Giáo dục tri thức tổng quát

Truyền thống giáo dục theo tinh thần ở đó kiến thức tổng quát, sự hiểu biết và tôn trọng ý kiến của người khác được coi là điểm nhấn của toàn bộ sự phát triển cá nhân, có lẽ đã bắt đầu từ Hy lạp cổ đại và đến nay vẫn là một thành tố quan trọng của giáo dục đại học ở tất cả các quốc gia phát triển. Trong khi đó ở  nhiều quốc gia đang phát triển, giáo dục tri thức tổng quát là một cái gì được coi là xa xỉ và không cần thiết. Điều đó được phản ánh trong  chương trình của cả giáo dục phổ thông lẫn giáo dục đại học, nơi mà việc đào tạo nghề nghiệp thường được coi trọng hơn.

ở một số quốc gia đang phát triển, nhu cầu nhân lực gia tăng do công nghiệp hóa đã làm chương trình giáo dục quá tập trung vào việc dạy những kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp. Từ đó dẫn đến tình trạng như nhận định của triết gia Nga, Irakly Areshidze (1999): “Sau khi được nhận vào trường đại học, trong năm năm tiếp theo sinh viên sẽ đeo đuổi một nền giáo dục tập trung vào việc đem lại cho họ những tri thức cụ thể và có giới hạn về một lãnh vực nghề nghiệp nào đó. Sinh viên sẽ học thuộc lòng thông tin trong sách giáo khoa và bài giảng của các giáo sư. Hiếm khi nào họ cảm thấy cần phải suy nghĩ một cách có phân tích, có phê phán và hiếm khi họ tiến hành thảo luận lớp hoặc viết bài.”

Chính sách tài trợ cũng tiếp tay cho việc tập trung vào đào tạo nghề nghiệp. Những tổ chức như Ngân hàng Thế giới  có truyền thống khuyến khích phát triển cơ sở hạ tầng như là trọng tâm của phát triển. Điều đó tất nhiên đòi hỏi phải có những công nhân lành nghề, những kỹ sư giỏi, những nhân viên, kế toán viên được trang bị đủ kiến thức chuyên môn… Cho nên không có gì đáng ngạc nhiên khi hệ thống giáo dục đại học ở các quốc gia đang phát triển quá chú trọng đến những mục tiêu cụ thể trong việc tạo ra những người có thể sẵn sàng tham gia ngay vào thị trường lao động.

Một lý do quan trọng khác khiến các gia đình muốn gửi con em đến những trường đào tạo kỹ năng nghề nghiệp, đó là cho dù học phí có được miễn thì chi phí về tiền ăn ở, tiền sách vở tài liệu phải chi trả cho con trong mấy năm học là rất lớn. Bởi vậy những khóa học nghiệp vụ thường được coi như cung cấp một cơ hội thu hồi vốn nhanh hơn và chắc chắn hơn so với một chương trình giáo dục tri thức tổng quát.
Nhu cầu về chương trình giáo dục tri thức tổng quát

Bằng cách dạy cho sinh viên how to think (cách suy nghĩ) hơn là what to think (nội dung suy nghĩ), how to learn (cách học) hơn là what to learn (nội dung học), chương trình giáo dục tri thức tổng quát tạo ra những người có thể thích nghi và đáp ứng tốt hơn yêu cầu của một nền kinh tế và môi trường xã hội đang thay đổi nhanh chóng.

Bằng cách phổ biến kiến thức và khuyến khích tranh luận, sự mở rộng chương trình giáo dục tri thức tổng quát ra ngoài phạm vi của những nhóm người ưu tú sẽ dẫn tới một cộng đồng công dân gắn bó nhiều hơn với những vấn đề chung của xã hội và đất nước.

Trước hết là về kinh tế. Chương trình giáo dục tri thức tổng quát khuyến khích người ta đặt câu hỏi, thử thách cách nghĩ thông thường, và điều đó có thể là một chất xúc tác quan trọng cho việc gia tăng dòng chảy kinh tế. Hơn nữa, chương trình giáo dục tri thức tổng quát còn nâng cao những giá trị mà xã hội thừa nhận như những phẩm chất xứng đáng, đối lập với địa vị hoặc sự giàu có được thừa hưởng từ gia đình. Trong nhiều quốc gia đang phát triển, sự lạm quyền của những người cầm quyền trong việc ưu đãi công ăn việc làm và chức quyền cho bà con thân thuộc của mình có thể cản trở công cuộc phát triển kinh tế.

