Sao lại là một Cánh Buồm?

Đối thoại giữa Tia Sáng với nhà giáo Phạm Toàn, đại diện nhóm Cánh Buồm.

Tia Sáng: Chúng tôi muốn tổ chức một Hội thảo khoa học giới thiệu tư tưởng và công việc có phần khác lạ của nhóm Cánh Buồm… Vậy xin được cho biết: sao lại là Cánh Buồm?

Nhà giáo Phạm Toàn: Sao lại là Cánh Buồm? Chính chúng tôi lắm khi cũng tự hỏi như vậy… Nhưng có lẽ đó là một liên tưởng đến từ nhà thơ Nga Lermontov … Cánh buồm trong bão tố, Sóng gió chốn bình yên…  Nghĩ rằng âm chủ trong nhóm Cánh Buồm có lẽ là sự lãng mạn chăng?

Liệu sự lãng mạn có còn chỗ đứng vào thời nay?

Không riêng gì Tia Sáng … Nhiều ý tưởng cất lên trong bóng tối cũng “thắc mắc” với Cánh Buồm hệt như thế! Thật lạ! Chính thời nay mới là thời của sự lãng mạn chứ nhỉ? Thời nay, sự lãng mạn tích cực đi kèm với năng lực thực thi điều này ở vào thời đại khác chỉ là mơ mộng hão.

“Sự lãng mạn tích cực?”

Mơ mộng cũng lãng mạn và có nhiều lúc cũng cung cấp cho xã hội nhiều ý kiến. Nhưng, trong cuộc sống, chúng ta cần phân biệt giữa ý kiến và tri thức. Nhà báo hãy để ý coi: mỗi ngày bây giờ xuất hiện cả trăm ý kiến về “cải cách” giáo dục. Nhưng thử hỏi có bao nhiêu ý kiến mang tính chất những tri thức về giáo dục? Để hiểu cho đúng, xin nói thêm: chỗ khác nhau giữa ý kiến và tri thức là ở chỗ chỉ tri thức mới may ra thành được hiện thực, còn ý kiến thì … ngồi đâu chả có ý kiến được!

Xin hỏi lại, vậy có thước đo gì cho sự “lãng mạn tích cực” ấy?

Thước đo là: (a) có một ý tưởng và ý tưởng đó phải được bảo lãnh bằng giải pháp thực thi; (b) có một giải pháp thực thi và giải pháp đó phải được chứng minh là đã có cọ sát trong thực tiễn; (c) có một sự cọ xát trong thực tiễn và sự cọ xát đó phải dẫn tới những thay đổi năng động– ngay những biện pháp tiên tiến nhất cũng cần thay đổi để được tốt hơn lên mãi mãi… Chính vì thế nhóm Cánh Buồm nói mình góp phần xây dựng một nền giáo dục hiện đại hóa chứ không nói như đinh đóng cột, chẳng hạn đến ngày nào năm nào thì “xây dựng xong”… 

Vậy thế nào là hiện đại hóa theo ý Cánh Buồm?

Đất nước hiện đại hóa sẽ thông qua công nghiệp hóa. Nền công nghiệp được xây dựng sẽ tạo ra ba loại sản phẩm xã hội cho hiện đại hóa, một là những sản phẩm công nghiệp cho người dân sung túc, hai là cách sản xuất theo dây chuyền và theo thiết kế, và ba là tính kỷ luật công nghiệp – một thứ kỷ luật hoàn toàn kết hợp được tính chất tự nhiên và tính chất có ý thức của con người.

Giáo dục cũng thế. Không thể nói như đinh đóng cột ngày nào năm nào nước ta sẽ có nền giáo dục hiện đại! Nước ta thừa hưởng di sản giáo dục lối giảng giải khuyên bảo đã quen rồi. Chữa được cái tật đó thì mới bắt đầu hiện đại hóa. Vì giáo dục hiện đại không phải là cho con em đào tẩu ra học ở nước ngoài càng sớm càng tốt, cũng không phải là sắm thiết bị dạy học đắt tiền cầu kỳ. Nền giáo dục hiện đại có cơ sở là năng lực tự học và tự giáo dục của chính người học.

