25 năm Tia Sáng – Diễn đàn trung thực và đầy trí tuệ

Những nhà khoa học đã đồng hành cùng Tia Sáng suốt một phần tư thế kỷ cùng ôn lại bao thăng trầm và nhắn nhủ nhau tiếp tục gìn giữ, phát huy bản sắc riêng của Tia Sáng, một diễn đàn khoa học trung thực, trí tuệ mà xã hội luôn cần đến.

Ngày 22 tháng 4, Tạp chí Tia Sáng tổ chức buổi kỷ niệm 25 năm ngày thành lập và gặp mặt các cộng tác viên thân thiết. Buổi kỷ niệm có sự tham gia của những cộng tác viên là các nhà khoa học uy tín như GS. Hoàng Tuỵ, GS. Pierre Darriulat, GS. Phạm Duy Hiển, TS. Lê Đăng Doanh, GS. Trần Xuân Hoài…, các lãnh đạo và nguyên lãnh đạo Bộ KH&CN là cơ quan chủ quản của Tạp chí, như nguyên bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân, thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc, cùng nhiều khách mời khác.
Tổng biên tập Phạm Trần Lê đã điểm lại những giai đoạn phát triển chính của Tạp chí, qua đó phản ánh một chặng đường định hình nên những giá trị và bản sắc riêng của Tia Sáng. Tia Sáng thành lập năm 1991, buổi đầu nội dung chỉ chuyên về sở hữu trí tuệ, nhưng đến năm 1997 Tạp chí đã tập hợp được đông đảo tinh hoa trí thức của Việt Nam cùng tham gia đóng góp những tiếng nói phản biện chính sách, trong đó tập trung vào các chính sách khoa học. Tới giai đoạn thứ 2 (2000 – 2010) nội dung phản biện của Tia Sáng đã mở rộng trên mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, v.v. đồng thời nội dung được nâng cao cả về chất lượng cùng tính chuyên nghiệp nhờ sự cộng tác của nhiều nhà báo giàu uy tín và năng lực, đưa Tia Sáng trở thành tổ chức báo chí đi đầu về phản biện xã hội. Tuy nhiên,  kể từ 2010, trước những yếu tố khách quan như sự chuyển giao thế hệ trong đội ngũ cộng tác viên, đồng thời xu hướng phản biện xã hội qua các kênh truyền thông phi chính thống trên mạng xã hội nở rộ, Tia Sáng đã không thể tiếp tục duy trì vị thế tiên phong về phản biện xã hội. Tạp chí đã chuyển đổi sang một hướng đi mới, đó là truyền tải những kinh nghiệm, bài học hữu ích từ các mô hình tiên tiến trên thế giới cho KH&CN.
Nhìn lại trong cả quá trình phát triển đó, Tia Sáng có những đóng góp rất thiết thực cho khoa học nước nhà như là nơi thúc đẩy mạnh mẽ tiếng nói kêu gọi tất cả các đề tài khoa học đều phải có công bố quốc tế (góp phần quan trọng đưa đề xuất này trở thành yêu cầu bắt buộc của quỹ Nafosted với các đề tài nghiên cứu cơ bản trong khoa học tự nhiên), ủng hộ tiến trình dân chủ hoá các tổ chức nghiên cứu công lập, đề cao vai trò độc lập của các nhà khoa học trong phản biện xã hội, chia sẻ nhiều kinh nghiệm hữu ích và chỉ ra những bất cập khó khăn trong liên kết giữa doanh nghiệp và các viện/trường v.v.
Đánh giá chặng đường đã qua của Tia Sáng, GS. Hoàng Tụy, người đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển của Tạp chí, cho rằng “sau 25 năm, Tia Sáng vẫn không thay đổi tôn chỉ, mục đích, vẫn duy trì tính phản biện, góp tiếng nói tử tế”. Cùng quan điểm này TS. Lê Đăng Doanh khẳng định “Tia Sáng đã vượt qua nhiều gian nan để có những thành quả, đóng góp rất nhiệt thành, là cầu nối giữa các nhà khoa học và các doanh nghiệp,… là ngôi nhà của tri thức, đã nói lên tiếng nói đa dạng, đa chiều của giới trí thức.
Tuy nhiên, một cách hài hước, nhà giáo Phạm Toàn khuyến nghị Tia Sáng luôn thật nhưng phải biết đùa để sống được trong thời cuộc nhiều khó khăn. Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ KH&CN cho rằng Tia Sáng là tờ báo phản biện dũng cảm nhưng cũng rất khéo léo để tồn tại được trong xã hội. Theo ông, “đây là tờ tạp chí gần gũi, hàn lâm nhất, thẳng thắn nhất trong tất cả các tờ báo, tạp chí. Trong 25 năm qua, trải bao thăng trầm nhưng Tia Sáng luôn là một tờ báo tử tế, nghiêm túc, khắt khe, là diễn đàn đa chiều, nói được tâm tư của những người trí thức chân chính, để giới trí thức có thể trông cậy, và các cơ quan quản lý rút kinh nghiệm và học hỏi nhiều điều.” Ông cũng khẳng định với tư cách chủ quản, Bộ KH&CN luôn có trách nhiệm để Tia Sáng giữ được bản sắc và tồn tại trong bối cảnh phức tạp”.
Kết thúc buổi gặp gỡ, GS. Pierre Darriulat đề nghị: “Tia Sáng nên tiếp tục là diễn đàn đưa ra các ý kiến của các nhà khoa học để hỗ trợ các nhà quản lý đưa chính sách từ dưới lên (bottom up) thay vì đưa chính sách từ trên xuống (top down). Ông cũng cho rằng Tạp chí nên dành không gian nhiều hơn cho tiếng nói của những người trẻ, tương lai của đất nước”.
Theo truyền thống của Tia Sáng, tương tự như các sự kiện trước, buổi kỷ niệm còn có phần trình diễn những bản nhạc cổ điển, “Sonet 104” và “Träumerei” do nghệ sỹ piano Trang Trịnh trình bày, các trích đoạn “Pourquoi me réveiller”, “La donna è mobile” do tenor Park Sung Min biểu diễn, ca sĩ Đinh Trang góp mặt với các trích đoạn “Pace, Pace, Mio Dio”, “Panis Angelicus” và những nhạc phẩm lãng mạn “Lá thu”, “Xa khơi”. Trong không gian ấm cúng, sau khi ôn lại bao thăng trầm đã qua, các cộng tác viên và những người làm báo Tia Sáng cùng nhắn nhủ nhau sẽ tiếp tục nỗ lực gìn giữ, phát huy bản sắc riêng của Tia Sáng, một diễn đàn khoa học trung thực, trí tuệ mà xã hội vẫn đang cần đến.

Tác giả