Tái cấu trúc khoa học Hàn Quốc

Giáo sư vật lý Han Woong Yeom, Giám đốc Trung tâm Các hệ điện thấp chiều nhân tạo (Viện Nghiên cứu Khoa học cơ bản, Pohang) và Phó chủ tịch Hội đồng cố vấn Tổng thống về KH&CN Hàn Quốc cho rằng, việc chuyển đổi sang các sự án cho các nhà nghiên cứu độc lập dẫn dắt sẽ có thể đem lại thành công cho chương trình nghiên cứu của quốc gia.

Kinh phí dành cho R&D của Hàn Quốc từ chính phủ và ngành công nghiệp ở mức 4,24% GDP năm 2016 – tỷ lệ cao thứ nhì thế giới (Israel ở vị trí dẫn đầu với 4,25%). Trong vòng ba thập kỷ, chính phủ đã đầu tư hàng tỷ USD mỗi năm vào ngành công nghiệp công nghệ cao, đưa các công ty điện tử Hàn Quốc như Samsung, LG hay SK Hynix lên đẳng cấp hàng đầu thế giới.

Nghiên cứu hàn lâm bùng nổ với số lượng công bố và trích dẫn: năm 2016, Hàn Quốc xếp hạng 12 và 13. Nhiều viện nghiên cứu và cơ sở nghiên cứu được xây dựng. Năm 2011, chính phủ thành lập Viện nghiên cứu Khoa học cơ bản, một mạng lưới gồm các trung tâm nghiên cứu quốc gia theo mô hình Max Planck Society (Đức). Năm 2017, một cơ sở nghiên cứu laser phi eletron tia X đẳng cấp thế giới được thành lập ở Pohang và tới năm 2021 sẽ là một máy gia tốc ion nặng ở Daejeon.

Tuy nhiên lại có nhiều nhà khoa học không hài lòng. Năm 2017, nhà sinh học Won-Kyung Ho tại trường đại học quốc gia Seoul khởi xướng một phong trào trên toàn quốc để kêu gọi nhà nước tài trợ nhiều hơn cho các dự án do cá nhân thực hiện bởi chỉ có 6% ngân sách quốc gia đầu tư cho các dự án do các nhóm nghiên cứu nhỏ thực hiện, phần còn lại đều rơi vào các dự án lớn “từ trên xuống” do chính phủ trực tiếp chỉ đạo trong các lĩnh vực mang tính chiến lược như công nghệ thông tin, robotics, khoa học vật liệu và công nghệ sinh học. Sự mất cân bằng này được cho là chủ đề khoa học lớn nhất được thảo luận trong suốt cuộc vận động tranh cử tổng thống năm 2017.

Các nhà khoa học tại Viện nghiên cứu KH&CN Tiên tiến Hàn Quốc đang tập trung vào trí tuệ nhân tạo, robotics. Nguồn: The Time

Có điều gì đó không ổn với hệ thống R&D của Hàn Quốc và mọi người đều biết. Đất nước này đầu tư rất nhiều cho khoa học nhưng ngày càng thiếu hiệu quả. Các nhà khoa học cảm thấy như bị “tước đoạt” kinh phí đầu tư cho nghiên cứu bởi sự thiếu minh bạch trong hệ thống tài trợ của chính phủ. Công chúng không thấy những giải pháp cho những vấn đề cấp bách như ô nhiễm không khí. Thậm chí các bộ trưởng và các nhà kinh tế cũng phàn nàn là các công bố quốc tế được trích dẫn nhiều cũng không đủ đem lại các công nghệ mới để giải quyết các vấn đề của đất nước.

Không quá ngạc nhiên về điều này. Có thể cách thức đưa một quốc gia từ một nền khoa học còn sơ khai đến giai đoạn bắt đầu gặt hái được thành công không còn phù hợp để đưa nó tới vị trí trưởng thành.

