản là một cuộc cách mạng đòi hỏi một sự thay đổi mạnh mẽ về phong cách, để biến các trường đại học thành những ngôi đền của sự nghiêm khắc về tri thức và đạo đức. Chúng ta dường như không sẵn sàng hoặc không muốn thúc ép nó. Nhưng không có nó, chúng ta sẽ chắc chắn thất bại.


Sinh viên Việt Nam và Pháp đi thực tập khảo sát mô hình xử lý nước thải tại Gia Lâm. Ảnh: Tăng Thị Chính.

Những vấn đề đang đặt ra

 

Việc thực hiện những hướng dẫn của Nghị quyết 14 đòi hỏi một tầm nhìn tổng quan bao quát được không chỉ các trường đại học mà toàn bộ giáo dục sau phổ thông, bao gồm cả các trường dạy nghề, có tính đến tình hình quốc tế, xét cả ngắn hạn và dài hạn, và lưu ý đến những ràng buộc của thực tế. Điều này bị cản trở bởi sự thiếu vắng một người lãnh đạo và sự phân tán trách nhiệm giữa các nhân tố liên quan đến cải cách. Trước khi đề xuất cách vượt qua trở ngại chính đó, tôi xin có vài nhận xét sơ bộ.

Câu hỏi đầu tiên là: vì sao các trường đại học kiểu mới sẽ thành công trong khi các trường khác thất bại? Câu trả lời, theo tôi, là mô hình kiểu mới đem đến điều kiện làm việc và thu nhập tốt hơn cho giảng viên của các trường đó. Điều này dẫn đến câu hỏi tiếp theo: làm sao để đảm bảo là họ xứng đáng với những điều kiện tốt hơn đó? Cách duy nhất tôi có thể nghĩ ra là thực hiện một quá trình tuyển chọn khắt khe đối với cả sinh viên lẫn giảng viên, về cả giảng dạy lẫn nghiên cứu. Những điều trên là hiển nhiên, nhưng chúng gợi ra nhiều bình luận. Nếu chúng ta muốn mô hình đại học kiểu mới được các nhân tố của giáo dục đại học chấp nhận, chúng ta phải chỉ ra được những đặc quyền của nó là chính đáng. Không thể đơn giản đưa từ trên xuống một quyết định rằng trường đại học này hay trường đại học kia là trường đại học xuất sắc; đó là những danh hiệu vô nghĩa. Trước khi nhận dạng những trường đại học xuất sắc, cần phải nhận dạng những cá nhân và những nhóm nghiên cứu xuất sắc; chỉ bằng cách khiến cho họ làm việc cùng nhau, chúng ta mới có thể hy vọng xây dựng được những trường đại học xuất sắc. Sự xuất sắc được áp dụng cho cả sinh viên lẫn giảng viên. Sự tuyển chọn kéo theo tính nghiêm túc và tính chính trực. Đối với sinh viên, đó là sự nghiêm túc và chính trực trong kỳ thi tuyển, cũng như trong việc theo dõi sự tiến bộ và việc cấp bằng. Đối với giảng viên, đó là sự nghiêm túc và chính trực trong tuyển dụng và thăng tiến, với ban tuyển dụng đánh giá dựa trên những tiêu chí khách quan: kinh nghiệm và trình độ giảng dạy, số lượng và chất lượng các bài báo khoa học, năng lực lãnh đạo nghiên cứu, kinh nghiệm đào tạo thạc sỹ và/hoặc tiến sỹ, uy tín quốc tế, năng lực phát triển hợp tác, v.v.

