Vì sao chưa hiệu quả?

Nhằm giải quyết tình trạng ngày càng có nhiều học sinh bị khủng hoảng tâm lý ở mức độ nghiêm trọng, ngành giáo dục đã thí điểm triển khai dịch vụ hỗ trợ tâm lý học đường tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, hiệu quả chưa được như mong đợi.

“Không ít học sinh của tôi có biểu hiện tâm lý bất bình thường, trong đó, có một số em bị nhiễm HIV, là trẻ mồ côi hoặc gia cảnh rất nghèo. Các em này thường nhạy cảm trước những lời chọc ghẹo, trong giao tiếp với bạn bè dễ bị căng thẳng, không kiểm soát được hành vi, thậm chí nổi khùng, đánh, chửi bạn. Khi tôi khuyên nhủ, các em đấm vào tường hoặc đấm vỡ cửa kính… ”, chị Thương1, giáo viên một trường THCS tại TP Hải Phòng cho biết. Điều đáng nói, tình trạng khủng hoảng tâm lý học đường như chia sẻ của chị đang ngày một phổ biến và để lại hậu quả nghiêm trọng. Cái chết thương tâm do tự tử của cậu bé Ksor Sôn (Gia Lai) vừa qua là một ví dụ cho thấy, học sinh thời nay rất dễ bị khủng hoảng, chấn thương tâm lý vì nhiều lý do: mắc bệnh lý tâm thần, bị bạn bè trêu ghẹo, giận dỗi bố mẹ, học kém hay như Ksor, chỉ vì không có quần áo mới đi học. Một nghiên cứu dịch tễ học về trẻ em Việt Nam trên mẫu đại diện quốc gia [2] được thực hiện tại 60 địa điểm thuộc 10 tỉnh, thành đã chỉ ra: Khoảng 11,9% trẻ em trong độ tuổi từ 6-16 bộc lộ các vấn đề bất ổn về hành vi, cảm xúc, trong đó, 6,9% chưa vượt qua giới hạn “an toàn” và 5% đã chạm ngưỡng lâm sàng – cần can thiệp ngay. Ngoài ra, năm 2014, Sở GD&ĐT TP Hà Nội phối hợp cùng Plan International Việt Nam cũng tiến hành một khảo sát khác và kết quả khiến người ta phải giật mình về tình trạng căng thẳng tinh thần của học sinh: khoảng 65,3% học sinh từng chịu đựng bạo lực tinh thần tại trường học. Phải làm sao trước tình trạng này?

Hỗ trợ tâm lý thiếu hiệu quả, học sinh thiệt thòi

Để khắc phục thực trạng này, TP Hồ Chí Minh và Hà Nội đã mạnh dạn thí điểm một trong hai mô hình hỗ trợ tâm lý học đường sau:  Thứ nhất, giáo viên kiêm nhiệm vai trò của chuyên viên tâm lý học đường; thứ hai, chuyên viên tư vấn tâm lý học đường phải kiêm nhiệm thêm các công tác khác. Theo PGS.TS Trần Thị Lệ Thu, Trưởng bộ môn Tâm lý ứng dụng, khoa Tâm lý giáo dục, đại học Sư phạm Hà Nội, cả hai mô hình trên đều bất hợp lý, bởi: “Hầu hết giáo viên đều quá tải với việc dạy học và khó đảm nhiệm thêm vai trò khác. Chưa kể, dù được tập huấn ngắn hạn về tâm lý, giáo viên kiêm nhiệm chuyên viên tâm lý cũng khó có chuyên môn sâu và chỉ có thể ‘tư vấn đầu bờ’ mà thôi. Còn chuyên viên tâm lý, do phải đảm nhiệm các công tác khác trong trường học nên nhiều khi, khó đảm bảo tính khách quan, tính bí mật trong quá trình hỗ trợ, tư vấn”.

