Đọc thầm

Tác phẩm Bàn về tự do  của John Stuart Mill (1806-1873), một nhà triết học thực chứng, một nhà logic học, nhà kinh tế học, nhà chính luận và nhà hoạt động xã hội người Anh,  được xuất bản lần đầu tiên tại Anh vào năm 1859. Thay vì nói ra những lời đẹp đẽ và to tát về nền văn hoá đọc, ta tìm đến những giải pháp kỹ thuật-nghiệp vụ giản dị và khả thi, đủ sức trao vào tay các giáo viên bình thường nhất, để họ sẽ huấn luyện và tạo ra ở con em một cách đọc mang tính văn hoá đọc.

Giải pháp đầu tiên thật vô cùng đơn giản, ấy là dạy con em ngay từ lớp Một đã phải có kỹ năng và có thói quen đọc thầm.

Văn hóa đọc là gì? Nếu chỉ tham chiếu một cuốn sách đầy tham vọng về văn hoá đọc tên là Khoái cảm văn chương, (JOHN COWPER POWYS, Les Plaisirs de la littérature, nguyên bản tiếng Anh. Bản dịch tiếng Pháp của nhà xuất bản L’AGE D’HOMME, Lausanne, Thụy Sĩ, 1995) mà riêng phần dẫn luận đồ sộ nói về Đọc là gì nôm na ra là thú vui đọc sách đã dài đến sốt ruột, ta sẽ thấy có lẽ trên đời chỉ còn tác giả sách đó là đủ những tiêu chuẩn của một người biết đọc sách!
Thời đại mới không cốt đem lại thú vui đọc sách cho một tầng lớp dài lưng tốn vải coi mọi chuyện đều thấp hèn duy chỉ có đọc sách là cao sang, vạn ban giai hạ thử, duy hữu độc thư cao. Thời đại mới còn nỗi lo to đùng khác, lo rằng nếu không có những giải pháp đưa nền “văn hóa đọc” chiếm lĩnh tâm trí đại chúng, thì cái gọi bằng nền “văn hóa nghe-nhìn” sẽ ở vào thế thượng phong rồi trở thành thế độc tôn, để rồi sau đó các bậc cha mẹ chỉ còn một con đường, hoặc là lười biếng dễ dãi chia sẻ các công cụ đa phương tiện với con cái, hoặc là chư vị chịu nhận tiếng “khốt-ta-bít” rồi lủi thủi đọc sách một mình và thở than con trẻ bây giờ ít đọc sách quá, chẳng như ngày xưa…
***
Có thể nói nếu thay vì nói ra những lời đẹp đẽ và to tát về nền văn hoá đọc, ta tìm đến những giải pháp kỹ thuật-nghiệp vụ giản dị và khả thi, đủ sức trao vào tay các giáo viên bình thường nhất, để họ sẽ huấn luyện và tạo ra ở con em một cách đọc mang tính văn hoá đọc.
Giải pháp đầu tiên thật vô cùng đơn giản, ấy là dạy con em ngay từ lớp Một đã phải có kỹ năng và có thói quen đọc thầm. Đọc thầm nghĩa là đọc chỉ bằng cách di chuyển con ngươi của mắt, thay cho lối đọc nghêu ngao nhân chi sơ tính bản thiện, thiên giời địa đất cử cất tồn còn… thay cho cả lối vừa đọc vừa di chuyển ngón tay để chỉ từng chữ và đánh vần từng tiếng. Đọc thầm tạo ra tốc độ đọc, là điều kiện vô cùng cần thiết để có sự đọc nhận thức vì đọc chậm chính là nguyên nhân gây nên điều nhận thức quái đản rắn là một loài bò…
Đọc thầm và đọc nhận thức còn hàm chứa một thao tác khác ngay trong khi đọc, tưởng tượng. Thao tác tưởng tượng không chỉ diễn ra khi đọc các tác phẩm của tưởng tượng, thí dụ khi đọc tiểu thuyết. Nó diễn ra ngay cả khi đọc các tác phẩm khoa học tự nhiên và lô gích. Nhờ thao tác tưởng tượng mà khi đọc Darwin người đọc sẽ hình dung được sự tiến hóa như thể chính mình cũng đang được sống trong guồng phát triển đó. Nhờ tưởng tượng mà người đọc về cơ học lượng tử sẽ hình dung được bản chất của vật chất mà những công thức tính toán kèm theo sẽ chỉ tương tự như là những minh họa trong các tác phẩm nghệ thuật. Còn với những tác phẩm của tưởng tượng (fiction) người đọc sẽ nhìn thấy rõ mồn một những con người, những hành động, những tình cảnh chỉ thông qua các miêu tả bằng những con chữ. Vì thế, ta sẽ thấy văn hoá đọc cực kỳ dị ứng với thể loại tranh truyện đã bị lạm dụng (lấy chữ minh họa cho hình thay vì hình loáng thoáng minh họa nội dung cuốn sách được mô tả hoàn toàn bằng chữ, những minh họa chỉ làm đẹp mà không làm hại bao nhiêu cho tưởng tượng).
