Việt Nam: Lịch sử một dân tộc “dễ bị tổn thương”

Dân tộc nào cũng có điểm yếu. Nhiều người Việt ý thức rõ rằng dân tộc họ thường xuyên chịu sự đe dọa bởi ngoại xâm, thiên tai, nội chiến… tuy nhiên chúng ta chưa có những hiểu biết một cách có hệ thống rằng những biến động này ảnh hưởng như thế nào đến sự ổn định chính trị, xã hội của Việt Nam từ góc độ vĩ mô? Cha ông trong quá khứ đã vượt qua những thử thách đó như thế nào? Điều này có thể là tri thức hữu ích cho những người quản trị nhà nước hiện tại.


Ghi chép về cuộc tấn công, cướp bóc, đốt phá của Chiêm Thành vào Thăng Long năm 1371. Nguồn: Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, quyển 7: 37a.

Mùa hè năm 1371, Thăng Long thêm một lần nữa bị đốt cháy bởi bàn tay của những người từ bên ngoài. Cuộc tập kích của người Chăm làm vua Trần phải bỏ chạy lánh nạn về phía Bắc. Trong kinh thành bỏ ngỏ, những kẻ xâm lược “đốt phá cung điện, cướp lấy con gái , ngọc lụa đem về.” Đây không phải là lần đầu tiên kinh đô của Đại Việt bị hủy hoại. Và đó chưa phải là lần cuối cùng. Hoàng Thành đã in “dấu giày” của không chỉ một đạo quân nước ngoài. Người Hán đã ở đấy, và cả người Nam Chiếu, người Champa, người Mông Cổ, người Pháp, người Nhật. Thăng Long còn bốc cháy bởi chính bàn tay của người Việt với tần suất nhiều không kém, từ những nhà sư nổi dậy, các hào trưởng chống lại triều đình, các thủ lĩnh nông dân, kiêu binh, các vị tướng nổi loạn, và tranh chấp triều đại. Mồi lửa của những thăng trầm biến động đó không chỉ chôn vùi Cửu Trùng Đài, mà còn cuốn theo vận mệnh của quốc gia trong nhiều cuộc khủng hoảng và sụp đổ.

Đây là câu chuyện về Việt Nam: một dân tộc “dễ bị tổn thương”. Câu chuyện này không nhằm phác thảo một Việt Nam yếu ớt, “chia rẽ”; không phải hạ thấp nỗ lực của bao thế hệ người Việt xây nên quốc gia hòa bình, thống nhất như ngày nay. Nó chỉ đơn giản chỉ ra rằng trong “tiếng hát 4000 năm” của Hồng Hà, Cửu Long, bên cạnh những lúc “Nguyễn Trãi làm thơ và đánh giặc”, khi “Nguyễn Huệ cưỡi voi vào cửa Bắc” và “Hưng Đạo diệt quân Nguyên trên sông Bạch Đằng”, là lúc người Việt tự tay đốt phá đền đài, cung điện, những lúc vua Đại Việt bỏ chạy khỏi chính hoàng cung của mình trước sức ép của kẻ ngoại xâm, là lúc hàng vạn người đói lưu tán từ vùng Hải Dương, Thái Bình xuống phía nam châu thổ sông Hồng sau mỗi trận lụt, và có lúc hàng triệu người bỏ mạng vì nạn đói. Đương nhiên, nhiều thách thức trong số này là bên ngoài mang lại, nhưng cũng không ít đến từ chính cách người Việt điều hành quốc gia của mình.

Việt Nam là một dân tộc dễ bị “tổn thương”, “nhạy cảm” với sự thay đổi địa chính trị, cấu trúc dân cư, lãnh thổ, biến động xã hội, và thiên tai. Quản trị nhà nước ở Việt Nam chưa bao giờ là điều dễ dàng, dù người cầm quyền xuất thân tướng lĩnh kiệt xuất như Lê Hoàn, Lí Công Uẩn, Nguyễn Huệ, là trí thức uyên bác như Trần Nhân Tông, Lê Thánh Tông, Minh Mệnh.

