Khoa học Nga tỉnh giấc (Kỳ cuối)

Thủ tướng Putin đã có lần chỉ ra những thách thức đang chờ đợi Viện Hàn lâm Khoa học Nga (RAS) ở phía trước và rằng RAS không thể né tránh việc thay đổi từ bên trong hệ thống. Cũng có ý kiến cho rằng, vấn đề cấp bách nhất là RAS phải đánh giá lại các nhóm nghiên cứu để trợ giúp cho những nhóm hoạt động hiệu quả và giải tán những nhóm hoạt động kém.

Câu hỏi về học thuật

Sự trợ giúp của Chính phủ cho các trường đại học làm nảy sinh câu hỏi Chính phủ sẽ làm gì với RAS? Tại Nga, RAS vẫn thực hiện phần lớn các nghiên cứu cơ bản, nhưng 50.000 cán bộ của viện vẫn phải đấu tranh với nguồn ngân sách từ Chính phủ chỉ 1,6 tỷ USD/năm – tức khoảng 30.000 USD/người để trả lương, trang thiết bị, và vật liệu. (Tất nhiên, RAS có nguồn tài chính khác bao gồm cả khoản tiền từ việc cho thuê đất đai và các toà nhà).

Đối với một số người bên ngoài, RAS là di tích của thời đã xa. RAS vẫn giữ cấu trúc thứ bậc cứng nhắc với những giám đốc đầy quyền năng. Tài trợ được rót xuống nhờ ảnh hưởng của những học giả và các giám đốc các viện thành viên. Danh tiếng chứ không phải công bố công trình là chìa khoá. Và kết quả là RAS tiếp tục tài trợ cho những nghiên cứu viên và những viện nghiên cứu hoạt động không hiệu quả. Một thành viên của RAS cho rằng, Viện dựa quá nhiều vào thứ bậc và không có sự minh bạch. Một khi được thành lập, các phòng thí nghiệm sẽ tồn tại mãi mãi. Không có việc đóng cửa những viện nghiên cứu cũ và mở ra những viện nghiên cứu mới. Hệ thống sẽ phải linh hoạt hơn.

Hiện tại, Chính phủ không can thiệp vào việc điều hành của RAS, mặc dù hai bên cũng có tranh luận về việc quản lý những bất động sản có giá trị. Vào năm 2007, Chính phủ đã thuyết phục RAS đồng ý những thay đổi liên quan tới hiến chương của RAS phải được thông qua trong cuộc họp đại hội đồng của RAS và Chính phủ. Các giám đốc mới của RAS được bổ nhiệm trên cơ sở sự đồng thuận của hai bên. “Những thay đổi này được các thành viên của RAS chấp nhận và cho là hợp lý vì RAS vẫn là cơ quan của nhà nước, Eugene Sverdlov, Viện Gene phân tử và là cố vấn của RAS nói.

Vào tháng 5, Thủ tướng Putin đã phát biểu tại phiên họp toàn thể của RAS và chỉ ra những thách thức đang chờ đợi phía trước. RAS không thể né tránh việc tham gia vào kế hoạch hiện đại hoá. Những thay đổi bên trong hệ thống của RAS được xem có vai trò cực kỳ quan trọng. Dường như lo vẫn chưa đủ rõ ràng, Putin nhấn mạnh, những kế hoạch thay đổi sẽ phải triển khai bằng cách xác định những cơ sở nghiên cứu hàng đầu thông qua các đề cương mở và minh bạch hơn là những quy trình hành chính cứng nhắc hoặc bởi sự thiên vị của một quan chức nào đó.

Những tuyên bố này làm cho những nhà nghiên cứu vốn xem RAS như là thành trì của nghiên cứu cơ bản ở Nga tức giận. RAS đã có sự độc lập của mình ngay cả trong thời kỳ khó khăn nhất. Khoa học không thể bị quản lý quá nhiều, cần phải có sự độc lập để có thể tạo ra những kết quả.

