Những nguyên tắc đánh giá các dự án và tổ chức KH&CN

Trong vấn đề thẩm định, đánh giá [các dự án/tổ chức] KH&CN, tôi hoàn toàn không phải là chuyên gia. Tôi chỉ từng có kinh nghiệm làm thành viên hoặc chủ tịch một vài hội đồng thẩm định quốc tế, quốc gia, hoặc cấp viện. Gần đây, tôi được mời tham gia một hội thảo bàn về vấn đề thẩm định, đánh giá, và tôi nghĩ Tia Sáng có lẽ là nơi phù hợp để bày tỏ một số suy nghĩ nhằm thúc đẩy sự quan tâm của các độc giả về chủ đề này. Những điều tôi trình bày không có gì cao xa, hoàn toàn là những lý lẽ phổ thông mà có lẽ hầu như ai cũng biết, tuy nhiên đôi khi việc nhắc lại những điều thông thường ấy cũng là sự cần thiết.


Hội đồng đánh giá đưa ra khuyến nghị giúp cải thiện công tác quản trị khoa học. Nguồn: Nature.

Khi một người hút thuốc bị ho, anh ta có thể: 1) Quyết định không gặp bác sỹ vì không muốn phải nghe lời khuyên dừng hút thuốc; 2) Gặp bác sỹ, nghe lời khuyên bỏ thuốc, rồi để ngoài tai và tiếp tục hút thuốc như thường; 3) Gặp bác sỹ và quyết định bỏ hút thuốc. Chuyện đánh giá trong khoa học cũng tương tự như vậy. Đa phần chúng ta thừa biết các hội đồng đánh giá sẽ khuyến nghị điều gì; nhưng ta không muốn nghe nên trong thâm tâm không hề muốn trải qua quá trình đánh giá, hay tệ hơn ta cố tình lờ đi những khuyến nghị mà hội đồng đưa ra. Tất nhiên, một hệ thống quản lý tốt trong khoa học sẽ buộc chúng ta phải đưa ra lựa chọn thứ ba. Tuy nhiên, với những khuyến nghị đòi hỏi một sự thay đổi quyết liệt nào đó thì việc thực hiện không phải khi nào cũng dễ dàng; thường thì chẩn bệnh vẫn dễ hơn chữa bệnh; người ta vẫn thích cách tiếp cận từ từ, cho dù điều ấy đồng nghĩa với việc hầu như chẳng hề có tiến bộ gì. Một ví dụ điển hình là việc đổi mới giáo dục đại học ở Việt Nam, đã có không ít những báo cáo đánh giá đầy công phu, nhưng phần lớn các khuyến nghị không thực sự được thực hiện.

Như thế nào là một báo cáo đánh giá có chất lượng? Một báo cáo đánh giá về một chương trình trọng điểm quốc gia, ví dụ chương trình phát triển điện hạt nhân trước đây, hay chương trình vũ trụ ngày nay, cần cung cấp cho Chính phủ một hệ thống các mục tiêu và những khuyến nghị có tính khả thi trong thực tiễn nhằm xây dựng các chính sách phù hợp và trên cơ sở đó đưa ra những hướng dẫn cùng những giải pháp hành động hiệu quả.

Điều quan trọng nên nhớ rằng một hội đồng đánh giá không nhằm tán dương hay phê phán, mà nhằm đưa ra những khuyến nghị giúp cải thiện công tác quản trị của nhà quản lý. Không nên có sự đánh dấu hay chấm điểm: thực tiễn cuộc sống thường quá phức tạp để có thể gói gọn trong một con số duy nhất nào đó, và việc lạm dụng các con số sẽ trở nên nguy hiểm, nhất là khi trong tay các nhà quản lý trình độ thấp.

Đương nhiên, thái độ người đánh giá phải mang tính xây dựng; chúng ta nên nhìn về phía trước và chỉ nhắc lại các bài học trong quá khứ với mục đích chỉ ra con đường tới tương lai. Hội đồng đánh giá phải đưa ra những khuyến nghị với nhận thức rằng các quyết định cuối cùng thuộc về các nhà quản lý, những người mà đối với họ bản đánh giá chỉ là một trong số các căn cứ tham khảo.

Nếu phải nêu ra một số từ khóa phục vụ cho một báo cáo đánh giá tốt, tôi sẽ chọn: chính trực, minh bạch, và đủ chất lượng chuyên môn. Công việc của hội đồng phải dưới sự dẫn dắt của trí tuệ và đạo đức.

