Chuyên gia Mỹ – Việt chia sẻ kinh nghiệm bảo vệ tài nguyên nước

Từ nhiều thập kỷ gần đây, Mỹ đã ngừng xây thêm đập thuỷ lợi và tập trung di dời các con đập cũ, có hại để giảm thiểu tác hại mà chúng có thể gây ra đối với sông ngòi và đời sống con người, bà Shana Udvardy – Giám đốc Chương trình Khôi phục Sông ngòi thuộc tổ chức Sông ngòi Hoa Kỳ, cho biết.

Cũng tại hội thảo “Các tổ chức xã hội dân sự: Chia sẻ kinh nghiệm ứng phó với Biến đổi khí hậu trong lĩnh vực Tài nguyên Nước” diễn ra tại Hà Nội mới đây, bà Udvardy còn trình bày về “Phong trào phục hồi các dòng sông tại Hoa Kỳ”.

Bà nhấn mạnh, Chính phủ Mỹ đã ban hành các đạo luật về môi trường trong đó có rất nhiều đạo luật liên quan đến môi trường nước được thay đổi và bổ sung trong nhiều năm từ 1930 đến 1970. Các tổ chức xã hội như “Hiệp hội các kỹ sư Quân đội Hoa Kỳ”, “Cục khai hoang Hoa Kỳ” v.v… được thành lập để đứng ra quản lí cũng như làm cầu nối giữa chính phủ và người dân trong phong trào này. Các tổ chức này đã cố gắng không ngừng trong việc thay đổi nhận thức của người dân cũng như những các nhà lãnh đạo về vấn đề liên quan đến khai thác thuỷ lợi và xây dựng, quản lí các con đập. Việc xây đập thủy lợi có tác động xấu đến sông ngòi do đập sẽ sinh ra khí metan làm ô nhiễm lòng hồ và ảnh hưởng rất lớn đến các loài thuỷ sinh, bên cạnh đó, trên lãnh thổ Mỹ, có hơn 4.000 trên tổng số 85.000 đập thuỷ lợi không an toàn cũng là nguyên nhân gây ra lũ lụt lớn trong bối cảnh chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.

Tại hội thảo do Trung tâm Bảo tồn và Phát triển Tài nguyên nước, Mạng lưới sông ngòi Việt Nam (Warecod) và Đại sứ quán Hoa Kỳ tổ chức, các chuyên gia Việt Nam và Mỹ bày tỏ quan ngại biến đổi khí hậu sẽ làm lượng mưa thay đổi gây ra lũ lụt và hạn hán, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người dân thuộc các lưu vực sông.

Xung quanh vấn đề quản lý tài nguyên nước, chuyên gia hai nước cùng thảo luận về “kinh nghiệm quản lý tổng hợp lưu vực sông Mississippi – Mỹ và lưu vực sông Hồng – Việt Nam”. Theo đó, các giải pháp cho sông Mississippi của Mỹ như dỡ bỏ các kênh giao thông đường thuỷ, mở rộng lòng sông và quản lí những chương trình liên quan được coi là những giải pháp khá mới mẻ cho việc quản lí, cải tạo sông ngòi của Việt Nam.

Theo các chuyên gia Việt Nam, tình trạng quản lí sông ngòi ở các địa phương của Việt Nam còn rất lỏng lẻo, phần lớn phản ánh của người dân chưa được phản hồi và giải quyết thấu đáo, bản thân người dân cũng chưa được tiếp cận và nhận thức đúng về tác động của suy thoái sông ngòi. Những vấn đề như hiện trạng suy thoái sông ngòi, vấn đề chính sách quản lí, đặc biệt là luật môi trường sau năm lần sửa đổi vẫn chưa đi đến sự thống nhất, chính là những tồn tại cần thay đổi để việc sử dụng tài nguyên nước ở Việt Nam được thực hiện tốt hơn.

 

Tác giả