Giáo sư Đào Văn Tiến: Người tiên phong trong bảo vệ thiên nhiên và môi trường

Giáo sư Đào Văn Tiến sinh năm 1920 tại thành phố Nam Định trong một gia đình nho học, trọng lễ nghĩa. Nền nếp gia phong đã rèn luyện ông ngay từ tấm bé tạo nên đức tính chuyên cần, nghiêm túc trong học tập và  cả cuộc đời lao động khoa học sau này của ông. Năm 1942, khi còn là sinh viên trường đại học, ông đã bắt đầu tham gia nghiên cứu khoa học dưới sự hướng dẫn của GS. Boris Noyer, người phụ trách phòng thí nghiệm Sinh học và Y học, trường Đại học Đông dương, cùng đồng nghiệp Việt Nam là ông Đặng Vũ Kha. Đó là công trình nghiên cứu về máu loài ba ba và sử dụng tim của nó trong sinh lý học, công bố trên tạp chí khoa học của trường Đại học Đông dương năm 1943. Năm 1944 ông tốt nghiệp Cao học về Động vật học, được giữ lại làm phụ giáo. 




Khi đó các môn học ở trường Đại học và các trường học ở nước ta đều giảng dạy bằng tiếng Pháp. Năm 1945 ông cho xuất bản cuốn “Danh từ khoa học – Vocabulaire Scientifique – Vạn vật học (Sinh, Sinh lý, Động vật, Thực vật, Địa chất…)” Nhà xuất bản Minh Tân Paris XIV.

Nội dung cuốn sách là chuyển đổi các danh từ Vạn vật học từ tiếng Pháp sang tiếng Việt, nhằm mục đích giúp người học dễ dàng tiếp thu kiến thức khoa học bằng tiếng mẹ đẻ. Đây là tập sách thứ hai đối chiếu tiếng Pháp và tiếng Việt về sinh học, sau cuốn Danh từ Thực vật của hai kỹ sư nông học Nguyễn Hữu Quán và Lê Văn Căn.

.. Tác giả là ông Đào Văn Tiến, một bạn trong đám thanh niên tốt nghiệp đầu tiên ở Đại học Hà Nội về môn Vạn vật học.

… Phép đặt danh từ, ông đã giảng rõ trong lời tựa riêng. Những danh từ đặt ra đây có thể thông dụng được.

… Trong lúc gấp, cần dạy và phổ thông các môn khoa học bằng tiếng ta, tập Danh từ khoa học này, góp với tập trước, sẽ giải quyết tạm được vấn đề danh từ về các khoa học đại cương”.

Trích đề lời tựa cuốn sách của Giáo sư Hoàng Xuân Hãn

Năm 1946, kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Theo tiếng gọi của Tổ quốc ông lên chiến khu Việt Bắc. Khoác áo lính phục vụ trong Cục Quân y, ông cùng với GS. Từ Giấy biên tập tờ báo Vui Sống. Năm 1949 ông tham gia giảng dạy ở trường Quân Y sĩ do bác sỹ Đinh Văn Thắng làm hiệu trưởng, sau đó là bác sĩ Nguyễn Trinh Cơ. Đến năm 1951 ông giảng dạy ở trường Khoa học Cơ bản và Sư phạm cao cấp ở Tuyên Quang… Khi trường chuyển sang Khu học xá Nam Ninh Trung Quốc, ông và GS. Lê Khả Kế giảng dạy các môn sinh vật học. Ông cùng các GS. Lê Văn Thiêm, Nguyễn Xiển, Nguyễn Cảnh Toàn, Ngụy Như Kontum, Nguyễn Tiến Liễu, Dương Trọng Bái đào tạo nhiều học sinh ở khu học xá trở thành các nhà khoa học, nhà giáo dục nổi tiếng, đóng góp rất lớn cho khoa học và nền giáo dục Việt Nam.

