Khó khăn của nhóm nghiên cứu trẻ

Để tạo dựng được một nhóm nghiên cứu, các nhà khoa học trẻ phải vượt qua hai vấn đề khó khăn thường trực là thiếu hụt lực lượng và kinh phí đầu tư cho các dự án/đề tài nghiên cứu khoa học.

Có bột mới gột nên hồ

Đề cập đến chuỗi khó khăn khi trở về Việt Nam gây dựng nhóm, PGS. TS Lê Thị Lý, trưởng nhóm nghiên cứu về ứng dụng của Tin sinh học (Bioinformatics) trong nghiên cứu y sinh và phát triển dược phẩm (ĐH Quốc tế, ĐH Quốc gia TPHCM), cho biết, hai vấn đề thường trực mà chị và nhiều đồng nghiệp khác gặp phải là khó phát triển lực lượng và tìm kinh phí thực hiện đề tài/dự án khoa học. Trong quá trình đào tạo thành viên gia nhập nhóm và duy trì lực lượng, các trưởng nhóm trẻ dù mất nhiều công sức để nâng cao trình độ cho các nghiên cứu viên thông qua việc thực hiện các đề tài/dự án nhưng vẫn đứng trước mối lo “mất người”. Trải qua năm năm xây  dựng nhóm nghiên cứu, PSG. TS Lê Thị Lý đã phải chia tay tới tám nghiên cứu viên đi nước  ngoài học chương trình thạc sĩ hoặc tiến sĩ ngay sau khi hoàn thành bài báo ISI đầu tiên. Chị chia sẻ: “Tuy rất vui vì nhiều em đã tìm được học bổng có giá trị nhưng xét về mặt phát triển nhóm nghiên cứu, tôi gặp quá nhiều khó khăn bởi việc thiết lập đủ mắt xích trong một dây chuyền nghiên cứu không phải điều dễ dàng. Đôi lúc tôi có cảm giác như mình lại ở vào giai đoạn bắt đầu”.

Cùng gặp khó khăn tương tự, TS. Nguyễn Văn Tuấn (Phó Khoa Vật liệu Xây dựng, ĐH Xây dựng Hà Nội) chia sẻ, từ khi hoàn thành luận án tiến sĩ ở ĐH Công nghệ Delf, anh cũng đặt nhiều kỳ vọng vào việc xây dựng một nhóm nghiên cứu như khi học ở Hà Lan nhưng khi bắt tay vào thực tế mới thấy công việc đó gian nan. Việc quy tụ được sinh viên, thạc sĩ, nghiên cứu sinh… theo đuổi một hướng nghiên cứu trong lĩnh vực cùng quan tâm không hề đơn giản, “có lẽ các bạn trẻ Việt Nam chưa thật sự hào hứng với cách thức làm việc nhóm nên vẫn còn nhiều nghi ngại”, TS. Tuấn lý giải.

Việc duy trì lực lượng ẩn chứa nhiều cam go về vấn đề tài chính, mà lý do theo PSG. TS Lê Thị Lý là “nguồn kinh phí nghiên cứu được cấp thường khá ít ỏi và không ổn định khiến nhiều tiến sĩ trẻ đã phải đứng trước nguy cơ giải thể nhóm nghiên cứu mà mình mất nhiều công gây dựng hoặc may mắn hơn là duy trì hoạt động của nhóm ở mức cầm chừng”.

Một tiến sĩ giấu tên ở ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội, kể, muốn giữ chân các nghiên cứu viên thì phải đảm bảo cho họ có được mức thu nhập ổn định, trong khi đó, một đề tài cấp trường thực hiện trong vòng một năm cũng chỉ nhận được mức kinh phí khiêm tốn quanh 10 triệu đồng, nhiều khi không đủ để mua hóa chất để phục vụ nghiên cứu, và ngay cả với những giáo sư có uy tín trong trường thì việc được cấp kinh phí vài trăm triệu/đề tài cũng khá hiếm hoi. Trong giai đoạn chờ đề tài, nếu không có nguồn thu nhập “cứng” vài ba triệu mỗi tháng từ ngân sách nhà nước thì nhóm nghiên cứu mà chị tham gia cũng có nguy cơ tan vỡ, cho dù đã trải qua hơn 10 năm gây dựng và có nhiều công bố ISI có giá trị. 

Theo TS. Nguyễn Cường, trưởng Phòng thí nghiệm Bioinformatics (Viện Công nghệ sinh học, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam), tài chính cho một nhóm nghiên cứu có thể đến từ hai nguồn: kinh phí được cấp để thực hiện đề tài/dự án và từ công tác dịch vụ, đào tạo. Phân tích về khả năng tìm kinh phí từ hai nguồn này, TS. Nguyễn Cường cho rằng, để thành công, phải chứng minh được năng lực nghiên cứu (đối với dự án/đề tài quốc tế) hoặc phải có được nhiều mối quan hệ (đối với các đề tài/dự án trong nước), chưa kể nếu xin được đề tài trong nước, họ còn phải trải qua khá nhiều gian nan với vô số thủ tục hành chính từ lúc phê duyệt đến khi nghiệm thu kết quả. Với các nhóm nghiên cứu mới thành lập thì cả hai yếu tố này đều yếu. Trường hợp tự tìm nguồn thu qua hoạt động dịch vụ đào tạo cũng ít khả thi vì nó phụ thuộc vào sự năng động sáng tạo của trưởng nhóm nghiên cứu và khả năng ứng dụng trong thực tế của các đề tài/dự án mà họ thực hiện.