Vì sao nhận thức điều đó lại quan trọng? Dân tộc nào cũng có điểm yếu. Nhiều người Việt ý thức rõ rằng dân tộc họ thường xuyên chịu sự đe dọa bởi ngoại xâm, thiên tai, nội chiến… tuy nhiên chúng ta chưa có những hiểu biết một cách có hệ thống rằng những biến động này ảnh hưởng như thế nào đến sự ổn định chính trị, xã hội của Việt Nam từ góc độ vĩ mô? Cha ông trong quá khứ đã vượt qua những thử thách đó như thế nào? Điều này có thể là tri thức hữu ích cho những người quản trị nhà nước hiện tại.

Việt Nam trong khung cảnh địa chính trị dễ bị tổn thương

Việt Nam có cấu trúc địa chính trị đặc thù: lãnh thổ hẹp, trải dài từ Bắc xuống Nam. Chúng ta nói nhiều về lợi thế ôm lấy biển, cửa ngõ của Đông Nam Á, cửa ngõ vào miền Nam Trung Quốc, giao điểm của tuyến đường tơ lụa trên biển, của các luồng văn hóa, văn minh… Nhưng không nên quên rằng vùng đất này là điểm đến của nhiều mưu đồ chinh phục, cai trị, tìm cách ảnh hưởng của nước ngoài hay địa chỉ ưa thích của các cơn bão, lụt lội, và dịch bệnh, là hạ nguồn của những hệ thống sông lớn, nơi mà bất cứ sự thay đổi nào ở thượng nguồn cũng tiềm ẩn nguy cơ đối với đời sống con người.

Phía Bắc là nơi ngự trị của một trong những đế chế hùng mạnh nhất trong lịch sử nhân loại: Trung Hoa, “tồn tại” liên tục hơn 2000 năm qua (dĩ nhiên với thăng trầm tộc người, triều đại). Hai thiên niên kỷ chung sống với một người láng giềng như thế rõ ràng không phải là một trải nghiệm dễ chịu nếu nhìn vào số lần bị xâm lược, sức ép kinh tế, chính trị, quân sự thường trực, nạn cướp biển từ duyên hải Nam Trung Hoa, xâm nhập của thổ phỉ, phu mỏ từ Vân Nam, Quảng Tây, buôn lậu lúa gạo từ đồng bằng Mekong cho đến khu vực đông bắc của châu thổ sông Hồng.

Biển giúp kết nối các nhóm cư dân trên lãnh thổ Việt Nam, thúc đẩy quá trình di dân về phía Nam. Tuy nhiên biển cũng là nơi thường xuyên đưa lại các mối đe dọa cho người Việt. Bên cạnh thiên tai và dịch bệnh là cướp biển và các cuộc tấn công đường thủy. Chiến thuật truyền thống của người Việt là dùng thuyền nhỏ, cơ động linh hoạt, lợi dụng sự thiếu hiểu biết của kẻ thù đối với địa hình phức tạp để mai phục tấn công các hạm thuyền lớn. Chiến thuật này đã thành công trên sông Bạch Đằng. Nguyễn Huệ đã áp dụng nó trên một khúc sông có nhiều cù lao và các ngã rẽ năm 1785. Thủy quân Đàng Trong đã đốt cháy các tàu chiến lớn của người Hà Lan năm 1643 (Hoang Anh Tuan 2007). Tuy nhiên trong nhiều thế kỷ, người Việt phải vất vả đối phó với người Champa với các thuyền nhỏ và kỹ thuật hàng hải thiện nghệ hơn.

