Giải Nobel Y sinh học 2008 và những tranh chấp khoa học

Giải Nobel y sinh học 2008 được trao cho 3 nhà khoa học Âu châu: Harald zur Hausen (Đức), Françoise Barré-Sinoussi, và Luc Montagnier (Pháp). Giáo sư Hausen, 72 tuổi, thuộc Đại học Düsseldorf, được trao giải vì có công khám phá vi khuẩn gây ung thư cổ tử cung. Giáo sư Barré-Sinoussi, 61 tuổi, và Montagnier, 76 tuổi, thuộc Viện Pasteur và Đại học Paris có công khám phá HIV, được xem là một virus gây bệnh AIDS.

Giải thưởng xứng đáng
Ung thư cổ tử cung là một trong những loại ung thư hàng đầu ở nước ta. Theo thống kê (có lẽ chưa đầy đủ), tỉ lệ phát sinh ung thư cổ tử cung ở phụ nữ Việt Nam, nhất là ở các tỉnh phía Nam, còn cao hơn cả ung thư vú. Trong cộng đồng người Việt ở nước ngoài, ung thư cổ tử cung ở phụ nữ Việt Nam cao hơn tất cả các sắc dân Á châu khác như Philippines, Thái Lan, Trung Quốc, và người  Mỹ da trắng. AIDS là một vấn nạn y tế cộng đồng mang tính toàn cầu. Tính từ lúc bệnh được phát hiện vào năm 1981 đến nay đã có 25 triệu người trên thế giới chết, và 33 triệu người bị nhiễm HIV. Giải thưởng Nobel năm nay lần đầu tiên ghi nhận các công trình nghiên cứu về ung thư cổ tử cung và AIDS.

Françoise Barré-Sinoussi, Luc Montagnier, Harald zur Hausen


Cũng cần nói thêm là năm 2005, hai nhà khoa học Úc (Barry Marshall và Robin Warren) được trao giải thưởng cao quí này do công trình nghiên cứu liên quan đến H. pylori. Thế là trong vòng vài năm trở lại đây, các công trình nghiên cứu miễn dịch và virus được công nhận hơn là những công trình “thời thượng” như sinh học phân tử và di truyền học. 
Giải thưởng Nobel được thiết lập theo di chúc của ông Alfred Nobel, trong đó ông viết rằng giải thưởng nên trao cho “những ai đã đem lại lợi ích lớn nhất cho con người.” Trong những năm mà nghiên cứu về di truyền và sinh học phân tử còn là “thời thượng”, có nhiều nhà nghiên cứu được trao giải Nobel. Điều này dẫn đến nghi ngờ của giới y khoa là giải thưởng này không còn tuân theo hay phù hợp với ước nguyện của ông Nobel nữa, bởi vì nhiều công trình được giải chẳng có giúp ích gì cho bệnh nhân (chứ chưa nói đến “lợi ích lớn nhất”).
Nhưng vài năm gần đây, giải thưởng có vẻ được quay về thời của miễn dịch học.  Thật vậy, đến nay thì ai cũng có thể thấy các bệnh truyền nhiễm vẫn còn hoành hành thế giới. Ở nước ta, bệnh truyền nhiễm vẫn là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho dân số. Bệnh AIDS tuy chưa giết chết nhiều người ở nước ta, nhưng ở các nước Phi châu thì số người tử vong rất đáng lo ngại. Tuy nhiên, bệnh ung thư cổ tử cung ở phụ nữ người Việt tương đối nhiều (cao nhất so với các sắc dân khác). Do đó, trao giải thưởng cao quí này cho hai công trình về HPV và HIV theo tôi là rất xứng đáng và có ý nghĩa.