Sinh thời GS. Hoàng Tụy thường nói rằng ưu tiên hàng đầu để phát triển các trường đại học Việt Nam là tăng lương đến một mức khá cho giảng viên và nghiên cứu viên. Việc này chỉ có thể được thực hiện cùng với việc đưa ra một hệ thống đánh giá chất lượng công bằng và khách quan. Chỉ khi đó chúng ta mới có thể bàn về một tác động tài chính ở một quy mô đủ lớn. Chúng ta không thể nói, như một lý do để không hoạt động, rằng thiếu nguồn tài chính, khi mà bao nhiêu tiền bị lãng phí do quản lý yếu kém, chưa kể đến tham nhũng. Hàng triệu USD bị lãng phí vì đầu tư vào các thiết bị không được dùng đến. Trái lại, những quy định mới về tự chủ và cấp ngân sách cho nghiên cứu khoa học đang cản trở sự phát triển và đe dọa sự sống còn của những nhóm nghiên cứu xuất sắc trong cả nước. Sau đây là một thí dụ minh họa cho hỗ trợ eo hẹp dành cho nghiên cứu cơ bản và điều kiện làm việc khó khăn của chúng tôi. Năm ngoái, chúng tôi phải cử một thành viên đi tham gia vận hành Kính thiên văn James Clerk Maxwell trên núi Mauna Kea ở Hawaii; Đài thiên văn Đông Á (East Asian Observatory) đã hào phóng hỗ trợ tiền ăn ở trong thời gian ở đó, nhưng chúng tôi phải bỏ tiền túi để mua vé máy bay cho anh ấy.

Hơn ba thập kỷ từ khi Đổi mới, chúng ta vẫn chưa thể làm giảm thảm họa chảy máu chất xám của nước nhà. Trong việc này, chúng ta không thể trông chờ các đối tác nước ngoài giúp đỡ. Tôi sống ở Việt Nam, và tôi đấu tranh để tài năng của các đồng nghiệp trẻ người Việt được thừa nhận ở Việt Nam. Nếu tôi sống ở Pháp và chào đón những sinh viên Việt Nam gia nhập các đồng nghiệp trẻ của mình, tôi sẽ đấu tranh để tài năng của họ được thừa nhận ở Pháp; tôi sẽ chẳng quan tâm đến nạn chảy máu chất xám ở Việt Nam, tôi thậm chí sẽ góp phần làm cho nó nặng hơn. Ý thức được rằng Việt Nam không thể cho họ điều kiện làm việc thích hợp và không tôn trọng hiểu biết và kỹ năng của họ, tôi sẽ cố hết sức để giữ họ lại Pháp hoặc đâu đó ở châu Âu. Chúng ta sẽ rất sai lầm nếu nghĩ rằng hỗ trợ quốc tế đơn giản là cho sinh viên Việt Nam cơ hội du học và cho giảng viên nước ngoài cơ hội đến Việt Nam một hai tuần để giảng lại những gì họ đã giảng ở nước họ. VGU và USTH sẽ trở thành nơi môi giới du lịch cho giảng viên nước ngoài và phương tiện chảy máu chất xám cho sinh viên Việt Nam nếu chúng ta cứ tiếp tục bỏ quên trách nhiệm của mình. Cụ thể, chúng ta cần: nhận dạng những nhóm nghiên cứu Việt Nam có khả năng tận dụng ưu thế hợp tác với các nhóm nghiên cứu nước ngoài để phát triển về chất lượng và quy mô; hỗ trợ các nhóm đó một cách thiết thực; ngược lại, mỗi sinh viên Việt Nam du học bằng hỗ trợ tài chính của nhà nước phải kèm theo điều kiện được một nhóm hướng dẫn trong nước liên hệ sát sao và theo dõi quá trình học tập.

