Con đường hội nhập thế giới của khoa học Việt Nam

Hai thập kỷ hội nhập với thế giới về kinh tế đã giúp cho Việt Nam phần nào thoát khỏi cảnh nghèo đói bế tắc của những năm 1980. Để trở thành một nước văn minh, Việt Nam cần hội nhập một cách toàn diện, không chỉ về kinh tế mà còn về những mặt khác, trong đó có khoa học. Việt Nam đã đạt được một số thành tích khoa học trong những thập kỷ qua, và đã có những biểu hiện tích cực trong việc hội nhập thế giới, ví dụ như việc gửi SV và NCS đi đào tạo ở các nước tiên tiến theo chương trình 322, việc thành lập Đại học quốc tế Việt-Đức, việc hình thành Quĩ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia, việc Bộ KH&CN mua quyền truy cập điện tử tới hơn 2000 tạp chí quốc tế, việc trực tuyến hóa các tạp chí khoa học của Việt Nam, v.v. Tuy nhiên, nền khoa học Việt Nam còn rất nhiều vướng mắc trong quản lý, và thành tích còn rất khiêm tốn.

Quốc tế hóa khoa học

Trong báo cáo của Đại học Harvard gửi Thủ tưởng Nguyễn Tấn Dũng [1] có viết: “Sử dụng mọi thước đo khách quan, dường như nền khoa học và công nghệ của Việt Nam là một thất bại”. Theo một thống kê của GS Phạm Duy Hiển [2] dựa theo cơ sở dữ liệu ISIKOWLEDGE, tổng số bài báo khoa học công bố quốc tế của Việt Nam trong năm 2007 là 691 bài, chưa bằng 1% của Trung Quốc (81006 bài). Ngay ngành toán học của Việt Nam, được coi là ngành khoa học phát triển tốt nhất, cũng có vị trí rất khiêm tốn trên thế giới [3,4]. Nếu nhìn sang các ngành khoa học khác, ví dụ như cơ học, tình hình có vẻ còn khó khăn hơn nhiều [5]. Con đường hội nhập thế giới của khoa học Việt Nam ắt hẳn còn rất dài và có nhiều trở ngại, cần nhiều thời gian (có thể hàng chục năm hay hàng thế hệ), cần những sự thay đổi đột phá rất lớn, và phụ thuộc nhiều vào tầm nhìn và độ tâm huyết của đội ngũ lãnh đạo ở Việt Nam. Những thế hệ lãnh đạo khoa học mới phải là những trí thức đã từng làm khoa học nghiêm chỉnh thực sự, có tầm nhìn xa và đủ bản lĩnh để tạo ra những thay đổi cơ bản trong việc quản lý khoa học.
Để Việt Nam thực sự hội nhập với thế giới về khoa học, một trong những chiến lược quan trọng nhất là cần phải quốc tế hóa khoa học. Cụm từ quốc tế hóa khoa học mà tôi muốn dùng ở đây bao gồm nhiều khía cạnh, trong đó có:
– Nâng tỷ lệ đầu tư cho khoa học lên ngang tầm quốc tế
– Học tập những mô hình quản lý và phát triển khoa học đã thành công trên thế giới, xóa bỏ những cơ chế vướng mắc cản trở khoa học của Việt Nam.
– Đi theo chuẩn mực quốc tế về chất lượng của các công trình khoa học, bằng cấp khoa học, tạp chí khoa học, và sự trung thực trong khoa học.
– Đi theo chuẩn mực quốc tế về môi trường làm việc khoa học, trong đó có cả điều kiện về cơ sở vật chất, điều kiện về lương bổng, và điều kiện về tự do tư tưởng trong khoa học.
– Thu hút các nhà khoa học quốc tế (trong đó có Việt kiều) đến làm việc hay hợp tác ở Việt Nam, tăng cường tổ chức các hội nghị khoa học quốc tế ở Việt Nam, thiết lập các trung tâm khoa học quốc tế ở Việt Nam, với sự tham gia của các tổ chức quốc tế hoặc của các nước khác
– Khuyến khích các nhà khoa học Việt Nam đi hội nghị và hợp tác khoa học ở nước ngoài, và tham gia vào các hiệp hội khoa học trên thế giới.
– Cập nhật các tri thức khoa học thế giới và tìm cách ứng dụng chúng vào Việt Nam, và đóng góp các nghiên cứu của Việt Nam hoặc về Việt Nam cho thế giới.