Ngày nay, cướp biển có vẻ xa lạ với người Việt. Tuy nhiên giữa các thế kỷ XVI-XIX, đó là nỗi ám ảnh của miền duyên hải. Một nhánh của cướp biển Nhật Bản từng tấn công Đàng Trong vào cuối thế kỷ XVI. Thế kỷ XVIII-XIX, quy mô của mạng lưới cướp biển gia tăng nhanh ở vùng vịnh Bắc Bộ và vịnh Thái Lan. Ngay cả triều Tây Sơn cũng phải duy trì mối liên hệ với các nhóm này (Dian Murray 1987). Các vùng thường xuyên bị cướp phá là từ Nam Định đến Móng Cái, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tiên, và Phú Quốc. Giang Bình, một địa điểm trên lãnh thổ Việt Nam đến tận năm 1885 (ngày nay cách Móng Cái 20 km), là một thiên đường cướp biển như thế, nơi làm cho Càn Long, Gia Khánh đau đầu vì cung cấp căn cứ cho nhiều nhóm quân sự trong vịnh Bắc Bộ (Robert Antony 2010: 34).

Giữa thế kỉ 16-19, cướp biển là nỗi ám ảnh của miền duyên hải Việt Nam. Trong ảnh (bìa phải) là nữ tướng cướp biển khét tiếng mọi thời đại Ching Shih, với địa bàn hoạt động bao gồm cả biển Đông, làm đau đầu triêu đại nhà Thanh.

Dọc theo hành lang phía Tây, kéo dài hàng nghìn km là hệ thống địa hình phức tạp, đa dạng tộc người, tôn giáo, ngôn ngữ. Trên hành lang này, lịch sử cho thấy nhà nước và xã hội của người Việt phải đối mặt với nhiều thách thức. Hà Nội và vùng châu thổ sông Hồng nhiều lần bị đe dọa từ phía Bắc, Tây bắc, Tây nam. Ít nhất có hai lần các đạo quân Nam Chiếu và Mông Cổ đi dọc theo hệ thống sông Đà và sông Lô để đánh chiếm Đại La/ Thăng Long. Cuộc tấn công ở thế kỷ IX đã phá hủy hoàn toàn hệ thống phòng thủ của nhà Đường, buộc Cao Biền phải xây đê hộ thành Đại La kiên cố (Keith Taylor 1983).

Hành lang biên giới Việt-Trung từng là con đường giao thương quan trọng kéo dài tận phía bắc Lào và Myanmar với hệ thống trao đổi bạc, đá quý, ngựa, trà, muối, đồ sắt… Vào thế kỷ XVIII-XIX, đó là thiên đường của các nhóm di cư, thổ phỉ, và bạo lực xã hội. Bắt đầu từ cuối thế kỷ XVIII, hàng trăm nghìn phu mỏ người Hán tràn vào thượng du Bắc Kỳ (riêng mỏ đồng Tụ Long đã có 100,000 người, theo Lê Quý Đôn, Kiến Văn Tiểu Lục). Họ là một phần của hàng triệu người di cư dọc theo Quảng Tây, Vân Nam vào cuối thời Thanh. Ảnh hưởng xã hội của họ còn kéo dài cả thế kỷ sau đó khi Nông Văn Vân nổi dậy chống nhà Nguyễn, tập hợp hàng nghìn thợ mỏ người Hoa, và có ý đồ đánh chiếm xuống vùng châu thổ phía Nam với các cuộc tấn công Thái Nguyên và Hưng Hóa. Vào cuối thế kỷ XIX, khu vực này một lần nữa bị xáo trộn bởi hàng vạn tàn quân Thái Bình Thiên Quốc, những người sẽ làm cho quan lại nhà Thanh, triều đình Huế, người Pháp, người Lào, người Thái “mất ăn mất ngủ” (Bradley Davis 2017).

Nguy cơ xung đột cũng đến từ miền thượng du Thanh Hóa, Ninh Bình, Hưng Hóa. Các tù trưởng người Lào (và các nhóm cư dân nói tiếng Thái) thường xuyên trong quan hệ căng thẳng với nhà Lê. Cũng tại đây vào những năm 1816-1836, các nhóm ủng hộ hậu duệ của nhà Lê liên minh với các thủ lĩnh Thái, Mường; muốn làm chủ một dải trung du bao quanh châu thổ sông Hồng, sau đó xâm nhập vào từ phía Tây và Tây nam dọc theo sông Đà và vùng thung lũng bắc Ninh Bình (1833-1836).

