Viện Tế bào gốc: Kết nối quốc tế ngay từ bước khởi đầu

Sau hơn mười năm thành lập, Viện Tế bào gốc (được thành lập trên cơ sở các thành tựu của Phòng thí nghiệm Nghiên cứu và ứng dụng tế bào gốc), trường ĐH KHTN, ĐHQG TP Hồ Chí Minh không chỉ đem lại những nghiên cứu quan trọng về tế bào gốc trên người và chuyển giao công nghệ để đưa vào điều trị phổ biến trong y tế mà còn góp phần làm thay đổi hẳn diện mạo của ngành học này ở Việt Nam.


Nguồn thu từ chuyển giao công nghệ đã đem lại nguồn đầu tư cho tốt cho nghiên cứu của Viện/ Viện đủ khả năng chi trả cho các đề tài nghiên cứu cấp Viện tối đa lên tới 500 – 600 triệu/ một đề tài. Ảnh: Trong phòng thí nghiệm của Viện Tế bào gốc. Nguồn: Viện Tế bào gốc.

Đi đầu trong chuyển giao công nghệ tế bào gốc

Năm 2016, Bệnh viện Đa khoa Vạn Hạnh, TP HCM là đơn vị duy nhất được Bộ Y tế phê chuẩn áp dụng chính thức kỹ thuật điều trị thoái hóa khớp bằng tế bào gốc mô mỡ tự thân (lấy mô mỡ của chính người bệnh để tách chiết lấy tế bào gốc) và huyết tương giàu tiểu cầu. Phương pháp mới này đem lại hiệu quả điều trị lên tới 86% và bệnh nhân thoái hóa khớp gối không cần phải phẫu thuật cũng như quá trình hồi phục kéo dài sau phẫu thuật. Cùng thời điểm, đây cũng là đơn vị đầu tiên được thử nghiệm lâm sàng đánh giá an toàn và hiệu quả bước đầu của phương pháp ghép tế bào gốc trung mô ở bệnh nhân đái tháo đường type 1, thử nghiệm lâm sàng liệu pháp tế bào gốc để điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính COPD.

Điều đáng ngạc nhiên là, những kỹ thuật được đánh giá là tiên tiến này lại không phải là sản phẩm nhập khẩu từ nước ngoài, mà hoàn toàn là chuyển giao công nghệ “nội địa” giữa bệnh viện Đa khoa Vạn Hạnh với Viện Tế bào gốc. Những bộ kit tách chiết tế bào gốc từ mô mỡ và bộ kit tách chiết huyết tương giàu tiểu cầu đều là những kết quả nghiên cứu hoàn toàn do người Việt thực hiện tại Viện tế bào gốc và được chuyển giao cho công ty TNHH Thế giới gene ở Khu công nghệ cao Quận 9 TP HCM sản xuất.

Hiện nay, các đơn vị ứng dụng nghiên cứu tế bào gốc vào điều trị không còn hiếm hoi ở Việt Nam, ước tính, có khoảng gần 50 cơ sở trong cả nước, nhưng Viện Tế bào gốc là cơ quan duy nhất có khả năng thực hiện các nghiên cứu bài bản, đưa ra công nghệ, từ chỗ chứng minh được hiệu quả, an toàn của công nghệ ở mức độ phòng thí nghiệm, trên động vật cho đến … đưa ra quy trình sản xuất đảm bảo đạt quy chuẩn cấy ghép trên người. “Viện khẳng định, môi trường nuôi cấy tế bào gốc trung mô của Viện không thua kém bất kỳ một sản phẩm nào khác, của bất cứ nước nào trên thị trường. Nếu các đơn vị sử dụng môi trường nuôi cấy của Viện tế bào gốc mà nhận thấy có sản phẩm của nơi khác tốt hơn, thì Viện sẽ tặng không môi trường nuôi cấy của Viện”, TS. Vũ Bích Ngọc, Trưởng phòng KH&CN và Sở hữu trí tuệ tại Viện cho biết. Nhưng những đơn vị đã dùng môi trường nuôi cấy tế bào gốc của Viện đều rất “chung thủy” với sản phẩm của Viện. Bởi vì, hiện nay, đa số công nghệ được chuyển giao của Viện đều có giá … 1.000 đồng – Với mức giá chuyển giao này, Viện không nhận tiền chuyển giao công nghệ mà chỉ yêu cầu đơn vị nhận chuyển giao sử dụng hóa chất, vật tư của viện trong quá trình sử dụng sau này. Sản phẩm tốt là chưa đủ, Viện còn hỗ trợ kỹ thuật bài bản cho các đơn vị được chuyển giao công nghệ, thậm chí nếu đơn vị đó muốn thành lập một đơn vị chuyên tách chiết và nuôi cấy tế bào gốc phục vụ cho điều trị hoặc nghiên cứu thì Viện cũng sẽ hỗ trợ kỹ thuật trong suốt quá trình xây dựng.


Điều trị bệnh thoái hóa khớp gối bằng tế bào gốc tại bệnh viện Đa khoa Vạn Hạnh. Ảnh: VTV.