Đọc thầm còn là công cụ cho suy ngẫm. Tại sao? Trước hết, tại vì khi đọc thầm con người hoạt động hoàn toàn tự lập, tự chủ, là cái nền cho suy tưởng. Sau đó, còn tại vì khi đọc thầm con người không bị lãng trí vì âm thanh do mình gây ra hoặc do người bên cạnh phát âm gây ra. Và sau nữa, đọc thầm bằng mắt với những con chữ khiến người đọc thoát khỏi sự lười biếng của kẻ đọc truyện tranh, và người đọc càng miên man theo văn bản càng bị bám theo những vấn đề nảy sinh trong văn bản đó. Mà khi đã là vấn đề thì sẽ có biện luận, có đôi co, có cảm thông, có thỏa hiệp, có khẳng định, có chiến thắng – dù là chiến thắng ảo, chiến thắng mà không có “quân địch” giơ tay xin hàng trước mặt – song đó lại chính là những yếu tố của suy ngẫm đọc.
Đọc thầm, đọc bằng tưởng tượng và đọc suy ngẫm sẽ dẫn đến kỹ năng tìm thông tin và chia sẻ thông tin là những yếu tố giúp cho con người của văn hóa đọc vừa biết co lại trong cái vỏ cá nhân tự lập vừa biết rộng mở tâm hồn trứoc những luồng gió mới. Đó là hai mặt của các thành phần trí khôn đã được Howard Gardner gọi bằng trí khôn cá nhân hướng nội và trí khôn cá nhân hướng ngoại. (Cf. Howard Gardner, Cơ cấu trí khôn, Phạm Toàn dịch, 450 trang, Nhà xuất bản Giáo dục, Hà Nội, 1996, 1997).
Có một nền văn hóa đọc phát triển đúng hướng sẽ không xung đột với nền văn hóa nghe-nhìn mà ngược lại nếu ở trạng thái lý tưởng tối ưu, văn hóa đọc sẽ khiến cho văn hóa nghe-nhìn có bề sâu hơn, và mặt khác, văn hóa nghe-nhìn sẽ buộc văn hóa đọc chuyển mình cho thành nhẹ nhõm hơn, năng động hơn và hấp dẫn hơn. Những tiểu thuyết trường thiên thởi nảo thời nào sẽ được thay bằng tiểu thuyết cỡ Cánh đồng bất tận của Nguyễn Ngọc Tư. Và những bộ phim sê-ri cũng sẽ bớt đi thói huênh hoang không bị kiểm soát để chắt lọc nhiều thế thái nhân tình hơn.
***
Về nguyên tắc, một nền giáo dục lành mạnh được các nhà sư phạm thật sự có năng lực sư phạm hiện đại điều hành, sẽ giúp học sinh ngay từ lớp Hai đã bắt đầu có những kỹ năng đọc như vừa miêu tả.
Tiếc rằng, khó có thể ca tụng một thực tại sư phạm như bao nhiêu năm nay nó đã diễn ra và vẫn còn đang diễn ra.
Chẳng hạn, một nhà giáo tương lai cần phải biết vì sao và làm cách nào dạy trẻ em ngay từ lớp Một đã có năng lực đọc thầm. Trường sư phạm đã dạy cho sinh viên đủ thứ, nào ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp, văn bản, nhưng nó hoàn toàn không dạy cho giáo sinh biết sinh lý của mắt khi đọc. Tất nhiên, giáo viên ra trường sẽ không biết rằng khi ta đọc con mắt của người đọc dịch chuyển theo những bước nhảy ôm gọn từng lúc dăm ba tiếng, chứ con mắt ta khi đọc không dịch chuyển từ từ dần dần theo từng tiếng. Sinh lý đọc như vậy của mắt khiến tốc độ đọc nhanh, đồng thời khi nó ôm gọn một nhóm từ cũng có nghĩa là nó ôm gọn những nét nghĩa, và đó chính là cơ sở của đọc nhận thức. Thế rồi, không được trang bị đầy đủ và đúng mức cho tới khi các giáo viên đó ra trường, càng tích cực bao nhiêu họ lại càng “chăm sóc” con trẻ bấy nhiêu bằng cách bắt ép các em khi đọc phải lấy ngón tay mà di di theo từng chữ, để rồi hệ quả là ngay những em có khả năng hoặc muốn đọc nhanh thì cũng bị “bó phanh” hoặc bị “bắn tốc độ”.
Trường sư phạm vốn là nơi nghiên cứu và phát triển tâm lý học dạy học song cũng lại càng không bao giờ dạy cho giáo sinh về tâm lý học của việc đọc. Giáo viên ra trường thừa đủ sức bắt chước các thầy mình và có sẵn cả năng lực tán dóc về vẻ đẹp của tiếng Việt, nhưng họ lại hoàn toàn thiếu kỹ năng dạy đọc theo đúng tinh thần và đòi hỏi của một nền “văn hóa đọc”. Họ lúng túng khi thấy học trò mình mê mải đọc truyện tranh và không biết phải làm cách nào để điều hòa hoặc sửa chữa tình trạng đó. Họ không biết nên họ hoàn toàn coi nhẹ những yêu cầu của việc đọc và tưởng tượng, đọc và suy ngẫm, đọc và biện luận, đọc và chia sẻ… theo đúng sự phát triển tâm lý của việc đọc theo tinh thần của nền “văn hóa đọc”.
Người ta đang đổ tội cho “kinh tế thị trường” khiến văn hóa nghe-nhìn át mất văn hóa đọc. Người ta chưa chịu tìm vào cội rễ mang tính nghiệp vụ sư phạm của vấn đề. Bao giờ thì hy vọng sửa chữa được tình trạng đó? Hãy nhìn vào những bộ sách giáo khoa ngữ-văn cải cách đương thời thì sẽ có câu trả lời.

Phạm Toàn
Nguồn tin: Tia Sáng

Tác giả