Anh: Cấp kinh phí khoa học dựa trên đánh giá mức “ảnh hưởng”

Các nhà cấp kinh phí nghiên cứu ở Anh đã phải vất vả trong 4 năm qua để tìm cách đo lường lợi ích của nghiên cứu đối với xã hội và nền kinh tế, một phần của công cuộc cải tổ hệ thống đánh giá khoa học tại các trường Đại học ở Anh. Nhưng Hội đồng Kinh phí cho Giáo dục cấp cao (HEFCE), tổ chức chịu trách nhiệm chính trong cuộc cải tổ, mới đây cho rằng họ đã tìm ra một phương pháp khả thi. 

Một nghiên cứu tiền trạm kéo dài 1 năm mới được công bố đã cho thấy rằng việc sử dụng các hội đồng kiểm chứng chuyên môn (peer-review panels) trong đánh giá “ảnh hưởng” của các nghiên cứu là “khả thi” và “đáng tin cậy”. 

“Chúng tôi xem đây là một thành công,” David Sweeney, trưởng ban nghiên cứu của HEFCE, tuyên bố. 

Dự kiến tới năm 2014, phương pháp mới sẽ chính thức được bổ sung vào hệ thống thẩm định nghiên cứu của quốc gia, nhằm giúp phân phối hơn 1,5 tỷ bảng (tương đương 2,4 tỷ USD) hàng năm của ngân sách công dành cho các trường đại học. Ảnh hưởng của nghiên cứu dự kiến sẽ chiếm tới 25% đánh giá chất lượng nghiên cứu của mỗi khoa chuyên môn trong trường đại học.

Nhiều tổ chức khẳng định rằng nay họ đã được giải tỏa mối lo ngại trước đây, rằng việc chú trọng vào ảnh hưởng của nghiên cứu sẽ gây thiên lệch kinh phí cho những nghiên cứu thiên về ứng dụng. Tuy nhiên, một số vẫn băn khoăn về phương thức hoạt động của hệ thống mới. 

Đo lường mức ảnh hưởng như thế nào?
Hệ thống được dự trù — được gọi là Cơ sở Ưu điểm Nghiên cứu (REF) — sẽ thay thế cho Quy trình Đánh giá Nghiên cứu (RAE) để trở thành hệ thống thẩm định mới của quốc gia, vốn thiếu khả năng đánh giá hiệu quả đối với xã hội. 

Trong nghiên cứu tiền trạm về đánh giá ảnh hưởng, các khoa trong các trường đại học được yêu cầu cung cấp bản đánh giá tác động của một phần mười số nghiên cứu họ tiến hành trong vòng 17 năm qua. Những bản đánh giá này được thẩm định bởi các ủy ban chuyên môn gồm các nhà khoa học trong giới học thuật và các ngành công nghiệp, để xếp hạng từ mức 4 sao (tốt nhất) tới mức không được xếp hạng. 

Trong nghiên cứu này, 11 khoa các trường đại học được thẩm định trong đánh giá đối với ngành vật lý, 10 khoa được thẩm định trong đánh giá của các ngành Y, khoa học Trái đất, và khoa học môi trường…

Các tiêu chí đánh giá mức ảnh hưởng sử dụng trong nghiên cứu tiền trạm bao gồm việc giúp hình thành nên các công ty ứng dụng công nghệ, hình thành các cuộc thử nghiệm y tế và phát triển dược phẩm; tác động tới việc hình thành chính sách liên quan tới môi trường; hoặc sự phát triển các sản phẩm và dịch vụ công nghiệp, ví dụ như phần mềm và công nghệ máy tính. 

Căn cứ theo các hội đồng đánh giá chuyên môn, “thẩm định của các chuyên gia là cách làm phù hợp để đánh giá mức hiệu quả kinh tế xã hội đối với từng trường hợp hồ sơ”.

Jonathan Grant, chủ tịch của RAND Europe, một công ty tư vấn nghiên cứu có trụ sở tại Cambridge, viết một báo cáo trong năm ngoái chỉ trích REF, nhưng nay cũng nhìn nhận lại rằng: “nếu chúng ta sẽ tiến hành đánh giá ảnh hưởng của nghiên cứu, thì đây chính là cách thực hiện”. 

