Đổi mới giáo dục từ tinh thần tôn trọng sự khác biệt

Nhân tiến tới kỷ niệm 25 năm thành lập Tạp chí Tia Sáng (26/4/1991 - 26/4/2016), Ban biên tập Tia Sáng tổng hợp một số chân dung các cộng tác viên tiêu biểu có sự gắn bó sâu sắc với Tạp chí qua nhiều năm tháng.

Kỳ này, ngoài cụm bài khắc hoạ chân dung GS. Pierre Darriulat, người vừa được tôn vinh bằng Giải thưởng Phan Châu Trinh, chúng tôi còn gửi đến bạn đọc chân dung của GS. TSKH Hồ Ngọc Đại – Giám đốc Trung tâm công nghệ giáo dục (Bộ GD&ĐT), một trong số hiếm hoi những nhà giáo dục dành hầu như cả cuộc đời theo đuổi việc đổi mới giáo dục bậc tiểu học qua mô hình trường thực nghiệm. Và có thể nói, những quan điểm về giáo dục của ông được thể hiện khá đầy đủ qua những bài viết trên Tia Sáng từ cuối thập kỷ 1990 cho đến nay.

Bài viết dưới đây ghi lại câu chuyện kể về thời gian ông làm nghiên cứu sinh ở Liên Xô, nơi ông được làm việc với những bậc thầy của nền khoa học giáo dục Xô viết, được họ chấp nhận và tạo điều kiện để nghiên cứu, cho dù có những quan điểm đi ngược lại quan điểm của họ một cách công khai ngay tại phòng thực nghiệm, tại ngôi trường mà họ xây dựng lên.

Câu chuyện bắt đầu từ lời khuyên chân tình của GS dân tộc học Đặng Nghiêm Vạn, khi tôi tâm sự là muốn có một nghề sư phạm thực sự bởi “Toán có thể nhập cảng được nhưng nghề sư phạm của Việt Nam thì không”. Lúc đó, ông ấy nói, “Nếu đã có gan đấy thì cậu nên làm từ đầu và đi học về tâm lý học”. Vì vậy, khi sang Liên Xô, tôi quyết định nghiên cứu tâm lý học.

Trong đợt các sinh viên Việt Nam sang Liên Xô học vào năm 1968, chỉ có tôi và anh Phạm Minh Hạc theo đuổi ngành tâm lý học. Tôi nhớ người “tiếp quản” chúng tôi là Viện sĩ A.R Luria (chuyên gia về tâm lý học thần kinh), khi mới gặp chúng tôi, ông ấy đã nói: “Đất nước các anh thế nào rồi cũng chiến thắng. Vì vậy, sau chiến thắng, đất nước các anh sẽ có hai việc phải làm, thứ nhất là chăm lo cho những người ở mặt trận trở về và cả thế hệ mới sinh ra, thứ hai là chữa trị những căn bệnh ở hệ thần kinh do chiến tranh gây ra.” Sau khi trò chuyện, ông quyết định giữ lại Phạm Minh Hạc, còn tôi, ông gửi sang học tập dưới sự hướng dẫn của hai nhà tâm lý học D.B. Elkonin và V.V. Davydov. Với sự phân công này, tôi sang trường thực nghiệm 91, nơi mà sau tôi mới biết là trường thực nghiệm duy nhất của Viện Hàn lâm Giáo dục Liên Xô do chính hai viện sỹ này điều hành. Nét đặc biệt của trường thực nghiệm 91 là được nhà nước trao quyền tự chủ về quản lý nên chương trình dạy và học cũng độc lập hoàn toàn với chương trình hiện hành của Liên bang Xô viết và nếu ban giám hiệu trường đề xuất vấn đề gì, yêu cầu gì cũng được các cấp quản lý đáp ứng, đó là vào thời điểm những năm 1960.