Tương tự như Hà Nội, nhiều trường tại TP HCM cũng lâm vào tình trạng vừa thừa, vừa thiếu chuyên viên tư vấn. Trên địa bàn thành phố, đã có khoảng 89% các trường THCS công lập và 86% trường THPT công lập thực hiện hỗ trợ tâm lý học đường nhưng trong số 480 chuyên viên tâm lý học đường, chỉ có 21% chuyên trách, còn lại, 79% phải kiêm nhiệm nhiều công việc một lúc. Những người phải kiêm nhiệm chủ yếu là giáo viên giảng dạy (54%), giám thị (19%), tổng phụ trách đội và trong ban giám hiệu (23%). Họ có chuyên môn về sư phạm chứ không được đào tạo bài bản về tâm lý học đường2. Kết quả, học sinh chính là đối tượng chịu thiệt thòi hơn cả.

Theo khảo sát của Tia Sáng, sau quá trình thí điểm, đến nay, chỉ có một số ít trường phổ thông ở Hà Nội thực hiện tốt chương trình hỗ trợ tâm lý học đường như: hệ thống trường Olympia, hệ thống giáo dục Nguyễn Bỉnh Khiêm, trường THPT Đinh Tiên Hoàng. Đặc biệt,  hệ thống trường tư thục Olympia có phòng Tâm lý học đường độc lập. Chuyên viên tâm lý học đường ở đây không phải kiêm nhiệm giảng dạy các bộ môn khác (chỉ dạy thêm các tiết tâm lý học cho học sinh khối THPT) và luôn can thiệp kịp thời, trực tiếp khi có các trường hợp tâm lý bất thường. “Khi một học sinh có vấn đề bất ổn về tâm lý, tôi có thể yêu cầu tất cả mọi người trong hệ thống giáo dục của trường hợp tác để hỗ trợ toàn diện cho học sinh. Chẳng hạn, khi  học sinh từ nhà lên xe bus đi học, mình đề nghị monitor phải giao tiếp với em đó. Tôi cũng thảo luận với giáo viên và cha mẹ để họ có cách ứng xử phù hợp khi các em đến trường, về nhà, nhằm đảm bảo học sinh có điều kiện phát triển tâm lý tốt hơn”, chị Phương Hoài Nga, chuyên viên tâm lý học đường tại hệ thống trường tư thục Olympia chia sẻ.

Tại hệ thống giáo dục Nguyễn Bỉnh Khiêm, dù vẫn phải kiêm nhiệm việc giảng dạy các bộ môn khác nhưng ba chuyên viên tâm lý học đường đã thực hiện một mô hình khá linh hoạt là tư vấn chéo: Chuyên viên A phải giảng dạy lớp A thì sẽ tư vấn cho lớp B để đảm bảo các chuyên viên tâm lý không tư vấn trùng lớp mà mình đang giảng dạy. Ngoài ra, các chuyên viên tư vấn ở trường Olympia và Nguyễn Bỉnh Khiêm thường xuyên trao đổi chuyên môn đồng thời chịu sự giám sát của các nhà tâm lý học thuộc các trường đại học Sư phạm Hà Nội, đại học Giáo dục.

Tuy nhiên, đó là hai trường hợp hiếm hoi triển khai “triệt để” dịch vụ hỗ trợ tâm lý học đường và theo đánh giá của chính các chuyên gia trong ngành, rất khó nhân rộng hai “tấm gương” này. Vì sao?

“Dưới” thờ ơ, “trên” lúng túng?
“Chuyên viên tâm lý học đường chính là người có khả năng nhất trong việc đánh giá khuyết tật trong hệ thống nhà trường và hợp tác chặt chẽ cùng giáo viên  lớp đặc biệt để tham gia tư vấn (consultation) trong việc dạy dỗ học sinh”. TS. Lê Nguyên Phương.