Năm 1954, cuộc kháng chiến chống Pháp thắng lợi. Trường Đại học Sư phạm Khoa học được thành lập tại Hà Nội. Ông trở về giảng dạy tại khoa Khoa học tự nhiên cùng với các ông Lê Khả Kế, Nguyễn Đình Ngỗi, Dương Hữu Thời, Trương Cam Bảo đảm nhận các môn sinh vật học mà hồi đó gọi là vạn vật học. Ông và các đồng nghiệp tiếp thu các phòng thí nghiệm trống rỗng bỏ lại sau khi thực dân Pháp rút khỏi Hà Nội. Tuy thiếu thốn đủ bề, công việc bận rộn, nhưng với tấm lòng hăng hái của lớp thanh niên khi nước nhà mới độc lập, họ ra sức củng cố lại phòng thí nghiệm và trực tiếp giảng dạy lớp học sinh từ kháng chiến trở về và những học sinh học trong thành ở lại. Năm 1956 trường Đại học Sư phạm Khoa học chia thành 2 trường Đại học Sư phạm Hà Nội và Đại học Tổng hợp Hà Nội, ông tiếp tục giảng dạy, nghiên cứu khoa học và trở thành Chủ nhiệm khoa Sinh học.

Tôi đã học tập, làm việc, cộng tác với GS Đào Văn Tiến đúng 40 năm. Ông đã đóng vai trò người thầy, người anh, đã dìu dắt tôi vượt qua các khó khăn về chuyên môn, học tập nghiên cứu giảng dạy, kể cả công tác rèn luyện đạo đức của nhà khoa học yêu nước, yêu nhân dân lao động, yêu sinh viên, tự tin để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Đã có nhiều bài học mà tôi được học từ ông. Ở đây, tôi chỉ xin kể lại với các nhà khoa học và sinh viên bài học cuối cùng:

Tôi nhớ vào khoảng năm 1994, lúc này hoạt động xuất bản các tài liệu rất dễ dàng mà lại có “thù lao cao”, ông có nhiều bản thảo khoa học và tài liệu giảng dạy rất tốt, nếu in xuất bản chắc sẽ có đời sống tốt hơn và cũng phục vụ tốt hơn cho giảng dạy và nghiên cứu. Tôi đề xuất “Anh cho xuất bản đi”, ông đã trả lời tôi ngay không do dự “Các tài liệu này chưa đầy đủ, tôi đang bổ sung hoàn thiện, khoa học mà thành “mỳ ăn liền” là hỏng đấy”.

Mai Đình Yên- ĐH Quốc gia
Hà Nội

Trong suốt thời gian công tác ông luôn là nhà sư phạm mẫu mực, nhà khoa học cần cù, trung thực và nghiêm túc. Ông luôn luôn tâm đắc câu nói của GS. Hồ Đắc Di: “Ở đại học không chỉ dạy nghề mà còn phải dạy người” và trong suốt cuộc đời ông đã thực hiện được điều tâm đắc đó.

Ông đã viết trên 20 bài báo về giáo dục thanh niên, nhất là thanh niên làm công tác nghiên cứu khoa học. Ông đã đúc kết 15 năm hoạt động giảng dạy của khoa Sinh vật trường Đại học Tổng hợp HàNội. Mong muốn của ông là xây dựng một đội ngũ khoa học từ lớp thanh niên, năm 1982 ông đã viêt cuốn sách: “Khoa học hoá cách suy nghĩ, làm việc, học tập” với lời đề tặng các bạn thanh niên, niềm hy vọng của đất nước.

Trong lĩnh vực nghiên cứu, từ thập niên 60 thế kỷ trước ông đã định hướng vào công việc thống kê nguồn tài nguyên thiên nhiên của đất nước đặc biệt là động vật hoang dã. Ông cùng GS. Đặng Văn Ngữ trực tiếp chủ trì về điều tra động vật, côn trùng và ký sinh trùng các tỉnh miền Bắc Việt Nam. Ông đã cùng các đoàn khảo sát đặt chân đến các vùng Tây Bắc, Việt Bắc, Đông Bắc, Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh và một số tỉnh miền Trung như Gia Lai, Kontum… Ông đã phát hiện mô tả nhiều loài động vật mới cho khoa học như: Voọc Hà Tĩnh, Cu li nhỡ… Ông là người đầu tiên viết các khoá tra cứu phân loại các nhóm động vật: ếch nhái, thằn lằn, rắn, rùa, cá sấu và chuột của Việt Nam. Những tài liệu này ngày nay vẫn còn giá trị sử dụng. Ông viết hàng trăm bài báo về nguồn tài nguyên động vật hoang dã, sinh thái, sinh học, tập tính các loài động vật Việt Nam. Đặc biệt cuốn “Khảo sát thú các tỉnh miền Bắc Việt Nam“ là cuốn sách không thể thiếu đối với các nhà nghiên cứu thú. Ông đã tổng kết 15 năm hoạt động nghiên cứu khoa học của khoa Sinh vật trường Đại học Tổng hợp Hà Nội; 25 năm xây dựng và phát triển ngành sinh vật học Việt Nam. Nhiều bài mang tính chiến lược: Tình hình và xu thế hiện đại của khoa học sinh thái học động vật; Cách mạng khoa học kỹ thuật trong sinh vật học hiện đại; Các ngành sinh vật học với nhiệm vụ cách mạng; Triển vọng của ngành sinh vật học Việt Nam… Đặc biệt năm 1994 ông viết bài “Sinh học và đạo lý” trong đó có đoạn: “Tuyển chọn gene đặc biệt của người nào đó. Lấy trứng ở vòi Fallope của một phụ nữ rồi thay nhân bằng nhân tế bào của một người đàn ông nào đó, rồi lại đặt trứng đó vào dạ con phụ nữ để nó phát triển bình thường. Bằng cách này có thể sao bao nhiêu bản tuỳ ý của người đàn ông nhất định.  Kiểu thí nghiệm này đã thành công ở ếch nhái. Muốn thành công ở thú chỉ cần thời gian”. Quả nhiên đúng với dự báo đó, hai năm sau, 1996 con cừu Dolly ra đời.