Tinh thần cởi mở và tôn trọng sự khác biệt

Để thực hiện những công việc mà hai ông thầy D.B. Elkonin và V.V. Davydov giao cho, hồi đó tôi đã phải làm việc và nghiên cứu tài liệu một cách cần mẫn tại Thư viện Lenin. Do bám trụ hằng ngày ở đó, tôi trở thành một độc giả đặc biệt và được người phụ trách thư viện ưu tiên miễn mọi thủ tục. Cứ nghiên cứu như vậy thì tới năm 1970, tôi viết xong luận án theo đề tài mà ông Davydov giao. Khi đó có một sự việc tình cờ xảy ra nhưng lại có sức ảnh hưởng lớn đến suy nghĩ về đổi mới giáo dục của tôi, đó là buổi thuyết trình mang tên “Chuyên đề về phép toán và lý thuyết nhóm do tác giả trình bày”. Tham dự xong tôi mới thấy không ngờ có cái ví dụ hay đến thế mà lại đơn giản đến thế về lý thuyết toán, vậy là, lý thuyết đã có rồi, vấn đề là bây giờ phải nghĩ cách làm như thế nào để đưa nó đến với trẻ em. Thế là, với sự hồn nhiên của tuổi trẻ, ngay lập tức tôi đến gặp ông Elkonin và mở màn, “Ông ơi, ông đã sai rồi!”. Ông không có phản ứng gì, chỉ thản nhiên bảo, “Thế à, tôi không biết là tôi sai ở chỗ nào đấy”. Lúc ấy, tôi mới bình tĩnh đáp, “Thật ra cũng không hẳn là sai nhưng có sự vênh nhau giữa thực nghiệm và lý thuyết của ông. Nếu như thực nghiệm của ông đúng thì lý thuyết của ông viển vông quá, mà nếu lý thuyết của ông đúng thì thực nghiệm của ông thấp quá. Theo tôi thì lý thuyết của ông đúng nhưng nên thay phần thực nghiệm đi”. Ông Elkonin hỏi dồn, “Vậy ai thay?”, tôi liền đáp một cách hồn nhiên, “Tôi thay”. Trước thái độ nhiệt tình ấy của tôi, ông Elkonin bảo, “Thế thì anh về viết dự án đi, ngay trong mấy tháng hè nhé”. Trong mấy tháng hè, tôi miệt mài ngồi viết dự án, nghiền ngẫm về cách thức dạy toán trong trường phổ thông. Tôi nhận thấy rằng, người ta vẫn bắt đầu với các phép cộng trừ nhân chia rồi tiến lên lũy thừa, khai căn, vi phân, tích phân, mãi đến năm thứ ba đại học về toán chuyên ngành mới dạy phép toán đại số và lý thuyết nhóm. Theo tôi, ngay từ đầu lớp 1 đã có thể dạy được phép toán đại số cho học sinh. Trước ý tưởng này của tôi, ông Davydov (người trẻ hơn ông Elkonin) nhận xét, “Anh Đại ơi, cực đoan và ‘cách mạng’ vừa phải thôi. Nếu việc dạy phép toán đại số ngay từ lớp 1 của anh mà thất bại thì chẳng ai muốn gửi con vào trường thực nghiệm của chúng ta nữa. Anh có thể đưa nội dung đổi mới này vào chương trình lớp hai và bắt đầu vào tháng chín tới nhé”. Tôi làm theo lời khuyên của ông và không ngờ đã thành công. Buổi học đầu tiên khai mạc về chương trình mới đông người tham dự một cách lạ lùng. Sau giờ tan học, ông Elkonin tới vỗ vai tôi bảo, “Điều đó dự báo là anh có thể thành công đấy”.

Được lời động viên đó và thực nghiệm thành công, tôi đủ tự tin viết bài báo chuyên luận về việc dạy phép toán đại số cho học sinh lớp 2 và muốn gửi đăng tạp chí Tâm lý học của Liên bang, tạp chí khoa học uy tín bậc nhất thời đó về tâm lý học. Ngặt nỗi theo quy định của tạp chí này, bài báo phải có một viện sỹ giới thiệu, còn nếu tác giả tự gửi đến thì không được đăng. Vì vậy, tôi tới gặp viện sỹ A.R Luria và trình bày vấn đề. Ông ấy hỏi, “Anh đã viết kỹ và xem lại kỹ chưa?”. Thấy tôi đáp là đã làm như vậy, ông ấy liền viết dòng chữ “Đăng bài này” và ký vào bản thảo. Sau một tuần, tòa soạn phản hồi, bài báo sẽ được đăng nhưng theo quy định của tạp chí, tác giả phải rút gọn 3 trang, từ 32 trang xuống 29 trang. Tôi còn băn khoăn chưa biết nên rút gọn ở chỗ nào nên tới hỏi viện sỹ Luria và xin để nguyên bài báo thì tốt hơn. Nghe vậy, ông ấy liền ghi dòng chữ lên bản thảo: “Cứ thế mà đăng”.

Khi được xuất bản, bài báo đã gây xôn xao dư luận Liên Xô về việc dạy phép toán đại số cho học sinh tiểu học. Vì vậy, hội đồng khoa học Tâm lý học trường Đại học Tổng hợp Lomonosov đã mời tôi đến trường trình bày về vấn đề này. Hồi bấy giờ, không khí học thuật ở Liên Xô rất cởi mở nên tôi thoải mái trình bày vấn đề mà không phải e ngại, và người ta đặt câu hỏi gì thì tôi giải đáp một cách thẳng thắn. Cuối buổi, ông chủ tịch hội đồng hỏi tôi, “Sau công trình này, anh còn làm gì nữa không?”. Tôi đáp hiện chưa làm thủ tục nào về luận án PTS. Ông chủ tịch liền nói trước hội đồng, “Cả chiều nay, chúng ta đã được nghe anh Đại nói như một nhà khoa học đích thực rồi, việc gì bắt anh ta làm học trò nữa. Vì vậy, tôi đề nghị miễn thi cho anh ấy”. Vậy là môn nào tôi cũng được điểm 5, dù không phải thi.

