Nguyên nhân sự mất cân đối trong nghiên cứu cơ bản giữa các vùng/miền ở Việt Nam

Quỹ phát triển khoa học và Công nghệ quốc gia (NAFOSTED) chính thức hoạt động từ năm 2009 với mô hình quản lý tiên tiến theo những chuẩn mực quốc tế, là một trong những đột phá trong lịch sử phát triển khoa học và công nghệ ở Việt Nam. Khoan hãy nói về hiệu quả của mô hình quản lý mới vì Quỹ mới đi vào hoạt động được một năm nhưng ít nhất về quy trình xét tài trợ đã có những đổi mới cơ bản đảm bảo tính công khai, minh bạch và bình đẳng đối với các nhà khoa học. Nhờ có sự công khai như trên dư luận rộng rãi có điều kiện tiếp cận thông tin về tài trợ cho các nghiên cứu cơ bản đợt đầu tiên năm 2009. Tuy nhiên, theo số liệu thống kê cho thấy sự mất cần đối quá lớn trong tài trợ cho NCCB giữa các vùng, miền. Vậy đâu là nguyên nhân chủ yếu có sự mất cân đối đó?





1. Mất cân đối về phân bố nguồn lực KHCN:
Phải thừa nhận một thực tế là nếu căn cứ vào kết quả xét tài trợ đợt đầu của NAFOSTED năm 2009 thì dễ nhận thấy có sự mất cân đối nghiêm trọng giữa 3 khu vực Bắc Trung và Nam. Trong khi số đề tài được tài  trợ ở khu vực miền Bắc chiếm gần 90%, thì cả 2 khu vực miền Trung và miền Nam chỉ chiếm trên 10%. Tuy nhiên, sự mất cân đối này hoàn toàn không xuất phát từ “bất hợp lý”  hay “sự bất cập trong qui trình xét tài trợ” của NAFOSTED mà chính là do sự mất cân đối đã và đang tồn tại lâu nay về sự phân bổ nguồn lực khoa học công nghệ, trong  đó có đội ngũ cán bộ khoa học trình độ cao (tiến sĩ, TS khoa học, giáo sư, phó giáo sư) giữa các vùng miền. Theo một số thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo và của Hội đồng Chức danh giáo sư Nhà nước thì phần lớn lực lượng khoa học, đặc biệt số lượng nhà khoa học có bằng cấp tập trung chủ yếu ở Hà Nội (khoảng 70%) còn các vùng khác ngoài Hà Nội chỉ có khoảng 30% số còn lại.

2. Đầu tư sở vật chất không đều: Có thể nói hiện nay đầu tư cơ sở vật chất như trang thiết bị nghiên cứu, phòng thí nghiệm tập trung chủ yếu ở Hà nội, còn ở các nơi khác không đáng kể. Minh chứng điển hình nhất là có đến 15 trên tổng số 17 phòng thí nghiệm trọng điểm, mỗi phòng thí nghiệm có quy mô đầu từ 3 – 5 triệu USD tạp trung ở  Hà Nội, chỉ 2 phòng thí nghiệm ở TP.HCM (1 cho Đại học Quốc gia TP.HCM và 1 cho Viện Sinh học nhiệt đới). Ngoài ra, thông tin KHCN, hợp tác quốc tế…những điều kiện không kém phần quan trọng cho hoạt động KHCN  cũng hầu như tập trung ở Hà Nội.

3. Tính dấn thân trong nghiên cứu cơ bản

Ngoài sự chênh lệch lớn về nguồn lực lượng khoa học như trên, thì các nhà khoa học ở miền Bắc thường dành nhiều thời gian, sức lực cho nghiên cứu khoa học, đặc biệt là các NCCB hơn các đồng nghiệp phía Nam. Điều này xuất phát từ tình trạng nhà khoa học cũng như bao công chức khác để duy trì cuộc sống thì phải “chân trong, chân ngoài”. Tuy nhiên, thực tế ở phía Bắc nhà khoa học thường cũng chẳng có sự lựa chọn nào hơn để tăng thu nhập nên thường tập trung nhiều hơn cho khoa học, đặc biệt là NCCB, một lĩnh vực truyền thống. Trong khi đó các nhà khoa học ở phía Nam thường có nhiều lựa chọn hơn trong việc làm thêm ít nhất là các dịch vụ mang tính khoa học công nghệ và thường ít quan tâm hơn đến các NCCB là lĩnh vực khó ứng dụng thực tiễn và cũng khó làm ra tiền. Chính có sự khác biệt này mà giới khoa học thường nói các nhà khoa học phía bắc đặc biệt ở Hà Nội ít nhiều còn duy trì được “máu hàn lâm viện” và có nhiều công bố khoa học hơn so với các đồng nghiệp ở phía Nam.