“Khi bắt đầu đưa phòng tâm lý học đường vào hoạt động, suốt một thời gian dài, giáo viên và phụ huynh vẫn không hiểu rõ vai trò của phòng và tại sao lại phải phối hợp với chúng tôi”, chị Phương Hoài Nga nhớ lại. Chị và các chuyên viên khác đã phải mất tới 5 năm để cải thiện tình hình, khiến giáo viên, phụ huynh thay đổi nhận thức và tích cực hợp tác. Ngoài vấn đề kinh phí, chính vì chưa nhận ra tầm quan trọng của công tác tư vấn tâm lý học đường nên không ít trường sử dụng giáo viên kiêm nhiệm thay vì tuyển các chuyên gia thực sự. PGS.TS Đặng Hoàng Minh, Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, nhiều trường đại học đã đào tạo chuyên ngành tâm lý học đường nhưng sau khi ra trường, các chuyên viên tâm lý được đào tạo bài bản này có nguy cơ thất nghiệp nếu không nơi nào tuyển dụng (tới nay, Đại học Giáo dục thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội đã có bảy khóa thạc sĩ Tâm lý lâm sàng trẻ em và vị thành niên, đồng thời, theo khảo sát của Tia Sáng, Đại học sư phạm Hà Nội có năm khoá cử nhân Sư phạm Tâm lý giáo dục). Một nguy cơ khác là có thể tới đây, nhiều sinh viên sẽ “quay lưng” với ngành tâm lý học đường do lo lắng chuyện “đầu ra” và kết quả, tình trạng vừa thừa, vừa thiếu chuyên viên cứ thế tiếp diễn.

Có thể thấy, thực trạng trên bắt nguồn từ chính sự lúng túng của ngành giáo dục. Nhiều năm nay, ngành giáo dục đã có chủ trương coi trọng các hoạt động hỗ trợ tâm lý học đường. Từ năm 2005, bộ Giáo dục và đào tạo đã ban hành công văn số 9971/BGD&ĐT – HSSV về triển khai công tác tư vấn cho học sinh sinh viên, trong đó có hướng dẫn về các nội dung tư vấn. Trong nhiều văn bản tổng kết công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên gần đây, Bộ GD&ĐT đều xác định rất rõ ràng vai trò của dịch vụ hỗ trợ tâm lý học đường và cũng tiến hành đánh giá ưu nhược điểm của các mô hình tư vấn tâm lý đã đi vào hoạt động3. Tuy vậy, ngành giáo dục dường như còn đang lúng túng trong việc đưa dịch vụ hỗ trợ tâm lý học đường vào thực tiễn chứ không chỉ là thí điểm khi chưa hề có các văn bản cụ thể quy định quy trình thực hiện, giám sát chuyên môn cho các hoạt động này mà chủ yếu vẫn để các cơ sở giáo dục tự triển khai một cách linh hoạt. “Đó là lý do nhiều trường áp dụng mô hình giáo viên kiêm nhiệm chuyên viên hỗ trợ tâm lý hoặc để chuyên viên đảm nhiệm thêm nhiều công việc khác. Giả sử, nếu chấp nhận mô hình giáo viên kiêm nhiệm hoạt động hỗ trợ tâm lý thì giáo viên đó phải được đào tạo về tâm lý học đường, hoặc trong đào tạo sư phạm phải chú trọng đến các nội dung chuyên sâu về tâm lý học đường”, PGS.TS Đặng Hoàng Minh phân tích.
“Sự thay đổi về chính sách là yếu tố quan trọng để thúc đẩy nhận thức đúng hơn về hỗ trợ tâm lý học đường và rộng hơn thế là nhận thức đúng hơn về vai trò của sức khoẻ tâm thần đối với xã hội”, PGS.TS Đặng Hoàng Minh.