Hiện giờ ngành công nghiệp công nghệ cao Hàn Quốc đang dẫn đầu thế giới mà không cần sự chỉ đạo của chính phủ. R&D của đất nước đang đến giai đoạn bước ngoặt, nó cần một chương trình phát triển mới để đưa nền công nghiệp Hàn Quốc từ vị thế của “kẻ bám đuổi” tốc độ cao thành người dẫn đầu. Do đó, giáo sư Han Woong Yeom cho rằng hỗ trợ ngành công nghiệp không còn là cách làm tốt nhất nữa, một giải pháp hợp lý hơn là hỗ trợ dài hạn cho khoa học cơ bản, đầu tư vào cơ sở hạ tầng và nguồn lực con người, đồng thời giải quyết các vấn đề ở lĩnh vực công. Ông kêu gọi thảo luận giữa các nhà khoa học, nhà công nghiệp và các nhà hoạch định chính sách để có cách làm hiệu quả hơn.

Ba vấn đề tồn tại

Giáo sư Han Woong Yeom cho rằng ba vấn đề hiện hữu của Hàn Quốc là:

Khoa học cơ bản ít được đầu tư. Năm 2017, chỉ có 1,2 tỷ USD trong số 18 tỷ USD mà Chính phủ Hàn Quốc đầu tư cho các dự án nghiên cứu cơ bản độc lập “từ dưới lên” – đây là nghiên cứu do những cá nhân hoăc nhóm nghiên cứu nhỏ thực hiện. 80% dự án trong số này chỉ nhận được dưới 50.000 USD mỗi năm, không đủ để thực hiện những nghiên cứu đủ khả năng cạnh tranh quốc tế; đề xuất nghiên cứu cho các nhà khoa học trong giai đoạn nghiên cứu sung sức chỉ chiếm 11% dự án được tài trợ, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ 30% – mức tiêu chuẩn dành cho các nhà khoa học ở giai đoạn sung sức của Mỹ, châu Âu và Nhật Bản. Đây là kết quả các chính sách khoa học của những chính phủ trước bởi họ muốn tập trung vào những lĩnh vực mang tính chiến lược và phát triển các công nghệ mới nổi, phát triển các ngành công nghiệp và thị trường để đem lại sự tăng trưởng kinh tế.

Cách tiếp cận này đã đem lại một hệ thống R&D hai tầng, phần ít hơn được dùng cho cơ sở hạ tầng nghiên cứu trong trường đại học và các nhà nghiên cứu trẻ khó tìm được kinh phí ban đầu. Tương phản với điều này, một số trường đại học hàng đầu Trung Quốc vẫn tìm được những khoản tài trợ ban đầu trị giá 20 triệu USD cho các nhà nghiên cứu nhiều triển vọng trong những lĩnh vực như vật lý các chất đậm đặc – cao 10 lần so với những gì một nhà khoa học Hàn Quốc có thể chờ đợi. Không ngạc nhiên là nhiều nhà vật lý Hàn Quốc trẻ tài năng đã chuyển sang Trung Quốc làm việc.

R&D thiếu hiệu quả. Hàn Quốc có thể tạo ra nhiều sáng chế nhưng ít đổi mới sáng tạo. Ví dụ năm 2016, Hàn Quốc xếp hạng ba thế giới về số lượng bằng sáng chế sau Mỹ và Nhật Bản. Trong khi đó Hà Lan, xếp hạng 6 và có ngân sách đầu tư cho R&D bằng 1/4 Hàn Quốc nhưng thu được chi phí về công nghệ nhiều gấp 5 lần. Hàn Quốc có điểm số thấp về “tiềm năng đổi mới sáng tạo” (tức là năng lực sáng tạo và sử dụng đổi mới sáng tạo), trong đó bao gồm cả yếu tố chất lượng nghiên cứu trong các trường đại học, lực lượng nghiên cứu và các mối liên kết giữa trường viện và giới công nghiệp.

Một phần của vấn đề là việc thiếu sự dẫn dắt của chính phủ trong các dự án R&D. Các dự án do chính phủ điều hành thường được thiết kế nghèo nàn và có những mục tiêu thiếu rõ ràng, sản phẩm không đáp ứng được yêu cầu của ngành công nghiệp. Ví dụ, dự án về công nghệ siêu dẫn thế hệ mới của chính phủ bắt đầu vào năm 2001 thiếu một ý tưởng rõ ràng về các nhu cầu thị trường và kết thúc mà không có bất kỳ kết quả nghiên cứu quan trọng nào. Không có sản phẩm nào từ các dự án Chương trình Biên giới R&D thế kỷ 21 có được tác động thị trường bền vững khi sáng kiến kết thúc vào năm 2013.