Làm khoa học, nhất là KHCB thì sản phẩm thông thường là các công bố. Công trình nghiên cứu có chất lượng cao, có sự hợp tác quốc tế thì cố gắng công bố quốc tế còn chất lượng thấp hơn thì cũng cố gắng công bố trên tạp chí quốc gia. Đặc biệt ở Việt Nam công bố quốc tế thì quá ít đã đành nhưng ngay cả công bố quốc gia cũng không nhiều. Phần lớn sản phẩm công bố dưới dạng tuyển tập Hội nghị khoa học hay các tạp chí khoa học cấp thấp của trường, viện. Tuy nhiên nếu nhìn váo số lượng công bố các loại thì phần lớn công bố cũng tập trung ở Hà Nội nói riêng và phía Bắc nói chung. Hầu hết các Tạp chí quốc gia hầu như chỉ phục vụ cho cộng đồng khoa học miền Bắc. Là biên tập của Tạp chí Sinh học tôi thấy rất ít bài công bố của các đồng nghiệp ở miền Trung và Nam.

4. Hồ sơ đăng ký tài trợ mất cân đối: Chính sự mất cân đối về nguồn lực KHCN như trên, dẫn đến thực trạng là số người …hồ sơ đăng ký tài trợ trong lĩnh vực NCCB rất khác nhau giữa các vùng miền, phần lớn hồ sơ đăng ký là của các nhà khoa học từ các Viện nghiên cứu và Trường đại học ở khu vực miền Bắc, còn ở miền Trung và miền Nam không nhiều.

Đề minh chứng cho nhận xét trên tôi xin đưa ra số liệu về số đề tài đăng ký và số đề tài được NAFOSTED xét duyệt tài trợ trong lĩnh vực khoa học sự sống (KHSS) năm 2009 (bảng dưới). Trong đợt tài trợ năm đầu của NAFOSTED có tất cả có 196 hồ sơ đăng ký tài trợ, trong đó có 115 đề tài đủ tiêu chuẩn để xét (nghĩa là chủ trì đề tài có công bố ISI trong 5 năm gần đây. Kết quả có 60 đề tài được xét tài trợ (chiếm 52,2% số đề tài đủ tiêu chuẩn xét). Trong số này, khu vực miền Bắc có 97 đề tài đăng ký thì 48 đề tài được xét tài trợ (tỷ lệ gần 49,5%), còn khu vực Trung và Nam có tổng số 18 đề tài đăng ký thì 12 đề tài được tài trợ (chiếm 66,7%).

Bảng 1. Số đề tài được tài trợ, giữa các vùng miền trong các giai đoạn 2005-2008, 2009 và số đề tài đăng ký mới năm 2010 trong lĩnh vực KHSS.

 

Vùng

Số đề tài được tài trợ

Số đề tài đăng ký xét tài trợ  năm 2010

Năm 2006-2008

2009

Khu vực miền Bắc (Hà Nội, Thái Nguyên, Hải phòng, Vinh)

270

48 (97)

57

Khu vực miền Trung (Huế, Đà Nẵng, Nha Trang, Đà Lạt)

32  

11 (13)

5

Khu vực miền Nam (TP.HCM, Cần Thơ)

9

1 (5)

9

Tổng cộng

311

60 (115)

71

Số trong ngoặc đơn là số đề tài đăng ký tài trợ

Nhận xét trên đây còn dựa vào thống kê số đề tài KHCB được tài trợ trong giai đoạn 2005-2008 cũng cho thấy mặc dù với yêu cầu đầu vào và ra thấp hơn nhưng số lượng đề tài NCCB đăng ký và được chương trình KHCB tài trợ cũng rất chênh lệch giữa các vùng miền. Trong khi miền Bắc có 270 đề tài (chiếm gần 87%) thì miền Trung và miền Nam cũng chỉ có 41 đề tài chiếm 13,2% tổng số đề tài được tài trợ. Ngay cả số đề tài đăng ký mới đây để xét tài trợ năm 2010 (mặc dù còn đang trong quá trình xét) cũng thể hiện sự mất cân đối với cùng tỷ lệ chệnh lệch giữa các vùng miền với tỷ lệ gần như 2 đợt tài trợ trước đây. Rõ ràng, sự chệnh lệch này bắt nguồn ngay từ số lượng hồ sơ đăng ký xin tài trợ.
***
Để phát triển KHCN giữa các vùng miền một cách hài hòa và cân đối, ngoài việc tạo ra mạng lưới nghiên cứu và đào tạo cân đối và đồng bộ giữa các vùng miền, Nhà nước cần có chế độ đãi ngộ thích đáng, kèm theo đó là tăng cường đầu tư, tạo điều kiện tốt về cơ sở vật chất cho công việc nghiên cứu để lôi kéo các nhà khoa học đến các vùng mà nguồn nhân lực KHCN còn mỏng. Giải quyết được sự mất cân đối trong nghiên cứu KHCN nói chung và NCCB nói riêng cũng là giải pháp nâng cao năng lực đào tạo nguồn cán bộ KHCN phục vụ cho quá trình phát triển kinh tế xã hội giữa các vùng miền trên cả nước.

———–
* Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật


 

 

Tác giả