Trường Khoa học Đông Dương

Ra đời muộn nhất trong số các trường thuộc Đại học Đông Dương và chỉ hoạt động vỏn vẹn trong bốn năm nhưng Trường Khoa học Đông Dương vẫn để lại những dấu ấn quan trọng đối với nền giáo dục và khoa học của Việt Nam.

Trước khi trường Khoa học Đông Dương ra đời, Pháp đã thành lập tại Đại học Đông Dương một số cơ sở giáo dục giảng dạy các nội dung liên quan các trường khoa học ứng dụng có tính chất nghề nghiệp chuyên môn để đào tạo nhân lực cho các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, xây dựng hạ tầng phục vụ cho công cuộc khai thác thuộc địa được thực hiện trước. Trong đó bao gồm các trường như:

Trường Y sĩ thú y (Ecole vétérinaire) 

Chính quyền Pháp nhận thấy rằng việc đào tạo lực lượng y sĩ thú y người bản địa là rất cấp bách đối với một nơi mà kinh tế dựa nhiều vào nông nghiệp nói chung và chăn nuôi nói riêng như Đông Dương. Ở đó, thường xuyên có tình trạng vật nuôi bị chết hàng loạt vì dịch bệnh do thiếu vệ sinh và phòng bệnh. Trong khi lực lượng người âu thì quá mỏng để phụ trách việc giám sát cả một nơi rộng như thế.1 Vì vậy, năm 1904, một Ban Y sĩ thú y (section vétérinaire) đã được thành lập trực thuộc trường Y Đông Dương. Sau này, ban y sĩ thú y đã được tách ra khỏi trường Y và trở thành một trường thành viên của Đại học Đông Dương, thành lập năm 1917.

Ban đầu, trường đào tạo mỗi khóa trong ba năm học. Kể từ năm học 1921-1922 đã bắt đầu có năm học thứ tư.2 Các môn học gồm thực vật học, động vật học, vật lý, hóa học, giải phẫu học so sánh, sinh lý học, sinh lý học so sánh, bệnh học, điều trị học, dược lý, thiết bị y, phôi thai học, bệnh lây và ký sinh trùng, vi khuẩn học…vv. Ngoài ra còn có thực hành thú y. Kết thúc khóa học, những người được cấp bằng còn tiếp tục được trải qua một kỳ thực tập bổ túc ba tháng tại viện nghiên cứu Pasteur ở Nha Trang.

Những y sĩ thú y Đông Dương được coi là trợ lý quý giá của các y sĩ thú y Pháp. Họ được giao nhiệm vụ giám sát vệ sinh của một tỉnh và phải truy tìm ra các trường hợp bệnh lây, giám sát các hội chợ, chợ phiên và sử dụng các biện pháp cần thiết để chống lại những bệnh dịch ở động vật. Tại những trung tâm mà các y sĩ thú y cư trú, họ còn được giao nhiệm vụ đảm bảo cho công việc của các viên thanh tra các lò mổ.3

Trường Công chính (Ecole des Travaux publics) 

Công cuộc khai thác thuộc địa đòi hỏi phải xây dựng cơ sở hạ tầng và đặt ra nhu cầu đào tạo nhân lực bản địa tại chỗ. Khởi nguồn của trường Công chính bắt đầu từ sự kiện năm 1902 tại Nam kỳ và Bắc kỳ có mở ra khóa đào tạo những ứng viên vào vị trí nhân viên kỹ thuật của lĩnh vực xây dựng công cộng. Đến năm 1913 mới có một nghị định thành lập một trường Công chính dành cho toàn Đông Dương. Tuy nhiên, trường gặp nhiều khó khăn do cuộc Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất gây ra (1914-1918).4

Mục đích của trường là đào tạo thanh niên để có hiểu biết những khái niệm cần thiết về xây dựng, về đo đạc, tính toán, về địa hình để trở thành nhân viên trợ tá cho nhân viên người âu (tại Đông Dương) làm việc trong các văn phòng hoặc tại thực địa. Ban đầu trường chỉ đào tạo mỗi khóa trong hai năm học, sau này có thêm đào tạo nhân viên công chính trình độ cao đẳng trong ba năm học. 5

Trường Nông-Lâm (Ecole supérieure d’Agriculture et de Sylviculture)

Trường được ra đời trong cuộc cải cách giáo dục của Albers Sarraut bắt đầu từ năm học 1917-1918. Trường có ban nông nghiệp và ban lâm nghiệp. Mục đích ban đầu của trường là đào tạo ra các kỹ thuật viên bản địa có năng lưc để hoặc là làm phụ tá và cho nhu cầu bổ khuyết cho nhân sự người âu trong các cơ quan nông nghiệp và lâm nghiệp ; hoặc là với tư cách như người nông dân, đưa các phương pháp hiện đại về canh tác đất áp dụng trong cộng đồng dân cư nông thôn.