Không phải mọi trường đại học nước ngoài đều tốt. Ở Mỹ có Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) và Đại học Harvard, nhưng cũng có Đại học Trump và Đại học Pacific Western, nơi người ta có thể mua bằng cử nhân, thạc sỹ, tiến sỹ với vài nghìn đô-la. Có đủ mọi cấp độ giữa hai thái cực đó. Sẽ rất sai lầm khi cho rằng chỉ cần sao chép lại chương trình học của họ là có thể thành công. Chúng ta cần phải học từ cả thành công và thất bại của họ và chuyển sang bối cảnh Việt Nam. Các nước khác nhau có những mỗi ưu tiên khác nhau. Một trường đại học ở Thụy Điển có thể tự hào về việc giảng dạy về biến đổi khí hậu và cắt giảm phát thải CO2. Việt Nam, nơi lượng phát thải CO2 theo đầu người thấp hơn nhiều so với một số nước phát triển, nơi lũ lụt ở đồng bằng sông Cửu Long tăng nhanh hơn nhiều so với sự dâng của mực nước biển, và nơi ô nhiễm nước và không khí ở các thành phố lớn đạt mức báo động, có những ưu tiên khác về môi trường. Nếu không tìm hiểu kỹ để xác định rõ các yêu cầu của Việt Nam, chúng ta sẽ thất bại trong sứ mệnh đóng góp vào sự phát triển kinh tế và xã hội của đất nước.

Một thí dụ quen thuộc đối với tôi liên quan đến khoa Vũ trụ và ứng dụng của USTH. Việt Nam cần phải cho USTH biết rõ đất nước có những ưu tiên gì, cụ thể là giữa sản xuất vệ tinh và khai thác vệ tinh, để USTH điều chỉnh việc giảng dạy cho phù hợp với các nhu cầu của chương trình vũ trụ. Một thí dụ khác, vẫn với USTH nhưng ở thời điểm thành lập trường, trước khi chương trình điện hạt nhân thất bại, là nỗ lực tận dụng trình độ của Pháp trong xây dựng và vận hành nhà máy điện hạt nhân để tạo ra một khoa điện hạt nhân trong trường. Chúng tôi không tìm được những người đối thoại Việt Nam suy nghĩ trên lợi ích quốc gia và đủ quan tâm để đưa ra những đề xuất mang tính xây dựng. Việc quốc tế hóa giáo dục đại học Việt Nam là một khái niệm mơ hồ, được mỗi người hiểu theo một cách khác nhau2. Định nghĩa nó một cách cụ thể là việc của chúng ta.

Còn nhiều điều đáng bàn nữa3, nhưng tôi xin phép không đi sâu tiếp do khuôn khổ của bài viết.

 

Giải pháp với VGU và USTH

 

VGU và USTH phát triển chậm hơn kỳ vọng và đang trải qua một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng về tuyển sinh. Như đã đề cập trong kỳ trước, nếu hai trường thất bại, đó trước hết sẽ là thất bại của Việt Nam chứ không phải thất bại của các nước đối tác. Giúp hai trường thành công là vì lợi ích của Việt Nam; quả bóng đang ở trong chân chúng ta.


Ngành Nhật Bản học là một trong những ngành có nhiều hợp tác quốc tế với các trường đại học ở Nhật Bản. Nguồn ảnh: Đại học Kinh tế TP HCM. 

Tôi xin gợi ý rằng VGU và USTH có thể bắt đầu những nỗ lực thành lập những nhóm làm việc nhỏ với nhiệm vụ nghiên cứu một cách nghiêm túc tình hình và đưa ra những đề xuất để cải thiện nó. Một số nhóm cần nghiên cứu nhu cầu của Việt Nam về giáo dục đại học để phục vụ cho phát triển kinh tế-xã hội. Chẳng hạn, đối với khoa Vũ trụ và ứng dụng của USTH, một nhóm làm việc nhỏ có thể nghiên cứu thực trạng của chương trình vũ trụ của Việt Nam, sự chia sẻ trách nhiệm giữa các cơ quan và tổ chức thuộc các bộ khác nhau, sự thống nhất và phối hợp nếu có giữa các hoạt động của họ, tầm quan trọng của việc khai thác hình ảnh vệ tinh, triển vọng có được những vệ tinh dành riêng cho những quan trắc trên lãnh thổ Việt Nam, nhu cầu xây dựng thêm các trạm mặt đất, triển vọng dài hạn hơn về khả năng tự chế tạo hoặc thậm chí tự phóng vệ tinh, v.v.

