Khi truyện tranh trở thành phương tiện giáo dục

Trong liên tưởng của nhiều người, chính trị và truyện tranh có lẽ không phải là một sự kết hợp khả dĩ, càng không phải là chủ đề để trao đổi với trẻ nhỏ trước giờ đi ngủ. Thế nhưng, trên thực tế, truyện tranh lại có thể mang đến một cách tiếp cận nhẹ nhàng đối với những vấn đề phức tạp và hóc búa như bất bình đẳng giới, biến đổi khí hậu, chiến tranh, nhập cư hay nhân quyền.

Năm ngoái, Chris Riddell, nhà văn nổi tiếng của trẻ em, đã mang đến cho các độc giả nhí một món quà khác thường: một phiên bản truyện tranh về Đạo luật Nhân quyền mang tên My Little Book of Big Freedoms (tạm dịch: Cuốn sách nhỏ về những Tự do lớn) xuất bản hợp tác với tổ chức Ân xá Quốc tế. Quyền được sống, quyền không bị tra tấn, quyền không bị làm nô lệ – tất cả đều được chuyển tải một cách khéo léo qua hình ảnh những em nhỏ và những con vật dễ thương, thể hiện cho những khái niệm tự do trừu tượng. Đó là một cuốn sách đẹp, không có cốt truyện nhưng mang đến cho người đọc một cảm giác về sự ca tụng tự do và một lời kêu gọi đấu tranh nhẹ nhàng nhưng vẫn nồng nhiệt. Cuốn sách còn là điểm khởi đầu lý tưởng để trò chuyện với những em nhỏ tò mò về thế giới và những người cai trị thế giới, hoặc băn khoăn trước những cảnh tượng dã man mà các em đã được xem hoặc đọc trên các phương tiện truyền thông.

Michael Foreman, một nhà văn lớn khác của thiếu nhi, cũng vừa thử sức trong chủ đề chính trị với cuốn sách sắp ra mắt The Little Bookshop and the Origami Army (tạm dịch: Cửa hàng sách nhỏ và Quân đoàn Giấy xếp). Với lời lẽ mạnh mẽ, cuốn sách này là một sự tấn công trực diện vào tình trạng hiện tại ở quốc hội. Khi cửa hàng sách của ông Bookseller bị đưa vào hạng mục các công trình sắp bị phá bỏ, cậu bé Joey đã nhờ bạn mình là Cô gái Giấy xếp trợ giúp. Cô gái Giấy xếp đã đứng lên tập hợp một đạo quân gồm các nhân vật trong những cuốn sách thiếu nhi nổi tiếng như Peter Pan, Alice, và Ếch Xanh để cùng đi giải cứu hiệu sách vô giá của họ. Khi xông vào trụ sở quốc hội, đạo quân này nhìn thấy các vị chính khách đang “ngáy pho pho như lũ lợn chầu quanh một cái máng ăn.” Cô gái Giấy xếp cố gắng đánh thức họ dậy thì vị thủ tướng lên tiếng ngơ ngác hỏi: “Sao lại đánh thức chúng tôi? Đã tới kỳ nghỉ đâu?” “Những kẻ này thực là vô dụng,” Cô gái Giấy xếp nói rồi kêu gọi viện binh từ Thư viện Công cộng. Sau đó, họ cùng nhau thuyết phục sự hợp tác của các công nhân xây dựng để hủy bỏ kế hoạch xây khu siêu thị đồng thời mở rộng Cửa hàng Sách nhỏ và xây dựng một công viên lớn cho toàn thể người dân trong vùng.

Trong khi đó, với cuốn Green Lizards vs Red Rectangles (tạm dịch: Cuộc chiến giữa Thằn lằn xanh và Hình chữ nhật Đỏ), Steve Antony lại chọn một thách thức khác không kém phần khó khăn là nói về chủ đề chiến tranh với các độc giả truyện tranh nhí. Sau lời tuyên chiến, những khối hình chữ nhật và những con thằn lằn xông lên tranh cãi và tìm cách diệt trừ nhau cho đến khi một con thằn lằn dũng cảm cất tiếng hỏi: “CHÚNG TA TRANH GIÀNH NHAU VÌ CÁI GÌ?” Nhưng thật không may, chú ta nhanh chóng bị đè bẹp và cuộc chiến càng trở nên gay gắt hơn bao giờ hết. Tuy vậy, kết thúc truyện là một thỏa thuận cùng chung sống rất hợp lý giữa hai bên. Với cách thể hiện vừa hài hước lại vừa dữ dội, cuốn sách này là một phương tiện dễ dàng và an toàn để nói với con trẻ về chiến tranh, khác hẳn với những hình ảnh kinh hoàng trên truyền thông.

Và cuối cùng là cuốn sách không lời xuất sắc của Shaun Tan, The Arrival (tạm dịch: Điểm đến). Tuy ra đời từ cách đây khoảng một thập kỷ song những gì mà cuốn sách đề cập tới vẫn còn nguyên tính thời sự của nó, bởi hàng nghìn người tị nạn trên thế giới vẫn đang vật lộn để thích nghi và hòa nhập với môi trường mới. Sự dịu dàng toát lên từ những nét vẽ bằng than chì của Tan – những bức ảnh với những nụ cười hạnh phúc, những con chim bằng giấy, những vật dụng cũ kỹ và thân thuộc – được đặt trong thế tương phản với quá khứ bạo lực đầy sợ sệt mà những người nhập cư vừa thoát khỏi cũng như với nỗi hoang mang chất chứa trong họ khi phải tìm cách thích nghi với môi trường hoàn toàn mới, từ ngôn ngữ cho tới bản đồ, đồ ăn thức uống, công việc hay trò chơi. Dẫu vậy, một cảm giác về niềm hy vọng vẫn ánh lên qua từng trang sách. Có lẽ, điểm chung giữa tất cả những cuốn sách kỳ lạ này là một lời kêu gọi âm thầm rằng chúng ta hãy cùng chung tay gìn giữ những điều quan trọng trong cuộc sống. Tự do, trí tưởng tượng phong phú, tinh thần sẵn sàng thỏa hiệp hay thái độ cởi mở đón chào người mới đến – tất cả đều là những thông điệp tuyệt vời để trao gửi cho nhau trước giờ đi ngủ, đối với cả các bậc phụ huynh và trẻ nhỏ.

Quỳnh Ca dịch theo The Guardian
http://www.theguardian.com/books/booksblog/2016/jan/27/politics-in-picture-books-big-questions-for-the-smallest-readers

Tác giả