Tại những cửa ngõ của khu vực có địa hình phức tạp này, trong những năm 1950-1952, các đạo quân của tướng Võ Nguyên Giáp đã triển khai tấn công quân Pháp dọc theo sông Lô, Hòa Bình, Hà-Nam-Ninh, Vĩnh Yên-Phúc Yên.

Nếu như châu thổ sông Hồng bị “đe dọa” bởi các vùng núi và trung du bao quanh thì châu thổ Mekong có những điểm yếu của riêng nó. Đường bộ nối thành phố Hồ Chí Minh với Phnom Penh chưa đến 250 km (5-6 giờ lái xe), và một không gian vùng biên không có chướng ngại tự nhiên. Quân Khmer từng tổ chức đánh chiếm Hà Tiên vào thế kỷ XVIII (Trương Minh Đạt 2008). Đó cũng là điều họ làm vào năm 1979. Quân Siam hơn một lần chiếm Hà Tiên, hai lần xâm lược hạ lưu Mekong. Cuộc xâm lược năm 1834 là một nỗ lực lớn của Bangkok với năm cánh quân, hướng trọng tâm vào các tuyến thủy-bộ dọc theo sông Mekong và vịnh Thái Lan. Ý đồ của họ là lấp kênh Vĩnh Tế, chia cắt hệ thống liên lạc, vận tải quân sự của người Việt nhằm kiểm soát vùng hạ lưu ngập lụt này.

Bờ Tây sông Hậu kéo dài đến Kampot, Kompong (Cambodia), và Trat (Thái Lan) là một ví dụ khác của những vùng đất mới vượt ra ngoài tầm kiểm soát của nhà nước. Từ giữa thế kỷ XIX cho đến đầu thế kỷ XX, nơi đây là thiên đường của dân di cư bất hợp pháp, buôn lậu lúa gạo, cướp biển, các hội kín và tổ chức bạo lực người Việt, người Hoa, Khmer… (Thomas Engelbert 2007). Một cách hình ảnh thì đây chính là một “Miền Tây” của lịch sử Việt Nam (như “Miền Tây”trong khung cảnh lịch sử Hoa Kỳ).

Vấn đề quản trị lãnh thổ

Lãnh thổ hình chữ “S” xinh đẹp của Việt Nam là một không gian không dễ điều phối. Lấy năm 1975 làm ví dụ. Chính quyền Việt Nam Cộng hòa có trong tay cả triệu quân, yểm trợ bằng không quân, nhưng họ lúng túng trong việc đánh-giữ-rút giữa ba vùng: duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, và Đông Nam Bộ. Bất cứ động thái quân sự nào diễn ra ở ba khu vực này đều có nguy cơ đặt Sài Gòn vào thử thách lớn. Chỉ một dấu hiệu đe dọa Tây Nguyên cũng làm cho cả hệ thống phòng thủ hàng trăm km ở miền duyên hải mất tinh thần. Họ bị động ứng phó, ra quyết định rút quân chiến lược, dù còn những kho vũ khí lớn ở vùng duyên hải. Một nỗi lo sợ như thế chắc chắn cũng đã đến với tướng Tassigny và cấp dưới của ông, tư lệnh quân Pháp tại Bắc Bộ Raoul Salan khi châu thổ sông Hồng bị tấn công từ ba phía (1950-1951). Nếu ông ta để mất bất cứ một cửa ngõ nào vào tay tướng Giáp, toàn bộ hệ thống thực dân trong vùng sẽ bị lung lay.