Tranh chấp khoa học đằng sau giải thưởng
Lịch sử bệnh AIDS cho đến nay ghi nhận Giáo sư Luc Montagnier (Pháp) và Robert Gallo (Mỹ) là hai nhà đồng khám phá (co-discoverers) virus gây bệnh AIDS (sẽ viết tắt là HIV).  Nhưng tại sao giải thưởng năm nay chỉ trao cho 2 nhà khoa học Pháp mà không cho đến nhà khoa học người Mỹ? Có thể suy luận rằng vì theo qui định, giải thưởng Nobel y sinh học chỉ trao cho 3 người là tối đa, nên Gallo không may “lọt sổ”.  Nhưng câu chuyện đằng sau quyết định của Ủy ban Nobel còn có thể cung cấp cho chúng ta một số bài học về đạo đức nghiên cứu khoa học.
Như đề cập trên, AIDS được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1981 (thời điểm này có thể tranh cãi, nhưng tạm xem đó là cái mốc thời gian), nhưng không ai biết được nguyên nhân của bệnh là gì. Trong thời gian đó, Gallo và Montagnier từng hợp tác trong nghiên cứu để truy tìm vi khuẩn gây bệnh AIDS. Vào khoảng đầu năm 1983, Tiến sĩ Francoise Barré-Sinoussi (lúc đó là cộng sự làm dưới sự lãnh đạo của Montagnier) phát hiện một virus từ mô của một bệnh nhân có triệu chứng AIDS. Bà tin rằng chính virút này là nguyên nhân gây bệnh AIDS. Bà viết báo cáo khoa học và đặt tên cho virút là LAV. 
Nhưng để cho chắc ăn, Montagnier và bà quyết định gửi mẫu máu và tế bào bị làm cho nhiễm LAV đến phòng thí nghiệm của Gallo. Lúc đó Gallo đã là một nhà khoa học thành danh, là người có công khám phá virút HTLV-I và HTLV-II là những nguyên nhân gây ung thư bạch cầu. Cùng lúc đó, bài báo của Barré-Sinoussi và Montagnier đến tay Gallo bình duyệt (phản biện). Gallo đề nghị Barré-Sinoussi và Montagnier nên đặt tên virus mà họ khám phá là HTLV-III. 
Tuy nhiên, trong khi bài báo của Barré-Sinoussi và Montagnier vẫn còn trong tình trạng bình duyệt, một cộng sự trong nhóm của Barré-Sinoussi và Montagnier hỏi Mikulas Popovic (lúc đó là trưởng nhóm nghiên cứu virus học trong labo của Gallo) rằng phân tích kết quả mẫu máu mà họ gửi đến đâu. Popovic trả lời rằng không biết, và còn nói thêm rằng chỉ có Gallo mới có quyền trả lời. Đột nhiên Gallo tuyên bố rằng ông đã khám phá ra virus gây bệnh AIDS và đặt tên là HTLV-III!  Ông còn cho biết virus này ông phát hiện từ một bệnh nhân ung thư máu. Sau này, giới khoa học biết rằng đó là một lời tuyên bố có nhiều nghi vấn, có thể không đúng với sự thật. 
Bộ trưởng Bộ Y tế Mỹ lúc đó mở cuộc họp báo để công bố kết quả của Gallo. Bà Bộ trưởng còn tuyên bố rằng Mỹ sẽ nghiên cứu phát triển vaccine phòng ngừa AIDS trong vòng … 6 tháng. Tất cả các nhà khoa học có mặt trong buổi họp báo đều ngẩn ngơ, vì chẳng ai tin rằng có thể phát triển vaccine nhanh như thế. Cho đến nay thì ai cũng biết lời tuyên bố của bà Bộ trưởng trở thành một sự cố, một khôi hài trong khoa học.
Ngày 20/5/1983, tập san Science (của Mỹ) công bố 3 bài báo quan trọng liên quan đến HIV, trong đó hai bài sau này trở thành một sự tranh chấp về công trạng (1, 2). Công trình của Barré-Sinoussi và Montagnier mô tả một virus được phát hiện từ mô của một bệnh nhân với triệu chứng ban đầu của AIDS. Một năm sau, ngày 4/5/1984, nhóm của Gallo công bố một loạt 4 bài báo trên Science (3-6). Trong đó, họ mô tả HTLV-III và một phương pháp xét nghiệm HIV. Với số lượng bệnh nhân lên đến hàng triệu, phương pháp xét nghiệm và vaccine do họ phát triển có thể đem lại lợi ích kinh tế khổng lồ cho nước Mỹ. Nhận thức được điều này, nhóm của Gallo quyết định đăng kí bằng sáng chế (patent).
Trước những tin tức như thế, Viện Pasteur ở Paris (nơi Gs Montagnier nghiên cứu) rất bực tức. Gs Montagnier nhận ra rằng virus LAV do nhóm ông khám phá và HTLV-III mà Gallo tuyên bố là phát hiện hoàn toàn giống nhau. Montagnier nghi ngờ Gallo đã sử dụng mẫu máu và dữ liệu của mình để làm của riêng và cướp công. 
Đến năm 1985, cuộc tranh chấp nổ lớn, chỉ xoay quanh câu hỏi: ai là người đầu tiến khám phá virút HIV?  Phía Mĩ bênh “gà nhà”, với rất nhiều bài báo, sách, và websites từ Mĩ một mực cho rằng Gallo là người có công đầu.  Phía Pháp có vẻ “lép vế” hơn trên mặt trận truyền thông, nhưng Viện Pasteur thì khẳng định Montagnier là người có công khám phá HIV trước Gallo.
Gs Montagnier công khai tố cáo Gallo đạo văn và ăn cắp số liệu của Montagnier để giành công trạng. Trước cáo buộc nghiêm trọng này, Cơ quan về liêm chính trong khoa học của Mỹ (Office of Scientific Integrity, ORI) mở cuộc điều tra. Sau một thời gian xem xét sổ sách thí nghiệm và so sánh với bài báo trên Science, ORI phát hiện hàng trăm vấn đề trong các công trình nghiên cứu của Gallo. Những vấn đề nổi cộm bao gồm:  một bài báo chính trên Science có nhiều câu phát biểu không đúng với sự thật, hay không ăn khớp với số liệu nghiên cứu; có ít nhất là 22 câu văn trong bài báo có thể xem là thiếu dữ liệu làm cơ sở. Nhiều thí nghiệm nhóm Gallo tuyên bố là “chưa làm” nhưng thật ra đã làm – tức thiếu thành thật tri thức. Mật vụ chuyên bảo vệ Tổng thống Mỹ (Secret Service) cũng vào cuộc điều tra và phát hiện nhiều tài liệu trong phòng thí nghiệm được sửa số liệu trong cùng một ngày nhưng ngày thu thập thì khác nhau – tức dấu hiệu gian lận.  Ngoài ra, còn có 2 bệnh nhân bị chết, nhưng Gallo viết trong bài báo là không có ảnh hưởng gì cả! Gallo vi phạm tất cả các qui trình nghiên cứu. Tuy nhiên, ORI kết luận rằng Gallo và đồng nghiệp ông là Mikulas Popovic “trắng án”, không phạm tội đạo văn hay ăn cắp số liệu nào cả!
Cuộc tranh cãi dai dẳng giữa Montagnier và Gallo dẫn đến pháp đình. Tháng 12/1985, Viện Pasteur của Pháp kiện Bộ Y tế Mỹ ra tòa, và cáo buộc rằng Gallo đã vi phạm đạo đức khoa học. Tháng 3/1987, cuộc tranh chấp được dàn xếp hay giải quyết ngoài tòa. Tổng thống Reagan và Chirac lúc đó ra thông cáo chung là tiền thu được từ bản quyền của phương pháp xét nghiệm sẽ được chia đôi giữa Mỹ và Pháp. Ngoài ra, phương pháp xét nghiệm HIV sẽ mang tên Montagnier và Gallo. Hai người sau này còn viết chung một bài báo mô tả tiến trình họ khám phá HIV như thế nào.