Những nhóm làm việc như vậy sẽ không thuộc về riêng nước nào, mà vận hành trong sự hợp tác giữa Việt Nam và nước đối tác. Phần lớn công việc cần được làm trong nước bởi người Việt Nam, nhưng sự tham gia của các nhà khoa học của nước đối tác cũng là cần thiết, đặc biệt là các nhà khoa học hiện diện ở Việt Nam, chẳng hạn các thành viên của Viện Nghiên cứu và Phát triển (IRD) của Pháp. Thành phần chủ yếu của các nhóm làm việc cần phải là các nhà khoa học chứ không phải các nhà quản lý hay các chính trị gia: giảng viên, nghiên cứu viên, và cả sinh viên – tôi chắc chắn một số sinh viên sẽ tự nguyện đóng góp thời gian vào các nghiên cứu đó nếu được trao cơ hội, và những gì họ sẽ học được là vô giá. Các nhóm làm việc cần thực hiện các báo cáo, gửi cho chủ tịch hay hiệu trưởng của trường đại học, tóm tắt kết quả công việc, phân tích và đề xuất những hành động nhằm giúp trường đại học tiến bộ và phát triển theo đúng hướng. Họ có thể học hỏi Ngân hàng Thế giới (WB) trong việc thực hiện những báo cáo chất lượng về những vấn đề chính liên quan đến sự tiến bộ và phát triển của Việt Nam.

Bên cạnh những nhóm làm việc gắn với các khu vực cụ thể liên quan đến chương trình giảng dạy của trường đại học, cần có một số nhóm giải quyết các câu hỏi chung hơn, chẳng hạn độ dài của chương trình và logic đằng sau nó, hay tiền lương của các nhà khoa học ở đại học công, đại học tư và các viện nghiên cứu, hay nghiên cứu sự tiến triển của nạn chảy máu chất xám và nguyên nhân của nó.

Kết quả của việc đó sẽ vô cùng giá trị. Các báo cáo sẽ tạo thành một nguồn tư liệu quý giá để các hội đồng trường, các liên minh các trường đại học và các ban quản lý [dựa vào đó để] khởi xướng các bước giúp cho sự tiến bộ và phát triển của trường đại học. Quan trọng hơn, chúng sẽ khiến cộng đồng khoa học và sinh viên Việt Nam nhận thức tốt hơn trách nhiệm của mình; chúng sẽ trở thành hình mẫu để các tổ chức, chẳng hạn các hội chuyên ngành, chủ động tham gia vào sự tiến bộ và phát triển của giáo dục đại học Việt Nam, vào việc làm giảm và tiến đến ngăn chặn hoàn toàn nạn chảy máu chất xám.

Cỏ đồng bên bao giờ cũng xanh hơn. VGU và USTH  có thể giúp sinh viên nhảy qua hàng rào sang bên đó, như sinh viên Việt Nam vẫn làm từ hàng thập kỷ. Họ cũng có thể giúp sinh viên tưới nước cho cỏ ở bên này. Quyết định lựa chọn và hành động ở bên nào là của chúng ta.

***

Qua nhiều phân tích minh họa cho cách quốc tế nhìn nhận về giáo dục đại học Việt Nam; tôi luôn bị ấn tượng bởi mối quan tâm lớn mà các học giả nước ngoài dành cho giáo dục đại học Việt Nam, tương phản với thái độ của nhiều học giả trong nước. Tôi nhớ vài năm trước, có lần tôi tiếp cận với hiệu phó của một trường đại học Việt Nam và nói với ông ấy về những khiếm khuyết trong việc cấp bằng tiến sỹ ở Việt Nam; ông ấy trả lời rằng đó không phải việc của mình, và rằng tôi nên tìm đến Bộ Giáo dục và Đào tạo. Bất cứ ai yêu tri thức và khoa học và muốn thấy đất nước phát triển đều sẽ quan tâm và coi đó là việc của mình, không phải thế sao? Một thí dụ minh họa nữa là một hội thảo chiến lược mới đây của USTH mà tôi có tham dự. Số học giả người Pháp tham dự lớn hơn hẳn số học giả người Việt Nam, mặc dù hội thảo diễn ra ở Hà Nội.