Cách tổ chức bài bản, minh bạch

Hiệu quả từ nghiên cứu ứng dụng có thể “đo đếm” được mới chỉ là “phần nổi của tảng băng trôi”. Những ứng dụng và chuyển giao đó là kết quả của đầu tư cho nghiên cứu cơ bản rất bài bản của Viện trong suốt mười năm qua. Không khó để nhìn thấy kết quả đó, với một loạt công bố của các nhà nghiên cứu trong Viện: PGS.TS Phạm Văn Phúc (Viện trưởng) và Ths Phan Kim Ngọc (nguyên Trưởng Phòng thí nghiệm Tế bào gốc) đều có hơn một trăm công bố, các trưởng phòng hiện nay của Viện đều có khoảng hơn 10 cho tới 40 – 50 công bố, cho đến những nhà nghiên cứu trẻ cũng đều có tên trong danh sách công bố này. Thậm chí, “hầu hết sinh viên được giữ lại ở đây, sau khi làm xong đề tài tốt nghiệp là đã công bố được một bài báo quốc tế thuộc Web of Science và Scopus với Impact factor cao”, TS. Vũ Bích Ngọc cho biết.

Chính những nghiên cứu cơ bản là những viên gạch móng đầu tiên cho ngành học này. Từ những năm 2000, khi thế giới công bố các nghiên cứu về tế bào gốc, Ths Phan Kim Ngọc nhận ra ngay đây là “kho vàng” của y học và bắt đầu xắn tay vào viết dự án thành lập phòng thí nghiệm tế bào gốc. Ông tham khảo kinh nghiệm quốc tế, viết thư hỏi các đồng nghiệp trên thế giới. “Thậm chí, tại thời điểm thành lập Phòng thí nghiệm tế bào gốc, khái niệm tế bào gốc vẫn chưa ra đời, thời gian đó các nhà khoa học Việt Nam vẫn gọi stem cell như là tế bào mầm. Chúng tôi đọc các công bố nước ngoài thì phát hiện có một thuật ngữ khác là germ cell là tế bào mầm và đề xuất thay đổi cái gọi từ tế bào mầm sang tế bào gốc (stem cell). Song vẫn còn tranh cãi và niềm tin về vai trò một loại tế bào đặc biệt – tế bào gốc vẫn chưa được chấp nhận rộng rãi trong các nhà khoa học ở nước ta”, PGS.TS Phạm Văn Phúc nhớ lại.

Nhưng Ths Phan Kim Ngọc tin tưởng vào sự chuẩn bị bài bản của ông, từ chỗ thuyết phục, kêu gọi các nhà khoa học nước ngoài cùng tham gia hợp tác nghiên cứu, cho tới đặt vấn đề hợp tác với các phòng thí nghiệm, cơ sở nghiên cứu khác trong nước (Bệnh viện Từ Dũ, Viện Chăn nuôi quốc gia). Ông tự đề ra một khái niệm “biên giới linh động”. “Khi ai hỏi ‘biên chế’ phòng thí nghiệm của tôi bao nhiêu người, tôi yêu cầu phải hỏi cụ thể ‘biên chế của chương trình nào, đề tài nào, hướng nghiên cứu nào?’, vì mỗi Chương trình của tôi có nhiều người từ các đơn vị khác, thậm chí có cả người nước ngoài, được ký cùng làm trong 2- 3 năm chẳng hạn. Mình chưa biết làm, tất cả đều mới, nên chắc chắn phải hợp tác với nước ngoài”, ông kể. Ông cùng học trò bắt đầu tiến hành những thí nghiệm đầu tiên. Năm 2005, Phòng thí nghiệm Công nghệ sinh học phân tử – do Ths Phan Kim Ngọc xây dựng trước đó và sau này sáp nhập vào Phòng thí nghiệm Tế bào gốc – đã phân lập nuôi cấy, biệt hoá thành công tế bào gốc từ tuỷ xương chuột, phôi thai chuột. Tất cả những điều đó đã đem lại một thuyết minh dự án đầy tiềm năng, tương lai nghiên cứu mới của ngành học mới mẻ này. Năm 2007, Bộ KH&CN quyết định đầu tư cho phòng thí nghiệm trọng điểm Nghiên cứu và ứng dụng tế bào gốc với số tiền đầu tư lên tới 40 tỉ đồng.


Các thí sinh tham tham gia cuộc thi Stem Cell Innovation 2018 của Viện. Ảnh: Viện Tế bào gốc.

Mở ngay từ ban đầu

Đầu năm 2018, Phòng thí nghiệm Nghiên cứu và ứng dụng tế bào gốc chính thức được quyết định chuyển thành Viện Tế bào gốc hoạt động theo cơ chế tự chủ. Tự nuôi quân, trong khi “Phúc là người ‘già’ nhất ở Viện”, theo Ths Phan Kim Ngọc, còn ông thì cũng đã nghỉ hưu từ năm 2016. Một đội ngũ rất trẻ, với tất cả lãnh đạo các phòng ban đều thuộc thế hệ 8X, thậm chí một số trưởng phòng chỉ mới 9X, liệu có bỡ ngỡ?

