Ứng dụng công nghệ cảm biến: Cách người dân giám sát chất lượng không khí

Diễn ra vào ngày 30/9/2021, hội thảo trực tuyến Hội thảo “Ứng dụng công nghệ cảm biến trong giám sát chất lượng không khí” sẽ cập nhật xu hướng tích hợp công nghệ cảm biến trong quan trắc chất lượng không khí trên quốc tế và Việt Nam.

Trong một vài năm trở lại đây, tình trạng ô nhiễm không khí ở các đô thị lớn như Hà Nội, TP. HCM đang được báo động khi nhiều chỉ số quan trọng như nồng độ bụi PM2.5, nồng độ Nox, SO2… đều vượt ngưỡng cho phép. Tuy nhiên, theo các nhà nghiên cứu về chất lượng không khí, dữ liệu chất lượng không khí ở Việt Nam thường không đầy đủ và không liên tục, ngay cả ở TPHCM và Hà Nội. Nguyên nhân của tình trạng này là các trạm quan trắc chất lượng không khí do các cơ quan nhà nước quản lý chưa đủ độ phủ trên các đô thị lớn hoặc có những lúc hoạt động không liên tục. Trong khi đó, người dân ngày một quan tâm hơn đến môi trường minh đang sống và thường đặt câu hỏi “liệu môi trường không khí quanh chúng ta có đủ an toàn?”, “có cách nào để phát hiện ra những thời điểm ô nhiễm vượt ngưỡng?”

Thật may là trong thời gian qua, một loạt mạng lưới quan trắc sử dụng cảm biến chi phí thấp đã xuất hiện ở Việt Nam, bắt đầu cung cấp thông tin về chất lượng không khí ở những địa điểm mà trước đây chưa hề có. ​​​​Thu thập dữ liệu từ hàng ngàn thiết bị cảm biến chi phí thấp do các gia đình hay tòa nhà tự lắp đặt, các mạng lưới này chia sẻ công khai dữ liệu quan trắc chất lượng không khí theo thời gian thực lên các nền tảng công nghệ để tất cả mọi người dễ dàng theo dõi. Có thể kể đến những ứng dụng nước ngoài nổi bật như AirVisual, Air Matters, Air Quality, Windy; hay các ứng dụng nội địa đang được doanh nghiệp trong nước tự phát triển, bao gồm PAM Air, tMonitor, Puritrak…

Dữ liệu mới đầy đủ hơn, dễ theo dõi hơn đã bắt đầu làm thay đổi nhận thức về ô nhiễm không khí, khiến chúng trở nên “hữu hình” hơn với tất cả mọi người. Họ bắt đầu có thói quen kiểm tra tình hình chất lượng không khí mỗi khi ra khỏi nhà, và quan tâm đến những giải pháp giảm thiểu ô nhiễm không khí.

Tuy nhiên, làm thế nào để tận dụng dữ liệu chất lượng không khí mình đang có, đề đạt nguyện vọng lên chính quyền và tham gia cùng các tổ chức xã hội – chính quyền trong việc gìn giữ bầu không khí mình hít thở hằng ngày cho thật sự hiệu quả? Tại hội thảo “Ứng dụng công nghệ cảm biến trong giám sát chất lượng không khí”, các chuyên gia sẽ·gợi ý cách thức thông qua những câu chuyện và bài học kinh nghiệm của nhiều cộng đồng và mạng lưới cảm biến hữu dụng đang triển khai ở Bắc Kinh, London, Seoul, Bangkok…

Đặc biệt, người dân Bắc Kinh thành công khi thúc đẩy chính quyền thực hiện các chính sách môi trường thiết thực, qua đó dẫn đến sự ra đời của chính sách Kế hoạch hành động vì không khí sạch (Clean Air Action Plan) lần thứ nhất năm 2013 với ngân sách 750 triệu USD/năm nhằm mục tiêu cắt giảm nồng độ bụi PM2.5 thông qua một loạt giải pháp:chuyển các nhà máy nhiệt điện than sang nhiệt điện khí, thay lò đốt than bằng lò đốt khí và điện, tăng hiệu quả sử dụng phân bón trong nông nghiệp, cấm đốt chất thải rơm rạ, chuyển đổi nhiên liệu cho các phương tiện giao thông…

Bên cạnh đó, trong hội thảo này, các diễn giả, nhà nghiên cứu sẽ cùng nhau thảo luận về các đặc điểm của công nghệ cảm biến theo dõi chất lượng không khí và chia sẻ bài học kinh nghiệm về việc áp dụng cảm biến cho các mục đích khác nhau.

​Hội thảo do Trung tâm Sống và Học tập vì Môi trường và Cộng đồng (Live&Learn), Đối tác Không khí sạch Châu Á – Thái Bình Dương (APCAP), Mạng lưới không khí sạch Việt Nam (VCAP) và Tạp chí Tia Sáng đồng tổ chức.

◾ Thời gian: 8h30 – 11h30, Ngày 30 tháng 9 năm 2021 (Thứ Năm)

◾ Hình thức: Trực tuyến qua Zoom và phát trực tiếp trên TIA SÁNG.

◾ Ngôn ngữ: Anh – Việt (dịch song song)

◾ Đăng ký tham dự: https://bit.ly/3uar1nX  (Ban tổ chức sẽ gửi thông tin báo chí và tài liệu một ngày trước hội thảo)

Theo tài liệu công bố gần đây của UNEP, 60% các quốc gia (tương đương 1,3 tỷ người hay 18% dân số thế giới) đang không được tiếp cận với thông tin liên tục hay báo cáo hàng năm về chất lượng không khí từ các trạm quan trắc PM2.5 mặt đất. Theo dõi chất lượng không khí không giúp làm giảm mức độ ô nhiễm, nhưng dữ liệu từ việc quan trắc giúp xây dựng thông tin rõ ràng về hiện trạng và kêu gọi hành động. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nêu rõ ô nhiễm không khíhiện là một trong những mối đe dọa môi trường lớn nhất đối với sức khỏe con người, gây ra 7 triệu ca tử vong sớm mỗi năm. Nhiều nghiên cứu mới nhất cũng chỉ ra rằng dịch COVID-19 có xu hướng nghiêm trọng hơn ở những khu vực bị ô nhiễm không khí nặng hơn. Tại Hà Nội, nghiên cứu mới đây của trường Đại học Y tế công cộng về tác động của ô nhiễm bụi PM2,5 đến sức khỏe cộng đồng năm 2019 đã chỉ ra, nếu nồng độ bụi PM2,5 trên địa bàn Hà Nội được kiểm soát, kỳ vọng sống của người dân Hà Nội có thể tăng lên ít nhất từ 2-3 năm.

 

 

 

Tác giả