Sẽ là sai lầm nếu cho rằng hỗ trợ quốc tế về giáo dục đại học có thể giúp chúng ta không cần đầu tư thời gian và công sức cho nó, giúp chúng ta thoát khỏi gánh nặng đối mặt với các thách thức, khuyến khích sự vô trách nhiệm và cho phép chúng ta nói rằng mình không quan tâm và đó không phải việc của mình. Trái lại, chúng ta cần được tổ chức một cách hiệu quả để tận dụng tối đa sự hỗ trợ đó.

 

Mô hình đồng hướng dẫn
Trong kỳ trước, bài viết đã đề cập mô hình hợp tác quốc tế trong giáo dục đại học qua việc triển khai mô hình đại học kiểu mới ở hai trường VGU và USTH. Trong kỳ này, tôi xin nêu tiếp một thí dụ về mô hình đồng hướng dẫn nghiên cứu sinh tiến sỹ mà các trường đại học kiểu mới nên tận dụng.
Một luận án cotutelle có những đặc điểm sau: một thỏa thuận được ký, thường ở cấp cao, giữa hai đơn vị đào tạo tiến sỹ của Pháp và của Việt Nam; thỏa thuận đề cập đến các nguồn hỗ trợ tài chính (đi lại và thù lao) và nêu rõ:
i. Nghiên cứu sinh sẽ chia sẻ thời gian làm việc giữa hai nước, gồm ba đợt làm việc ở Pháp xen kẽ với ba đợt làm việc có thời gian tương đương ở Việt Nam, mỗi năm một đợt;
ii. Luận văn được viết bằng tiếng Anh và có các phần tóm tắt bằng tiếng Pháp và tiếng Việt;
iii.Hai người đồng hướng dẫn có trách nhiệm ngang nhau trong đảm bảo việc nghiên cứu vận hành suôn sẻ;
iv.Luận án sẽ được bảo vệ ở một trong hai nước (với chúng tôi, ban đầu các buổi bảo vệ được tổ chức ở Pháp, nhưng ba buổi bảo vệ mới nhất được chuyển về Việt Nam);
v.Hội đồng bảo vệ gồm các thành viên từ cả hai nước (có thể có cả thành viên từ nước khác) với số lượng bằng nhau, có hai đồng chủ tịch là một nhà khoa học Việt Nam và một nhà khoa học Pháp;
vi.Nghiên cứu sinh sẽ đóng học phí ở nước nào (nhưng họ được đăng ký ở cả hai trường ở hai nước);
vii.Sau khi bảo vệ thành công, nghiên cứu sinh sẽ được nhận cả bằng Pháp và bằng Việt Nam.
Các luận án cotutelle là những hoạt động hai bên cùng có lợi, đặc biệt phù hợp với sự hợp tác giữa một nước đang phát triển và một nước phát triển; chúng nên trở thành một công cụ lý tưởng cho sự phát triển của USTH trong những năm tới. Chúng cho Việt Nam lợi thế duy trì được liên hệ chặt chẽ với nghiên cứu sinh trong suốt thời gian nghiên cứu; chúng gieo hạt giống cho những hợp tác trong tương lai; chúng cho Pháp cơ hội hiểu rõ hơn tình hình giáo dục đại học và nghiên cứu ở Việt Nam; chúng cho cả nhóm nghiên cứu ở Việt Nam cơ hội tìm hiểu chủ đề mà nghiên cứu sinh đang nghiên cứu.
Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của chúng tôi, nghiên cứu sinh phải chờ từ một đến hai năm sau khi bảo vệ thành công để được nhận bằng tiến sỹ Việt Nam. Họ phải trải qua một cuộc chạy vượt chướng ngại vật thật sự, làm thêm một khối lượng công việc đáng kể và bảo vệ lại luận án trước một hội đồng thuần Việt Nam. Điều này tạo cho Việt Nam một hình ảnh không đẹp, khi không tôn trọng những điều khoản thỏa thuận và tỏ ra coi thường hội đồng bảo vệ quốc tế cũng như nhóm hướng dẫn của Pháp. Sáu năm trước, chúng tôi có dịp thảo luận vấn đề này với GS. Bùi Văn Ga, khi đó là thứ trưởng phụ trách các trường đại học của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Ông Bùi Văn Ga hoàn toàn đồng ý với những điểm chúng tôi đưa ra, và nói rằng Bộ sẽ đơn giản hóa quy định của Việt Nam trong trường hợp cotutelle. Nhưng đến nay vẫn chưa có gì thay đổi.
Tôi tin rằng việc sử dụng cotutelle hiệu quả hơn sẽ rất có lợi cho cả Việt Nam và Pháp, và USTH nói riêng. Sau hội thảo chiến lược USTH, tôi viết về hiệu ứng này và gửi cho những nhà chức trách Việt Nam và Pháp có liên quan. Phía Pháp đã lập tức trả lời, thể hiện sự ủng hộ, nhưng phía Việt Nam không trả lời.