Những lo ngại khác
Nhưng vẫn còn những khó khăn chưa được giải quyết. Có ý kiến nói rằng nghiên cứu tiền trạm đã trả lời được nhiều quan ngại từ phía các trường đại học nhưng cũng chỉ ra rằng những khó khăn vẫn có thể nảy sinh trong việc mô tả các ảnh hưởng trong quá trình hợp tác của các trường đại học với các ngành công nghiệp.

Một số đối tác của Đại học York không thiện chí trong việc công bố các chi tiết cần thiết để mô tả tác động từ nghiên cứu, Anna Grey, nhà quản lý nghiên cứu của Đại học York, người tham gia vào nghiên cứu tiền trạm trong đánh giá đối với ngành vật lý nói. Các thông tin đó bao gồm cả chi tiết về giá trị tài chính tiết kiệm được từ sản phẩm hay dịch vụ được tạo ra từ kết quả nghiên cứu học thuật của trường đại học.

“Trừ phi chúng ta có thể chứng minh với các công ty rằng thông tin họ cung cấp sẽ được bảo mật, chúng ta sẽ gặp khó khăn trong việc tìm căn cứ xác thực để đánh giá mức ảnh hưởng”, bà nói.

Các vấn đề khác bao gồm cả việc đâu là khoảng thời gian cần thiết để đánh giá ảnh hưởng. Kết quả nghiên cứu tiền trạm cho rằng các tổ chức học thuật nên được phép nộp các kết quả nghiên cứu từ cách đây 15 tới 25 năm. Đối với vật lý, Grey muốn khoảng thời gian là 25 năm. 

Một điều chưa chắc chắn khác là chỉ số ảnh hưởng sẽ đóng góp bao nhiêu % tới tổng điểm REF. Grant cho rằng nên là 10 tới 20%, thay vì 25%.


Hiện nay, người ta đang cân nhắc cơ chế chấm điểm REF đối với các tổ chức khoa học, trong đó điểm tính từ số lượng sản phẩm nghiên cứu chiếm tỷ trọng 60%, điểm từ ảnh hưởng của nghiên cứu chiếm 25%, điểm từ môi trường nghiên cứu (chất lượng và tính bền vững của môi trường nghiên cứu) chiếm 15%.

Chi phí của cơ sở thẩm định mới vẫn chưa rõ. Cơ quan HEFCE cho tạp chí Nature biết rằng họ dự kiến chi phí sẽ tương đương với RAE – khoảng 60 triệu bảng cho mỗi đánh giá. Nhưng HEFCE cũng thừa nhận rằng đối với REF “sẽ có thêm nỗ lực trong việc tìm bằng chứng và đánh giá hiệu quả” đối với các trường đại học, nhiều hơn so với dữ liệu người ta cần thu thập cho các đánh giá theo hệ thống RAE. 

Rodney Phillips, một nhà miễn dịch học tại Đại học Oxford, người cũng tham gia nghiên cứu tiền trạm đối với lĩnh vực y tế cho biết thay vì làm giảm khối lượng công việc cho trường – động cơ chính của Chính phủ cho việc cải tổ – thì cơ chế mới lại khiến có nhiều việc phải làm hơn so với cơ chế RAE cũ”. 

Peter Main, Giám đốc về giáo dục và khoa học tại Viện Vật lý London, nói rằng: “Các trường đại học thường rất coi trọng nguồn kinh phí nghiên cứu, vì vậy có thể sẽ gây sức ép khiến các khoa chuyên môn phải liên tục nghiên cứu theo một số hướng nhất định mà người ta biết là đã từng xin được kinh phí, ngay cả khi ảnh hưởng tiềm năng của những hướng nghiên cứu khác có thể là lớn hơn”. 

HEFCE khẳng định rằng cơ quan này sẽ thảo luận về các đề xuất và dự kiến sẽ công bố các quyết định cuối cùng của mình trong tháng 2 năm 2011. 

Trần Lê dịch (Nature News)

Tác giả