Đón đọc Tia Sáng số 23 năm 2021

Điểm nhấn của số báo này chính là những vấn đề quanh chủ điểm “biến đổi khí hậu” và “phát thải”, “ô nhiễm”.

Sau COP26, mọi biên độ của biến đổi khí hậu đã được mở rộng ra và rõ nét hơn với chúng ta. Đi kèm với cụm từ “ấm lên toàn cầu” là những mục tiêu “giảm phát thải”, “công nghiệp xanh”, “nông nghiệp giảm phát thải khí metan”… Việt Nam cần làm gì để có thể đạt được cam kết phát thải bằng không vào năm 2050? Dưới góc nhìn của chuyên gia Minh Hà – Dương, giám đốc nghiên cứu CIRED/CNRS, “Yêu cầu phát thải khí nhà kính phải được triển khai một cách công bằng. Ví dụ, nếu giá điện được tăng lên để đầu tư tài chính vào cơ sở hạ tầng điện lực, thì các hộ gia đình nghèo không phải gánh chịu tác động đó một cách không tương xứng. Mọi vùng miền đều nên được hưởng lợi từ việc mở rộng công nghiệp xanh, kèm theo sự quan tâm đặc biệt đến việc tái chuyển đổi những ngành bị ảnh hưởng nhiều nhất do sự sụp đổ của “đế chế” nhiên liệu hóa thạch”.

Câu chuyện giảm phát thải của Việt Nam không chỉ nằm ở đó. Nó còn ẩn chứa những lớp thông tin khác – ô nhiễm không khí và bụi PM2.5. Đó là điều tồn tại nhiều năm gần đây mà hầu như chúng ta ai cũng từng lo ngại. Trước đây, chúng ta những tưởng hiện trạng đó chỉ xuất hiện ở Hà Nội, TPHCM – hai đô thị đặc biệt của đất nước, nhưng một nỗ lực mới của các nhà khoa học và cả ê kíp Tia Sáng đã cho thấy những gì xảy ra trên thực tế còn hơn thế: tấm bản đồ nồng độ bụi PM2.5 trên phạm vi 63 tỉnh thành đã mở ra cho chúng ta thấy một hiện trạng đồng loại xuất hiện ở nhiều đô thị thuộc các vùng kinh tế trọng điểm: nồng độ bụi PM2.5 vượt ngưỡng quy chuẩn Việt Nam. Có lẽ, phần lớn chúng ta, ai cũng muốn sống ở các thành phố lớn, các trung tâm kinh tế xã hội của cả nước  bởi sự thuận tiện về nhiều lẽ. Tuy vậy, có một điều mà chúng ta còn chưa thực sự quan tâm nhiều lắm, đó là sự thuận tiện ấy đã được đánh đổi bằng việc phải chấp nhận hít thở bầu không khí có nồng độ bụi PM2.5 vượt quy chuẩn ở ít nhất bốn tháng trong năm (các tháng 1, 2, 11, 12).

Đến đây, chúng ta có thể lo lắng và tự hỏi: thế thì khoa học có thể giúp ích gì để giảm thiểu những vấn đề môi trường như thế này? Thật ra, những điều chúng ta vẫn chưa hoàn toàn đúng khi nghĩ về khoa học với các cụm từ “thế giới riêng” hay “tháp ngà”, chỉ làm những “đề tài cất ngăn kéo”. Từ nhiều năm nay, các nhà khoa học Việt Nam nói chung và các nhà khoa học môi trường nói riêng đã bền bỉ làm việc để có thể sẵn sàng tham gia thực hiện hoặc tư vấn cho các nỗ lực giải quyết các vấn đề môi trường. Với ô nhiễm không khí, các nhà khoa học từ Bắc vào Nam đã đi sâu vào nhận diện các điểm nóng ô nhiễm, các thành phần ô nhiễm, phân tích các thành phần của hạt bụi PM2.5, PM10… để xác định sự độc hại, xác định nguồn phát thải, cơ chế phát thải, qua đó đưa ra những biện pháp giải thiểu hữu hiệu, tránh phân tán nguồn lực…

Cái cảm giác ấm áp của người biết được mình không đơn độc trong thế giới này, biết mình luôn có một người bạn đồng hành và cố vấn tin cậy là khoa học, khiến chúng ta cảm thấy vững tin hơn trong một hiện thực và tương lai nhiều bất định. Hi vọng với cụm bài về hạt bụi PM2.5, chúng ta sẽ có cái nhìn mới về ô nhiễm không khí ở Việt Nam. Đây cũng sẽ là chủ đề Tia Sáng sẽ bàn đến nhiều hơn trong năm 2022 với rất nhiều góc độ hoàn toàn mới, vừa chi tiết lại vừa tổng thể để có thể hiểu rõ hơn về những vấn đề bức xúc của chất lượng không khí ở Việt Nam.

Có lẽ cảm giác ấm áp ấy sẽ lan tỏa với những bài viết khác của Tia Sáng số này, khi chúng ta lật giở những trang báo mà số phận con người hiển hiện một cách sống động: “Bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm: Tư duy lập pháp” (Nguyễn Sĩ Dũng), “Dự thảo Luật Dân số: Giảm nhẹ gánh nặng gia đình?” (Thu Quỳnh), “GS. Nguyễn Hoàng Phương, người tiên phong của ngành Vật lý lý thuyết Việt Nam” (Trần Hữu Phát), “Thời gian có thực sự trôi ?” (Nguyễn Hoàng Thạch), “Gió sinh ra sóng như thế nào?” (Nguyễn Quang dịch), “Chương trình nghị sự: Lịch sử trong ống tay áo không cài” (Hiền Trang)…

Vậy thì ngần ngại gì không đọc Tia Sáng số mới!

Bạn đọc có thể đăng ký mua bản giấy, bản PDF và đọc thử các số trước tại đây: https://bit.ly/DatmuaTiaSang

Tác giả