Những thăng trầm trong nghiên cứu biển Đông

Nghiên cứu về biển Đông ở Việt Nam đã trải qua những "thăng trầm" khác nhau, từ bị "lãng quên" trong giai đoạn 1970 - 1990, đến nay đã thu hút sự quan tâm chú ý không chỉ của giới nghiên cứu mà còn cả công luận rộng rãi. Tuy vậy, hầu như vẫn chưa có chiến lược nghiên cứu một cách hệ thống, bài bản, liên ngành.


TS. Trần Trọng Dương

Đó là những quan điểm khái quát của TS. Trần Trọng Dương về các nghiên cứu khoa học xã hội (KHXH) về biển Đông trong buổi nói chuyện trước công chúng “Nghiên cứu biển Đông – triển vọng và lộ trình” ngày 30 tháng 7 vừa qua. Buổi nói chuyện đã thu hút sự tham gia của nhiều khán giả và các nhà nghiên cứu từ nhiều chuyên ngành khác nhau cùng có mối quan tâm về biển Đông.

Tại buổi nói chuyện, TS. Trần Trọng Dương đã tổng luận lộ trình nghiên cứu về biển Đông trong KHXH từ khoảng những năm 1970 cho tới nay. Nhìn chung, trước 1995, chủ đề này chưa được giới quản lý khoa học và các học giả quan tâm đúng mức, các sản phẩm nghiên cứu lẻ tẻ, chưa tạo được dấu ấn trong dư luận cũng như đối thoại quốc tế. Từ sau 2000, số lượng các nghiên cứu, công bố KHXH về chủ đề này tăng mạnh. Nhiều cơ quan nghiên cứu biển Đông trực thuộc các Viện, trường đại học, Quỹ nghiên cứu biển Đông hoặc các chương trình nghiên cứu biển Đông đã ra đời. Một số nhóm nghiên cứu thuộc các chuyên ngành sử học, văn hóa, bản đồ học… đã thực hiện những công trình rất công phu và có công bố quốc tế, góp phần đẩy mạnh thảo luận với giới học thuật nước ngoài. Tuy vậy, các nghiên cứu KHXH về biển Đông ở Việt Nam vẫn còn chưa có một hệ thống với chiến lược mang định hướng tổng quát, mục tiêu dài hạn mà dường như mới mang tính bộc phát, “thời vụ”. Trong khi đó, Trung Quốc đầu tư mạnh mẽ vào các nghiên cứu về biển Đông với chiến lược bàn bản, quy mô lớn.

Để nghiên cứu KHXH biển Đông có cơ hội phát triển trong tương lai, TS. Trần Trọng Dương gợi ý một lộ trình nghiên cứu có tính hệ thống, liên ngành, trong đó bước đầu tiên là xây dựng một cơ sở dữ liệu về các đề tài nghiên cứu, mức độ triển khai, sắp xếp thứ tự theo mức độ quan trọng để ưu tiên tập trung nghiên cứu. Trọng tâm các định hướng giải pháp tiếp theo là đào tạo nhà khoa học, hợp tác giữa các cơ quan nghiên cứu, dịch thuật một cách hệ thống các nghiên cứu của nước ngoài cũng như các tư liệu gốc trong lịch sử…


TS. Phạm Sỹ Thành

Đến dự buổi nói chuyện, TS. Phạm Sỹ Thành, Giám đốc Chương trình nghiên cứu Trung Quốc, viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách có quan điểm khá lạc quan khi đánh giá tình hình nghiên cứu về chủ đề biển Đông bởi theo anh, Việt Nam hiện đã có một đội ngũ những chuyên gia về luật biển, thương mại biển, quan hệ ngoại giao… có khả năng nhất định để tham gia thảo luận học thuật ở tầm quốc tế. Anh cũng nhấn mạnh, do nguồn lực hữu hạn nên nghiên cứu biển Đông không thể tiến hành tràn lan mà phải căn cứ theo những mục tiêu có tính ưu tiên, “trước mắt phải tập trung vào công nghệ biển, quân sự biển, quan hệ quốc tế và luật quốc tế để chủ động và tăng cường đối thoại với các bên về vấn đề biển Đông và bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam”.

Một số nhà nghiên cứu khác đến tham dự buổi nói chuyện cùng trao đổi với diễn giả ở khía cạnh quản lý nghiên cứu với quan điểm cho rằng nhà nước nên có những quan tâm đúng mức và tạo sự “thông thoáng” hơn cho các nhà khoa học khi nghiên cứu về biển Đông bởi nhiều nhà khoa học vẫn còn vướng phải rào cản “nhạy cảm” khi nghiên cứu và công bố về vấn đề này. Đồng thời, có ý kiến cho rằng cần phải nghiên cứu một cách hệ thống nguồn tư liệu của Trung Quốc, Đài Loan để biết các nước này đã nghiên cứu gì về biển Đông.

Tác giả