30 năm Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt: Những thành tựu

Ngày 20/3/2014 vừa tròn 30 năm kể từ ngày khánh thành Công trình khôi phục và mở rộng Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt, là dịp để chúng ta cùng nhìn lại những thành tựu của Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt trong quá trình thực hiện nhiệm vụ quản lý, vận hành và khai thác lò phản ứng đầu tiên và duy nhất này của Việt Nam.


Viện Nghiên cứu hạt nhân (NCHN) tại Đà Lạt, là tiền thân của Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam ngày nay, được thành lập theo Quyết định số 64-CP ngày 26/4/1976 của Thủ tướng Chính phủ. Cơ sở vật chất ban đầu được tiếp quản từ Trung tâm Nghiên cứu nguyên tử Đà Lạt với thiết bị chính là Lò phản ứng TRIGA Mark-2 công suất 250 kWt, xây dựng từ đầu những năm 1960 và chỉ vận hành trong 5 năm, 1963-1968. Tuy nhiên, trước ngày tiếp quản, tất cả các bó nhiên liệu của lò TRIGA đã được chuyển ra khỏi Việt Nam trả về Hoa Kỳ nên lò không còn khả năng hoạt động.

Với sự giúp đỡ của Liên Xô, ngày 15/3/1982, Công trình Khôi phục và Mở rộng lò phản ứng được khởi công. Sau 20 tháng thi công khẩn trương, Lò phản ứng với tên mới là IVV-9, còn gọi theo địa danh là Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt được nạp nhiên liệu loại VVR-M2 có độ giàu cao (36% U-235) và đạt trạng thái tới hạn lần đầu vào lúc 19:50 ngày 01/11/1983. Ngày 20/3/1984, Lò phản ứng được chính thức đưa vào vận hành với công suất danh định 500 kWt, gấp 2 lần so với lò TRIGA trước đây. 

Vị trí và sứ mệnh

Nhiệm vụ hàng đầu mà đất nước giao phó cho Viện Nghiên cứu hạt nhân là quản lý kỹ thuật, vận hành an toàn, khai thác có hiệu quả Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt và các thiết bị khoa học và công nghệ khác để phục vụ nghiên cứu khoa học, dịch vụ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực phục vụ các ngành KH&CN hạt nhân.  

Qua đó, hoạt động của Viện tập trung vào cả nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng. Cụ thể là nghiên cứu cơ bản trong các lĩnh vực vật lý hạt nhân, vật lý lò phản ứng, các lĩnh vực hóa phân tích, hóa bức xạ, hóa phóng xạ, sinh học phóng xạ, môi trường và các kỹ thuật đo liều lượng bức xạ. Bên cạnh đó là các nghiên cứu phát triển, nghiên cứu ứng dụng, dịch vụ kỹ thuật và sản xuất kinh doanh trong các lĩnh vực điều chế đồng vị và dược chất phóng xạ, phân tích thành phần và nguyên tố trong các loại mẫu, công nghệ bức xạ, công nghệ sinh học, đánh giá tác động môi trường, sản xuất thiết bị và các lĩnh vực liên quan nhằm phát triển ứng dụng kỹ thuật hạt nhân và năng lượng nguyên tử phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.


Ông Hans Blix, Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) thăm Viện NCHN Đà Lạt năm 1991 và đã đánh giá: Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt là một trong những lò phát huy hiệu quả nhất trong các nước đang phát triển.

Các chuyên gia Nga tại Bàn điều khiển LPƯ sau khi lắp đặt và thử nghiệm Hệ điều khiển mới thay thế cho hệ điều khiển cũ (2007)

Mặt khác, đối với các cơ quan quản lý, Viện có chức năng hỗ trợ kỹ thuật phục vụ công tác quản lý nhà nước và phát triển của ngành trong các lĩnh vực an toàn bức xạ, an toàn hạt nhân, quản lý và xử lý thải phóng xạ, quản lý và vận hành các trạm quan trắc phóng xạ môi trường, kiểm chuẩn các thiết bị đo lường bức xạ và hạt nhân, ứng phó và xử lý sự cố bức xạ và hạt nhân.

Ngoài ra, Viện còn có chức năng hợp tác liên doanh, liên kết với các cơ quan trong và ngoài nước nhằm đẩy mạnh việc chuyển giao và trao đổi các quy trình công nghệ, các sản phẩm của Viện với các cơ sở sản xuất, tổ chức nghiên cứu và đào tạo. Đặc biệt, từ năm 2014, Viện hoạt động theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm quy định theo Nghị định 115/2005/NĐ-CP và Nghị định 96/2010/NĐ-CP.

