Mục tiêu cụ thể và khả thi cho Bộ KH&CN

Làm sao để chung sống với cái đang ràng buộc mình và cải thiện nó*? Bài nói chuyện của Bộ trưởng Hoàng Văn Phong với cán bộ viên chức Bộ KH&CN trong Hội nghị Tổng kết công tác năm 2008 xoay quanh câu hỏi này. Đây là câu hỏi có tính mấu chốt căn bản. Không chỉ Bộ trưởng mà cả xã hội đang đặt ra cho tất cả mọi cơ quan NN. Có thể có những câu trả lời khác nhau, những giải pháp khác nhau. Nhưng giải pháp nào cũng cần thỏa mãn hai tiêu chí: cụ thể và khả thi.

 

Vua Tuyên vương nước Tề thích nghe sáo, và lúc nào cũng muốn nghe, bắt ba trăm người cùng thổi một loạt. Trong bọn ba trăm người ấy, có Đông quách tiên sinh không biết thổi sáo, nhưng cũng lạm dự vào đây để kiếm lương ăn.
Đến khi vua Tuyên vương mất, vua Mẫn vương nối ngôi, cũng thích nghe sáo. Nhưng chỉ muốn nghe riêng từng người một mà thôi. Đông quách tiên sinh thấy thế, tìm đường trốn trước (Cổ Học Tinh Hoa, Nguyễn Văn Ngọc – Trần Lê Nhân).
Trong câu chuyện ngụ ngôn mà chúng ta được đọc trên đây, vua Mẫn vương chưa kịp nghe qua cả 300 người để có thể so sánh và kết tội Đông Quách tiên sinh. Thậm chí có thể chỉ mới kịp đặt ra lệ nghe từng người một thổi sáo thì Đông Quách tiên sinh đã phải vội vàng tháo lui. Vì sao vậy? Vì nghe từng người thổi sáo thì với một đôi tai không cần có nhiều kinh nghiệm cũng nhận ra ngay được ai là người không biết thổi sáo. Chính sách của Mẫn vương như vậy là thỏa mãn được hai tính chất quan trọng đã nêu phía trên: tính cụ thể và tính khả thi.
Tác giả mẩu truyện này là Hàn Phi Tử, triết gia lớn của thời Chiến Quốc, người chủ trương rằng để quản lý tốt một quốc gia thì nhất thiết phải có sự xác định hợp lý trách nhiệm cá nhân, sao cho có thể đánh giá cụ thể và chính xác thành quả công việc. Một môi trường làm việc trong tập thể mà không có sự đánh giá cụ thể và công khai chất lượng sản phẩm thì chính là điều kiện tốt để dung dưỡng những nhân sự thiếu năng lực và thiếu trách nhiệm.

Tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2008, Bộ trưởng Hoàng Văn Phong đã nói cái thiếu nhất [của đội ngũ cán bộ Bộ] chưa phải là trình độ mà là tính lo toan. Thiếu sự chu đáo thì dù trình độ nhân sự cao hay thấp, thành quả công việc không thể tốt. Vì sao không chu đáo? Hẳn vì sự đối chiếu giữa trách nhiệm với thành quả công việc còn thiếu tính minh bạch, và chính xác. Vì sao chưa đối chiếu được? Hẳn vì sự phân phối trách nhiệm cá nhân chưa được cụ thể. Vì sao chưa phân công cụ thể trách nhiệm cá nhân? Có thể vì sự định hướng công việc của tập thể cũng chưa đủ cụ thể.