Xuôi về phía Nam, hệ thống đường mòn Hồ Chí Minh cho thấy hành lang phía Tây có tầm quan trọng chiến lược đặc biệt đối với an ninh của toàn bộ Việt Nam. Dọc theo sông Mekong, quân Siam từng tổ chức các cuộc xâm lược vào Nghệ An và Hưng Hóa (1834). Chính trên vùng cao nguyên Trường Sơn, bảy năm trước, Huế đã phải một phen “mất ngủ” khi Siam xâm lược Vientiane (1827), và “san phẳng” toàn bộ kinh thành này theo lệnh của vua Rama III (Mayoury and Pheuiphanh Ngaosyvathn 1998). Ngay lập tức Minh Mệnh phải điều các đạo binh, voi đến Nghệ An. Tuy nhiên đó chưa phải là lần cuối. Người Thái đã trở lại vào những năm 1890 và 1940.

Bản tấu của đình thần Huế ngày 17/08/1826, về việc đón tiếp sứ đoàn Siam. Nguồn: Châu bản triều Minh Mệnh, 8: 184-86.

Không phải đến Minh Mệnh mà gần bốn thế kỷ trước, người Việt đã tìm cách chinh phục vùng đất phía tây này nhằm giữ vững an ninh cho vương quốc của mình. Lê Thánh Tông trong một cuộc viễn chinh chưa từng có tiền lệ đã đưa quân sang tận vùng đất được cho là Myanmar ngày nay. Tuy nhiên cuộc hành quân cũng chỉ ra giới hạn của người Việt trong việc mở rộng ảnh hưởng qua bên kia dãy Trường Sơn (John Whitmore 2004). Sau đó là các chúa Trịnh, Tây Sơn cũng đều có những nỗ lực tương tự nhưng không thành công.

“Thất bại” của người Việt trong việc duy trì ảnh hưởng ở Lào và Cambodia biến hai khu vực này thành vấn đề an ninh thường trực từ thế kỷ XVIII. Trung tâm điểm của tương tác này là cuộc cạnh tranh với Thái Lan. Xét về tương quan quân sự, Việt Nam không hề thua kém, thậm chí còn có ưu thế về dân số và tổ chức quân đội. Nhưng người Thái có lợi thế địa hình, dễ dàng xâm nhập vào Lào hay Cambodia. Việt Nam có thể áp đảo trong các chiến dịch tạm thời, tuy nhiên duy trì quân đội và hệ thống tiếp tế liên tục trong thời gian dài trên những địa hình phức tạp là điểm yếu của chúng ta.

Hành lang dài, hẹp ở miền Trung là một “điểm yếu” quan trọng khác của Việt Nam. Nó là cái bẫy đối với nhiều triều đại trong việc lựa chọn vùng đóng đô và tổ chức mạng lưới quân sự. Nguyễn Hoàng gặp vấn đề này khi ông dịch chuyển dinh trấn liên tục dọc theo các cửa sông bị núi chia cắt. Nguyễn Huệ gặp vấn đề nghiêm trọng hơn khi buộc phải lựa chọn Phú Xuân, Nghệ An, hay Thăng Long. Việc ông chọn Nghệ An, dường như là một quyết định đơn thuần mang ý nghĩa khoảng cách địa lý hơn là một tính toán chiến lược kỹ lưỡng.

Gia Long có lí do “chính đáng” khi chọn kinh đô của tổ tiên làm kinh đô của nước Việt Nam thống nhất trải dài hơn 2000 km từ Cao Bằng đến Hà Tiên. Cách Hà Nội 700 km và Sài Gòn 900 km, Huế có thể nhận được báo cáo khẩn từ Hà Nội sau 4 ngày 6 giờ, từ Hà Tiên sau 12 ngày 6 giờ (1836). Có hai điểm yếu làm giảm khả năng cơ động của Huế trong việc cai trị Việt Nam. Thứ nhất, Huế là một đô thị nhỏ hẹp. Sông Hương và các cửa biển xung quanh nông, thường xuyên bị cát bồi. Đó không phải là một nơi lí tưởng cho các hải cảng, tập hợp quân sự, trung chuyển hàng hóa. Thứ hai, người cầm quyền gặp khó khăn khi điều hành nền chính trị từ Huế, đặc biệt là việc quản lí hai đồng bằng đông dân và thịnh vượng ở châu thổ sông Hồng và Mekong. Thực tế là vương triều này tiêu tốn quá nhiều nhân lực vào việc vận chuyển lương thực từ Gia Định đến Huế, và sau đó là ra Nam Định để cung cấp cho binh lính, trả lương cho quan lại, và cứu trợ. Vào đầu thế  kỷ XIX, hằng năm, hàng vạn người và khoảng 650 chiếc thuyền đã tham gia vào hệ thống này, tiêu tốn một phần lớn sức lực, ngân sách.