Tại sao Cánh Buồm tập trung sức vào bậc tiểu học?

Đó là bậc học khó nhất, vì đó là bậc giáo dục trẻ em phương pháp học. Chúng ta chưa thấy nhà giáo dục nào của nước nhà nói năng cho mạch lạc về bậc tiểu học cả. Ý tưởng chưa rõ, nên sản phẩm lộn xộn, lung tung… khi người ta nói bóng bẩy tới cái cặp đi học nặng trĩu trên lưng thì đem cân cái cặp sách lên để thanh minh. Cái “nặng” người ta kêu là ở cách học, lại nghĩ là ở khối lượng kiến thức, nên hấp tấp kêu gọi “giảm tải”!

Theo Cánh Buồm, phương pháp là gì?

Câu trả lời của Cánh Buồm rất ngắn gọn: phương pháp nằm trong cách làm ra sản phẩm. Vậy là, việc đầu tiên là phải thay đổi cách hiểu: điều cần lo đầu tiên không phải là phương pháp giảng dạy mà là cách làm mà học – cách làm thì học, chúng tôi hiểu và dịch khái niệm learning by doing như vậy. Tiếp đó, phải xem các sản phẩm ở bậc tiểu học là gì. Sản phẩm quan trọng nhất là cái phần tư duy bên trong mỗi em bé học sinh. Sản phẩm trong đầu các em ở cuối bậc tiểu học là một cách tư duy mới, cách tư duy khoa học, cách tư duy trừu tượng. Tư duy ấy không thể nhồi nhét nhờ những lời khuyên và nhờ những ve vuốt dạng con ơi muốn nên thân người, lắng tai nghe lấy những lời mẹ ru … Nếu chỉ dùng lời nói mà có tư duy mới thì quá ngon lành! Tạo ra một tư duy mới khó hơn thế nhiều!

Giải pháp của Cánh Buồm?

Giải pháp nằm trong bộ sách chúng tôi đưa ra làm mẫu cho cả xã hội nghiên cứu và dùng thử. Qua môn Văn thì tạo ra tư duy nghệ thuật nhờ một bộ ngữ pháp nghệ thuật. Qua môn Tiếng Việt thì tạo ra tư duy ngôn ngữ học nhờ một hệ thống việc làm giáo viên dắt dẫn các em tự đi tìm ngữ âm học, từ vựng học, cú pháp và văn bản học… Qua môn Lối sống tạo ra tư duy đồng thuận nhờ một chuỗi việc cùng làm để tổ chức cuộc sống ngay ngày hôm nay của chính các em. Qua môn Tiếng Anh tạo ra tư duy của người tìm đường thâm nhập một nền văn hóa xa lạ nhờ một hệ thống việc làm mô phỏng lại cách nói năng, cách phát âm, cách dùng từ, cách thông tin, cách thể hiện tư tưởng và tình cảm của chính người bản địa. Qua môn Khoa học-Công nghệ tạo ra tư duy thực chứng bằng một hệ thống việc làm thực nghiệm …

Không thấy Cánh Buồm giới thiệu môn Toán?

Cánh Buồm có ít người, nên chỉ tập trung làm những việc nào khó làm nhất. Phải đi vào chỗ khó nhất… Nói thêm: sau khi xong sách tiểu học chúng tôi tập trung làm công việc sư phạm hóa các tài liệu đó… ngoài ra trọng tâm là soạn tài liệu giáo khoa dạy Khoa học lịch sử… Và một số thành viên già mới gia nhập nhóm Cánh Buồm của chúng tôi sẽ dịch những tài liệu tâm lý học cơ bản mà bảy chục năm nay các nhà tâm lý học chẳng chịu làm.

Tóm lại là …?

Một nhóm người chúng tôi sẽ làm mẫu không trên ý nghĩa là làm gương mà trên ý nghĩa gợi ý, kích hoạt … Xã hội sẽ vượt chúng tôi. Cuộc sống sẽ tốt đẹp hơn những gì chúng tôi đang mơ ước.

   PV thực hiện

Tác giả

(Visited 3 times, 1 visits today)