Tôi còn nhớ cách giảng dạy truyền đạt các kiến thức của thầy cho người học trò luôn gợi mở, khuyến khích tạo cho sinh viên chúng tôi phải biết tìm tòi, suy nghĩ các khía cạnh lý thú của các môn học. Chính vì vậy giờ lên lớp của GS cực kỳ nghiêm túc, nhưng với không khí chan hoà, thoải mái giữa tình thầy trò, giúp sinh viên chúng tôi tiếp thu các kiến thức thầy dạy một cách sâu sắc, qua đó chúng tôi học hỏi nhiều kinh nghiệm quý báu của thầy để trang bị cho mình những hành trang khi ra trường áp dụng vào công việc mà mình đảm trách.

Trong suốt chặng đường hơn 40 năm trong công tác nghiên cứu khoa học, giảng dạy và đào tạo, tôi luôn luôn ghi sâu vào tâm của mình những lời chỉ bảo của GS. Đào Văn Tiến, là trong giảng dạy, đào tạo là phải hết lòng vì sinh viên của mình, trong khoa học và công nghệ là phải kiên trì bền bỉ, phải nghiêm túc và trung thực.                    

Đặng Huy Huỳnh –
Viện Sinh thái và TNSV 

Ông đã tỏ ra lo ngại: “Các thử nghiệm về kỹ thuật gene nêu trên đã đặt vấn đề cho xã hội: Ai xác định được đặc tính ưng ý cho nhiều người? Ai hình dung được tài năng vài chục năm tới đây vẫn giống như ngày nay? Dân số tăng nhanh một cách nguy hiểm, ai dám khuyến khích sao nhiều bản của một người nào đó giả thiết người đó là siêu phàm, ai hình dung được xã hội toàn người siêu phàm hoạt động như thế nào? tổ chức ra sao?

… Kỹ thuật sinh học muốn xáo động vốn gene, loại bỏ gene nay thêm gene khác. Tính đa hình của gene bị ảnh hưởng. Hậu quả như thế nào chưa ai rõ. Cơ chế tác dụng của các gene với nhau cũng chưa được sáng tỏ. Giải thưởng Noben G. Wald đã nói một câu không phải không suy nghĩ: “Tốt nhất đừng có đụng tới bộ máy gene của con người”. Qua bài này cho thấy ông đã cập nhật với khoa học hiện đại và tiên đoán những thành quả mới về sinh sản vô tính ở động vật và con người. Đồng thời cũng tỏ ra lo lắng về đạo lý nếu tiến hành nhân bản con người.