– Đưa vào sử dụng những công nghệ thông tin hiện đại nhất phục vụ cho việc hợp tác, trao đổi, tìm hiểu và truyền bá thông tin và kiến thức khoa học, khuyến khích mô hình “online” (như online cooperation, online conference) trong khoa học, v.v.
Trong khuôn khổ bài viết này, tôi chỉ muốn bình luận thêm một chút một vài điểm trong những điểm vừa nêu ở trên.

 
 
Một rồng hay mười giun?

GS Hoàng Tụy [6] và nhiều trí thức khác từng có những nhận xét rất chua xót về tình trạng kém chất lượng trong khoa học và giáo dục, bằng rởm, danh hão ở Việt Nam. Đôi khi tôi tự hỏi tình trạng đó có phải là một trong những nét đặc trưng của “người Việt Nam xấu xí” chúng ta không ? Trong văn học dân gian Việt Nam có chuyện về một ông trạng nguyên (Trạng Quỳnh) có một lần thi vẽ tranh với Sứ Tàu. Sứ Tàu còn đang mải miết vẽ chưa xong đầu của con rồng, thì Trạng Quỳnh đã dùng 10 đầu ngón tay vẽ nguyệc ngoạc ra 10 con giun. Tôi không hiểu tại sao dân gian ta lại thích câu chuyện đó đến vậy (có thể tại những lý do lịch sử), nhưng quả thực nếu cách cư xử của ông trạng Việt kia là nét đặc trưng văn hóa của người Việt thì thật đáng buồn: ông trạng Việt không có thực tài (trong hội họa), nhưng thích lươn lẹo, coi thường chuẩn mực về chất lượng, để hòng đạt một danh hão “chiến thắng Sứ Tàu”.
Những xu hướng 10 giun có nguy cơ làm hại đất nước chúng ta trong mọi lĩnh vực, và chúng ta cần tìm cách rũ bỏ được cái văn hóa 10 giun đó. Trong khoa học cũng có nhiều biểu hiện của xu hướng 10 giun. Ví dụ như tình trạng “tiến sĩ giấy”. Dự án “đào tạo 20 ngàn tiến sĩ trong vòng 10 năm” được Nhà nước đề xướng cách đây ít lâu, nếu không cẩn thận cũng sẽ làm sinh ra thêm hàng ngàn tiến sĩ giấy. Chi phí đào tạo một người từ trình độ đại học loại giỏi lên thành tiến sĩ theo chuẩn quốc tế có thể tính trong khoảng 100 ngàn USD Mỹ. Nếu muốn có 20 ngàn tiến sĩ theo chuẩn quốc tế thì chi phí sẽ tính bằng tiền tỷ USD, chia cho 10 năm ra được con số hàng trăm triệu USD một năm. Con số này rất lớn và không khả thi so với tổng ngân sách chi cho khoa học hiện tại (khoảng 400 triệu USD một năm). Nhưng nếu đào tạo không theo chuẩn mực quốc tế, thì kết quả sẽ là có quá nhiều tiến sĩ hữu danh vô thực, và càng nguy hiểm hơn nữa nếu như chính những tiến sĩ hữu danh vô thực này lại là những người sẽ nắm quyền lãnh đạo.
Tuy về số lượng người làm khoa học ở nước ta chưa nhiều, nhưng cái chúng ta thiếu nhất không phải là số lượng, mà là chất lượng. Theo GS Phạm Duy Hiển và TS Phạm Đức Chính [7] thì về kết quả khoa học chúng ta thua xa Thái Lan, tuy rằng nếu tính về “số người làm khoa học” thì chúng ta nhiều hơn họ những 3,3 lần (21 ngàn người so với 6400 người). Bởi vậy chúng ta cần đặt vấn đề phát triển về chất trong khoa học lên hàng đầu. Thay vì muốn có thêm 20 ngàn tiến sĩ trong vòng 10 năm, tại sao chúng ta không quyết tâm sao cho các tiến sĩ mới ở Việt Nam đều đạt chuẩn mực quốc tế và có lương tối thiểu 20 ngàn USD một năm (xứng đáng với trình độ và hiệu quả lao động của họ) ?
Để đảm bảo chất lượng quốc tế cho những tiến sĩ bảo vệ trong nước, Việt Nam cần khắt khe hơn trong các yêu cầu về khoa học, và đồng thời đầu tư nhiều tiền của hơn cho mỗi nghiên cứu sinh. Ví dụ cần quốc tế hóa các hội đồng bảo vệ luận án tiến sĩ, với ít nhất 2 thành viên là các nhà khoa học nước ngoài có uy tín, và người bảo vệ phải có ít nhất một bài báo khoa học đăng trên một tạp chí quốc tế có uy tín. (Có những tiêu chuẩn trên thế giới để giúp đánh giá thế nào là “có uy tín”). Để đạt được bằng “tiến sĩ quốc tế” như vậy ắt hẳn các nghiên cứu sinh cùng thầy hướng dẫn của họ sẽ phải chọn những đề tài khoa học nghiêm chỉnh hơn, mất nhiều thời giờ nghiên cứu hơn. Đổi lại, họ cần được cấp kinh phí tốt hơn, và những người sau khi đã có bằng tiến sĩ “tiêu chuẩn quốc tế” thì cần có mức lương xứng đáng và điều kiện làm việc thích hợp để họ có thể phát huy khả năng của họ, đem lại hiệu quả lao động cao.


