Phản biện GS Hồ Ngọc Đại về giáo dục (2)

Hệ thống giáo dục Việt Nam hiện tại có những vấn đề “nổi cộm” mà GS HNĐ muốn giải quyết bằng cách cải cách theo hướng “công nghệ giáo dục” của ông. Tuy nhiên, tôi e rằng một số luận điểm chính trong “công nghệ giáo dục” của ông, mà tôi xin được phân tích qua dưới đây, đã mắc phải đúng cái bẫy cực đoan.

“Công nghệ giáo dục” có rơi vào “bẫy” cực đoan” ?

Trong nhiều câu nói nổi tiếng của Martin Luther King Jr, có một câu sau mà tôi rất tâm đắc: “All progress is precarious, and the solution of one problem brings us face to face with another problem.” Tạm dịch thoát nghĩa của nó là: các cải cách hay cách mạng trong xã hội nhằm giải quyết vấn đề cũ thì lại gây nên vấn đề mới, và do vậy sự tiến bộ của xã hội là rất gian truân. Một trong các lý do dẫn đến sự gian truân đó cỏ thể được đặt tên là “cái bẫy cực đoan”: một mặt xấu của xã hội có thể coi là một cựu đoan, nhưng cải cách hay cách mạng nhằm xóa cái “nguyên nhân” gây ra mặt xấu đó thì lại có nguy cơ đẩy xã hội đến cực đoan khác, tuy là đối ngược với cực đoan trước nhưng cũng xấu cho xã hội. Ví dụ, “tư bản hoang dã” là một cực đoan dẫn đến sự bóc lột trong xã hội. Nhưng cách mạng nhằm xóa sự bóc lột bằng cách xóa bỏ tư hữu và xóa bỏ cơ chế thị trường lại dẫn đến cực đoan khác, đó là một nền kinh tế quan liêu cứng nhắc trì trệ và cha chung không ai khóc.

Hệ thống giáo dục Việt Nam hiện tại có những vấn đề “nổi cộm” mà GS HNĐ muốn giải quyết bằng cách cải cách theo hướng “công nghệ giáo dục” của ông. Tuy nhiên, tôi e rằng một số luận điểm chính trong “công nghệ giáo dục” của ông, mà tôi xin được phân tích qua dưới đây, đã mắc phải đúng cái bẫy cực đoan.

Học mà không cần bắt chước ?!

Theo GS NHĐ nói thì “công nghệ giáo dục” của ông dạy học theo kiểu “thầy thiết kế – trò thi công” chứ không “học theo kiểu bắt chước”. Tôi thấy cụm từ “thầy thiết kế – trò thi công” (cũng như nhiều cụm từ ngữ khác mà GS HNĐ dùng) khá là khó hiểu, nhưng chuyện đó ta bàn sau. Ở đây tôi muốn nói đến cái vấn đề thái cực mà GS HNĐ muốn giải quyết, đó là vấn đề “dạy vẹt học vẹt”, nhồi một đống thông tin rời rạc vào trong đầu mà không hiểu để làm gì và không dùng được làm gì, ngoài việc để trả bài thi cho được điểm cao cần viết nguyên si như cô giáo dặn. Cách giải quyết của GS HNĐ là thôi không học theo kiểu bắt chước nữa.

Theo tôi, nếu như “học chỉ có toàn bắt chước” là một thái cực nguy hiểm, thì “học mà không bắt chước” cũng là một thái cực nguy hiểm. Bởi vì quá trình học gồm nhiều công đoạn, và một trong các công đoạn dó chính là sự bắt chước. Tùy theo môn học, và mục đích trình độ cần đạt được, mà lượng bắt chước trong quá trình học cần nhiều hay ít ra sao, nhưng nó hầu như luôn là một phần quan trọng. Thậm chí có thể nói ai không còn biết bắt chước tức là không học được nữa.

Lấy ví dụ trẻ em học nói: chúng học nói tiếng mẹ đẻ một cách rất tự nhiên và nhanh chóng mà không cần có người chủ động dạy, chính bằng cách bắt chước nói theo mẹ và những người xung quanh. Chúng bắt chước luôn cả giọng điệu, và cách phát âm (nên có hiện tượng trẻ em được “ô sin” chăm sóc là chính nói giọng giống “ô sin” chứ không giống bố mẹ) . Tất nhiên, trong quá trình học này, trẻ em vừa bắt chước vừa suy luận một cách tự nhiên, để gắn các từ chúng nghe quen vào các đồ vật, hiện tượng chúng nhìn thấy hay cảm thấy. Người lớn tuy não đã phát triển nhiều hơn trẻ em, nhưng học tiếng nước ngoài nhiều khi vất vả hơn trẻ em nhiều, học cả hơn chục năm vẫn không nói được bằng đứa trẻ nhỏ, chính vì ít có điều kiện bắt chước hay ít chịu bắt chước như trẻ nhỏ. Cách học tiếng Pháp bằng bắt chước cũng chính là cách học của bản thân người viết bài này: tôi chưa hề bao giờ được đi học một lớp tiếng Pháp nào, mà chỉ toàn tự học qua đọc sách, nghe đĩa, xem phim, nói chuyện với người Pháp và bắt chước lại cách nói cách viết của người ta.

