Facebook cung cấp dữ liệu người dùng cho các nhà khoa học xã hội

Nhờ đó, các nhà khoa học có thể điều tra cách thức mà các nền tảng truyền thông xã hội gây ảnh hưởng đến các cuộc bầu cử và làm ảnh hưởng đến nền dân chủ.

Nhờ đó, các nhà khoa học có thể điều tra cách thức mà các nền tảng truyền thông xã hội gây ảnh hưởng đến các cuộc bầu cử và làm ảnh hưởng đến nền dân chủ.

Cụ thể, họ sẽ trả lời các câu hỏi như tin giả lan truyền như thế nào, ai phân phối và làm thế nào để xác định được các tin đó. Các dự án nghiên cứu đã bắt đầu vào ngày 28/4 và sẽ tập trung vào khảo sát ở các quốc gia Đức, Chile, Ý và Hoa Kỳ.

Những người ủng hộ ứng cử viên tổng thống Sebastian Piñera (Chile) trong một cuộc họp mặt bầu cử năm 2017. 

Để làm được điều đó, các nhà khoa học sẽ có quyền truy cập vào các luồng dữ liệu của Facebook, như các URL người dùng đã chia sẻ và thông tin nhân khẩu học như giới tính, độ tuổi xấp xỉ.Facebook, từng bị cáo buộc vi phạm quyền riêng tư liên quan đến chiến dịch bầu cử năm 2016 của Tổng thống Mỹ Donald Trump, đang phát triển các biện pháp bảo vệ mới nhằm bảo vệ danh tính người dùng.

Các nhóm nghiên cứu được chọn bởi Hội đồng nghiên cứu khoa học xã hội Mỹ và Social Science One, sáng kiến hợp tác giữa các nhà khoa học và khu vực tư nhân và là đối tác với Đại học Harvard. Một liên minh gồm tám tổ chức từ thiện sẽ tài trợ cho các nhóm nghiên cứu. Và Facebook không tham gia vào việc lựa chọn các dự án.

Chương trình này có thể tạo tiền lệ cho việc các nhà khoa học xã hội làm việc với các công ty để truy cập thông tin truyền thông xã hội – đang ngày càng mạnh trong việc định hình những diễn ngôn công cộng, theo Simon Hegelich, một nhà khoa học dữ liệu chính trị tại Đại học Kỹ thuật Munich, Đức.

Hegelich dẫn đầu một nhóm, nghiên cứu việc lan truyền thông tin sai trong cuộc tổng tuyển cử năm 2017 ở Đức, sử dụng dữ liệu từ Facebook và Twitter. Các nhà nghiên cứu đã có một danh sách các tài khoản Twitter có liên quan đến việc tuyên truyền thông tin sai lệch trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2016 tại Hoa Kỳ. Họ phát hiện ra rằng một số tài khoản đó cũng đang hoạt động ở Đức và họ liên kết chúng với các tài khoản Facebook có cùng tên người dùng và nội dung tương tự. 

Nhóm sẽ có quyền truy cập dữ liệu của Facebook để xác định phạm vi chiến dịch lan truyền thông tin sai đã diễn ra ở Đức. Hegelich và các đồng nghiệp cũng cố gắng xác định có bao nhiêu người đã chia sẻ các liên kết mà những tài khoản đó đăng tải, cũng như giới tính, độ tuổi của người dùng. Họ hi vọng sử dụng những kết quả thu được để nhận dạng những nỗ lực lan truyền thông tin sai khác nếu có.

Facebook không được tham gia

Các nhóm dự án này có độ truy cập dữ liệu sâu hơn nhiều nghiên cứu trước đây, khi mà các nhà nghiên cứu bị giới hạn bởi các bộ dữ liệu hạn chế, Michael Veale, nhà nghiên cứu chính sách công nghệ tại Viện Alan Turing, London, cho biết.

Còn Facebook sẽ không có tiếng nói trong việc phê duyệt hoặc cản trở việc xuất bản kết quả nghiên cứu của những dự án trên, ngay cả những kết quả có thể ảnh hưởng xấu đến công ty sẽ vẫn được chia sẻ, theo Sebastián Valenzuela, nhà nghiên cứu truyền thông tại Đại học Công giáo Chile.

Valenzuela đang đồng chủ nhiệm một dự án về lan truyền tin giả trên Facebook trong cuộc tổng tuyển cử năm 2017 ở Chile. Nhóm nghiên cứu hy vọng sẽ định lượng được xem nhóm nhân khẩu học Chile nào có khả năng bị phơi nhiễm tin giả nhất.

Đây là dự án đầu tiên tập trung vào Chile, “Những bằng chứng trước đây có được chủ yếu là về Hoa Kỳ. Tôi không chắc chúng sẽ áp dụng được cho những quốc gia Mỹ Latinh”, học giả Chile này cho hay.
Veale rất vui khi thấy hàng loạt các dự án từ khắp nơi trên thế giới, nhưng cũng hơi thất vọng vì không có nghiên cứu nào tập trung vào Ấn Độ, quốc gia có lượng người dùng Facebook lớn nhất. 

Tính đặc thù về địa lý có thể đặc biệt quan trọng khi các nhà hoạch định chính sách phải cố gắng xử lý các chiến dịch cố ý truyền thông tin sai lệch. “Nếu không hiểu rõ vấn đề tin tức giả thì các giải pháp chúng ta đang xây dựng có thể sẽ chẳng phù hợp”, Valenzuela nói.

Ngô Hà lược dịch
Nguồn tin & ảnh: https://www.nature.com/articles/d41586-019-01447-5

 

 

Tác giả