Mở rộng lãnh thổ là một thành tựu của người Việt. Nhưng từ thế kỷ XV, quá trình này diễn ra quá nhanh và không ổn định làm cho giới cầm quyền lúng túng trong việc quản trị những phần lãnh thổ gia tăng này. Dân cư ở đó dịch chuyển liên tục, tương tác tộc người phức tạp dẫn đến sự đa dạng vùng miền, đan xen cấu trúc kinh tế, chính trị và văn hóa. Các cuộc nội chiến liên tục từ 1533 đến năm 1802, và sau đó là nổi loạn của dân chúng có vẻ như là hệ quả của diễn trình lãnh thổ, dân cư và dịch chuyển cấu trúc quyền lực này.

Việt Nam dễ bị tổn thương bởi thiên tai, dịch bệnh

Hai trận dịch đầu thế kỷ XIX là một thảm họa đối với Việt Nam. Nó cho thấy cách thức xã hội này cực kỳ dễ bị “lây nhiễm” bởi các dịch bệnh “quốc tế”. Thống kê của nhà Nguyễn vào năm 1820 cho thấy 206,835 người chết. Trận dịch thứ hai vào các năm 1839-1840 với hậu quả được báo cáo về Huế một cách không đầy đủ:

Số người chết tại các địa phương trong trận dịch 1839-1840

(Đơn vị: người)

Năm

Thanh Hóa

Bắc Ninh

Hải Dương

Hưng Yên

Nam Định

Sơn Tây

1839

 

21,500

23, 000

 

 

 

1840

2, 000

 

 

3, 000

200

4, 900

Nguồn: Đại Nam Thực Lục.

Thiên tai là vấn nạn thường xuyên đe dọa sự ổn định kinh tế và xã hội Việt Nam trong lịch sử. Nền kinh tế dựa trên sản xuất nông nghiệp. Ổn định xã hội dựa trên việc nhà nước tổ chức cuộc sống cho đại đa số nông dân và giữ cho làng xã yên bình. Mỗi khi nước sông Hồng tràn bờ là lúc xuất hiện dòng dân cư lưu tán. Nổi dậy của dân đói và dân bị quan lại địa phương áp bức luôn là vấn đề thường trực nếu nhà nước không sẵn sàng ứng phó. Lưu ý rằng sự yếu kém của quan lại địa phương, nạn cường hào là nguyên nhân chính, trực tiếp dẫn đến phản kháng của nông dân, đặc biệt là trong những điều kiện bất lợi về kinh tế. Cuộc nổi dậy lớn nhất ở vùng châu thổ vào đầu thế kỷ XIX của Phan Bá Vành là hệ quả của nạn lụt và đói từ 1824 đến 1826 ở vùng “rốn lũ” của châu thổ: Hải Dương, Thái Bình. Dân chúng bắt đầu kéo sang Nam Định và tràn xuống vùng duyên hải phía nam, nơi họ tập hợp lại và dùng bạo lực chống lại hệ thống điều hành chính trị yếu kém và tư pháp tham nhũng (Vu Duc Liem, Village rebellion).