Những giải pháp tự thân

Trước những khó khăn này, mỗi nhóm nghiên cứu lại tự xoay xở theo cách mà mình thấy phù hợp. Một tiến sĩ giấu tên (ĐH Công nghệ, ĐH Quốc gia Hà Nội) tiết lộ, trong thời gian chờ được Hội đồng khoa học trường phê duyệt đề tài, anh đã phải bỏ tiền túi để trả lương hằng tháng cho một số nghiên cứu viên trong nhóm của mình, “nếu không sẽ khó giữ chân được các bạn ở lại với nhóm và có thể đến khi có kinh phí nghiên cứu thì sẽ chẳng còn người thực hiện đề tài”.

TS. Nguyễn Văn Tuấn cho biết, dù chưa hình thành được một nhóm nghiên cứu thực sự nhưng trong thời gian qua, anh đã cố gắng tập hợp một số tiến sĩ, thạc sĩ trong Khoa Vật liệu Xây dựng của trường cùng tham gia giải quyết những đề tài/dự án được giao, tùy theo nội dung và phạm vi của nó mà mời những người phù hợp. Tuy vậy giải pháp này chỉ mang tính thời vụ và mới tập trung giải quyết được những vấn đề riêng lẻ, thành viên tham gia cũng thiếu ổn định nên nhiều khi rơi vào tình trạng không chủ động được nhân lực để đề đạt kế hoạch tiếp theo.

Cũng nỗ lực gây dựng lực lượng, TS. Nguyễn Cường chọn cách mở cửa phòng thí nghiệm, sẵn sàng đón nhận sinh viên chuyên ngành Tin học và Sinh học tới thực tập, làm việc. Anh còn phối hợp với TS. Dương Quốc Chính (Viện Huyết học truyền máu Trung ương) tổ chức khóa học “Phát hiện đột biến hệ gene với công nghệ đọc trình tự thế hệ mới” vào năm 2014 dành cho cho sinh viên, nghiên cứu viên chuyên ngành sinh học và tin học với mục đích phổ biến kiến thức cơ bản về Tin sinh học. Kinh phí tham dự chỉ ở mức tối thiểu, đủ để in ấn tài liệu. Thành công đầu tiên đã thúc đẩy họ mở ba khóa tiếp theo về “Phát hiện đột biến hệ gen với công nghệ đọc trình tự thế hệ mới; Lắp ráp, chú giải và phân tích hệ gene”, “Phân tích đánh giá biểu hiện hệ phiên mã bằng RNA-seq” trong tháng 4 và 5 và 6/2015. Điều bất ngờ là cả ba khóa học này đều thu hút được đông đảo học viên từ các trường đại học, viện nghiên cứu, trong đó có cả những đơn vị tại TPHCM. Nhận xét về việc mở lớp, TS. Nguyễn Cường lạc quan, “nếu lực lượng nghiên cứu tăng lên, có nhiều người đủ khả năng xác định hướng nghiên cứu, xây dựng nhiệm vụ thì chúng tôi và các đồng nghiệp sẽ có nhiều cơ hội tiếp cận các quỹ tài trợ trong nước và quốc tế hơn, mặt khác chúng tôi cũng có điều kiện nhận thêm một số công việc dịch vụ liên quan đến lĩnh vực chuyên môn của mình”.

Những giải pháp này cũng chỉ là những nỗ lực tự thân mang tính tức thời của các nhóm nghiên cứu trẻ để vượt qua khó khăn trước mắt. Để khuyến khích họ, cần có những giải pháp căn cơ như hỗ trợ bằng chính sách, cơ chế. Theo đề xuất của PGS. TS Lê Thị Lý, Quỹ Nafosted nên tạo điều kiện cho một số nhóm có nhiều tiềm năng về năng lực nghiên cứu được đăng ký đề tài kéo dài tối đa năm năm. Bên cạnh đó, Nhà nước cần có sự đầu tư cho chương trình đào tạo nghiên cứu sinh trong nước một cách bài bản hơn từ chính sách, quy chế đến học bổng, tạo động lực cho các nghiên cứu sinh yên tâm học tập, nghiên cứu. Tuy nhiên, để sàng lọc được các nhóm nghiên cứu này, PGS. TS Trần Xuân Tú, trưởng nhóm nghiên cứu “Thiết kế mạch tích hợp VLSI” tại Phòng thí nghiệm mục tiêu Hệ thống tích hợp thông minh (ĐH Công nghệ, ĐH Quốc gia Hà Nội), cho rằng, cần có cơ chế đặc biệt về kinh phí dành cho các nhóm nghiên cứu đã thành công trong những dự án/đề tài trước để họ có điều kiện tiếp tục triển khai nhiệm vụ và phát triển các sản phẩm hoàn chỉnh.

Trong lúc chờ Nhà nước ban hành cơ chế đặc thù khuyến khích các nhóm nghiên cứu trẻ thì theo quan điểm của TS. Nguyễn Cường, “chỉ cần các đơn vị làm đúng và nghiêm túc những gì đang có, loại bớt những thủ tục không cần thiết là tạm đủ cho các nhóm có thể yên tâm tập trung vào công việc chính của mình”.

Tác giả