Hai là những nhân tố có liên quan đến việc hoạch định chính sách. Không làm gì có một công thức chuẩn cho mục tiêu phát triển, nhưng rất nhiều sự kiện thực tế đã cho thấy là trình độ cao về quản lý nhà nước và quản lý kinh tế vĩ mô, cùng với sự quan tâm thích đáng đến giáo dục và y tế, cũng như sự hội nhập với nền kinh tế thế giới bao giờ cũng là những nhân tố đắc dụng. Tất cả những công cụ này của việc phát triển – đôi khi chúng không chỉ là công cụ mà còn là mục đích, chẳng hạn như đối với giáo dục và y tế – đều đòi hỏi những kiến thức và kỹ năng tổng quát cũng như chuyên ngành.

Ba là, tác động của giáo dục tri thức tổng quát trong việc tham gia chính trị. Các nhà lãnh đạo tài giỏi có thể đưa đất nước tiến lên, nhưng một cộng đồng công dân gồm những người nắm được đầy đủ thông tin và có mối liên hệ gắn bó với lợi ích chung của đất nước bao giờ cũng là một lực lượng đối trọng có tính chất xây dựng và hết sức cần thiết đối với quyền lực của các nhà lãnh đạo. Bằng cách phổ biến kiến thức và khuyến khích tranh luận, sự mở rộng chương trình giáo dục tri thức tổng quát ra ngoài phạm vi của những nhóm người ưu tú sẽ dẫn tới một cộng đồng công dân gắn bó nhiều hơn với những vấn đề chung của xã hội và đất nước.

Bốn là ảnh hưởng đối với sức mạnh cố kết của xã hội. Bằng cách đặt người học trước những quan điểm và những lĩnh vực chuyên biệt khác nhau, chương trình giáo dục tri thức tổng quát có thể giúp phát triển sự khoan dung và hiểu biết và hợp tác giữa người và người. Bằng cách mở rộng và đào sâu kiến thức về lịch sử, nghệ thuật và khoa học, nó khuyến khích niềm tự hào của chúng ta về nền văn hóa của chính mình cũng như khuyến khích sự tôn trọng những nền văn hóa khác.

Năm là chương trình giáo dục tri thức tổng quát có thể góp phần ngăn chặn khả năng chảy máu chất xám. Những người có cơ hội hưởng thụ một nền giáo dục chất lượng cao ở đất nước mình thì có nhiều khả năng là sẽ theo đuổi việc học tập trong nước thay vì phải chi phí tốn kém cho việc học tập ở nước ngoài. Điều này có thể mang lại một lợi thế bổ sung cho phụ nữ, những người không được gia đình sẵn lòng cho đi học ở nước ngoài. Tương tự như vậy, những người học ở nước ngoài sẽ có nhiều khả năng quay về nếu họ biết rằng họ có thể tìm được một môi trường làm việc thích hợp.

Chương trình giáo dục tri thức tổng quát  sẽ đào tạo những người:

1. Có thể suy nghĩ và sử dụng ngôn ngữ viết một cách rõ ràng, có hiệu quả, một cách có phê phán, có thể dùng ngôn ngữ để giao tiếp với sự sâu sắc và có sức mạnh thuyết phục.

2. Có một sự đánh giá có tính chất phê phán đối với cái cách mà chúng ta tiếp nhận kiến thức và sự hiểu biết về tự nhiên, về xã hội, và về bản thân chúng ta.

3. Có một kiến thức rộng rãi về các nền văn hóa và các thời đại, có khả năng quyết định trên cơ sở một thế giới quan rộng lớn và  sự hiểu biết về những sức mạnh lịch sử chi phối cuộc sống của chúng ta.