Với quan điểm đầu tư tối đa cho phát triển khoa học, Nhà nước Liên Xô đã tạo mọi điều kiện thuận lợi để các nhà khoa học được làm việc một cách độc lập mà không phải chịu bất cứ sự phê duyệt nào từ trên xuống về chương trình nghiên cứu. Nhờ vậy khi tôi bắt tay vào thực hiện đề tài, Viện Hàn lâm Khoa học Giáo dục Liên Xô đã cho tám người hỗ trợ công việc, trong đó có thư ký riêng, người đánh máy, trợ lý, nghiên cứu sinh… Đặc biệt, sau khi được cả ông Elkonin và Davydov ủng hộ, tôi đã triển khai triệt để những quan điểm đổi mới của mình mà không “bị” hai ông thầy này can thiệp vào bất cứ vấn đề gì về chuyên môn. Có một kỷ niệm mà tôi vẫn còn nhớ mãi, một lần nhận giáo án lớp hai của tôi, cô giáo trực tiếp giảng dạy trên lớp phản đối: “Là nhà khoa học, anh cứ toàn bàn chuyện trên trời, còn tôi là cô giáo, tôi biết con em tôi có thể tiếp thu được những gì chứ. Ông cứ yêu cầu thế, tôi không dạy đâu”. Nghe thấy tôi và cô giáo trao đổi qua lại khá căng thẳng, ông Davydov kéo tôi ra và nói, “Anh Đại ơi, nếu về sau có những chuyện không vui tương tự như thế này thì để tôi làm hộ anh nhé”. Tôi đáp “Ông yên tâm, tôi sẽ tự đứng lớp”. Ông Elkonin đã đến dự giờ tôi giảng và bảo: “Anh cho tôi xem nội dung bài giảng của anh”. Sau khi dự giờ 15 phút, ông Elkonin đề nghị thay tôi làm tiếp. Ngồi ở phía dưới theo dõi, tôi thấy ông ấy giảng hay lắm, nhẹ nhàng và dí dỏm, khiến cho cả lớp sôi động hẳn… Xong tiết học, ông ấy ra vỗ vai tôi an ủi, “dẫu sao anh cũng có khiếu sư phạm đấy”.

Từ những sự góp ý tinh tế và đúng đắn như vậy của hai ông thầy, tôi đã viết một luận án TSKH hoàn toàn độc lập và nét đặc biệt của luận án này là không có chương mục cổ điển, không có phần mở đầu, giả thuyết, triển khai, kết luận… theo kết cấu của một luận án thông thường. Tôi gửi luận án tới ông Galpenin, người đề xướng ra học thuyết tâm lý học về giáo dục. Mấy hôm sau, ông gặp tôi: “Anh Đại này, anh mang luận án cho tôi lúc nào nhỉ?”. Tôi nhớ khoảng 7, 8 giờ tối gì đó. Ông ấy cười: “Tôi đọc từ đó tới 2 giờ sáng, nên vợ tôi mới thắc mắc ‘ông đọc gì vậy, tiểu thuyết à?’, tôi đáp ‘đại loại như vậy’. Anh viết hấp dẫn lắm, có văn lắm”. Thực ra tôi viết luận văn một cách ngẫu hứng và lần đầu tiên trong “lịch sử viết luận án” của mình, tôi đã xưng tôi, phương pháp của tôi, nghĩa là tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm về những gì mình viết ra.

Cũng như đợt làm luận án PTS, việc làm một luận án TSKH “kiểu mới” của tôi cũng để lại nhiều kỷ niệm, trong đó đáng nhớ nhất là việc “đụng độ” về quan điểm với ông Makusevich, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Giáo dục Liên Xô. Tôi đã phê phán khá quyết liệt ông ấy trong luận văn của mình và “ác một nỗi” là ông phó của ông Makusevich lại được chọn làm phản biện. Tôi cũng có phần lo lắng nhưng rồi nỗi lo lắng ấy tiêu tan khi được vị phản biện mời đến nhà. Đến nhà, ông ấy mở cửa và đưa hai tay lên đầu. Trong lúc tôi vẫn còn ngơ ngác thì ông ấy nói ngay “Anh đúng! Nhưng tôi có lời khuyên như thế này, ở Paris, London, New York, người có quan điểm giống Makusevich thì nhiều lắm, anh có thể lấy họ để phê phán, hơn là phê phán Makusevich”. Tôi bình tĩnh trả lời: “Tôi cũng biết như vậy nhưng ngày tôi bảo vệ luận án thì những người đó khó đến dự, trong khi Makusevich ở ngay Moskva”.