Ông là người quan tâm về môi trường rất sớm khi đất nước còn đang chiến tranh với báo cáo: “Một vấn đề lớn về môi trường đặt ra ở miền Nam Việt Nam” tham gia hội thảo Quốc tế Bảo vệ môi trường tại Herceg Novi tháng 4/1974. Ông viết nhiều bài trên các tạp chí khoa học trong và ngoài nước về bảo vệ thiên nhiên: Việc xây dựng các Vườn Quốc gia và Khu Dự trữ Thiên nhiên; Con người và Thiên nhiên; Quy hoạch và quản lý rừng của đất nước; Một số suy nghĩ về xây dựng và phát triển kinh tế miền núi Tây Bắc Việt Nam; Vài suy nghĩ về trồng cây gây rừng; Tình trạng nguồn lợi động vật hoang dại ở Việt Nam…

Ông từng làm việc và liên hệ qua thư từ với các nhà khoa học ở 25 nước trên thế giới. Ông là thành viên của tổ chức nghiên cứu thú Quốc tế (ITC), Tiếp xúc viên địa phương của Hội Khỉ hầu Quốc tế; Chủ tịch danh dự Tổng hội Sinh học Việt Nam; Hội viên danh dự Hội nghiên cứu thú toàn Liên bang Xô Viết. Ông đã từng giảng dạy tại các trường Đại học Paris 7; Đại học Sư phạm Phnom Penh; trường Sư phạm Antananarivo; Chuyên gia giáo dục Madagasca.

GS. Đào Văn Tiến mất ngày 3 tháng 5 năm 1995 thọ 75 tuổi. Ghi nhận công lao đóng góp to lớn của ông, Nhà nước đã phong tặng ông nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Lao động hạng 3 năm 1983; Nhà Giáo Nhân Dân năm 1989. Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt I tháng 9 năm 1996.

———

*PGS. Hội Bảo vệ Thiên nhiên Môi trường

 

Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 1 (1996) cho Tập hợp các công trình điều tra cơ bản về động vật học ở Việt Nam (1957-1980) đã đủ nói lên giá trị các thành tựu khoa học của Ông. Tôi chỉ muốn nói ít nhiều về khía cạnh nhân cách của Ông trong giảng dạy, nghiên cứu và đời sống. Ông sống rất khiêm tốn trong căn phòng nhỏ bé được phân ở Hàng Chuối với vợ và hai con. Ông sinh hoạt hết sức giản dị và luôn luôn mặc quần áo dã chiến lăn lộn khắp các miền để điều tra khu hệ hầu hết các loài động vật có xương sống. Ông vừa làm vừa hướng dẫn tỷ mỉ để đào tạo nên những thế hệ các nhà động vật học Việt Nam sau này. Có thể nói việc Ông say mê nghiên cứu trên thực địa đã làm gương cho chúng tôi về phong cách một nhà khoa học, lấy cái mình tìm thấy kết hợp với hợp tác quốc tế (ông thường xuyên có quan hệ với rất nhiều nhà động vật học tại 25 nước trên thế giới) để công bố các công trình khoa học có giá trị đích thực. Ông luôn gắn việc nghiên cứu với các đề xuất tới Nhà nước về các chính sách lớn (như xây dựng các Vườn quốc gia, các Khu dự trữ thiên nhiên, Trồng rừng và bảo vệ rừng, Giữ gìn và phát huy tài nguyên các động vật hoang dã…). Ông không bao giờ làm việc một mình mà bao giờ cũng lôi cuốn các cán bộ trẻ cùng làm để đào tạo các thế hệ kế cận. Trong các giờ lên lớp Ông bao giờ cũng rất gương mẫu, đúng giờ, trình bày mạch lạc và khoa học, giới thiệu nhiều hình ảnh mà Ông đã hợp tác với hai họa sĩ và một nhà nhiếp ảnh chuyên ngành để tạo nên bộ hình ảnh các động vật có thực ở nước ta. Trông dáng bề ngoài Ông rất nghiêm nghị nhưng thực ra lại rất gần gũi, hòa mình với đồng nghiệp và học sinh. Ai cũng yêu mến Ông và mãi cho đến nay tại phòng làm việc cũ của Ông, trước bức tượng đồng bán thân, các học trò của Ông luôn đặt hoa tươi và thường xuyên hương khói để tưởng nhớ Ông. Ông không để lại cho gia đình một tài sản gì có giá trị vật chất nhưng đã để lại một gia đình hạnh phúc với người vợ hiền từng là Trưởng bộ môn ở Viện Công nghiệp thực phẩm và hai người con thành đạt (một Tiến sĩ và một họa sĩ có tài). Ông để lại cho tất cả chúng tôi – những nhà sinh học đã được trực tiếp hoặc không trực tiếp học Ông – một tấm gương tốt đẹp về nhân cách một thầy giáo tận tụy, một cách sống mẫu mực và một tấm gương hoạt động sôi nổi của một nhà khoa học chân chính. 

                                                                                      Nguyễn Lân Dũng

Tác giả