Các nhà nghiên cứu tại Trung tâm Kiểm soát Doping của Viện KH&CN Hàn Quốc (KIST) kiểm tra một mẫu được lấy từ một vận động viên để xác định người này có sử dụng chất cấm không. Nguồn: KIST

Những vấn đề công không được giải quyết. Công dân Hàn Quốc cảm thấy họ bỏ tiền đầu tư cho khoa học nhưng vấn đề của họ lại không được đáp ứng. Tình trạng ô nhiễm không khí là một ví dụ. Không khí Hàn Quốc Severe có nồng độ bụi mịn (PM10và PM2.5) cao nhất trong số 34 quốc gia OECD: gấp ba Mỹ và gấp đôi Nhật Bản nhưng cả chính phủ lẫn cộng đồng khoa học đều không thu thập dữ liệu chính xác về chất lượng không khí hay những tác động lên sức khỏe.

Ở Hàn Quốc, số lượng người trên 65 tuổi đang tăng lên ở mức cao trên thế giới, vì thế những bệnh như Alzheimer trở thành vấn đề lớn của xã hội. Tuy nhiên chưa có một chương trình R&D ở cấp quốc gia cho vấn đề này.

Chính sách điều hành

Chính phủ hiện nay của Hàn Quốc đã thừa nhận tất cả những vấn đề tồn tại này và chính sách đã được đề xuất để thay đổi ba vấn đề trong vòng 5 năm tới. Tuy nhiên giáo sư Han Woong Yeom nêu một số điểm mấu chốt chưa được giải quyết thỏa đáng:

Thứ nhất, chính phủ sẽ tăng gấp đôi ngân sách cho các đề xuất từ dưới lên, chạm mức 2,2 tỷ USD vào năm 2021. Đây là điều tốt nhưng các trường đại học và phòng thí nghiệm quốc gia cần cải thiện cơ sở hạ tầng, các cơ sở lõi, năng lực kỹ thuật và quản trị nghiên cứu. Sinh viên và nhà nghiên cứu postdoc cần hỗ trợ tài chính nhiều hơn. Để giải quyết tất cả các vấn đề này đòi hỏi đầu tư nhiều hơn nữa.

Thứ hai, các sáng kiến của chính phủ sẽ cần tập trung vào các vấn đề xã hội như ô nhiễm không khí, động đất, hiểm họa hóa học, truyền nhiễm, biến đổi khí hậu, bệnh Alzheimer, năng lượng tái tạo. Dẫu sao điều này cũng không thể góp phần gia tăng hiệu quả của các chương trình do chính phủ điều hành. Nhiều chương trình được thiết kế một cách nghèo nàn như chương trình về môi trường và công nghệ mới nổi. Năm ngoái, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã kêu gọi cải thiện kế hoạch và tổ chức các dự án R&D nhưng hiệu quả vẫn chưa đến.

Thứ ba, hỗ trợ của ngành công nghiệp cần được xốc lại. Chính phủ hiện nay đang đánh cuộc vào “cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4” để tạo ra những cơ hội thương mại và tiêu chuẩn công việc trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, khoa học dữ liệu, truyền thông di động siêu tốc độ, IoT, thành phố thông tin, tin sinh học và nhiều thứ khác. Theo giáo sư Han Woong Yeom, ý tưởng về cuộc cách mạng công nghiệp còn quá mơ hồ để dồn tiền thuế của đất nước vào đó.

Hơn nữa, ba chính sách điều hành này sẽ làm siết chặt ngân sách đầu tư trong các lĩnh vực khác. Hiện chưa có ý tưởng rõ ràng về những lĩnh vực cần đầu tư.

Cần đối thoại mở

Để giải quyết vấn đề, giáo sư Han Woong Yeom cho rằng, điều đầu tiên là cần một cuộc tranh luận thẳng thắn và trung thực về những vấn đề mà giới khoa học muốn giải quyết. Sự cởi mở và trung thực sẽ giúp hạn chế những lỗi sai lớn có thể xảy ra. Ông cũng mong muốn có nhiều nhà khoa học tham gia vào hoạch định chính sách ở Hàn Quốc và sự thiết lập một văn hóa cho phép chính phủ và cộng đồng khoa học duy trì các cuộc thảo luận trên cơ sở bằng chứng, minh bạch và thường xuyên.

Thanh Nhàn tổng hợp

Nguồn: Báo Khoa học và Phát triển

Tác giả