Tiến trình phát triển kinh tế đất nước sắp tới cần 3 loại vật liệu gì, ở mức độ nào, ai dùng? Câu hỏi này Bộ chưa trả lời được vì còn thiếu thông tin và năng lực. Thiếu thông tin về tiến trình phát triển kinh tế đất nước, thiếu sự đối chiếu với kinh nghiệm phát triển các quốc gia từng có hoàn cảnh giống Việt Nam trong hiện tại. Thiếu những người có khả năng đặt các vấn đề lên bàn để phân loại, đánh giá. Đây là những vấn đề rất cụ thể mà Bộ trưởng Hoàng Văn Phong đặt ra.
Đòi hỏi tính cụ thể là điều kiện cần đầu tiên khi làm công tác quản lý. Nhưng chưa phải là điều kiện đủ. Trách nhiệm nào cũng cần cụ thể, nhưng cũng cần cả tính khả thi. Những hạn chế cụ thể mà Bộ trưởng Hoàng Văn Phong chỉ ra, có lẽ Bộ KH&CN chưa giải quyết được trong một thời gian ngắn. Và để giải quyết được trong lâu dài thì ngay từ bây giờ cần phải đưa ra những mục tiêu vừa cụ thể vừa khả thi, vừa phù hợp với chiến lược lâu dài.
Mục tiêu nào vừa cụ thể vừa khả thi mà Bộ KH&CN cần đặt ra? Nhìn một cách vĩ mô tổng thể thì khoa học công nghệ có chức năng giúp nâng cao năng suất lao động và cải thiện chất lượng đời sống (khoa học cơ bản thì giúp bổ sung vào kho tàng tri thức và văn hóa nhân loại, nhưng chức năng trừu tượng đó quá khó để có thể lượng hóa được cụ thể và sẽ không được bàn đến trong bài viết này). Mọi thành quả công nghệ đều có thể có các tác động kinh tế và tác động môi trường (tác động xã hội cũng thuộc loại khó có thể được lượng hóa nên cũng không thể bàn đến). Sau khi các giá trị này được ước lượng cụ thể thì tự nhiên chúng ta đã có được một bảng thứ tự. Qua đó chúng ta biết được đâu là công nghệ phù hợp, đáp ứng tốt cho công cuộc phát triển đất nước. Có thông tin về sản phẩm thì sự mua bán mới thuận tiện để thành quả khoa học được ứng dụng, người ứng dụng được lợi, người nghiên cứu tự nuôi được mình.
Tuy nhiên, viễn cảnh win – win trên vẫn chưa khả thi nếu chỉ dựa vào nhân lực và kỹ thuật của Bộ KH&CN. Cần phải có những khảo sát về giá cả, lượng cung – cầu trên thị trường nội địa và xuất khẩu trong hiện tại, những dự báo về biến động trong tương lai, những nghiên cứu đánh giá về môi trường, … Phải có những kết quả ước lượng cụ thể giành cho cá nhân các nhà đầu tư cũng như những kết quả ước lượng tác động lên sự phát triển lâu dài của cộng đồng. Tuy nghị định 115/2005/NĐ – CP đã đem lại động lực để các viện và trung tâm nghiên cứu tìm cách tiếp cận sát sao hơn với thực tiễn các nhu cầu kinh tế – xã hội, nhưng để ra được các con số cụ thể nói trên vẫn là đòi hỏi phi thực tế.
Nhưng nếu không có các đánh giá mang tính định lượng thì rất khó phân biệt chất lượng sản phẩm công việc và đành phải chấp nhận tình trạng chậm tiến đồng loạt (300 người đồng thanh thổi sáo). Vậy nên ngay lập tức Bộ KH&CN cần có các giải pháp mang tính cơ sở bước đầu. Có thể tận dụng nhân lực và kỹ thuật từ các Bộ, ngành khác bằng cách mạnh dạn làm hợp đồng đặt hàng để cho ra các đánh giá về hiệu quả kinh tế và môi trường của từng loại công nghệ và vật liệu mới. Cũng có thể đặt hàng các trường đại học lớn trong nước, qua đó giúp họ giải quyết nhu cầu nghiên cứu ứng dụng. Những kết quả nghiên cứu này có thể còn rất hạn chế, nhiều khiếm khuyết, nhưng rất cần thiết. Chúng là bước đi cơ sở đầu tiên để từ đó có những sản phẩm thông tin tốt hơn.
Lưu ý rằng các kết quả nghiên cứu nói trên sẽ có giá trị phổ cập và lâu dài. Chúng đem đến thông tin hữu ích cho các nhà đầu tư tìm kiếm ứng dụng công nghệ, và cũng rất thiết yếu cho các nhà tư vấn chính sách vùng, miền, quốc gia. Nếu như liên kết được các nguồn lực để cho ra những sản phẩm thông tin đáp ứng các nhu cầu tối cần thiết này thì khả năng khai thác thương mại có thể rất khả thi.
Theo như Bộ trưởng Hoàng Văn Phong thì trong Bộ KH&CN hiện chỉ có một vài cán bộ được đào tạo bài bản về quản lý khoa học và công nghệ. Với lực lượng quản lý mỏng như vậy thì có thể cải thiện đáng kể chất lượng công việc được không? Có lẽ là được nếu có sự tận dụng hợp lý các nguồn lực hiện có trong xã hội thông qua cơ chế thị trường để xây dựng các sản phẩm thông tin thiết thực mà chính thị trường đòi hỏi. Thử nghiệm lần lượt nhưng liên tục ở những cơ quan, lĩnh vực quan trọng đầu tiên. Chưa cần vội vàng rà soát đồng loạt cả 300 người thổi sáo. Hãy thử nghe lần lượt từng người một xem sao!
————–

*: Những chữ in nghiêng là trích dẫn lời Bộ trưởng Hoàng Văn Phong trong Hội nghị Tổng kết năm công tác 2008 của Bộ KH&CN


Tác giả