4. Có hiểu biết và từng trải trong việc suy nghĩ một cách hệ thống về những vấn đề đạo đức và lương tâm.

5  Đạt được chiều sâu trong một vài lĩnh vực nào đó của tri thức

Cuối cùng là vấn đề toàn cầu hóa. Chúng ta tin rằng giáo dục tri thức tổng quát thúc đẩy sự liên kết không chỉ trong phạm vi một xã hội mà còn giữa xã hội này và xã hội khác. Chẳng hạn như việc nghiên cứu về các tôn giáo trên thế giới có thể giúp người học thấy được mối quan hệ giữa các tôn giáo trong cùng một thời điểm cũng như có thể hiểu biết và đánh giá đúng sự khác biệt của các tôn giáo ấy. Văn học, lịch sử và ngôn ngữ có thể cho thấy ánh sáng quá khứ của một đất nước cũng như phản ánh cách nghĩ hiện tại của một dân tộc. Trong một thế giới ngày càng gia tăng nhiều mối liên hệ, sự cảm thông với những nền văn hóa khác có thể thúc đẩy những quan hệ hòa bình và tạo ra những quan hệ giao tiếp văn hóa cũng như quan hệ kinh doanh có hiệu quả.

Toàn cầu hóa khiến nhiều nền kinh tế có khả năng dịch chuyển tới những vùng đất mới. Đào tạo chuyên gia trong những lĩnh vực cụ thể, do đó nhanh chóng trở thành lỗi thời, và khi nghề nghiệp của mỗi người trở thành một cái gì luôn luôn biến đổi và đòi hỏi nhiều kỹ năng linh hoạt thì khả năng học tập mau lẹ những kỹ năng mới trở thành một yêu cầu bức thiết. Kiến thức trở thành ưu thế cạnh tranh đối với mỗi cá nhân cũng như đối với mỗi nền kinh tế, và những kỹ năng tổng quát được nền giáo dục tổng quát khuyến khích phát triển sẽ tạo ra thế cân bằng với sự tăng trưởng những giá trị liên quan tới những năng lực cụ thể.

Trong xu thế toàn cầu hóa, kiến thức trở thành ưu thế cạnh tranh đối với mỗi cá nhân cũng như đối với mỗi nền kinh tế, và những kỹ năng tổng quát được nền giáo dục tổng quát khuyến khích phát triển sẽ tạo ra thế cân bằng với sự tăng trưởng những giá trị liên quan tới những năng lực cụ thể.

Đi cùng với xu hướng hội nhập toàn cầu là những phương thức làm việc mới. Sự gia tăng số lượng kiến thức có nghĩa là, như Michael Gibbons (1998) nhận định, bất kể bạn đang ở đâu, hơn 99% kiến thức mà bạn cần đến đang nằm đâu đó ở một nơi nào khác. Bởi vậy những liên hệ mới phải được xây dựng thông qua các ngành kiến thức và thông qua văn hóa. Mạng liên kết các chuyên gia, nơi mà các cuộc tranh luận sôi sùng sục như chảo dầu nóng, là một nguồn tri thức không ngừng biến đổi thúc đẩy nền kinh tế tiến về phía trước. Cách nghĩ và cách làm việc như vậy là đặc điểm chủ yếu của chương trình giáo dục tri thức tổng quát, một chương trình giáo dục khuyến khích người học xây dựng những mối liên hệ thông qua các lĩnh vực kiến thức khác nhau và rút tỉa từ tư tưởng của người khác trong quá trình cùng làm việc để nâng cao trình độ và giải quyết vấn đề.

***Chúng ta hiểu rằng mối liên hệ giữa lợi ích của cá nhân và lợi ích của xã hội được gán cho những nhân tố của giáo dục tổng quát trên đây là sự pha trộn giữa hy vọng và thực tế. Có thể còn nhiều cơ hội chưa được khám phá, và một nền giáo dục hoàn hảo tự nó không thể tránh khỏi tất cả mọi loại tác động không hay. Tuy vậy những nhân tố trên đây cũng đã phản ánh những khả năng và những gì đã xảy ra trong những xã hội khác nhau khi những xã hội này chuyển từ nghèo đói đến giàu mạnh.

(Xem tiếp kỳ sau: Phát triển nền giáo dục tổng quát)

                                                Ts.Phạm Thị Ly dịch

(Nguồn: Liberal Education, Winter 2003, Volume 89, Number 1)

Tác giả