Không chỉ trong việc đào tạo tiến sĩ, mà trong mọi việc khác liên quan đến khoa học, Việt Nam cũng cần đi theo chuẩn mực quốc tế về chất lượng. Ví dụ cơ chế xét duyệt phong GS hay PGS hiện tại có xu hướng chạy theo danh hão và rất hình thức, cần được thay đổi. Theo cơ chế hiện tại, một người không có trình độ khoa học nhưng muốn được phong GS hay PGS, có thể đăng mấy “công trình” không ai quan tâm đến trong một tạp chí “vườn” không có phản biện, các “công trình” đó vẫn được được hội đồng xét chức danh tính điểm cho đủ điểm về khoa học. Trong khi đó một người có trình độ và đóng góp thực sự về khoa học thì có khi lại khó được phong GS hay PGS vì không thỏa mãn một vài điều kiện hình thức. Mới đây tôi nghe nói đến dự án “Trung tâm tiến sĩ Việt Nam” mà cười ra nước mắt. Không cần phải là tiến sĩ cũng có thể nhận thấy sự phù phiếm của cái dự án “có một không hai trên thế giới” này [8]. Tôi rất e ngại là cái dự án đó cũng sẽ thành một thứ 10 giun, làm thỏa mãn danh hão của một số người nào đó và giúp một số người khác chiếm dụng một mảnh đất của Nhà nước có giá trị đến hàng trăm triệu USD. Giá như khu đất đó được dùng cho các nhu cầu thực sự của khoa học và những người làm khoa học thì có lẽ có ích hơn nhiều.



 
Học tập Senegal?

Các nhà khoa học và giảng viên đại học ở Việt Nam có lương quá thấp so với thế giới, không chỉ so với những nước hiện giàu hơn ta nhiều như Mỹ hay Thái Lan, mà ngay cả so với những nước nghèo như Senegal hay Pakistan. Theo một thống kê của Quĩ tiền tệ Quốc tế IMF, thu nhập bình quân trên đầu người của Việt Nam, Pakistan và Senegal năm 2007 tính theo PPP (purchasing power parity – điều chỉnh theo giá cả sinh hoạt từ con số GDP) lần lượt là 2589 USD, 2594 USD và 1692 USD (xem [9]), có nghĩa là Pakistan nghèo gần như Việt Nam (và mất ổn định hơn Việt Nam) còn Senegal nghèo hơn Việt Nam. Tôi từng đi công tác tại Dakar (thủ đô của Senegal) năm 2007 và có cảm nhận rõ ràng là Dakar chưa phát triển bằng Hà Nội hay Sài gòn. Thế nhưng lương giảng viên đại học trung bình ở Dakar được khoảng 1500 USD một tháng (và các giảng viên đại học ở Senegal đã từng bãi công đòi tăng lương từ mức trung bình dưới 1000 USD lên mức như vậy). Pakistan còn trả lương cho các nhà khoa học cao hơn nữa, và họ mời nhiều nhà khoa học nước ngoài đến giảng dạy với mức lương cạnh tranh với Âu-Mỹ. Trong khi đó, lương của các giáo sư đầu ngành của Việt Nam kể cả phụ cấp cũng không quá 5-600 USD một tháng. Gần đây TP. HCM có dự án trả “mức lương đặc biệt” cho các chuyên gia Việt kiều được mời về công tác tại Viện Khoa học và Công nghệ Tính toán, nhưng cái mức đặc biệt đó cũng không quá 1000 USD một tháng, không bằng học bổng của một nghiên cứu sinh ở nước ngoài.

