Bảo tàng Di sản các nhà khoa học Việt Nam chính thức đi vào hoạt động

Sau 13 năm lưu trữ và bảo quản hàng trăm nghìn tài liệu hiện vật về cuộc đời các nhà khoa học Việt Nam, Trung tâm và Công viên Di sản các nhà khoa học Việt Nam (MEDDOM) đã chính thức cho ra mắt Bảo tàng Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

PGS.TS Nguyễn Văn Huy – Giám đốc chuyên môn của Trung tâm Di sản các nhà khoa học phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: MEDDOM

Đây là bảo tàng đầu tiên về khoa học và các nhà khoa học Việt Nam. Trong lễ ra mắt diễn ra vào ngày 28/11, Trung tâm và Công viên Di sản các nhà khoa học Việt Nam (MEDDOM) cho biết, Bảo tàng được xây dựng trên cơ sở tư liệu mà Trung tâm đã bền bỉ và kiên trì thu thập trong hơn 13 năm hoạt động: 2000 phông lưu trữ cá nhân của các nhà khoa học, lưu giữ và bảo quản hơn 800.000 tài liệu hiện vật, 400.000 phút ghi âm và 150.000 phút ghi hình về cuộc đời của nhà khoa học thuộc 45 chuyên ngành. Trong quá trình tiếp nhận và xử lý, Trung tâm còn tổ chức bảy cuộc trưng bày, triển lãm như “Chuyện nghề địa chất”, “Thẳm sâu trong từng kỷ vật”, “Cháy mãi những đam mê”… cũng như đã xuất bản hai bộ sách thường niên là “Di sản ký ức của nhà khoa học” (8 tập), “Những câu chuyện hiện vật” (4 tập), bốn cuốn sách khác và hàng chục bộ phim về cuộc đời các nhà khoa học. 

Phát biểu tại buổi lễ ra mắt, PGS.TS Nguyễn Văn Huy – Giám đốc chuyên môn của Trung tâm Di sản các nhà khoa học cho biết, trong những năm qua, Trung tâm đã xác lập được quan niệm mới về di sản của các nhà khoa học, đồng thời từng bước hoàn thiện những phương pháp và cách thức tiếp cận, nghiên cứu, bảo tồn và phát huy di sản của các nhà khoa học. Bảo tàng về khoa học và các nhà khoa học ở Việt Nam sẽ phản ánh lịch sử nền khoa học, lịch sử các ngành khoa học nước ta theo diễn trình lịch sử từ những năm đầu thế kỷ XX trở đi kết hợp với các chuyên đề. Từ đó, công chúng sẽ có thể hiểu thêm về những thế hệ các nhà khoa học Việt Nam với những đóng góp giá trị cho khoa học và cho cuộc sống trong tiến trình lịch sử khoa học suốt 100 năm qua.

Song song với hoạt động nghiên cứu và sưu tầm, bảo tàng cũng đã được chuẩn bị cơ sở vật chất khá đầy đủ và hiện đại tại Công viên Di sản ở Cao Phong, Hòa Bình, và trong thời gian tới đây, tòa nhà chính thức của Bảo tàng sẽ được nghiên cứu thiết kế và xây dựng kỹ lưỡng để triển khai các trưng bày mới. “Bằng các tài liệu, hiện vật, kết hợp với ký ức của/về các nhà khoa học – những nhân chứng đã trải qua các thời kỳ lịch sử, bảo tàng sẽ giới thiệu tới công chúng nhiều vấn đề của khoa học, chẳng hạn như: sự xuất hiện, mở rộng, phát triển của các lĩnh vực, các ngành khoa học; sự phát triển mỗi chuyên ngành khoa học gắn với những thành tựu khoa học và các nhà khoa học cụ thể ở mỗi thời kỳ; sự vượt khó và sáng tạo của các nhà khoa học; sự dày công lao động khoa học,…”, PGS.TS Nguyễn Văn Huy cho biết.

Một góc hiện vật của PGS.TS Lê Văn Truyền. Ảnh: MEDDOM

Cũng tại buổi lễ, Trung tâm đã tiếp nhận tài liệu hiện vật của nhà khoa học thứ 2000 – PGS.TS Lê Văn Truyền – nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội khóa IX (1992-1997), người đã có nhiều đóng góp xây dựng chính sách thuốc có giá trị xuyên suốt nhiều thập kỷ đối với ngành dược của Việt Nam, từ đó tạo cơ sở để Bộ Y tế ban hành các chủ trương, chiến lược và giải pháp để thúc đẩy công nghiệp dược trong nước, bảo đảm cung ứng đủ thuốc có chất lượng, sử dụng thuốc an toàn, hiệu quả. Trong hoạt động nghiên cứu khoa học, PGS.TS Lê Văn Truyền đã công bố hàng trăm bài báo nghiên cứu trên các tạp chí chuyên ngành, báo cáo tại các hội nghị, hội thảo trong nước và quốc tế. Ông cũng là chủ nhiệm của nhiều đề tài nghiên cứu như “Tạo nguồn nguyên liệu làm thuốc”, “Nâng cao chất lượng thuốc từ dược liệu” và là phó chủ nhiệm dự án “Phát triển sản xuất Artemisinin từ thanh hao hoa vàng” – công trình khoa học được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2000.

Nhìn về tương lai phát triển của Bảo tàng, PGS.TS Nguyễn Văn Huy kỳ vọng, “Bảo tàng Di sản các nhà khoa học Việt Nam tương lai không chỉ là nơi tham quan để hiểu về lịch sử khoa học, về các nhà khoa học, mà còn là nơi để tìm hiểu những giá trị, phẩm chất của các nhà khoa học, từ đó tạo niềm cảm hứng trong cuộc sống cho mỗi khách tham quan, nhất là thế hệ trẻ. Đây cũng là nơi học tập và khám phá, bởi các tư liệu trưng bày cũng là sử liệu giúp cho những người quan tâm hiểu rõ hơn về lịch sử ngành, hoặc về các vấn đề khoa học. Đồng thời, chúng tôi hi vọng bảo tàng sẽ là nơi khơi dậy tinh thần khoa học cùng niềm tự tôn khoa học của Việt Nam”. 

Tác giả