CANTI (VINATOM) trúng hai gói thầu trong lĩnh vực khai thác và chế biến dầu khí

Sau thành công thực hiện dịch vụ kiểm tra thép carbon trong chân mối hàn thép không gỉ tại nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn năm 2019, mới đây, Trung tâm Ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong công nghiệp - CANTI (Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam), đã trúng liên tiếp hai gói thầu quốc tế và trong nước ở lĩnh vực khai thác và chế biến dầu khí.


Cán bộ CANTI giới thiệu thiết bị gamma-COMET do Trung tâm phát triển để khảo sát tại hiện trường các hiện tượng đóng cặn, ăn mòn vật liệu hay tình trạng lớp bảo ôn đường ống với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại Techmart 2015. Nguồn: CANTI

Với thế mạnh về khảo sát dòng chảy trong mỏ dầu bằng kỹ thuật đánh dấu kết hợp với mô phỏng, xác định online tình trạng của hệ thống để phát hiện rò rỉ, tắc nghẽn, ăn mòn, hư hại bên trong…, CANTI đã mạnh dạn gửi hồ sơ dự thầu “Cung cấp nhân lực, công cụ, thiết bị, chất đánh dấu cho việc bơm chất đánh dấu trên mỏ khí condensate Sư Tử Trắng” do Cửu Long JOC – liên doanh điều hành các hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí theo hợp đồng dầu khí Lô 15.1 ngoài khơi do các công ty của Việt Nam (PV, PVEP) và nước ngoài (ConocoPhillips, KNOC, SK, Geopetrol) ký kết. Việc Cửu Long JOC mở thầu là nhằm có được những cơ sở khoa học tin cậy trước khi quyết định tập trung đầu tư phát triển mỏ Sư Tử Trắng, một mỏ khí ngưng tụ lớn và được coi là một công trình trọng điểm, có ảnh hưởng đến nhiều kế hoạch phát triển khí lớn của Việt Nam.

Là đơn vị độc lập trong nước sử dụng công nghệ đã được đội ngũ cán bộ làm chủ và phát triển qua nhiều năm, CANTI đã không ngại tham gia cuộc chạy đua bỏ thầu quốc tế này bởi họ thấy việc tham gia có ý nghĩa lớn: sân chơi Việt Nam cũng là sân chơi quốc tế nên đây là cơ hội tốt để khẳng định năng lực và quảng bá tên tuổi của CANTI trong lĩnh vực đánh dấu dầu khí. Do đó, khi Cửu Long JOC tuyên bố CANTI thắng thầu, đội ngũ cán bộ của Trung tâm cảm thấy rất vui, dù gói thầu có trị giá không lớn. “CANTI không thể thua trên sân nhà”, giám đốc Nguyễn Hữu Quang nói.  

Gói thầu thứ hai mà Trung tâm giành được là dịch vụ soi gamma của Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn. Dịch vụ này giúp nhà máy có thể phát hiện được các vấn đề bên trong của các thiết bị quan trọng như lệch khay, hư hỏng cơ học, hiện tượng tách nước, ngập khay, kiểm soát mức, tạo bọt, phân phối lỏng hơi chất lỏng, giữ chất lỏng… bằng việc đo đạc cường độ của bức xạ gama truyền qua mà không làm gián đoạn các hoạt động vận hành sản xuất. Tuy từng hỗ trợ Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn và Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn khắc phục nhiều sự cố nhưng “thân quen” không phải là yếu tố giúp CANTI giành được hợp đồng này. “Soi gamma là kỹ thuật truyền qua ứng dụng trong chế biến dầu khí đã được các nước công nghiệp phát triển trên thế giới áp dụng như một dịch vụ thường xuyên bởi có nhiều ưu điểm là khảo sát không phải dừng sản xuất, thời gian khảo sát nhanh, kết quả chính xác và giá thành không cao. Biết được lợi thế đó nên ngay từ khi Việt Nam có Nhà máy Lọc dầu đầu tiên tại Dung Quất, CANTI đã tập trung nghiên cứu và thiết lập quy trình công nghệ cho kỹ thuật này”, ông Nguyễn Hữu Quang giải thích về lý do vì sao Trung tâm đã xây dựng được năng lực để có thể cung cấp dịch vụ kịp thời cho các nhà máy.  

Hợp đồng soi gamma của Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn và CANTI có thời hạn một năm. Theo các điều khoản trong hợp đồng, bất kỳ lúc nào nếu nhà máy có yêu cầu trong vòng 48 giờ, CANTI phải có mặt tại nhà máy để thực hiện dịch vụ. Nếu CANTI đảm bảo chất lượng dịch vụ và đáp ứng kịp thời yêu cầu của nhà máy thì hợp đồng này sẽ được gia hạn tiếp.

Ngay sau khi hợp đồng được ký kết, CANTI đã thực hiện hoạt động kiểm tra đầu tiên với phần bên trong của một tháp trong nhà máy. Mặc dù yêu cầu triển khai gấp nhưng đội ngũ cán bộ vừa làm nghiên cứu, vừa triển khai dịch vụ của CANTI đã tìm ra nguyên nhân trục trặc kỹ thuật của tháp, qua đó thuyết phục các cán bộ kỹ thuật nhà máy, trong đó có cả chuyên gia nước ngoài. Bước đi đầu tiên này dự báo triển vọng hợp tác của CANTI với Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn cũng như nhiều nhà máy khác trong tương lai.

TN/VINATOM

 

Tác giả