Lương của những người làm khoa học ở Việt Nam cũng quá thấp so với những người có trình độ tương đương làm các ngành khác. Ví dụ một chuyên viên kiểm toán làm cho một công ty kiểm toán nước ngoài ở Việt Nam có mức lương một vài nghìn USD một tháng, một kỹ sữ tin học lành nghề cũng dễ dàng có lương trên 10 triệu VND một tháng. Chẳng nhẽ một giáo sư lại không có hiệu quả lao động bằng họ ? Nếu quả thật là hiệu quả lao động của các giáo sư kém vậy, thì cái chức danh giáo sư có nghĩa lý gì ? Còn nếu như giáo sư là quan trọng, thì tại sao lại bị đối xử kém như vậy ?

Các nước khác trên thế giới khác với Việt Nam ở chỗ nào? Ở chỗ họ thực sự coi trọng chất xám, coi trọng khoa học, thể hiện cụ thể bằng việc trả lương xứng đáng cho các nhà khoa học và giảng viên đại học. Đó cũng là con đường mà Hàn Quốc đã lựa chọn từ cách đây mấy chục năm khi nước này còn nghèo. Tại sao Việt Nam không làm được như họ? Theo tôi không có nguyên nhân khách quan nào (nếu Senegal còn làm được, không có cớ gì mà Việt Nam không đủ tiền để làm), mà chỉ toàn những nguyên nhân chủ quan như: những người lãnh đạo chưa thực sự coi trọng khoa học, và chúng ta chưa đủ quyết tâm chính trị hay bản lĩnh trí thức để đấu tranh và xây dựng một chế độ đãi ngộ hợp lý hơn. Chúng ta đã nhiễm thói “ăn giả làm giả” nên sẽ khó chuyển sang chế độ “ăn thật làm thật” trong khoa học.

Hồi nhỏ, tôi có hay nghe thấy một bác thợ thủ công hàng xóm hát nghêu ngao “ít tiền thì ít thù lao, ít cơm ít gạo thì tao ít làm”. Hồi đó tôi nghĩ bác này hơi “phản động”, nhưng sau mới thấy câu hát của bác là chân lý hết sức giản dị. Nếu Nhà nước trả quá ít tiền cho các nhà khoa học, thì điều tất yếu là họ cũng ít làm. Các giảng viên đại học lương không đủ nuôi vợ con, ắt hẳn sẽ phải nghĩ nhiều việc tay trái, ít có thời giờ cho sinh viên và cho khoa học. Hậu quả là một sự giảm sút hiệu quả lao động, lãng phí chất xám rất lớn trên phạm vi toàn quốc. Cái tiền “tiết kiệm” được do trả lương ít không bù lại được cái sự lãng phí do hiệu quả lao động giảm đi có khi chỉ còn dưới 1/10 tiềm năng. Nếu nói về khía cạnh kinh tế thì việc trả lương thấp (cộng với các điều kiện làm việc kém) như hiện nay là một chính sách phản kinh tế, vô cùng lãng phí tiềm năng khoa học. Cũng chính vì chính sách đãi ngộ quá kém, nên Viện khoa học Việt Nam rất khó thu hút các nhà khoa học trẻ có triển vọng vào làm việc, như GS Ngô Việt Trung [4] hay TS Phạm Đức Chính [5] đã phản ảnh.

Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thiện Nhân gần đây có tuyên bố Bộ sẽ thưởng 1000 USD cho mỗi bài báo khoa học đăng ở tạp chí quốc tế. Có nhiều tranh cãi xung quanh việc này [10], và chưa biết nó sẽ được thực hiện ra sao, nhưng tôi thấy đây là một cử chỉ có tính thiện chí của Bộ. Tuy nhiên đây không phải là một biện pháp đủ mạnh để kích thích nghiên cứu khoa học ở Việt Nam, mà may ra chỉ phần nào làm giảm khó khăn vật chất của những người vẫn đang nghiên cứu thật sự. Công sức bỏ ra để có một bài báo khoa học quốc tế là rất lớn (trung bình phải mất hàng nghìn giờ lao động của một nhà khoa học có trình độ quốc tế, chưa kể các chi phí khác), lớn hơn rất nhiều lần so với con số 1000 USD.