 

Nguyễn Hoàng Thạch

(Viện Toán học) dịch

—-

1Tôi lưu một số bài viết liên quan tại địa chỉ https://drive.google.com/open?id=11WaVrgi5 MkmbScuKyPM17va8A4vgdvW7

2 https://www.britishcouncil.ph/sites/default/files/06_le_ahn_vinh_vietnam.pdf ; Le AnhVinh, Internationalisation in Vietnamese Higher Education Policies and Practices, 2018.

http://www.vnseameo.org/InternationalConference2018/wp-content/uploads/2018/08/NTMNgoc_Fullpaper.pdf ; Nguyen Thi My Ngoc, Apipa Prachyapruit, Varaporn Bovornsiri, A Quest for International Curriculum Innovation and Change in Vietnam Higher Education Institutions.

https://pdfs.semanticscholar.org/d33c/c4aff98153bc46983951515fd1 f93272e971.pdf; Nguyen Thi Phuong Thu, The internationalisation of higher education in Vietnamese universities, 2018.

3 Tôi liệt kê dưới đây một số tài liệu liên quan:

https://www.sciencedirect.com/science/article/pii/S0738059317302584 ; Le Huu Nghia Tran, Game of blames: Higher education stakeholders’ perceptions of causes of Vietnamese graduates’ skills gap, International Journal of Educational Development, Volume 62, September 2018, Pages 302-312.

https://www.mironline.ca/corruption-vietnamese-education-major-issues/ ; Thinh Ho, Corruption in Vietnamese Education: Major Issues, The McGill International Review, November 22, 2017.

https://doi.org/10.6017/ihe.2018.0.10546; Do Minh Ngoc, Competitive Strategies of Vietnamese Higher Educational Institutions.

https://doi.org/10.1177/1523422318803086 ; Tam T. Phuong, Dae Seok Chai, Talent Development for Faculty: The Case of Vietnam, 3/10/2018.

https://mospace.umsystem.edu/xmlui/bitstream/handle/10355/69969/NguyenThiKieu.pdf?sequence=1 ; Thi Kieu Van Nguyen, Vietnamese educational leaders as border crossers: Vietnam and academic and career guidance and counselling activities, May 2019.

https://doi.org/10.3390/su11236818 ; Thuan Van Pham,Thanh Thi Nghiem, Loc My Thi Nguyen, Thanh Xuan Mai and Trung Tran, Exploring Key Competencies of Mid-Level Academic Managers in Higher Education in Vietnam, Sustainability 2019, 11(23), 6818.

Vo Van Tuan, Phan Quoc Lam, Development of private universities in Vietnam, International research journal, 3/81, March 2019;

https://minerva-access.unimelb.edu.au/bitstream/handle/11343/219372/Lily_Thesis_Dec2018.pdf?sequence=1&isAllowed=y ; Lily Thi Ha Nguyen, Becoming professional researchers: An exploration of the experiences of Vietnamese doctoral students in Australia, September 2018.

Tác giả