Đường đến quốc gia thịnh vượng: Không thể trông chờ vào các ngành dịch vụ

Goran Roos, nhà kinh tế được tạp chí Direction y Progreso về kinh doanh của Tây Ban Nha bình chọn là một trong 13 nhà tư tưởng có ảnh hưởng nhất thế kỷ 21, chia sẻ với khách mời trong buổi thuyết trình tại Bộ KH&CN rằng: Việt Nam phải đầu tư để tạo ra những sản phẩm xuất khẩu tinh vi, phức tạp, độc đáo và tập trung vào sản xuất thay vì dịch vụ nếu muốn trở thành một quốc gia thịnh vượng.

Buổi thuyết trình diễn ra sáng 22/8 vừa qua nằm trong khuôn khổ chương trình Đối tác Đổi mới Sáng tạo Việt Nam – Phần Lan, thu hút khoảng 200 người tham dự, bao gồm lãnh đạo và cán bộ chủ chốt của Bộ KH&CN; khách mời từ Đại Sứ quán Phần Lan tại Hà Nội; đại diện một số bộ, ngành, trường đại học và các viện nghiên cứu. 
Dưới đây là phần lược thuật bài nói chuyện của Goran Roos.

Tập trung vào thế mạnh hiện tại là không đủ


GS Goran Roos sau buổi thuyết trình tại Bộ KH&CN. Ảnh: Hảo Linh

Hai ngành hàng xuất khẩu do Việt Nam tự sản xuất là dệt may và thủy sản đều có đặc trưng là “biệt lập” đối với các ngành khác và hàm lượng công nghệ lẫn giá trị gia tăng đều thấp. Ở lĩnh vực chiếm tỉ trọng xuất khẩu lớn nhất là đồ điện tử, Việt Nam chỉ đóng góp khâu lắp ráp, còn nghiên cứu, phát triển, làm chủ công nghệ là thuộc về các hãng lớn ở nước ngoài. Với sản phẩm nghèo nàn và kĩ năng đơn giản như hiện nay, Việt Nam luôn là quốc gia bị áp đặt giá cả (price taker), thu hút đầu tư dựa vào sản xuất rẻ chứ không phải là nước định đoạt giá trị của sản phẩm (price maker). Nghiêm trọng hơn, trước sự đột phá của công nghệ, nhân công trong các ngành này, tức là phần lớn người lao động của Việt Nam sẽ mất việc. Điều đó có thể dự đoán trước, chẳng hạn như Foxconn đã sa thải phần lớn công nhân của mình và thay thế bằng robot. 

Một trong những động lực quan trọng tạo nên sự thịnh vượng của một quốc gia là mức độ phức tạp của nền kinh tế. Nền kinh tế được coi là có mức độ phức tạp cao khi có năng lực sản xuất và xuất khẩu những sản phẩm tinh vi và độc đáo so với các nền kinh tế khác. Chẳng hạn, có bao nhiêu nước trên thế giới có thể sản xuất tàu lặn loại thường (conventional submarine)? Chưa đếm hết một bàn tay. Tàu ngầm cần hơn 315.000 linh kiện và đòi hỏi số nhà cung cấp lên đến 1.600. Xây dựng sản phẩm này đòi hỏi một nền kinh tế phức tạp. (Nếu không thì chí ít cũng đòi hỏi một khối lượng tri thức khổng lồ để tiếp cận với sản phẩm tàu ngầm, mua các linh kiện ở đâu, thông số kĩ thuật của nó ra sao).
Tập trung đổi mới sáng tạo trong những lĩnh vực thế mạnh như dệt may và thủy sản liệu có thể giúp biến Việt Nam thành “price maker”? Câu trả lời là không! Dĩ nhiên, các ngành trên vẫn cần đổi mới sáng tạo để tăng độ phức tạp, liên kết nhiều hơn với các lĩnh vực khác (liên kết với ngành hóa học và lâm nghiệp để tạo ra vải từ gỗ giống Thụy Sĩ chẳng hạn) nhằm giải quyết số lao động có nguy cơ mất việc nhưng như vậy vẫn chưa đủ. Do không gian để liên kết với các ngành khác không nhiều, hai lĩnh vực dệt may, thủy sản, dù làm thật tốt cũng không tăng mức độ phức tạp của cả nền kinh tế. Trong lịch sử, các quốc gia thịnh vượng nhất luôn là những nước có nền kinh tế phức tạp, đủ để tạo ra các máy móc công cụ sản xuất, còn những quốc gia kém phát triển hơn chỉ là nước sử dụng lại những sản phẩm này.  
Chính vì vậy, Việt Nam cần đầu tư cho những lĩnh vực đòi hỏi tính liên ngành cao và ít nước có thể sản xuất được. Chẳng hạn, trong lĩnh vực điện tử, Việt Nam nên đầu tư về con người, cơ sở vật chất và nghiên cứu để sản xuất những thiết bị tiêu dùng thông minh theo xu hướng Internet của vạn vật.  

Tập trung vào sản xuất thay vì dịch vụ
“Sẽ không có internet của vạn vật nếu không có vật” (vật ở đây còn bao gồm những sản phẩm số) – tất cả những ngành dịch vụ có mức lương cao nhất đều có liên quan gián tiếp hoặc trực tiếp tới sản xuất. Các quốc gia tạo dựng sự thịnh vượng thông qua việc cải thiện năng suất, và hoạt động sản xuất có thể tăng năng suất nhanh gấp 6 đến 10 lần so với hoạt động dịch vụ. Việt Nam cần tập trung vào hoạt động sản xuất thay vì dịch vụ, bởi sản xuất chiếm tỷ trọng lớn trong xuất khẩu, có ảnh hưởng tới những ngành và lĩnh vực khác – bao gồm cả dịch vụ. Cứ mỗi công việc trong lĩnh vực sản xuất sẽ phát sinh thêm 2 – 3 công việc trong các lĩnh vực kinh tế khác. Khối lượng sản xuất cũng quyết định cán cân thanh toán của một quốc gia là xuất siêu hay nhập siêu, bởi tỷ trọng dịch vụ xuất khẩu chỉ loanh quanh mức 20% trong nhiều năm qua). Kinh nghiệm của Thụy Điển cho thấy, hơn 70% các dịch vụ xuất khẩu có liên quan đến hoạt động sản xuất và không thể tồn tại nếu thiếu sản xuất. 

Hiện nay là thời điểm đầu tiên trong lịch sử mà các ngành dịch vụ chịu sự ảnh hưởng của công nghệ ngang với những ngành sản xuất. Điều đó có nghĩa là, mặc dù số dịch vụ có thể tăng lên nhưng số người lao động trong lĩnh vực này sẽ giảm xuống. Năng suất của các công ty luật tăng 10-12% mỗi năm trong khi của các dịch vụ phụ trợ cho các công ty này chỉ tăng 4-5%. Điều đó chứng tỏ rằng, họ đã giảm mạnh việc thuê người, cắt giảm toàn bộ văn phòng hành chính. 
Trong tương lai, các ngành dịch vụ là sẽ đóng vai trò tạo điều kiện cho khối sản xuất chứ không tách ra như một lĩnh vực riêng. Những lao động trong khối sản xuất, về cơ bản sẽ được trả lương cao hơn và công việc ổn định hơn.  

 

 

 

Tác giả