Các thành tựu cụ thể

Tính đến cuối năm 2013, Lò phản ứng đã có 37.800 giờ hoạt động an toàn và khai thác có hiệu quả. Chỉ tiêu này cũng là một thành tích chứng tỏ Viện NCHN đã tập hợp được một đội ngũ cán bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ đa ngành, được rèn luyện theo tác phong làm việc công nghiệp, làm chủ trong vận hành, bảo dưỡng, đảm bảo kỹ thuật và khai thác các thiết bị khoa học lớn, quan trọng, đó là Lò phản ứng hạt nhân đầu tiên và duy nhất hiện nay của Việt Nam. Đây là cơ sở để tạo dựng niềm tin bước đầu khi Viện tham gia thực hiện các dự án xây dựng lò phản ứng nghiên cứu công suất cao hơn trong tương lai.

Phục vụ phân tích cho các ngành địa chất, dầu khí, môi trường và xuất khẩu nông sản

Viện đã xây dựng được tổ hợp các phương pháp phân tích: INAA, RNAA, PGNAA, huỳnh quang tia X, đo hoạt độ phóng xạ thấp, nhấp nháy lỏng, sắc ký lỏng, sắc ký khí, sắc ký ion, quang phổ hấp thụ nguyên tử, cực phổ, quang phổ kế vùng khả kiến và tử ngoại, quang kế ngọn lửa, huỳnh quang kế, khối phổ plasma cảm ứng, … Các phương pháp phân tích này cho phép phân tích đến 70 nguyên tố và chỉ tiêu khác nhau, đáp ứng tốt nhu cầu phân tích địa chất, điều tra thăm dò tài nguyên khóang sản, dầu khí, nông nghiệp, sinh học và môi trường, … Trong 30 năm qua, trên 77.000 mẫu các loại đã được phân tích cho các ngành; hiện nay, mỗi năm Viện làm dịch vụ cung cấp cho các ngành trung bình khoảng 60.000 chỉ tiêu phân tích khác nhau. Viện đã được cấp Giấy chứng nhận VietGAP của Sở NN&PTNT Lâm Đồng; phòng thí nghiệm của Trung tâm Phân tích được cấp chứng nhận VILAS-519, Trung tâm Môi trường được cấp chứng nhận  VILAS-525.

Đóng góp cho y tế và các ngành sinh học, nông nghiệp

Đến nay, Viện đã nghiên cứu và điều chế thành công khoảng 30 chủng loại đồng vị phóng xạ và dược chất đánh dấu để dùng trong Y tế và một số ngành kinh tế kỹ thuật khác. Chỉ riêng cho ngành Y tế, đến cuối năm 2013, Viện NCHN đã cung cấp khoảng 5.500 Ci đồng vị phóng xạ các loại: 131I, 32P, 99mTc, 51Cr, 153Sm, 65Zn, … và các kit in-vivo và in-vitro. 07 loại sản phẩm của Viện đã được đưa vào danh mục thuốc của Việt Nam từ tháng 2/2010. Đồng thời, Viện cũng đã tư vấn, thiết kế cho các cơ sở y tế trong nước đầu tư xây dựng các khoa Y học hạt nhân và xạ trị, góp phần thúc đẩy sự phát triển nhanh của các khoa y học hạt nhân nói riêng và đẩy mạnh ứng dụng kỹ thuật hạt nhân và đồng vị phóng xạ vào các ngành kinh tế – kỹ thuật nói chung.

Viện cũng đã thành công trong các nghiên cứu và triển khai công nghệ bức xạ để bảo quản thực phẩm, khử trùng và biến tính vật liệu. Những kết quả nghiên cứu của Viện đã tạo cơ sở cho việc ra đời các trung tâm chiếu xạ công nghiệp ở phía Nam. Viện đã và đang sản xuất và cung cấp các loại chế phẩm kích thích tăng trưởng thực vật T&D, phòng và trị nấm bệnh thực vật Olicide; polymer trương nước; polymer chịu nhiệt độ và áp suất cao, … Hướng ứng dụng công nghệ bức xạ trong việc chế tạo các chế phẩm sinh học thân thiện với môi trường cũng được thực hiện.