Phản ứng của cộng đồng khoa học
Tuy trường hợp này đã dàn hòa, nhưng trong cộng đồng khoa học, thì người ta đã quyết định từ lâu ai là người có công khám phá HIV đầu tiên. Một cách để thăm dò “nhiệt kế” thái độ của giới khoa học là xem qua số lần trích dẫn bài báo. Nhà xã hội học Alison Rawling thuộc Đại học Sydney có làm một phân tích hết sức thú vị về số lần trích dẫn 2 công trình trên của giới khoa học từ 1983 đến 1994 (tôi trình bày lại số liệu đó trong bảng dưới đây): 

Số lần trích dẫn hai bài báo của Gallo và Montagnier từ 1983 đến 1994




Năm

Bài báo của Gallo (2)

Bài báo của Barré-Sinoussi và Montagnier (1)

1983

44

32

1984

99

143

1985

97

366

1986

58

412

1987

35

401

1988

29

392

1989

30

320

1990

32

326

1991

16

256

1992

19

253

1993

14

202

1994

10

161

Tổng số

483

3264

Khi bài báo của Barré-Sinoussi và Montagnier được công bố gần như chẳng gây chú ý nào. Một bài xã luận trên Science thậm chí lờ đi bài báo của Barré-Sinoussi và Montagnier, mà chỉ đề cập đến bài của Gallo và người khác! 
Sáu tháng sau khi công bố, công trình của Barré-Sinoussi và Montagnier chỉ được trích dẫn 27 lần, còn bài của Gallo thì được trích dẫn đến 70 lần. Nhưng tình hình thay đổi nhanh chóng sau đó. Đến năm 1985 khi mà cuộc tranh chấp giữa Montagnier và Gallo ở vào thời “cao điểm” thì công trình của Barré-Sinoussi và Montagnier mới được cộng đồng khoa học ghi nhận. Đến nay, Ủy ban Nobel trao giải cho hai nhà khoa học Pháp có thể xem là một cách gián tiếp chính thức ghi nhận công lao của Barré-Sinoussi và Montagnier, chứ không phải Gallo, là người đầu tiên khám phá HIV. Thật vậy, trong thông cáo báo chí, Ủy ban Nobel  rất thẳng thắn: “Chúng tôi nghĩ rằng hai nhà khoa học chúng tôi chọn chính là hai nhà khám phá virus gây bệnh AIDS”.  Không thấy thông cáo nói gì đến Gs Gallo.