Tuy nhiên, phần lớn các nhà khoa học nói với Science đều khẳng định RAS cần phải đổi mới. Với một số người, vấn đề cấp bách nhất là loại bỏ phần gỗ bị thối rữa. “Để nâng cao chất lượng khoa học ở Nga, cần phải hoàn thiện việc đánh giá các nhóm nghiên cứu để trợ giúp cho những nhóm nghiên cứu hiệu quả và giải tán những nhóm hoạt động kém”, Georgiev phát biểu. Sverdlov cho rằng, RAS đã có quy định các giám đốc của các viện thành viên không được giữ ghế quá 10 năm và phải về hưu ở tuổi 70. Tuy nhiên quy định này bị huỷ bỏ vào năm 2007. Ông kêu gọi các đồng nghiệp ủng hộ quy định này. RAS phải để cho những tiến sĩ trẻ, năng động, có hoài bão đảm nhiệm những vị trí quan trọng tại các viện nghiên cứu, và phải thấy rằng họ có khả năng đưa ra chương trình phát triển dài hơi cho viện.

Một mô hình khác cho RAS thay đổi là chương trình sinh học phân tử và tế bào, một trong những lĩnh vực nghiên cứu của Viện sử dụng cách bình duyệt để lựa chọn những dự án nghiên cứu tốt nhất và những nhà nghiên cứu trẻ có được tự do học thuật. Tuy nhiên, dù có nhiều người ủng hộ, năm nay RAS đã cắt giảm tài trợ của chương trình Sinh học phân tử và tế bào (MCB-Molecular and Cell Biology).

Thập kỷ vừa qua đã thấy sự phát triển rõ ràng của khoa học Nga: lương của các nhà nghiên cứu đã đủ sống, có những quỹ dành cho khoa học có chất lượng, và ít nhất trong lĩnh vực nghiên cứu ứng dụng Chính phủ đã chi tiền đi liền với lời nói. Nhưng với những người mong mỏi cải cách, những người đang phải đấu tranh chống lại hệ thống đặc quyền đặc lợi đã lỗi thời, thì họ như đang trong tình trạng chờ cho băng tan trước khi dòng sông bên dưới có thể bắt lại nhịp chảy. “Sớm hay muộn những người của RAS cũng hiểu ra rằng chỉ có một cách để khôi phục lại nguồn tài chính là thông qua những thay đổi thực sự. Giữ nguyên hiện trạng hay tiến hành những thay đổi hình thức không phải là cách làm hay”, Khokhlov nói.

Một vài người cho rằng cải cách RAS chỉ mất thời gian. Rằng phải để cho RAS như nó vốn có và chuyển sang đầu tư nhiều tiền cho chương trình cạnh tranh về nghiên cứu, cho các nhà nghiên cứu, những cơ sở nghiên cứu mới. Cũng như nhiều người khác, nhà kinh tế Sergei Guriev nói, “cạnh tranh trong cấp tài trợ nghiên cứu sẽ là chìa khoá. Một khi bạn quyết định bạn muốn đánh giá mọi người bằng cách công bố quốc tế và sử dụng các chuyên gia quốc tế, mọi việc sẽ trở nên minh bạch. Và đó không phải là tấn công khoa học, nhiều quốc gia khác đã làm điều này”.

Đây cũng là cuộc đấu tranh lâu dài để lấy lại những cơ hội mà các nhà nghiên cứu Nga đã bỏ qua. “Chúng tôi đã mất một thế hệ. Khoảng cách vẫn còn. Đã có một thời kỳ dài khoa học không còn là một công việc danh giá. Giờ đây thì mọi việc bắt đầu quay trở lại, nhưng cần phải có thời gian”, nhà vật lý Yuri Oganessian của JINR nói.

 
Ngọc Tú lược dịch (Science, Vol 330, 11/2010)

 

Tác giả