Trong lĩnh vực Sinh học phóng xạ, Viện đã nghiên cứu và thành công trong việc sử dụng bức xạ gamma gây đột biến tạo các loại giống cây và hoa mới. Công nghệ trồng nấm, đặc biệt là một số loại nấm dược liệu quý đã được nghiêu cứu hoàn thiện và chuyển giao quy trình nuôi trồng cho nông dân áp dụng. Công nghệ nhân giống in-vitro được thực hiện đối với một số cây hoa và cây trồng đặc sản quý hiếm để cung cấp giống sạch bệnh cho nông dân. Viện cũng đang tham gia vào việc bảo tồn giống, bảo tồn đa dạng tài nguyên sinh học thực vật của tỉnh Lâm Đồng nói riêng và khu vực Tây Nguyên nói chung.

Phục vụ quan trắc và đánh giá tác động môi trường

Các phương pháp phân tích hạt nhân và hỗ trợ tại Viện NCHN đã rất hữu hiệu trong nghiên cứu và cảnh báo môi trường, đặc biệt là đánh giá ô nhiễm môi trường do tác động sản xuất của công nghiệp. Đến cuối năm 2013, gần 17.000 mẫu môi trường đã được thu góp, phân tích và lưu trữ. Các số liệu này đã đóng góp vào việc hình thành tập hợp số liệu về môi trường nước ta. Trạm quan trắc môi trường do Viện quản lý được công nhận là trạm thuộc mạng lưới quan trắc môi trường Quốc gia. Viện có đủ khả năng và tiềm lực để thực hiện các nhiệm vụ về thiết lập và quản lý các trạm quan trắc môi trường tại 2 địa điểm sẽ xây dựng các nhà máy điện hạt nhân đầu tiên tại tỉnh Ninh Thuận.


Trạm quan trắc môi trường trong khuôn viên lò phản ứng Đà Lạt

Các đồng vị phóng xạ môi trường (7Be, 210Pb, 137Cs, …) đã được ứng dụng tốt để đánh giá các quá trình môi trường như trầm tích và bồi lắng của các hồ chứa nước thủy lợi, thủy điện và xói mòn đất, mất dinh dưỡng đất, … Kinh nghiệm trong nghiên cứu môi trường của Viện đã được phát triển trở thành hướng dịch vụ về đánh giá tác động môi trường (kể cả phóng xạ và không phóng xạ) cho các dự án đầu tư, các công trình giao thông, xây dựng trong các năm qua.

Một số lĩnh vực khác

Các nghiên cứu thuộc lĩnh vực công nghệ đánh dấu và sử dụng nguồn kín cũng đạt được nhiều kết quả. Viện đã phối hợp với các cơ quan chuyên ngành thực hiện các nghiên cứu ứng dụng về khảo sát, đánh giá sự di chuyển bùn cát trong các luồng tàu (Cảng Hải Phòng, Cảng Cần Thơ, …), phục vụ hữu hiệu cho công tác duy tu nạo vét luồng tàu; khảo sát bồi lắng các lòng hồ thủy điện (Trị An, Thác Mơ, Hàm Thuận – Đa Mi…).


Các chuyên gia Nga tại Bàn điều khiển LPƯ sau khi lắp đặt và thử nghiệm Hệ điều khiển mới thay thế cho hệ điều khiển cũ (2007)

Trong lĩnh vực thiết bị điện tử, Viện đủ năng lực bảo dưỡng nhiều loại thiết bị điện tử, đặc biệt là thiết bị điện tử hạt nhân, bao gồm cả hệ thống điều khiển và công nghệ lò phản ứng; thiết kế, chế tạo các thiết bị điện tử hạt nhân dùng cho y tế, địa chất, hệ điều khiển hạt nhân dùng cho công nghiệp, các khối điện tử của hệ phổ kế hạt nhân dùng cho dịch vụ, nghiên cứu và đào tạo, các máy đo tuổi vàng bằng kỹ thuật huỳnh quang tia X cho các cơ sở kinh doanh vàng bạc đá quý, …


Định liều bức xạ chiếu ngoài bằng kỹ thuật TLD

Một kết quả nổi bật khác là phát triển thành công các phương pháp định liều lượng, kiểm soát bức xạ, xử lý và quản lý thải phóng xạ. Nhiệm vụ này không những giúp Viện đảm bảo an toàn cho nhân viên của mình và môi trường xung quanh mà còn giúp đảm bảo an toàn bức xạ cho khoảng 8.000 nhân viên bức xạ/năm của trên 700 cơ sở bức xạ trong nước.