Bài học đạo đức khoa học

Thomas Kuhn trong cuốn sách nổi tiếng “The Structure of Scientific Revolution” lí giải rằng trong khoa học, khám phá một điều gì mới là cả một quá trình lâu dài và có sự đóng góp của nhiều người. Do đó, việc định lượng công trạng cho từng cá nhân trong việc khám phá là một việc làm cực kì khó khăn, và thường gây ra tranh cãi giữa các nhà khoa học. Trong lịch sử khoa học không thiếu những trường hợp tranh chấp để dành “ai làm trước”.  Robert Koch và Louis Pasteur từng tranh chấp nhau để giành công trạng ai là người khám phá nguyên nhân bệnh than (anthrax). 
James Watson và Francis Crick từng lấy số liệu của cộng sự mình là Roselind Franklin để làm nền tảng cho việc khám phá DNA, nhưng cả hai đều không đề cập đến công trạng của Franklin. Mãi đến sau này khi được đồng nghiệp phanh phui, Watson và Crick mới thú nhận từng lấy số liệu của Franklin (nhưng lúc đó thì bà Franklin đã qua đời vì bệnh ung thư buồng trứng nên không bao giờ được giải Nobel).  Trường hợp của Montagnier thì tích cực hơn vì ông ghi nhận công trạng của học trò mình là Françoise Barré-Sinoussi, và hai người cùng chia sẻ nhau giải thưởng Nobel.
Mỗi giải Nobel y sinh học đều để lại vài “dư âm” trong cộng đồng khoa học, và lần này cũng không phải là một ngoại lệ. Phát biểu trước tin đồng nghiệp mình được trao giải, Gs Robert Gallo nói ông thấy “thất vọng” trước quyết định của Ủy ban Nobel.  Nhưng đồng nghiệp khoa học thì không, vì qua phân tích trích dẫn, rõ ràng cộng đồng khoa học đã quyết định công trạng thuộc về ai. 
Đã từ lâu, người trưởng nhóm nghiên cứu thường được chọn để trao giải thưởng và lưu danh hậu thế, còn nghiên cứu sinh của họ hay cộng sự thường là cái bóng bên lề những hào quang của xếp mình. Nhưng năm nay, việc ghi nhận hai thầy trò Montagnier và Barré-Sinoussi là một dấu hiệu rất tích cực cho thấy khoa học hiện đại không chấp nhận những sự “cướp công” đồng nghiệp. Nhìn như thế tôi nghĩ giải Nobel y sinh học năm nay vừa xứng đáng với tầm vóc của công trình nghiên cứu, lại vừa có ý nghĩa đạo đức khoa học.

Ghi chú:
(1) Barré-Sinoussi F, Chermann JC, Rey F, Nugeyre MT, Chamaret S, Gruest J, Dauguet C, Axler-Blin C, Vézinet-Brun F, Rouzioux C, Rozenbaum W, Montagnier L. Isolation of a T-lymphotropic retrovirus from a patient at risk for acquired immune deficiency syndrome (AIDS).. 1983 May 20;220(4599):868-71.
(2) Gallo RC, Sarin PS, Gelmann EP, Robert-Guroff M, Richardson E, Kalyanaraman VS, Mann D, Sidhu GD, Stahl RE, Zolla-Pazner S, Leibowitch J, Popovic M. Isolation of human T-cell leukemia virus in acquired immune deficiency syndrome (AIDS). Science 1983 May 20;220(4599):865-7.
(3) Popovic M, Sarngadharan MG, Read E, Gallo RC. Detection, isolation, and continuous production of cytopathic retroviruses (HTLV-III) from patients with AIDS and pre-AIDS. Science 1984 May 4;224(4648):497-500.
(4) Schüpbach J, Popovic M, Gilden RV, Gonda MA, Sarngadharan MG, Gallo RC.   Serological analysis of a subgroup of human T-lymphotropic retroviruses (HTLV-III) associated with AIDS. Science 1984 May 4;224(4648):503-5.
(5) Sarngadharan MG, Popovic M, Bruch L, Schüpbach J, Gallo RC.  Antibodies reactive with human T-lymphotropic retroviruses (HTLV-III) in the serum of patients with AIDS. Science 1984 May 4;224(4648):506-8.
(6) Gallo RC, Salahuddin SZ, Popovic M, Shearer GM, Kaplan M, Haynes BF, Palker TJ, Redfield R, Oleske J, Safai B, et al. Frequent detection and isolation of cytopathic retroviruses (HTLV-III) from patients with AIDS and at risk for AIDS. Science 1984 May 4;224(4648):500-3.

Tác giả