Việc thay đổi cơ chế đãi ngộ trong khoa học theo tôi sẽ rất phức tạp, sẽ không tránh khỏi nhiều tranh cãi và bất bình, nhưng đó là một việc hết sức cần thiết, và nếu chúng ta có quyết tâm chính trị thì chắn chắn sẽ thực hiện được, sẽ không thiếu gì những biện pháp thực tế và khả thi.

Tự do tư tưởng

Có lần GS Hà Huy Khoái [11] phát biểu “Việt Nam chưa có khoa học xã hội”, gây ra khá nhiều phản ứng. Ở Việt Nam có nhiều giáo sư, tiến sĩ về các khoa học xã hội, mà nói là “chưa có khoa học xã hội” thì cũng hơi quá. Nhưng ngay những nhà khoa học xã hội Việt Nam cũng phải thừa nhận rằng, nếu như các ngành khoa học tự nhiên ở Việt Nam chưa đạt chuẩn mực quốc tế, thì các ngành khoa học xã hội còn yếu hơn nữa. Ngoài các khó khăn chung, thì các ngành xã hội có thêm một khó khăn nữa là phải “gò ép” các nghiên cứu sao cho phù hợp với các “tư tưởng chỉ đạo” đã được định sẵn. Một lần tình cờ trong năm 2008 tôi có gặp một lãnh đạo một viện kinh tế ở Việt Nam, và hỏi anh ta là viện có góp ý gì cho Chính phủ về những chính sách kinh tế vĩ mô chưa hợp lý (gây ra khủng hoảng tài chính đầu năm 2008) không ? Anh ta trả lời là “có biết là sai, nhưng không dám góp ý”. Trong việc Hà Tây sáp nhập vào Hà Nội, có một số nhà khoa học về kinh tế và địa lý nhận thấy những sự bất hợp lý, nhưng cũng không ai dám làm một bài phân tích nào trái ngược với đường lối đã định.

Trong lịch sử thế giới không thiếu những ví dụ về việc “tư tưởng định sẵn” (prejudice) cản trở khoa học phát triển. Nhà thờ thiên chúa giáo đã từng cho Giordano Bruno lên giàn thiêu vì những lý thuyết thiên văn học “tà đạo”, Liên Xô đã từng tiêu diệt bộ môn di truyền học vì coi môn đó là “phản động”. Ngày nay, ở các nước tiên tiến, không ai ngăn cản các nhà khoa học hay trí thức tự do suy nghĩ theo hướng của họ, và họ có thể lên tiếng phê phán bất cứ ai. Ví dụ như GS người Mỹ Joseph Stiglitz, giải Nobel về kinh tế 2001, là người thường xuyên phê phán các chính sách của Chính phủ Mỹ, và nước Mỹ và thế giới biết ơn ông ta đã làm như vậy. Việt Nam cũng cần phải tiến tới chuẩn mực tự do tư tưởng như vậy, nếu muốn phát triển một nền khoa học đạt tầm thế giới.

 