Không chỉ vậy, dường như hệ thống giáo dục “vẫn chưa có một hiểu biết toàn diện và sâu sắc về sự tương đồng và khác biệt giữa ba ngành: tâm lý học đường (school psychology), tham vấn học đường (school counseling) và công tác xã hội học đường (school social work)”, TS. Lê Nguyên Phương, Chủ tịch Liên hiệp Phát triển tâm lý học đường thế giới, hiện đang giảng dạy Tâm lý học đường tại đại học Chapman, California, Mỹ nhận xét. Chính những thiếu sót về nhận thức đó mới dẫn đến thiếu sót trong đào tạo; xây dựng công cụ, tiêu chuẩn đạo đức hành nghề và các phương diện thực hành khác. “Trên thế giới và đặc biệt tại Mỹ, chuyên viên tâm lý học đường được đào tạo để phòng ngừa, sàng lọc, đánh giá, can thiệp, tham vấn, tư vấn các khiếm khuyết về trí tuệ, học tập, cảm xúc và hành vi trong nhà trường. Trong khi đó, tại Việt Nam, khi nhìn nhận về ngành nghề này, hầu hết mới chỉ nghĩ đến hoạt động tham vấn (counseling) mà quên rằng chuyên viên tâm lý học đường chính là người có khả năng nhất trong việc đánh giá khuyết tật trong hệ thống nhà trường và hợp tác chặt chẽ cùng giáo viên  lớp đặc biệt để tham gia tư vấn (consultation) trong việc dạy dỗ học sinh”, ông nhấn mạnh.

Giải quyết từ gốc

Trả lời phỏng vấn của Tia Sáng, không ít chuyên gia tâm lý cho rằng, để giải quyết tận “gốc rễ” vấn đề, trước tiên, các cơ quan chức năng phải tiến hành cấp mã ngành, mã nghề cho ngành tâm lý học đường. Cùng với đó, phải xây dựng ngay quy trình thực hiện cụ thể, bộ tiêu chuẩn nghề nghiệp, quy trình giám sát chuyên môn và đạo đức nghề. Khi có chính sách rõ ràng, các trường sẽ căn cứ vào đó để có chương trình tuyển dụng, sử dụng hợp lý nguồn nhân lực được đào tạo sâu về tâm lý học đường.

Về mặt chuyên môn, các chuyên gia đều khẳng định, nên chấm dứt tình trạng kiêm nhiệm và cần thiết phải có chuyên viên tâm lý học đường chuyên nghiệp. Họ phải được thực hiện đúng nhiệm vụ, đồng thời có ý kiến tương đối độc lập với ban giám hiệu nhà trường để đảm bảo sự khách quan và vô tư trong quá trình hỗ trợ cho nhà trường cùng học sinh.

Xem xét các mô hình dịch vụ hỗ trợ tư vấn tâm lý học đường đã được áp dụng, có thể thấy, mô hình của trường tư thục Olympia tương đối “chuẩn”, đem lại hiệu quả khả quan và nên nhân rộng. Tuy nhiên, đa số các cơ sở giáo dục công lập đều “vấp” phải vấn đề về nguồn nhân lực và tài chính. Điều đáng nói, học sinh đang học tập tại các trường thiếu thốn kinh phí lại chính là đối tượng cần được hỗ trợ tâm lý học đường bởi ngoài áp lực học tập, các em còn phải chịu áp lực từ hoàn cảnh gia đình và căng thẳng xã hội. Trong bối cảnh đó, giải pháp trước mắt mà các cơ sở giáo dục có thể cân nhắc là nhiều trường cùng nhận sự hỗ trợ của một chuyên viên tâm lý học đường. Từ kinh nghiệm thực hành ở Mỹ, TS. Lê Nguyên Phương gợi ý: “trong tuần, một chuyên viên tâm lý học đường có thể làm việc hai ngày ở trường này và ba ngày ở trường kia theo lịch cố định, miễn sao không bị quá tải. Hội Tâm lý học đường của Mỹ cũng đã đưa ra tỷ lệ hợp lý giữa chuyên viên tâm lý học đường và học sinh là: 1/500-700”.

Tuy nhiên, nói gì thì nói, sự thay đổi nhận thức của xã hội vẫn là quan trọng nhất.  Trong những năm qua, TS. Phương cùng nhiều nhà tâm lý học khác tại Việt Nam vẫn kiên trì tìm cách tuyên truyền, phổ biến về vai trò của dịch vụ hỗ trợ tâm lý học đường. Từ những nỗ lực đó, tháng Bảy vừa qua, Hội thảo quốc tế về tâm lý học đường lần thứ 5 đã được tổ chức tại Việt Nam, thu hút sự chú ý của dư luận trong nước và quốc tế.

Tác giả