Không phải nhà Nguyễn ghẻ lạnh các con đê, bỏ mặc dân chúng. Trong vòng 26 năm thời Gia Long và Minh Mệnh (1802-1829), triều đại này đắp mới 144.5 km trong tổng số 952 km đê chính ở Bắc Bộ. Bất chấp những nỗ lực đó, từ 1803 đến 1861, cả vùng hứng chịu 27 trận lụt lớn (Tessier Olivier 2011). Với tần suất hai năm một trận lụt, tỉ lệ này là gần như cao nhất trong gần 1000 năm từ khi người Việt “tiếp quản” vùng châu thổ ở thế kỷ X, đồng thời là nguyên nhân của ít nhất 47 cuộc nổi dậy đầu thế kỷ XIX. Đây là một bài học lớn về quản trị nhà nước ở đồng bằng sông Hồng cũng như cho những thách thức tự nhiên Việt Nam đã và đang đối mặt: biến đổi khí hậu, nước biển dâng, nhiễm mặn, mất rừng, đặc biệt là nguy cơ “xóa sổ” vùng châu thổ Mekong trong một thế kỷ tới do khoảng 20 con đập đã và đang được xây dựng trên dòng sông chính.

Cuối cùng, việc viết những điều này không nhằm phủ nhận sự trường tồn, sức sống dẻo dai, và tinh thần quật cường của người Việt trong hàng nghìn năm qua. Bao nhiêu thế hệ đã ngã xuống để có được một hình hài dân tộc thống nhất. Bao thế hệ đã cùng nhau đoàn kết chống lại ngoại xâm, thiên tai, nội chiến để củng cố độc lập, toàn vẹn lãnh thổ và bảo vệ cuộc sống yên bình của người Việt. Viết điều này cũng không phải nói rằng người Việt lúc nào cũng là “nạn nhân” của lịch sử, của hoàn cảnh, của người bên ngoài. Chúng ta không quên lịch sử mở rộng lãnh thổ từ thế kỷ XIV đến thế kỷ XIX. Điều quan trọng ở đây là đa dạng hóa cách tiếp cận lịch sử Việt Nam và thêm vào đó một nhận thức rằng: bên cạnh một lịch sử quật khởi, dân tộc này có những lúc “yếu đuối” và dễ bị tổn thương. Người Việt cần biết rõ điểm yếu của mình, đặc biệt là từ góc độ quản trị nhà nước, điều hành quốc gia nhằm thúc đẩy phát triển bền vững, và để không ai bị bỏ rơi từ quá trình phát triển này.
——
Tham khảo
Bradley Davis. Imperial Bandits: Outlaws and Rebels in the China-Vietnam Borderlands (University of Washington Press, 2017).
Keith Taylor. The birth of Vietnam (Berkeley: University of California Press, 1983).
Olivier Tessier, “Outline of the Process of Red River Hydraulics Development During the Nguyễn Dynasty (Nineteenth Century),” in Environmental Change and Agricultural Sustainability in the Mekong Delta, ed. Mart A. Stewart and Peter A. Coclanis (Springer, 2011), 45–68.
Thomas Engelbert. “Go West” in Cochinchina. Chinese and Vietnamese Illicit Activities in the Transbassac (c. 1860-1920s). 南方華裔研究雜誌, 第一卷, 2007: 56-82.
Vũ Đường Luân, “Contested Sovereignty: Local Politics and State Power in Territorial Conflicts on the Vietnam-China Border, 1650s–1880s,” Cross-Currents: East Asian History and Culture Review 5, no. 2 (2016): 497–533.
Vu Duc Liem. “The Age of Sea Falcons: Naval Warfare in Vietnam, 1771-1802,” in Warring Societies of Pre-Colonial Southeast Asia: Local Cultures of Conflict Within a Regional Context, ed. Kathryn Wellen and Michael Charney (Copenhagen: Nordic Institute of Asian Studies, 2017), pp. 103-129.
Vu Duc Liem. Village rebellion and social violence in early nineteenth century Vietnam, in A Violent World? A Global History of Early Modern Violence and its Restraint, eds., Erica Charters, Marie Houllemare, and Peter Wilson (Manchester University Press, sắp xuất bản).
Tom Fawthrop. Killing the Mekong, Dam by Dam, https://thediplomat.com/2016/11/killing-the-mekong-dam-by-dam/

Tác giả

(Visited 58 times, 1 visits today)