Đầu tư cho khoa học

Tôi có lần tình cờ đọc được câu thơ không biết của ai: “Bắc thang lên hỏi ông Giời, tiền cho khoa học có đòi được không ?” Nó phản ảnh một hiện thực đáng buồn, là quá nhiều đề tài khoa học ở Việt Nam không nghiêm chỉnh, không ra kết quả mới gì, nghiệm thu xong là “cất đi”. Tôi quen một người có lần phải đi nghiệm thu một số đề tài trong một ngành ứng dụng. Người này mang về cho vợ (không cùng chuyên môn) nghiệm thu. Vợ hỏi làm sao đánh giá được thì chồng trả lời “cứ điền đại vào, vì cái nào cũng giống cái nào thôi mà, xong rồi xếp xó mà”.
Tiền đầu tư cho khoa học và công nghệ ở Việt Nam hiện ở mức hơn 400 triệu USD một năm. So với chuẩn quốc tế thì còn rất thấp, vì 400 triệu USD bằng xấp xỉ 0,5% GDP, trong khi các nước tiên tiến đầu tư đến 3% GDP cho khoa học. Nhưng điểm đáng chú ý hơn nữa là một phần không nhỏ số tiền này bị biến tướng đi, không còn là tiền cho nghiên cứu khoa học và công nghê thực sự, mà trở thành tiền phụ cấp khó khăn cho những cán bộ lương quá thấp, hay tiền để chia chác giữa những người có quyền, và bởi vậy hiệu quả thì thấp mà tham nhũng thì nhiều.
Benjamin Franklin đã từng nói: “An investment in knowledge pays the best interest” (đầu tư vào hiểu biết cho lợi nhuận cao nhất). Câu nói đó càng trở nên đúng trong thế kỷ 21, thế kỷ của kinh tế dựa trên hiểu biết. Việt Nam cần học tập các nước khác trong việc tăng mạnh đầu tư cho khoa học và công nghệ (theo mức trung bình của thế giới so với GDP, thì Việt Nam cần đầu tư không phải 400 triệu USD, mà là 2 tỷ USD một năm, cho phát triển khoa học và công nghệ), và đồng thời tăng hiệu quả đầu tư qua việc thay đổi cung cách quản lý, xử lý tận gốc những cơ chế gây ra lãng phí và tham nhũng. Cần đối xử đàng hoàng hơn với các nhà khoa học, minh bạch hơn, công khai hơn trong mọi khâu quản lý, xử lý công bằng những hiện tượng gian trá, khuyến khích mọi người đi theo xu hướng làm thật ăn thật.

Một số tài liệu tham khảo:

[1] Lựa Chọn Thành Công – Bài học từ Đông Á và Đông Nam Á cho tương lai của Việt Nam – Một khuôn khổ chính sách phát triển kinh tế – xã hội cho Việt Nam trong giai đoạn 2011 – 2020 (báo cáo của Đại Học Harvard gửi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng), http://www.diendan.org/viet-nam/lua-chon-thanh-cong/
[2] Phạm Duy Hiển, Khoa học và đại học Việt Nam qua những công bố quốc tế gần đây, Tia Sáng, 10/11/2008, http://www.tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=62&CategoryID=3&News=2518
[3] Nguyễn Tiến Dũng, Một vài suy nghĩ về toán học Việt Nam, 02/2006, http://zung.zetamu.com/ToanHocVietNam.pdf
[4] Đối thoại với GS Ngô Việt Trung, một chuỗi 4 bài, vietimes, 07/2008:
1: http://www.vietimes.com.vn/vn/doithoaiviet/5276/index.viet
2: http://www.vietimes.com.vn/vn/doithoaiviet/5283/index.viet
3: http://www.vietimes.com.vn/vn/doithoaiviet/5284/index.viet
4:
http://www.vietimes.com.vn/vn/doithoaiviet/5285/index.viet
[5] Phạm Đức Chính, Cơ học Việt Nam – Thực trạng và giải pháp, Tia Sáng, 05/11/2008, http://www.tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=76&CategoryID=3&News=2509
[6] Hoàng Tụy, Để có lớp trí thức xứng đáng, Tia Sáng, 06/12/2008, http://www.tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=76&CategoryID=3&News=2572
[7] Phạm Đức Chính, Vì sao khoa học Việt Nam chưa phát triển, http://www.vietnamnet.vn/khoahoc/2008/05/782005/
[8] Trần Quang Đại, Dự án Trung tâm Tiến sỹ Việt Nam, xin đừng vội vã !, Dân Trí, 51/10/2008, http://dantri.com.vn/c202/s202-255464/du-an-trung-tam-tien-si-viet-nam-xin-dung-voi-va.htm
[9] http://en.wikipedia.org/wiki/List_of_countries_by_GDP_(PPP)_per_capita
[10] Nguyễn Quang A, Thưởng 1000USD/bài báo – không phải việc của Nhà nước, 15/10/2008, http://vietsciences.free.fr/vongtaylon/giaoduc/thuong1000usdkhongphai.htm
[11] Phỏng vấn GS Hà Huy Khoái http://www.vietnamnet.vn/giaoduc/vande/2006/04/562806/



Tác giả