Kỹ thuật định liều bằng đánh giá sai hình nhiễm sắc thể tế bào lympho máu đã được áp dụng xác định liều chiếu cho các công nhân làm việc trong các vụ sự cố về bức xạ, điển hình là sự cố nguồn phóng xạ năm 2002 tại Công ty Huyndai Vinashin, Khánh Hòa; sự cố mất nguồn phóng xạ vào cuối năm 2007 tại Công ty Cơ khí hàng hải PTSC, Vũng Tàu; sự cố liều cao tại khu vực làm việc vào đầu năm 2008 tại Công ty Lilama, Dung Quất, Quảng Ngãi; sự cố chiếu xạ xẩy ra năm 2012 tại Tổng Công ty Dịch vụ kỹ thuật dầu khí Việt Nam, …

Hiệu quả về đào tạo đội ngũ cán bộ

Qua việc thực hiện các đề tài/nhiệm vụ KH-CN, các dự án trong và ngoài nước, đội ngũ cán bộ của Viện tiếp tục được bổ sung kiến thức, nâng cao trình độ, kinh nghiệm và độ thuần thục nghề nghiệp; về mặt học vị, đến nay nhiều cán bộ đã đạt trình độ sau đại học (20 Tiến sĩ, 45 Thạc sĩ). Hằng năm, Viện đào tạo từ 5-7 NCS thuộc các chuyên ngành Vật lý hạt nhân và Hóa phân tích; đồng thời hỗ trợ các cơ sở khác trong nước đào tạo bậc đại học và sau đại học các chuyên ngành vật lý, hóa học, sinh học và môi trường (khoảng 12-15 sinh viên làm luận văn tốt nghiệp Đại học và 7-10 học viên làm luận văn Thạc sĩ). Mở các lớp đào tạo, tập huấn về ứng dụng kỹ thuật hạt, an toàn bức xạ, an toàn hạt nhân, công nghệ lò phản ứng, …

Viện NCHN đã có những đóng góp nhất định vào việc xây dựng tiềm lực vật chất, kỹ thuật, đào tạo nhân lực cho sự phát triển của ngành, góp phần hình thành và mở rộng thị trường ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ hạt nhân, là nền tảng cần thiết và niềm tin để Viện tham gia vào các dự án xây dựng và vận hành Trung tâm KH&CN hạt nhân với Lò phản ứng nghiên cứu đa chức năng và dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.
———
* Phó Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam. Viện trưởng Viện NCHN

NHỮNG ĐIỂM MỐC THỜI GIAN VỀ LÒ PHẢN ỨNG

* Đầu năm 1960: Khởi công xây dựng Lò phản ứng TRIGA Mark II.
* 26/2/1963: Lò phản ứng TRIGA Mark II đạt trạng thái tới hạn lần đầu.
* 04/3/1963: Lò phản ứng đạt công suất danh định 250 kWt.
* 1963-1968: Lò phản ứng được vận hành với 3 mục đích chính là huấn luyện (Training), nghiên cứu (Research) và sản xuất đồng vị (Isotope Production).
* 1968-1975: Lò phản ứng tạm dừng hoạt động.
* 1974-1975: Tất cả các thanh nhiên liệu được tháo dỡ và chuyển trả về Hoa Kỳ.
* 9/10/1979: Việt Nam và Liên Xô ký Hợp đồng để khôi phục và nâng cấp Lò phản ứng TRIGA Mark II. 
* 15/3/1982: Khởi công Công trình khôi phục và mở rộng Lò phản ứng. Lò được đổi tên mới là IVV-9, còn gọi là Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt.
* 01/11/1983, 19:50: Lò phản ứng IVV-9 đạt trạng thái tới hạn lần đầu, sử dụng các bó nhiên liệu độ giàu cao (HEU) 36% U-235.
* 20/3/1984: Khánh thành Công trình khôi phục và mở rộng Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt với công suất danh định 500 kWt.
* Từ 20/3/1984: Lò phản ứng được vận hành với các mục tiêu chính là: sản xuất đồng vị phóng xạ; phân tích mẫu bằng kỹ thuật kích hoạt nơtron; nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng để đưa các tiến bộ của khoa học và công nghệ hạt nhân phục vụ phát triển kinh tế-xã hội; huấn luyện và đào tạo cán bộ.    
* 9/2007-10/2011: Vận hành với vùng hoạt hỗn hợp gồm các bó nhiên liệu độ giàu cao (36% U-235) và độ giàu thấp (19,75% U-235).
* 30/11/2011, 15:35: Lò phản ứng đạt trạng thái tới hạn lần đầu với vùng hoạt sử dụng toàn bộ nhiên liệu độ giàu thấp (LEU).
* 03/7/2013: Tất cả các bó nhiên liệu độ giàu cao đã được chuyền trả về Liên Bang Nga.

Tác giả