Những năm đầu của trường, chương trình đào tạo cho mỗi khóa được thực hiện trong ba năm học. Đến năm 1920 đã có khóa đầu tiên thi tốt nghiệp. Sau một thời gian hoạt động, chính quyền muốn nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo và đã ra một nghị định vào ngày 30/3/1925 để tổ chức lại hoạt động của nhà trường. Theo đó, chương trình đào tạo sẽ nâng lên là ba năm rưỡi, trong đó hai năm rưỡi sinh viên sẽ học lý thuyết và thực hành tại Hà Nội, và một năm đi áp dụng thực tế tại các cơ sở công hoặc tư nhân tại Đông Dương.6

Trường Nông Lâm, Trường Công chính cùng với Trường Y sĩ thú y phải tạm ngừng hoạt động vào khoảng năm 1935 do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế thế giới. Vào khoảng thời kỳ thế chiến hai (1939-1945), do nhu cầu nhân lực tại chỗ, ba trường này đã được khôi phục hoạt động.

Trường Thương mại (Ecole de Commerce) và Trường Ứng dụng thương mại (Ecole d’application commerciale) 

Trường Thương mại được thành lập vào ngày 02/10/1920, đặt tại Hà Nội và đi vào hoạt động ngay sau đó. Trường Ứng dụng thương mại được thành lập và hoạt động vào tháng 10/1922 đặt tại Sài Gòn. Hai trường này có mối liên hệ với nhau. Sau khi sinh viên tốt nghiệp tại trường Thương mại (Hà Nội), một số sẽ được gửi đi học tiếp một khóa thực tập do trường Ứng dụng thương mại tại Sài Gòn tổ chức.

Sau hai năm hoạt động, đến tháng 5/1922 Trường Thương mại tại Hà Nội đã có khóa đầu tiên thi tốt nghiệp với 25 người đăng ký và có 20 người đỗ, có 13 người được phép vào thực tập tại Sài Gòn, do Trường Ứng dụng thương mại tại Sài Gòn tổ chức để nhận bằng cao đẳng.7 Cả 13 người này đã trải qua một kỳ thực tập ba tháng tại các hãng, xưởng ở Sài Gòn như ngân hàng, công ty. Sau đó tất cả họ đã thành công trong kỳ thi tốt nghiệp năm 1923 trước hội đồng đánh giá gồm nhiều người có địa vị trong giới thương mại của Sài Gòn.8

Theo nghị định ngày 25/8/1925, và một số nghị định khác,9 trường Thương mại Hà Nội và trường Ứng dụng thương mại Sài Gòn được tổ chức lại thành một trường và thành lập thêm một số ban đào tạo. Từ 1926, chỉ còn một trường mang tên Thương mại và Bưu điện và Điện báo (Ecole de Commerce et des Postes et des Télégraphes) (Gọi tắt là trường Thương mại), bao gồm: Ban thương mại, Ban ứng dụng thương mại, Ban bưu điện và Điện báo, và Ban Điện báo vô tuyến.

Biểu đồ số lượng sinh viên trường Khoa học (1941 – 1944).

Sau một vài năm hoạt động, nhận thấy có những bất hợp lý trong việc tổ chức, để nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo, theo nghị định ngày 29/9/1928, trường được nâng thành cao đẳng theo mô hình như bên Pháp, hai ban thương mại và ứng dụng thương mại được hợp nhất lại thành ban thương mại, đào mỗi khóa trong ba năm học. Các ban còn lại vẫn giữ nguyên và đào tạo trong hai năm học.

Không  may mắn do bị ảnh hưởng trầm trọng bởi cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, vào giai đoạn 1932-1933 trường Thương mại đã căn bản phải dừng hoạt động.