Những đổi mới về phương pháp giáo dục mà tôi nêu trong luận văn không chỉ mang tính lý thuyết, bởi tôi đã chứng minh bằng thực nghiệm trong thực tế giảng dạy tại trường thực nghiệm số 91. Vì thế các ông thầy đã trao đổi: “Chúng tôi có thể nói rất hay nhưng chưa làm được, còn anh thì khác”. Là người thực nghiệm, tôi thực hiện những điều tôi nêu ra và chỉ nói về những điều mình đã làm được. Dù luận văn của tôi viết hoàn toàn tự do nhưng tất cả số liệu, cách xử lý vấn đề đều có cơ sở cứ liệu, có làm như vậy mới thuyết phục được các giáo sư và hội đồng khoa học. Giờ đây tôi vẫn nhớ lời nhắn nhủ của ông thầy trẻ Davydov, “Anh bạn trẻ ơi, nghiên cứu về tâm lý học không phải là làm những việc gì cao sang mà nên bắt đầu từ những việc đơn giản nhất và thực hiện cùng trẻ em”. Hồi đó, một ông viện sỹ bảo tôi, “Con tôi đang là học trò của anh, nó sẽ là nhà phản biện về phương pháp giáo dục mới của anh đấy”.

Tôi biết rằng, phương pháp của mình bước đầu đã được trẻ em, phụ huynh học sinh, giáo viên đứng lớp đến các vị giáo sư, Hội đồng khoa học tâm lý học giáo dục Liên Xô kiểm chứng. Tôi chỉ mong mỏi sớm trở về để có thể áp dụng nó ngay tại môi trường giáo dục Việt Nam với hy vọng con em mình sẽ được học tập và tư duy theo một cách khác đi, hiện đại hơn và tích cực hơn.
***
Nhìn nhận lại cả cuộc đời nghiên cứu về giáo dục và thực hiện đổi mới giáo dục tại Việt Nam, tôi cảm thấy biết ơn nền giáo dục Xô viết đã khơi nguồn hiểu biết và đem lại cho tôi những quan điểm nghề nghiệp mới. Quãng thời gian học tập và nghiên cứu ở Liên Xô cũng là những năm tháng đẹp nhất trong cuộc đời. Sau này, tôi có thể làm rõ hơn, nói rõ hơn những phương pháp đổi mới giáo dục nhưng những ý tưởng thì bắt nguồn từ những năm tháng đó.

Nghiên cứu triết học để làm giáo dục tốt hơn

Không chỉ được nghiên cứu và áp dụng phương pháp giáo dục mới trong một bầu không khí cởi mở như vậy, tôi còn được may mắn làm quen và học hỏi được rất nhiều từ những bộ óc đáng kính của nền học thuật Xô viết. Một người trong số đó là nhà nghiên cứu triết học Ilencov, ông ấy khuyên tôi: “Anh Đại này, anh sẽ có trách nhiệm với đất nước anh, ít nhất về mặt giáo dục. Nếu muốn hoàn thiện được trách nhiệm đó thì ngoài tâm lý học, anh cần phải nghiên cứu cả triết học. Anh nên đọc bốn tác giả: Plato, E. Kant, G. W. F. Hegel, và K. Marx. Khuyên đọc bốn nhà triết học này đã hay, nhưng còn hay hơn là khuyên cách đọc: anh có thể đọc bất cứ ai cũng được, đọc bất cứ tác phẩm nào cũng được, đọc bất cứ trang nào cũng được và đọc vào lúc mà anh không biết làm gì như đang đợi xe buýt, ở nhà ăn, xếp hàng…. Nếu đọc không hiểu thì bỏ, mở sang trang khác đọc”. Nghe lời khuyên lạ lùng này, dù vẫn băn khoăn, nhưng cuối cùng tôi vẫn làm theo. Thoạt đầu, tôi đọc Marx vì thấy Marx gần gũi nhất với mình. Đọc Marx thấy chỗ nào ông phê phán Hegel thì tôi tìm hiểu xem Hegel nói gì. Rồi cũng vì đọc Hegel, tôi mới phát hiện ra là ông cũng phê bình Kant và tôi truy tìm xem vì sao Kant lại bị phê phán… Cứ như vậy, tôi đã có thể xâu chuỗi các ý niệm ngược dòng thời gian từ Marx đến Hegel, Kant, Pluto và ngược lại. Cách học này đã đem lại nhiều thú vị vì đây là lần đầu tiên, tôi nghiền ngẫm nghiên cứu không phải để đi thi mà để nâng cao nhận thức của chính mình.

 

 

Tác giả