Quy tắc căn bản đầu tiên cần tuân thủ là tư cách thành viên hội đồng chỉ được phép trao cho những người không dính dáng về quyền lợi đối với nội dung được đánh giá. Các thành viên nước ngoài nên được tham gia trong các hội đồng. Họ phải được lựa chọn một cách cẩn trọng, là những người đủ tư cách (ví dụ từng có kinh nghiệm là thành viên của những hội đồng khoa học tương tự ở tầm quốc tế), có thái độ thân thiện, tinh thần xây dựng, và đóng góp thiết thực cho cộng đồng cũng như lĩnh vực hoạt động được đánh giá, có hiểu biết sâu về các đặc thù của Việt Nam.

Quy tắc căn bản thứ hai là minh bạch. Hội đồng đánh giá phải tổ chức những cuộc họp mở, nơi người phụ trách trình bày nội dung cần đánh giá và mọi người đến tham gia cuộc họp có thể đặt ra mọi câu hỏi. Các cuộc họp mở này phải được thông báo công khai một cách rộng rãi từ sớm. Hội đồng đánh giá phải công bố cho công chúng bản tóm tắt nội dung đánh giá cùng những khuyến nghị của mình. Quy tắc này rất quan trọng với những dự án mua sắm các thiết bị khoa học đắt tiền. Những dự án như vậy không nên là quyết định thuần túy từ trên xuống mà phải do cộng đồng các nhà khoa học đề xuất từ dưới lên theo nhu cầu khai thác trong thực tế và họ chịu trách nhiệm bảo vệ đề xuất này. Với cách làm như vậy, chúng ta có thể tiết kiệm hàng triệu USD. Thay vì mua thiết bị về rồi mới kêu gọi cộng đồng khai thác, chúng ta chỉ nên mua những thiết bị do cộng đồng khoa học đề xuất. Nếu làm đúng theo quy tắc này, chúng ta sẽ nhận thức đúng đắn hơn, rằng cần đầu tư cho chất xám trước khi đầu tư cho cơ sở vật chất.

Quy tắc căn bản thứ ba là loại trừ những thành viên hội đồng thiếu am hiểu về các lĩnh vực đánh giá. Những thành viên này có thể trong một số trường hợp đặc biệt ngoại lệ, được dự một vài cuộc họp với tư cách là người quan sát, nhưng không được phép tham gia thảo luận. Tương tự như vậy, những người có trách nhiệm thực hiện theo các khuyến nghị của hội đồng có thể (hoặc phải, trong đa số các trường hợp) được mời tham dự các cuộc họp kín của hội đồng và được trình bày quan điểm của họ và trả lời các câu hỏi của hội đồng, nhưng không được phép tham gia thảo luận. Khi hội đồng thảo luận kín về một chủ đề cụ thể nào đó có liên quan đến quyền lợi của bất kỳ thành viên nào trong hội đồng thì người đó phải rời khỏi cuộc họp và không được phép tham gia vào quá trình đưa ra các khuyến nghị liên quan. Các thành viên hội đồng phải được cung cấp đầy đủ các thông tin và tài liệu cần thiết từ trước để có thể đưa ra những khuyến nghị thích hợp về đối tượng khoa học được đánh giá xét trong bối cảnh tổng quan (ngân sách, nguồn nhân lực sẵn có, cơ chế đưa ra quyết định, v.v.).

Vấn đề nguồn nhân lực và cơ sở vật chất cần được xem xét kỹ lưỡng song song để cả hai đều có thể được sử dụng một cách tối ưu. Nếu đầu tư cho cơ sở vật chất thì phải có trách nhiệm bảo dưỡng, vận hành và khai thác. Như tôi đã đề cập, trong hoàn cảnh hiện nay, Việt Nam nhiều khi nên chú trọng đầu tư cho chất xám trước khi đầu tư cho cơ sở vật chất/hạ tầng.

Những nguyên tắc trên hoàn toàn là những tư duy hiển nhiên thông thường, và đều được thừa nhận bởi những ai tham dự hội thảo về thẩm định, đánh giá trên đây. Nhưng tôi thật ngạc nhiên khi người ta bảo tôi rằng những nguyên tắc đó chỉ áp dụng được ở các nước đã phát triển, còn ở các nước đang phát triển thì không được. Tôi phải thú nhận là mình không hiểu được logic của nhận định ấy. Tôi không hiểu vì sao một nước đang phát triển thì không cần đến các tư duy thông thường. Tôi đồng ý rằng nếu một quốc gia không làm theo những tư duy hiển nhiên thông thường, không tôn trọng những giá trị như sự chính trực, tính minh bạch và năng lực chuyên môn, thì sẽ không thể phát triển. Nhưng chắc hẳn đó không phải là hàm ý của điều người ta nói với tôi. Đã đến lúc chúng ta cần loại khỏi đầu óc những suy nghĩ sai lầm nếu muốn có cơ hội cho sự tiến bộ.

Thanh Xuân dịch

Tác giả