Trường Khoa học ứng dụng (Ecole des sciences appliquées)

Trường được thành lập theo Nghị định của Toàn quyền Đông Dương vào ngày 30/10/1922. Trường dành để đào tạo những kỹ thuật viên bản địa chuyên ngành cho lĩnh vực công nghiệp tư nhân và hành chính công tại Đông Dương. Những chuyên ngành đào tạo gồm : công chính, địa bạ và địa hình, hầm mỏ, hóa học công nghiệp, và điện. Trong số đó, ban đầu chỉ có lĩnh vực công chính là đào tạo ở trình độ cao đẳng, sau đó có thêm lĩnh vực địa bạ và địa hình.

Như vậy trường Khoa học ứng dụng có nhiều ngành đào tạo trùng với trường Công chính. Năm 1928, chính quyền đã tổ chức lại bằng việc chuyển ban công chính của trường Khoa học ứng dụng sang trường Công chính. Theo dõi các báo cáo của chính quyền các năm tiếp theo, chúng tôi không còn thấy trường Khoa học được đề cập đến nữa. Điều này có thể hiểu là trường đã ngừng hoạt động vào khoảng năm 1929.

Các trường kỹ thuật nghề này đã cung cấp được một đội ngũ cán bộ kỹ thuật cho hệ thống hành chính, xây dựng và kinh tế trước 1945. Một số ít nhà khoa học của nước ta đã từng được đào tạo từ một trong số các trường này là ông Bùi Công Tiễu, giáo sư Bùi Huy Đáp, giáo sư Thái Văn Trừng, giáo sư Lê Văn Trương.

Thành lập Trường Cao đẳng khoa học (Ecole supérieure des sciences)

Từ cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, một số trí thức có tư tưởng đổi mới ở nước ta đã nhận thức rõ hơn vai trò của khoa học, đặc biệt là khoa học tự nhiên, kỹ thuật để phát triển đất nước. Từ những bản điều trần của cụ Nguyễn Trường Tộ gửi triều đình Nguyễn10 đến phong trào Đông Du của cụ Sào Nam Phan Bội Châu và các đồng chí đều thể hiện khát vọng tiếp thu khoa học kỹ thuật.

Thực tế tại Đông Dương, trước khi thành lập trường Cao đẳng Khoa học ở Hà Nội vào năm 1941, thì đã có trường Y-Dược Đông Dương chuyên sâu về giảng dạy và nghiên cứu khoa học sức khỏe và dược học ; trường Luật chuyên sâu về giảng dạy và hướng dẫn nghiên cứu về khoa học pháp lý, kinh tế chính trị. Còn lại, việc phổ biến, giảng dạy về khoa học thuộc một số lĩnh vực khác cũng đã có nhưng với một liều lượng còn rất hạn chế. Chẳng hạn, trường Cao đẳng Sư phạm Đông Dương có ban Khoa học, nhưng nội dung chỉ dừng ở mức đào tạo giáo viên giảng dạy về các môn toán, lý, hóa, sinh, địa lý tại trường trung học cơ sỏ (cấp 2). Hoặc các trường cao đẳng kỹ thuật như vừa nêu ở trên cũng đã giảng dạy về khoa học, nhưng còn ở mức độ hạn chế về nội dung, thời gian, phương pháp đào tạo. Điều này có thể được lý giải rằng khoa học là chìa khóa phát triển, tạo nên sức mạnh vượt trội của phương Tây, cho nên nó không thể dễ dàng, nhanh chóng được nhà cầm quyền Pháp chuyển giao với liều lượng cao, cả về nội dung và phương pháp nghiên cứu, cho nhân dân thuộc địa.

Năm 1927, Henri Gourdon, Tổng thanh tra Học chính Đông Dương, đã nêu ra vấn đề cần thiết phải thành lập thêm một số trường cao cấp trong đó có trường văn học và trường khoa học. Trong một báo cáo gửi Bộ Thuộc địa, đề ngày 27/9/1927, ông đã nhấn mạnh việc tiến tới thành lập một trường khoa học để cấp các chứng chỉ khoa học và cử nhân khoa học.11 Nhưng phải đợi rất nhiều năm, giữa thời điểm Chiến tranh Thế giới hai, trường Cao đẳng Khoa học Đông Dương mới được thành lập theo một sắc lệnh ngày 26/7/1941 của Thống chế Pétin, người đứng đầu nước Pháp khi đó.12 Đây cũng là trường thành viên cuối cùng của Đại học Đông Dương được thành lập trước khi Nhật đảo chính Pháp vào ngày 09/3/1945. Báo chí thời đó đã có bài viết về sự kiện này.