“Không, ngay từ giai đoạn còn là phòng thí nghiệm thì chúng tôi đã hoạt động chuyên nghiệp giống như một tổ chức độc lập, nên khi phát triển thành Viện, chỉ cần bê nguyên cơ cấu nhân sự đó thành Viện rồi kiện toàn cho nó hoàn thiện hơn”, TS Vũ Bích Ngọc nói. Chẳng hạn, theo chị Ngọc, từ trước 2007, mặc dù tất cả nhân sự của phòng thí nghiệm đều là làm công tác nghiên cứu (trừ kế toán) nhưng vẫn phân chia trách nhiệm xử lý hành chính theo từng nhóm riêng, sự kết hợp giữa các nhóm trong giải quyết hồ sơ rất ăn khớp, nhịp nhàng, khi có hồ sơ chuyển giao công nghệ, hợp tác nghiên cứu… đều được chuẩn bị rất bài bản rồi gửi sang cho trường giải quyết. Để giảm tải, tối ưu hóa thời gian cho khối lượng công việc hành chính cũng như trao đổi giữa các thành viên trong viện, chính Viện trưởng là người cập nhật và yêu cầu toàn bộ cán bộ sử dụng những phần mềm hỗ trợ tương tác, trao đổi công việc như Basecamp. Thậm chí, người viết bài này, khi đề xuất cán bộ Viện cập nhật một số tin tức mới về tình hình nghiên cứu y học trên thế giới cũng như thành tựu của Viện, thì ngay lập tức được mở một quyền truy cập vào Thư mục Tin khoa học trong Basecamp của Viện, và các trao đổi, thắc mắc đều được giải đáp, trả lời chỉ trong vài giờ đồng hồ.

Không chỉ đảm bảo một guồng máy làm việc nội bộ chặt chẽ, êm ru nhất, mà Viện cũng có tư duy mở, kết nối với giới nghiên cứu quốc tế cũng như cách thức quảng bá, truyền thông về tế bào gốc đến công chúng rất hiệu quả. Hai năm một lần, Viện tổ chức hội thảo quốc tế về tế bào gốc, mời những nhà khoa học uy tín trên thế giới về tế bào gốc cũng như toàn bộ giới nghiên cứu tế bào gốc, công nghệ sinh học ở Việt Nam, nhằm thảo luận về tình hình nghiên cứu trên thế giới, các kết quả mới ở Việt Nam. “Những hội thảo này rất hiệu quả, thông qua đó, chúng tôi đều có được bài viết tốt, mối quan hệ với những nhà khoa học uy tín và cơ sở hàng đầu trên thế giới”, theo TS. Vũ Bích Ngọc. Hàng loạt các trường đại học lớn, viện nghiên cứu đều đã tìm đến Viện để đặt vấn đề hợp tác. Viện cũng đã “hữu xạ tự nhiên hương”, chẳng hạn lãnh đạo và giảng viên của ba trường đại học từ Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc lần lượt đến Viện để tham quan, trao đổi trong tháng 11, 12 này đều là tự tìm đến chứ không phải do Viện liên hệ và mời. Năm năm nay, Viện thường xuyên tổ chức cuộc thi Stem Cell Innovation nhằm tạo sân chơi học tập và nghiên cứu cho tất cả các bạn học sinh, sinh viên yêu thích lĩnh vực sinh học, công nghệ sinh học. Quy mô của các kỳ thi này tăng lên nhanh chóng, năm 2016, có 200 đội thi đăng ký thì đến năm 2018, đã có tới 386 đội thi với 1185 thí sinh đến từ 41 trường đại học, phổ thông trung học trong cả nước.
Một phong cách làm việc chuyên nghiệp, một tư duy cởi mở không phải tự nhiên mà có.

Từ thế hệ đầu là Ths Phan Kim Ngọc cho tới các thế hệ sau này, cán bộ Viện đều thực sự được “truyền lửa” – như cách nói của TS Vũ Bích Ngọc về một cách làm việc nhiệt huyết, không mệt mỏi của những thế hệ đi trước. Ths Phan Kim Ngọc hay PGS.TS Phạm Văn Phúc đều được các đồng nghiệp đánh giá là người “không biết đến điều gì khác ngoài công việc”. Ths Phan Kim Ngọc là người xây dựng phòng thí nghiệm từ số không, còn PGS.TS Phạm Văn Phúc tiếp nhận Viện khi đã có hình hài, cơ cấu bộ máy tương đối ổn định nhưng anh không hề ngơi tay. Người viện trưởng sinh năm 1983 này còn là tổng biên tập của hai tạp chí của Viện và đều được công nhận trong danh mục Scopus, Web of science vào năm ngoái. “Toàn bộ bài vở của hai tạp chí này đều do thầy Phúc lo, cán bộ Viện chỉ gửi bài thôi”, TS Vũ Bích Ngọc nói.

Tác giả

(Visited 7 times, 1 visits today)