Một ví dụ khác: có những người dạy lái xe ô tô than phiền rằng: dạy lái xe cho các tiến sĩ rất mệt, vì họ không làm được đúng động tác yêu cầu mà cứ suốt ngày thắc mắc “sao lại làm thế” , trong khi đó dạy lái xe cho công nhân dễ hơn vì cứ bảo gì họ làm y thế là lái được đúng. Hay có một chuyện ngụ ngôn về con dết (nước ngoài hay gọi là con 100 chân) như sau: có con vật khác hỏi dết sao có 100 chân mà vẫn đi được nhịp nhàng, dếp bèn khoe phải giơ chân thế này này, thế này này, khoe được ba bước thì các chân dếp đá vào nhau và dếp ngã lăn quay. Tôi lấy mấy ví dụ này để nói lên rằng, khi mà mục đích là phải học được cái gì đó đến mức thấm vào người thành phản xạ tự nhiên, có thể làm mà không cần mất thời giờ nghĩ (như là nói, viết, lái xe, v.v., phải xử lý nhanh một cách nhuần nhuyễn  chứ có thời gian đâu để mà nghĩ), thì việc bắt chước và luyện đi luyện lại là vô cùng quan trọng.

Tất nhiên, càng học lên cao, đặc biệt là khi trở thành nhà nghiên cứu,  thì tỷ lệ thời gian phải bỏ ra để đào sâu suy nghĩ và sáng tạo càng nhiều lên so với thời gian luyện tập bắt chước cái đã có. Nhưng nếu “chỉ lo sáng tạo” mà không chịu học hỏi bắt chước cái đã có, thì có nguy cơ “sáng chế lại ra cái xe đạp”, “ếch ngồi đáy giếng” không biết mình kém.  Như là có người Việt Nam tự hào sáng chế được máy bay trực thăng, mà không hiểu rằng làm được một cái bay thẳng lên được một khúc là “trò chơi trẻ con”, nhưng làm cho nó ổn định, điều khiển được, bay lên đáp xuống chở hành khách được một cách an toàn hiệu quả là một vấn đề công nghệ khác hẳn.

Nhân nói về “sáng chế lại cái xe đạp”, nếu đánh giá một cách khách quan, thì trình độ về giáo dục (không phải trình độ của học sinh, mà là của bản thân hệ thống giáo dục, triết lý và tổ chức giáo dục) của Việt Nam vẫn còn thấp so với thế giới, có nhiều cái thế giới đã bàn luận từ lâu, đã hiểu, đã áp dụng, còn ở Việt Nam vẫn chưa biết đến hoặc đang mò mẫn. Nếu chúng ta trình độ mới đang là ở “lớp 1″ thì đầu tiên phải bắt chước học hỏi được thấm nhuần được những điều cơ bản sao cho “lên được lớp 2″ đã, chứ không cần “nhảu cóc lên đại học” vội. Trong giáo dục, cái chúng ta thiếu nhất có lẽ không phải là thiếu “công nghệ” cao siêu gì, mà là thiếu những điều cơ bản.

Nhóm “Cánh Buồm” của ông Phạm Toàn, khi viết bộ sách “Chào Lớp 1″ dựa trên các ý tưởng “công nghệ giáo dục” của HNĐ, đã mắc phải không ít sai lầm cơ bản. Ví dụ, môn tiếng Anh không còn là “dạy nói tiếng Anh” mà biến thành “dạy về tiếng Anh”. Năm kia tôi đã có viết một bài có tính hài hước “Giải Ếch Vàng …”1 để chỉ ra một số lỗi cơ bản của nhóm Cánh Buồm.

(Vì phần trên đã quá dài, nên sẽ bàn về các cực đoan khác trong bài tiếp theo)

Một số tài liệu tham khảo về GS HNĐ liên quan phần này:

* Trường thực nghiệm: học không thi cử, không chấm điểm (VTC News, 14/05/2012)
http://vtc.vn/538-333103/giao-duc/truong-thuc-nghiem-hoc-khong-thi-cu-khong-cham-diem.htm

* Hồ Ngọc Đại: Đề cương nghiên cứu khoa học về nền giáo dục toàn dân (Vietscience, 07/01/2009): http://vietsciences.free.fr/vongtaylon/giaoduc/nghiencuunengdtoandan.htm
trong loạt bài về giáo dục trên vietscience: http://vietscience.free.fr/design/cht_giaoduc.htm

* Hồ Ngọc Đại: Tôi nghĩ và làm như thế (diễn từ nhận giải Phan Châu Trinh, 2009)

* TS Nguyễn Văn Vịnh: Hủy bỏ “triết lý đọc-chép” bằng công nghệ giáo dục? (20/09/2009)

1. http://zung.zetamu.net/tag/%E1%BA%BFch-vang/

Tác giả