Phải lưu ý rằng, trong Chiến tranh Thế giới lần thứ hai, nước Pháp đã bị chiếm đóng một phần bởi quân phát xít Đức. Tại Đông Dương, họ cũng phải chấp nhận nhường 70000 km2 cho Thái Lan sau một cuộc chiến ngắn. Theo sử gia Pierre Brocheux, Pháp không thể tiếp tục duy trì thuộc địa bên ngoài quỹ đạo Nhật bản.13 Để ngăn cản người dân thuộc địa ngả về phía Nhật, đô đốc Decoux phải làm một vài nhượng bộ cho người dân Đông Dương, nhất là đối với các quan lại, và cả đối với tầng lớp tinh hoa có học đang ngày một tăng lên đáng kể về số lượng. Trường Đại học khoa học đã được ra đời trong bối cảnh đó. Nó được dành cho cả sinh viên người bản địa Đông Dương và sinh viên Pháp muốn ở lại tại đây để học trong  lúc có chiến tranh bên châu Âu.

Đôi nét về vận hành và kết quả đào tạo

Mục tiêu của trường Cao đẳng Khoa học được xác định như sau:14

1. Giảng dạy về vật lý học, hóa học, thiên nhiên học, toán học đại cương và ứng dụng; cấp chứng chỉ Vật lý, Hoá học, Sinh học (PCB); cấp chứng chỉ ở trình độ cao đẳng và cấp bằng cử nhân khoa học.

2. Góp phần vào nghiên cứu và ứng dụng khoa học tại Đông Dương;

3. Đào tạo cán bộ người Đông Dương cho hệ thống hành chính và kinh tế nơi đây.

Ngoài cấp chứng chỉ khoa học, trường có đào tạo sinh viên đến trình độ cử nhân. Trường được thành lập theo mô hình bên Pháp, nhưng có sự thay đổi đặc biệt cho phù hợp với Đông Dương. Cụ thể là để đảm bảo rằng sinh viên tú tài có trình độ kiến thức chung đủ để theo học tại trường, một bài đánh giá thử được thực hiện vào đầu mỗi năm học.

Việc cấp các chứng chỉ PCB và chứng chỉ đại học do trường và nha học chính Đông Dương thực hiện. Bằng cử nhân khoa học do Viện hàn Lâm Paris cấp.

Về nhân sự giảng dạy, do hoàn cảnh chiến tranh, nên chính quyền phải huy động nhân sự tại chỗ, đó là các giáo sư đang công tác tại Đông Dương, trong đó có những giáo sư đã ở tuổi về hưu.

Về cơ sở vật chất, chiến tranh đã ảnh hưởng tiêu cực đến trường, cụ thể là cho đến tận năm 1945, những thiết bị, vật liệu khoa học quan trọng được đặt mua từ bên Pháp vẫn chưa được chuyển đến. May mắn là những thiết bị, vật liệu vẫn còn dự trữ tại các phòng thí nghiệm đã có trước đó và có thể huy động được tại chỗ. Cùng với sự nỗ lực khắc phục khó khăn của các giảng viên và trợ giảng nên việc giảng dạy, học tập, nghiên cứu đã có thể thực hiện gần tương đương như bên chính quốc.

Trường đã có sự thành công nhanh chóng trong tuyển sinh, số lương sinh viên rất đáng kể và tăng qua các năm học. Phần lớn là sinh viên Việt Nam, sinh viên Pháp cũng chiếm tỷ lệ khá. Vào Năm học 1943-1944 có tổng số 275 sinh viên, trong đó có 169 sinh viên Việt Nam, 101 sinh viên Pháp, còn lại 5 sinh viên thuộc về một số nơi khác đến.

Sau khi Nhật đảo chính Pháp (09/3/1945), Trường Khoa học phải tạm ngừng hoạt động (sau đó Pháp có khôi phục lại hoạt động trong vùng chiếm đóng). Tính từ khi thành lập đến thời điểm tạm đóng cửa, trường chỉ mới có chưa đầy bốn năm hoạt động, lại trong hoàn cảnh khó khăn do chiến tranh thế giới, vì vậy những thành tựu chỉ mới bắt đầu. Theo ghi nhận, tính đến năm 1945, trường đã đạt những kết quả sơ bộ.

Đôi lời kết

Là thành viên ra đời muộn nhất trong số các trường thuộc Đại học Đông Dương, thời gian hoạt động chỉ chưa đầy bốn năm đã phải đóng cửa (sau 1945 mới mở lại), điều kiện hoạt động thiếu thốn về trang thiết bị và nhân sự giảng dạy, cho nên trường chưa đạt được thành tựu rõ nét. Việc trường được thành lập muộn có thể lý giải rằng người Pháp trong một thời gian dài chưa sẵn sàng để giảng dạy tại Đông Dương khoa học cơ bản (toán, lý, hóa, sinh) ở mức độ cao giống như bên chính quốc Pháp.

Với sự cố gắng của các giảng viên và tinh thần ham học hỏi, vươn lên của các sinh viên, trường đã đạt một số kết quả nhất định. Trong số các sinh viên tốt nghiệp hoặc học chưa trọn vẹn ở trường Khoa học, có một vài nhân vật sau đã trở thành những nhà khoa học tài năng của nước ta. Tiêu biểu nhất đó là Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Văn Chiển, chuyên môn về địa chất, và Giáo sư Đào Văn Tiến chuyên môn về sinh học. Ngoài ra về toán học còn có giáo sư Nguyễn Cảnh Toàn và giáo sư Ngô Thúc Lanh cũng từng là sinh viên của trường. Các nhân vật trên, cùng một số nhân vật khác học tại đây, tuy số lượng còn chưa nhiều,đã góp phần tích cực, hiệu quả vào công cuộc xây dựng, phát triển giáo dục và khoa học của nước ta sau Cách mạng Tháng Tám.□

—-

Chú thích

1 La Dépêche coloniale illustrée. N° 23, 15 décembre 1908, tr.330

2 Gouvernement général de l’Indochine, Rapport au Conseil de gouvernement de l’Indochine, tome 2, 1921

3 Exposition coloniale, Indochine , ouvrage publié sous la direction de Sylvain Lévi. Paris 1931, p.89.90.

4 Gouvernement général de l’Indochine, Rapport au Conseil de gouvernement de l’Indochine,1930, p366.

5 Section des services d’intérêt social. Direction générale de l’Instruction publique. Le service de l’Instruction publique en Indochine en 1930. 1930, p.115.

6 Gouvernement général de l’Indochine. Direction de l’instructionpublique. Arrêté du 30 mars 1925 portant règlement de l’Ecolesupérieure d’agriculture et de sylviculture de l’Indochine. 1925.

7 Gouvernement général de l’Indochine, Rapport au Conseil de gouvernement de l’Indochine,1922. T2. P.50

8 Gouvernement général de l’Indochine, Rapport au Conseil de gouvernement de l’Indochine,1923, t2 p.65

9 Gouvernement général de l’Indochine, Rapport au Conseil de gouvernement de l’Indochine,1926, t2, p501

10 Từ Ngọc Nguyễn Lân, Nguyễn Trường Tộ, nxb Mai Lĩnh, Hà Nội 1942.

11 ANOM, Indo Nf 2232,  Rapport de Henri Gourdon sur l’enseignement en Indochine, 1927.

12 Journal officiel de l’Etat français, n° 213, samedi 2 aout 1941, Décret du 26 juillet 1941 portant création d’un école supérieure de sciences à l’Université de Hanoi, , p.3235.

13 Brocheux Pierre, La Revue « Thanh Nghi »: un groupe d’intellectuels vietnamiens confrontés aux problèmes de leur nation (1941-1945). In: Revue d’histoire moderne et contemporaine, tome 34 N°2, Avril-juin 1987. p. 317-331.

14 ANOM, AGEFOM//243,  Recherches et Institution scientifiques et culturelles  Indochine (Bulletin d’Information, N° 85 du 07.10.1946, Chronique sociale et économique)

Tác giả

(Visited 10 times, 1 visits today)